Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

NGÔ TẤT TỐ - NGƯỜI ĐỨNG VỀ PHÍA ÁNH SÁNG CỦA LƯƠNG TRI.


 

Hội Nhà văn Việt Nam mới đây (tháng 5/2023) đã tổ chức kỷ niệm 130 năm sinh nhà văn Ngô Tất Tố (1893-2023). Giữa những tên tuổi văn hóa, văn nghệ lừng lẫy đầu thế kỷ 20, Ngô Tất Tố là một trong các gương mặt nổi bật nhất. Dù xuất thân Nho gia song Ngô Tất Tố đã “nhập thế” để vượt lên trở thành một nhà văn hiện thực phê phán hiện đại. Ngô Tất Tố còn là một nhà nghiên cứu, một dịch giả, nhà báo xuất sắc, vì lẽ đó có thể không ngần ngại khi gọi ông là nhà văn hóa. Dù xuất thân Nho gia song Ngô Tất Tố đã “nhập thế” để vượt lên trở thành một nhà văn hiện thực phê phán hiện đại. Ngô Tất Tố còn là một nhà nghiên cứu, một dịch giả, nhà báo xuất sắc, vì lẽ đó có thể không ngần ngại khi gọi ông là nhà văn hóa.
1/. Chí khí quân tử của một nhà nho.
Ngô Tất Tố (1893-1954) là một trong những tên tuổi nổi bật của văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, trưởng thành trong buổi giao thời giữa cựu học và tân học, giữa văn hóa Việt và văn hóa phương Tây, giữa văn chương cổ điển và văn chương hiện đại, Ngô Tất Tố cùng với những Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải... tạo nên một thế hệ nhà văn “nhà nho-trí thức” độc nhất vô nhị của văn học Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 20. Được tắm mình trong bầu không khí “cửa Khổng sân Trình” từ thuở ấu thơ với sự rèn cặp kỹ lưỡng của người thân, nên việc Ngô Tất Tố có một nền học vấn uyên bác về Nho giáo là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Ông từng tham gia nhiều cuộc thi truyền thống do nhà Nguyễn tổ chức, từng đỗ đầu kỳ thi khảo hạch ở Bắc Ninh nên được người đời gọi là “đầu xứ Tố”. Phẩm chất nhà nho trong con người Ngô Tất Tố còn bộc lộ rõ qua văn nghiệp. Ngòi bút của ông, trên cả hai phương diện nhà văn và nhà báo, đều thể hiện rõ ràng tư tưởng “văn dĩ tải đạo” và quan niệm “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Những tác phẩm ông viết đã vạch trần và phê phán, đả kích một cách quyết liệt tội ác của giới thực dân cầm quyền, quan lại địa phương, đám bồi bút và bọn gian thương làm giàu bất chính đối với những người dân nghèo cùng khổ, đặc biệt là tầng lớp nông dân ở nông thôn. Qua sự miêu tả, châm biếm sâu cay của ông, các nhân vật thuộc tầng lớp trên như Nghị Quế, quan huyện, quan cụ (Tắt đèn), Bùi Tiến M (Té ra ông Bùi Tiến M... trúng số không vì vận đỏ)... đều hiện lên với tất cả sự xấu xa bỉ ổi của giai cấp thống trị như độc ác, tàn bạo, dâm dục, tham lam, tráo trở... Sự phê phán, đả kích giai cấp thống trị của ông mạnh mẽ đến mức khiến giới cầm quyền đương thời “ngứa mắt”, đưa ông vào “danh sách đen”. Ngô Tất Tố từng bị thực dân Pháp cấm in sách, quản thúc ở quê không cho lên Hà Nội và thậm chí bị tạm giam vài tháng.
Không chỉ phê phán giai cấp thống trị, Ngô Tất Tố còn đả kích những hủ tục núp bóng dưới danh xưng “văn hóa”, “lễ nghĩa” đã “làm tình làm tội” khiến người dân “khốn khổ khốn nạn” bao đời nay như chuyện ma chay (Món nợ chung thân, Nén hương sau khi chết...), cúng bái, lễ lạt (Con gà thờ, Một đám vào ngôi)... Ông đi sâu vào tìm hiểu đời sống của người nông dân, bày tỏ tình thương xót, cảm thông với những mảng đời bất hạnh, éo le của họ (Làm no, Tắt đèn...). Tất cả những sự phê phán, đả kích giai cấp thống trị và tình yêu thương, lòng trắc ẩn ấy được Ngô Tất Tố thực hiện dưới nhãn quan thực tế, khách quan, cởi mở, tiến bộ của người trí thức hiện đại, với sự xông xáo của một nhà báo năng nổ, xông pha trên những “mặt trận nóng bỏng nhất” như lời nhận định của nhà văn Nguyên Hồng: “Ngòi bút rắn chắc của Ngô Tất Tố đã không e dè đưa lên những sự thật. Người nông dân giãy lên trên những dòng chữ của Ngô Tất Tố... Cái mạnh, cái sắc của Ngô Tất Tố ở chỗ dám nhìn thẳng vào sự thực, căm giận, chửi rủa và phá bỏ. Cái mạnh, cái sắc của Ngô Tất Tố còn ở chỗ đi sâu vào những khía cạnh đen tối, sai trái của kẻ thù”. Chính vì vậy, văn chương, báo chí của Ngô Tất Tố gần với các nhà hiện thực chủ nghĩa hơn là các nhà nho cổ điển.
Theo dòng thời gian, ông “đầu xứ Tố” có một vị trí vững chắc trên văn đàn Việt. Tên của ông đã được đặt cho nhiều con đường ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Nhiều tác phẩm của ông có chỗ đứng nhất định trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc. Lý giải về điều này, có ý kiến cho rằng sở dĩ những tác phẩm của Ngô Tất Tố được “săn đón” ở thời điểm hiện tại vì chúng là một “kho tư liệu quý” để hậu thế tìm hiểu về “một thời vang bóng” đã qua, về số phận nông dân, trí thức Nho học cuối mùa. Cách lý giải như trên cũng có phần đúng nhưng chưa thật khoa học, chưa thấy được cái căn cốt văn chương làm nên sức hấp dẫn với bạn đọc trong tác phẩm của Ngô Tất Tố. Nếu chỉ cần tìm hiểu về những giá trị xưa cũ, về thân phận người nông dân, trí thức, về lịch sử khoa cử của cha ông ta ngày xưa, bạn đọc có nhiều cách khác nhau như tìm đọc tài liệu thuộc các lĩnh vực lịch sử, giáo dục, văn hóa học, dân tộc học... Những tài liệu thuộc các lĩnh vực ấy còn cung cấp tư liệu một cách đầy đủ, chi tiết hơn những tác phẩm của Ngô Tất Tố. Mặt khác, đương thời, ngoài ông còn một số nhà văn khác cũng viết về những vấn đề trên, ví như Chu Thiên với các tác phẩm "Bút nghiên", "Nhà nho". Tuy nhiên, cho đến nay tên tuổi Chu Thiên mới chỉ dừng lại trong phạm vi của giới nghiên cứu, phê bình văn học chứ không có tầm “phủ sóng toàn quốc” như Ngô Tất Tố. Chúng ta cần xác quyết chắc chắn rằng chính những giá trị chân-thiện-mỹ, những tư tưởng, triết lý sâu sắc, tính thời sự trong nội dung và sự độc đáo, mới mẻ về nghệ thuật-chứ không phải là đề tài-mới là những yếu tố giúp tác phẩm của Ngô Tất Tố sống mãi với thời gian.
2/. Vươn tầm trở thành một nhà văn hóa.
Với bất cứ đề tài nào, vấn đề gì, dù viết báo hay sáng tác văn chương, Ngô Tất Tố đều viết với cái tâm trong sáng của người cầm bút, với tấm lòng yêu nước, thương dân như lời nhận xét của nhà nghiên cứu Mai Hương: “Vượt lên mọi hư danh, cám dỗ, Ngô Tất Tố "đã biết đánh đổi cơm áo để lấy cái quyền viết theo chỉ thị của trái tim mình", trái tim chỉ thuộc về đất nước mà ông hết lòng yêu thương, chỉ thuộc về nhân dân mà ông thiết tha gắn bó. Chính đó là cái lõi để tạo nên tài năng lớn, đa dạng nơi ông”. Các tác phẩm của ông là “tấm gương phản chiếu” chân thực, sống động một giai đoạn tăm tối của đất nước đầu thế kỷ 20, giúp bạn đọc hình dung rõ ràng, cụ thể về đời sống sinh hoạt xã hội, có nhận thức đúng đắn về thân phận, bản chất của từng giai cấp trong hoàn cảnh ấy. Ngô Tất Tố đã xây dựng được những hình tượng độc đáo, những “nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình” mang các giá trị tiêu biểu cho cốt cách, tâm hồn người Việt Nam nói chung cũng như giai đoạn đầu thế kỷ 20 nói riêng. Cho đến nay, chị Dậu (Tắt đèn) với những phẩm chất cao đẹp như đảm đang, tháo vát, hết lòng hết dạ vì chồng vì con vẫn là một trong những nhân vật mang tính đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Chàng nho sĩ Vân Hạc (Lều chõng) gợi nên những vẻ đẹp của một nhà nho tài tử cuối cùng. Hồ Xuân Hương (Trong rừng Nho) là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, mang trong mình tư tưởng khai phóng, đả phá những kẻ “hủ nho” và lối văn chương trường quy khô khan, cứng nhắc.
Về nghệ thuật, các tác phẩm của ông mang đậm đặc trưng của nền văn chương và báo chí phương Tây trên nhiều phương diện như: Thể loại (tiểu thuyết, ký, phóng sự, tản văn), cấu trúc, ngôn ngữ... Ông đề cao lối viết giản dị, phù hợp với trình độ bạn đọc. Nhà văn Vũ Bằng cho biết, Ngô Tất Tố từng khuyên mình phải viết “cho sáng, cho rõ”, phải biết đặt mình vào trình độ của người đọc để tìm ra cách viết phù hợp. Theo Trương Chính, ông cũng mạnh dạn từ bỏ thứ văn chương biền ngẫu cân đối, nhịp nhàng nhưng dài dòng lê thê của văn học trung đại để chuyển sang lối viết “ngắn, sắc, xoay chuyển nhanh, câu thường đặt theo lối phá cách... của báo chí phương Tây” nhằm đáp ứng thị hiếu đọc báo chí, văn chương của tầng lớp độc giả thành thị mới xuất hiện. Vũ Ngọc Phan cũng cho rằng, “Về đường văn nghệ ông đã theo kịp cả những nhà văn thuộc phái tân học xuất sắc nhất... viết được những thiên phóng sự và những thiên tiểu thuyết theo nghệ thuật Tây phương... làm cho phái tân học khen ngợi”.
Ngoài viết báo và sáng tác văn chương, Ngô Tất Tố còn là một nhà khảo cứu, dịch giả tài năng. Ông đã dịch, giới thiệu nhiều tác phẩm viết bằng chữ Hán có giá trị như "Lão Tử", "Mặc Tử", "Hoàng Lê nhất thống chí"... giúp bạn đọc tiếp cận được những tri thức triết học, văn học kinh điển của Trung Quốc và nước nhà. Ông viết "Phê bình Nho giáo Trần Trọng Kim" nhằm đối thoại cùng học giả này để đi đến nhận thức đúng đắn về Nho giáo. Trong hai lĩnh vực này, Ngô Tất Tố vượt ra ngoài phạm vi một văn nhân, vươn lên tầm một nhà văn hóa.
Từ năm 1893 đến nay là vừa tròn 130 năm ngày sinh của Ngô Tất Tố. Tưởng nhớ về ông, chúng ta tưởng nhớ về một nhà văn, một nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc, một con người, như nhận xét của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là đã dành trọn cuộc đời mình “đứng về phía ánh sáng của lương tri”.
Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM (5/2023).
Ngô Tất Tố là một nhà văn, nhà báo, nhà Nho học, dịch giả và nhà nghiên cứu có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam giai đoạn trước 1954. Sinh: 1894, Đông Anh. Mất: 20 tháng 4, 1954, Yên Thế
Nghề nghiệp: Nhà văn, nhà báo, dịch giả.
Giai đoạn sáng tác: 1926 - 1954
Tác phẩm nổi bật: Tắt đèn, Lều chõng, Phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim...
(*) Ảnh - Nhà văn Ngô Tất Tố (ngoài cùng, bên trái ảnh) cùng các bạn văn trong kháng chiến chống Pháp.

2 nhận xét:

Phan Thúy Hà nói...

Phan Thúy Hà
21 Tháng 9 2023 lúc 11:13
·
Bà Ngô Thị Thanh Lịch, con gái nhà văn Ngô Tất Tố có đôi lời về việc cha của bà qua đời:
Ông cụ ốm, yếu dần, rồi ra đi. Cụ từng bị ngã dưới chân đồi, được hai người dìu về nhà.
Sau đợt ốm đó cụ vẫn đi làm, sức khoẻ yếu dần.

Anh tôi Ngô Mạnh Duẩn, uỷ viên ban kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc, anh bị hen, nghỉ viêc về nhà vừa dưỡng sức vừa chăm bố.

Trước đó bố ăn uống đã rất kham khổ, có quả trứng gà nào chúng tôi nhường cho bố bồi bổ, bố cho rất nhiều tương vào để chia ra được cho các con cùng ăn và còn để phần sang bữa khác. Bố lại thường xuyên bị sốt rét. Có lần anh tôi mua được một lọ dầu cá về, bố cầm lọ dầu cá, lắc lắc và nói, uống hết lọ dầu cá này may ra khoẻ. Nhưng bố không khoẻ lên được chút nào mà lả dần, ăn gì vào cũng nôn, không nôn thì đi ngoài ngay lúc đó. Khoảng chục ngày trước khi bố mất các cô chú ruột rà ngày nào cũng đến, ngồi quây quanh giường, mẹ và các con cứ ngồi vậy nhìn bố. Rồi bố trút hơi thở cuối cùng lúc khoảng 1 giờ sáng.

Tôi khi đó 16 tuổi. Tôi biết chứ. Nếu bố tôi tuyệt thực thì tôi nói là tuyệt thực. Tại sao phải giấu, tại sao phải chối. Sợ cái gì chứ, liên luỵ cái gì chứ. Có gì mờ ám hay bí mật đâu mà phải giấu. Bố chết như thế nào ngay trong nhà chẳng lẽ là con mà không biết, bố chết như thế nào chẳng lẽ cả gia đình anh em họ hàng không ai biết. Có gì bí ẩn mờ ám đâu mà chúng tôi phải ngại.

Tôi không hiểu tại sao người ta gán cho bố tôi cái chết như vậy.

Việt Chiến Nguyễn nói...

Tại trụ sở Hội nhà văn VN cách đây mấy năm , tôi có gặp con gái cụ Ngô Tất Tố nhân dịp chuẩn bị tổ chức cuộc hội thảo về nhà văn Ngô Tất Tố, tôi có hỏi con gái cụ về chuyên này và bà đã trả lời giống như thông tin Phan Thuý Hà vừa đưa. Bài phỏng vấn con gái cụ sau đó tôi đã đăng trên một tờ báo.