Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2023

TẦM VIỄN KIẾN ĐÁNG NỂ TRỌNG, KHI ĐẶT TÊN NƯỚC "ĐẠI NAM"

 



* Vì sao không gọi "Đại Việt"?
/I/ QUÀNG XIÊN, "CẮT XÉN" TRONG DIỄN GIẢI LỊCH SỬ!
Quí bạn ắt từng được nghe giải thích trên một số báo mạng, trên Wikipedia (từ điển "mở", vàng thau lẫn lộn) rằng: hồi thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tôn thực hiện Tây tiến sáp nhập Houaphan, Xiangkhoang (gọi theo tên hiện nay cho dễ hình dung) vào Đại Việt, đặt tên là "Trấn Ninh".
Coi, bản đồ hiện nay thì VN đâu có hai vùng trên, mà thuộc Lào. Rộ lên lời giải thích: Gia Long cắt đất "Trấn Ninh" tặng cho Lào.
1a) Mời xem bản đồ (đính kèm, cột trái) năm 1835, vùng "màu vàng" thiệt mập: hết thảy Houaphan, Xiangkhoang, rồi thêm Khammouan, Savannakhet đều thuộc lãnh thổ ĐẠI NAM! Dưới đời vua nào vậy? Đời vua Minh Mạng (nối ngôi vua cha là Gia Long).
Tức là, Đại Nam không mất "Trấn Ninh" (Houaphan, nhập vào tỉnh Thanh Hóa; Xiangkhoang nhập vào tỉnh Nghệ An), vua Minh Mạng còn mở cõi thêm Khammouan, Savannakhet - cả hai nơi này sáp nhập vào các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
1b) Lãnh thổ dọc theo mạn Tây của dãy Trường Sơn (nêu trên), vào năm 1896, và 1903, bỗng không thuộc Đại Nam nữa mà thuộc nước Lào.
Là do người Pháp, sau khi thành lập Liên bang Đông Dương (năm 1887), họ phân định biên giới: Lào sở hữu lãnh thổ bên mạn Tây Trường Sơn, còn người Việt sở hữu lãnh thổ bên mạn Đông của Trường Sơn. Thành thử Thanh Hóa, Nghệ An có tóp lại một phần, và Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị trở nên "ốm nhách"!
1c) Việc phân định lãnh thổ như rứa, từ người Pháp, có hợp lý hay không?
- Nếu cho sự phân định của người Pháp là "hợp lý" => Vậy, "Trấn Ninh" từ đời vua Lê Thánh Tôn là cưỡng chiếm đất của người Lào! Thành thử việc vua Gia Long "nhượng Trấn Ninh", kỳ thực trả lại cho Lào là hành động rất đàng hoàng (tạo phên dậu, liên kết với Lào đứng về nước VN chống lại Xiêm La).
Nếu vậy, phải CA NGỢI vua Gia Long mới phải!
- Nếu cho sự phân định của người Pháp "bất hợp lý" => Tức là sự mở mang lãnh thổ của vua Minh Mạng (con của vua Gia Long) phải được ghi nhận trân trọng (vì "Tây tiến" còn mạnh hơn vua Lê Thánh tôn của Nhà Hậu Lê).
Nếu vậy, càng phải CA NGỢI vua Minh Mạng mới phải!
* Dưới đời vua Minh Mạng, năm 1835, lãnh thổ nước Đại Nam đạt đến cực điểm (sáp nhập phần lớn Lào, Cao Miên) rộng 575.000km2, tức gấp hơn 1,7 lần so với nước Việt Nam hiện nay.
II/ PHƯƠNG THỨC HÒA BÌNH, KHI SÁP NHẬP CHÂU THỔ ĐỒNG NAI, CỬU LONG
Chỉ sáu năm, từ 1835 đến 1841, nhà Nguyễn đưa quân chiếm đóng Cao Miên, sáp nhập đổi tên "trấn Tây thành". Sau đó, rút quân.
Còn toàn bộ thời gian định cõi, dưới đời các chúa Nguyễn trước đó, sáp nhập châu thổ Đồng Nai, châu thổ Cửu Long (đến năm 1757-1758) là sáp nhập bằng PHƯƠNG THỨC HÒA BÌNH.
Chúa Nguyễn không đưa quân tấn công để chiếm đóng lần hồi từng khu vực thuộc châu thổ này. Mà bằng sách lược mềm dẻo, khôn khéo: đó là hậu thuẫn cho phe phái tranh chấp quyền lực trong triều đình Chân Lạp tại kinh đô Oudong, sau đó được đền tạ bằng việc các vua Chân Lạp lần lượt cắt đất.
Các vua Chân Lạp làm vậy, còn vì lẽ: vùng châu thổ này đất rộng mà người thưa, bỏ hoang; liên kết với chúa Nguyễn của Đàng Trọng để tạo thế cân bằng thực lực trước Xiêm La (Thái Lan).
III/ ĐẶT TÊN NƯỚC "ĐẠI NAM", VÌ SAO?
3a) Vua Minh Mạng, năm 1838, đặt tên nước là "Đại Nam" 大南. Theo sách “Đại Nam thực lục Chính biên đệ nhị kỷ”, giải thích:
"Trước gọi là Việt Nam, nay gọi là ĐẠI NAM thì càng tỏ nghĩa cao cả, trọng yếu".
Chữ "Đại" 大 không thuần mang nghĩa rộng lớn (như cách giải thích bề nổi, kiểu "chuồn chuồn đạp nước" của một số trang mạng, ngay cả wikipedia), mà hệ trọng hơn - "ĐẠI" là cao cả, trọng yếu; mang ý thức TỰ TIN về một quốc gia sẽ rỡ ràng.
Đó, quí bạn xem thấy người Hàn đặt tên nước là "Đại Hàn" ("Đại Hàn dân quốc"), nghĩa là một nước Hàn vượt trội, rỡ ràng (chớ diện tích nước họ không rộng lớn gì ráo, trên 100.000 cây số vuông, tức chỉ rộng khoảng 1/3 diện tích nước VN mà thôi).
3b) Theo Dụ của nhà vua Minh Mạng, ĐẠI NAM hàm nghĩa "Đại Việt Nam". Sao không nói tắt là "Đại Việt", mà dùng danh xưng ĐẠI NAM?
Xét chặt chẽ về mặt danh xưng tương ứng với thời điểm lịch sử, tên gọi "Đại Việt" (đời Hậu Lê trước đó) không tương thích với lãnh thổ đã mở rộng cho đến cực Nam là mũi Cà Mau!
Đặt tên nước ĐẠI NAM, "để càng tỏ nghĩa cao cả của hai chữ Việt Nam", và "... nay bản triều có cả phương Nam, bờ cõi ngày càng rộng (...), vòng qua biển Tây"! (trong Dụ của vua Minh Mạng).
(Biển Tây, "Tây Hải" 西 海, mà nay chúng ta quen với tên gọi "Vịnh Thái Lan)
3c) ĐẠI NAM, còn hàm chứa trong đó tầm viễn kiến và trọng tâm phát triển quốc gia về phía NAM!
Hoàng đế Gia Long khi lập nên Nhà Nguyễn đã thực hiện chính sách bang giao với quốc tế (khu vực, và châu lục khác) thay vì chọn "trung tâm" là Trung Hoa như triều đình Đông Kinh (Thăng Long) trước đó của Lê Chiêu Thống chỉ biết vâng phục phương Bắc.
* Tiếc thay, sau đó, một số vua Nhà Nguyễn không đủ hùng lực để tiếp tục theo đuổi chính sách mở cửa; không còn chú trọng phát triển phía Nam. Thành thử thế và lực quốc gia không còn rỡ ràng như lúc đầu đổi quốc hiệu là ĐẠI NAM.
Việc "bế quan tỏa cảng" khiến thế và lực quốc gia suy giảm.
Suy giảm so với ai?
Không suy giảm khi so với triều chính Đông Kinh (Thăng Long) trước đó cổ hủ, lạc hậu.
Mà là suy giảm so với chính TIỀN NHÂN LÀ CÁC CHÚA NGUYỄN - như dưới thời Chúa Nguyễn Phước Tần (Hiền vương) đánh tan thủy binh Hòa Lan, đánh dấu lần đầu tiên có một quốc gia ở Đông Nam Á đánh thắng thủy binh tân tiến của châu Âu...
---------------------------------------------------------------
Hình ảnh: Bản đồ ĐẠI NAM thời vua Minh Mạng, gồm: 1/ Bắc Kỳ (màu hồng cam), 2/ Hữu Kỳ (màu vàng), 3/ Trực Kỳ (màu vàng tươi, vùng kinh đô Huế), 4/ Tả Kỳ (màu đà) - cả Hữu Kỳ, Trực Kỳ, Tả Kỳ gọi chung là "Trung Kỳ", 5/ Nam Kỳ (màu tím).

Không có nhận xét nào: