Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

VIẾNG BẠN HỌC CŨ “XẤU SỐ”, HAY HẬU "CHUYỆN LÀNG NHÔ"


Vũ Như Cương và Trịnh Văn Khải trước kí túc xá số 3
 Đại học Tổng hợp Kiev Ukraina, Liên Xô 1960


Sáng hôm 12/3/2024, bốn anh em chúng tôi: Phùng Hồ (tác giả), Vũ Như Cương, Trịnh Đức Cường và Phạm Gia Ngữ, được con tôi Hồ Hải lái xe đưa đi thăm gia đình người bạn học cũ “xấu số”, anh Trịnh Văn Khải (1938-1993). Anh Khải người làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hoá, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, năm 1959 cùng chúng tôi thi vào khoa Vật lý, khoá 4, trường Đại học Tổng hợp, rồi được chọn sang trường Chuyên tu Ngoại ngữ Gia Lâm học tiếng Nga và tháng 8/1960 sang học khoa Vật lý trường Đại học Tổng hợp Kiev, Ucrain (Liên Xô). Vì ở trường ĐHTH KIEV hai năm đầu người ta dạy bằng tiếng Ucrain nên 13 anh em lưu học sinh khoa VL Việt Nam và số anh em lưu học sinh Trung Quốc học chung trong một lớp dạy bằng tiếng Nga (xem ảnh 2). Nhưng học xong năm thứ nhất vào khoảng tháng 6/1961 anh Khải nhận được thông báo lên Mat-scva về nước, cả anh Khải và chúng tôi không biết lý do (ảnh 2 chụp anh Khải và anh Cương trước khi anh Khải lên Mat). Từ đó chúng tôi mất liên lạc với anh Khải, mãi đến năm 1997 khi xem phim CHUYỆN LÀNG NHÔ chúng tôi mới nghe nói anh Khải là hình tượng nhân vật Trịnh Khả trong phim. Tôi thực sự rất sốc, rất buồn và rất nghi ngờ. Sau đó ít lâu, anh Nguyễn Hải Hưng một cán bộ giảng dạy của viện Vật lý kỹ thuật đã có thời gian làm việc ở trường ĐH Hàng Hải, Hải Phòng cho tôi biết: Sau khi ở Kiev về nước anh Khải học tiếp ở khoa Toán ĐH Sư phạm và về dạy toán ở ĐH Hàng hải, Hải Phòng, ở đây anh đã công tác rất tốt, đến năm 1990 anh xin về hưu trước thời hạn và chuyển về quê Hà Nam sinh sống…

Nhờ bài viết của bạn LƯƠNG HIỀN trên FB mà tôi liên lạc được với cháu Trịnh Thương con gái anh Khải và khoảng gần 11 giờ mới tìm được đến nhà cháu Thương và sau đó đến được nhà anh Khải nơi chị Tỵ vợ anh và gia đình con trai Trịnh Văn Luyện của anh Khải đang sinh sống.

Đến đây tôi biết thêm một số thông tin: Năm 1975 anh Khải lập gia đình với chị Tỵ sinh năm 1952, quê Hải Phòng và hai vợ chồng anh sống chung ở Hải Phòng bên cạnh gia đình vợ. Năm 1976 anh chị sinh cháu trai Trịnh Văn Chinh, 1978 sinh cháu gái Trịnh Thị Thương, khi sắp sinh cháu trai thứ ba năm 1981 Trịnh Văn Luyện thì chị Tỵ bị bệnh não nên trí tuệ cháu Luyện không được bằng anh chị mình và bà Tỵ nay ở tuổi 72 nhưng không được minh mẫn lắm so với tuổi. Năm 1990 có lẽ vì hoàn cảnh gia đình hay một nguyên nhân xã hội nào đó anh Khải xin về hưu trước thời hạn và đưa vợ con về quê mình là làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hoá sinh sống. Thời gian đầu ở quê anh có tham gia công tác địa chính của xã, anh Khải cũng như bà con ở Lạc Nhuế phát hiện ra việc làm sai trái của lãnh đạo, chính quyền địa phương trong việc móc nối “chuyển nhượng” một số diện tích khá lớn ruộng đất của xã Đồng Hoá cho xã bên cạnh để thu lợi bất chính chia chác với nhau. Anh Khải là một giảng viên chính về hưu nắm được pháp luật, lại biết máy tính giúp bà con soạn thảo đơn từ khiếu kiện lên cấp trên, lên huyện lên tỉnh rồi lên cả trung ương…Nhưng những khiếu kiện đó không được giải quyết mà trái lại còn bị trấn áp bởi những thế lực thoái hoá trong chính quyền công an địa phương…thậm chí họ còn dùng bọn côn đồ lưu manh lén lút khủng bố những người dân khiếu kiện. Cháu Thương kể lại một sự việc đã dẫn đến những tai hại về sau cho gia đình cháu. Cháu nói: một đêm vào năm 1992, khi đó cháu mới 13-14 tuối, cháu thức giấc thấy ba người lạ mặt lẻn vào nhà cháu họ doạ cháu và hỏi:”Bố mày ở đâu?” Cháu sợ quá, cháu la lên, những người xung quanh chạy đến phát hiện ra lũ người này đã bỏ thuốc độc để giết chó, để chó không sủa và tìm cách ám hại bố cháu, cho nên các anh các chú vây bắt bọn côn đồ đó. Một tên trốn thoát dân làng bắt được hai tên trói lại. Khi đó bố cháu ra khuyên dân làng không nên động chạm đến hai tên đó đợi sáng ra giao cho chính quyền. Nhưng dân làng giận quá không nghe lời bố cháu, họ đưa bố cháu vào ở trong một nhà khác sợ còn có bọn nữa đến sát hại bố cháu. Sau đó dân làng vì tức giận quá đã đánh chết hai tên côn đồ đó.

Câu chuyện diễn ra sau đó thì như bạn phây Lương Hiền đã mô tả: Hàng trăm công an vũ trang đã bao vây trấn áp làng Lạc Nhuế, anh Khải và một số dân làng bị bắt… Toà án kết tội anh Khải cầm đầu việc nổi loại và giết chết hai nhân mạng…Chân lý thuộc về kẻ mạnh nắm quyền hành trong tay!

Khi tôi bước vào nhà anh Khải tôi nhìn lên bàn thờ gia đình đã được mô tả trong FB của bạn Lương Hiền: Bàn thờ được gắn trên cao bức tường chính diện, trên cùng là ảnh bà cụ thân sinh anh Khải, thấp hơn phía bên trái là khung ảnh lồng chân dung anh Khải và bức thư cuối cùng anh vĩnh biệt vợ con. Bên phải bàn thờ thấp hơn một ít là ảnh cháu Trịnh Văn Chinh con trai cả của anh chị Khải ở tuổi 17 rất đẹp trai bị mất trong một vụ tai nạn giao thông bí ẩn sau khi anh Khải bị hành quyết 2 tháng, khi đang mang theo bên mình những hồ sơ đơn từ khiếu kiện về sự oan trái mà cha cháu và dân làng phải hứng chịu.

Chúng tôi đứng trước bàn thờ thắp hương tưởng niệm anh Khải, tôi nhìn chân dung anh, bức thư anh gửi lại mà tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần trên FB của bạn Lương Hiền như một bài thơ tuyệt mệnh mà anh gửi cả cho chúng tôi:

Thân gửi Em và các con yêu quý!

Suốt đời tôi làm điều tốt, thiện lương

Tai hoạ đến, cả nhà chịu đau thương!

Hãy nguôi dần, cùng làm ăn đùm bọc,

Để cho tôi được an ủi yên lòng!

Vĩnh biệt Gia đình với tất cả yêu thương!”


Chao ôi! Anh viết bức thư Vĩnh biệt này khi bằng tuổi con trai tôi bây giờ, khi vợ anh mới 41 tuổi, khi con trai út của anh mới 12 tuổi. Tôi đứng im, không cầu khấn gì cả vì tôi biết chết là hết, chỉ tự dặn mình rằng: không bao giờ được vô cảm! Không bao giờ được vô tâm!

Một điều an ủi chúng tôi là Chị Tỵ vợ anh vẫn khoẻ, hai cháu Thương và Luyện đã yên bề gia thất, cháu Thương đã có cháu ngoại, nghĩa là anh Khải đã hơn chúng tôi có chắt gọi Cụ rồi! Các con anh làm ăn khá giả các cháu học hành tử tế, cháu Thương là chủ một doanh nghiệp có ba bốn chục công nhân, làm ăn phát đạt.

Xin đăng lên đây một số ảnh cũ và mới liên quan bài viết

Theo FB Phung Ho









Không có nhận xét nào: