Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

GIÁO SƯ ĐẶNG VŨ HỶ, NGƯỜI TRÍ THỨC CÓ TÂM, CÓ TÌNH

 


Phạm Tôn
Lời dẫn của Phạm Tôn: Sách Đặng Vũ Hỷ cuộc đời và sự nghiệp của Trường Đại học Y Hà Nội (NXB Y học Hà Nội, 2009) có in bài của Phạm Tôn nhan đề như trên trong các trang 124-125) nhưng bị biên tập cắt xén đi một phần. Theo nếp của Blog PhamTon chúng tôi là chỉ đăng theo đúng nguyên văn bài tác giả viết, chưa qua việc biên tập của người khác, cho nên chúng tôi công bố bài này, theo đung nguyên văn đã đưa lên Blog PhamTon từ 2009.
—o0o—
Đầu thế kỷ thứ 20, chàng trai Đặng Vũ Hỷ, người dân Đất Học Nam Định, lại là con cháu Làng Quan Hành Thiện, nơi nhiều người đỗ đạt nổi tiếng cả nước, lên Hà Nội học, rồi du học Pháp, mà lại học ngành y, một ngành cao sang bậc nhất đương thời và cũng là ngành hái ra tiền nhất thời ấy. Nhưng ai biết cũng lạ là anh lại chọn ngành da liễu. Đã thế còn đi sâu vào chuyên ngành “cùi, hủi” thứ bệnh vẫn bị người đời khinh miệt… Chỉ vì hồi học ở Hà Nội, xa gia đình, những ngày nghỉ đi dạo phố phường xa hoa, anh đã nhiều lần tận mắt thấy, tự tai nghe người hủi, cùi, bệnh phong bị người đời ghê tởm, kỳ thị, phải sống tủi nhục đau khổ cả về thể xác lẫn tâm hồn như thế nào.
Về nước, anh hành nghề tự do và giảng dạy tại Đại học Y khoa Hà Nội.
Kháng chiến bùng nổ, anh nhẹ nhàng theo trường đi về cơ sở mới, tạm bợ ở Ninh Bình. Đem theo cả gia đình. Vừa giảng dạy, vừa trực tiếp chữa bệnh cho thương binh, bệnh binh. Hòa bình lặp lại trên miền Bắc, anh về lại trường Đại học Y Hà Nội và công tác tại bệnh viện Bạch Mai với cương vị cán bộ đầu ngành da liễu. Bấy giờ, đã là một giáo sư nổi tiếng, một cán bộ cao cấp, được nhiều ưu đãi, vậy mà ông vẫn không bao giờ quên những bệnh nhân phong. Ông thường về các trại, tay bắt mặt mừng các bệnh nhân phong quen biết đã lâu năm, cùng trò chuyện, thậm chí ăn uống với họ trong khi trại đã chuẩn bị sẵn cho ông một bữa chiêu đãi trọng thể. Ông còn về Quảng Ninh khi biết tin nhiều người chăn vịt ở đó bị lở loét chân sau những năm tháng theo vịt đàn. Ông sắn quần, mặc áo lót “ba lỗ”, đội mũ lá đi nhiều ngày nơi này nơi nọ, lội đủ các ruộng ngập nước mà dân bị bệnh lở loét cho biết họ đã từng chăn vịt ở đó. Về nhà dân, lại xem các vết lở ở chân dân chăn vịt, so với những vết trên chân của chính mình, rồi ghi chép, suy nghĩ để sau này ông đã chế ra một loại kem bôi chân cho những ai chăn vịt phải lội đồng hằng ngày.
Suốt đời ông học tập và nghiên cứu. Ngay đầu giường ngủ, bên tủ đêm phía phải, nơi thuận tay với nhất bao giờ cũng thấy có bộ sách sáu quyển đóng bìa da của Pháp bách khoa về chuyên ngành da liễu. Tối nào, trước khi đi ngủ, ông cũng dở vài trang và nhập tâm tất cả kho báu ấy…
Ông đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh ngay đợt I cùng không ít huân chương là những thứ mà suốt đời ông không hề ham. Ông chỉ lo làm việc, nghiên cứu khoa học. Ông sống giản dị như bất cứ người cán bộ nào, không ham tiền, càng không hám danh.
Ông không chỉ là người có tâm mà còn rất có tình. Mặc dù không khi nào thấy ông nói ra mà chỉ thể hiện qua hành động.
Ông yêu và xin cưới cô Phạm Thị Thức, con gái thứ hai của học giả Phạm Quỳnh hồi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Nam Phong nổi tiếng. Chồng tuổi Tuất, vợ tuổi Mão, sinh ra hai trai tuổi Tuất, một gái tuổi…Mão! Vậy mà cái gia đình toàn “chó” với “mèo” ấy chưa một lần to tiếng, chứ đừng nói đến cãi nhau, xào xáo. Ông không dạy các con bằng lời mà dạy bằng chính cuộc đời ông. Các con ông sau này một trai một gái lớn theo nghiệp cha làm bác sĩ. Trai út và gái út thì nghiên cứu khoa học tự nhiên: vật lý, hóa học và đều thành đạt.
Ông thương yêu và quý trọng vợ. Mọi nỗi lo của bà ông đều san sẻ và chìa vai cùng gánh vác. Các niềm vui của vợ, ông cùng chung hưởng. Đặc biệt hai lần sinh nhật song thân bên vợ (hai cụ đều cùng tuổi Nhâm Thìn, nên bao giờ cũng cùng làm sinh nhật cho con cháu xa gần về đỡ khó khăn vất vả) vào các năm 1934 và 1942, ông bà đưa gia đình về tận Huế dự. Ông coi cha mẹ vợ như cha mẹ mình, một lòng giữ tròn chữ hiếu.
Năm 1945, xảy ra gia biến. Phạm Quỳnh bị bắt rồi bị lén đưa đi thủ tiêu lúc đêm khuya nơi rừng vắng. Cả đại gia đình ở Huế được Chính phủ cho người đưa ra Hà Nội, tụ tập, sống tạm ở nhà bà chị cả là Phạm Thị Giá, vợ giáo sư Tôn Thất Bình, một trong hai hiệu trưởng trường Thăng Long. Tất cả hơn hai mươi con người già trẻ lớn bé đủ cả. Thương mẹ, lại thương chị còn trẻ, chồng vắng nhà mà một mình mang gánh quá nặng, bà Thức buồn lắm. Biết thế ông cho đón ngay mẹ vợ và hai em trai gái út về Nam Định, quê mình, để ở nhà rộng rãi, thoáng mát, hai tầng của người bà con xa ở làng Vạn Lộc, phủ Xuân Trường, là vùng thôn quê yên bình. Đến toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946, bà chị cả phải đưa cả hai mươi con người đang sống ở nhà mình tản cư về quê một người bạn chồng. Biết tin này bà Thức ngày đêm lo lắng không hiểu chị và các em các cháu xoay sở ra sao nơi quê người. Được chừng sáu tháng, thì ông Hỷ lại nhờ người bà con thạo đường sá đi ra Hà Đông tìm cho được bà chị và đưa cả nhà về Nam Định bằng thuyền. Chẳng bao lâu, mẹ con bà cháu chị em lại sum họp cả ở làng Vạn Lộc. Bấy giờ ông và vợ con về sống ở Thư Điền, Ninh Bình gần nơi ông công tác. Biết vợ nhớ mẹ, lâu lâu ông lại cho đón mẹ và các em nhỏ về nhà chơi vài tháng.
Thời kháng chiến chống Mỹ, ông bị bệnh liệt rung (parkinson), có lần Nhà nước đưa ông đi chữa bệnh ở Béc-lin (Cộng hòa Dân chủ Đức). Lần ấy, cùng đi với ông có nhà nghiên cứu sử học Tôn Quang Phiệt, là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên-Huế hồi Cách mạng Tháng Tám, dúng thời gian học giả Phạm Quỳnh bị thủ tiêu. Ông Tôn Quang Phiệt cố tìm gặp bằng được giáo sư Đặng Vũ Hỷ chỉ để nói một điều là: “Tôi đã nhiều lần muốn gặp anh để nói với anh về chuyện cụ nhà (tức Phạm Quỳnh). Hồi ấy tôi ở Huế thật, nhưng hoàn toàn không dính gì vào vụ này, chỉ biết khi chuyện đã xảy ra rồi.
Chuyện này, giáo sư chỉ kể lại cho con trai út Đặng Vũ Minh, người sau này là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ba khóa liên tiếp, hiện là Ủy viên Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc Hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Người viết bài này đã được chính anh kể cho nghe vào một đêm tháng 12 năm 1972 lạnh giá, dưới bom B52 của giặc Mỹ đang rải thảm Hà Nội, mạng con người không biết có còn đến ngày hôm sau.
Giáo sư Đặng Vũ Hỷ là một nhà trí thức lớn, có tâm, có tình, cả trong đời công lẫn đời tư.
Sài Gòn, ngày 26/6/2008
Phạm Tôn Blog.
su-dang-vu-hy-nguoi-tri-thuc-co-tam-co-tinh/

Không có nhận xét nào: