Trong phiên họp ngày 17-11-2011, khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội khóa XIII, đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị “Quốc hội loại bỏ Luật Lập hội và Luật Biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII” với lý do: “Biểu tình là hành động để chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ của nước mình” và bản chất của biểu tình là “dễ bị lợi dụng để gây biến loạn” đã lập tức gây phản ứng trong dư luận.
Dư luận phản ứng trước hết bởi phát biểu của đại biểu Hoàng Hữu Phước thể hiện nhận thức ấu trĩ, lệch lạc về biểu tình. Trong thời đại ngày nay, biểu tình được hiểu là những hành vi hợp pháp, dân chủ, văn minh nhằm biểu thị thái độ, tình cảm, quan điểm ủng hộ những điều đúng đắn, tốt đẹp và có lợi cho nhân dân, cho đất nước, đồng thời phản đối những hành vi phạm pháp, có hại. Biểu tình là thước đo tâm tư, nguyện vọng của người dân, mức độ đúng, sai của các chính sách để qua đó, Đảng và Nhà nước có chỉnh sửa phù hợp, thúc đẩy xã hội phát triển.
Thứ hai, không phải đến bây giờ trên diễn đàn Quốc hội mới nói đến biểu tình mà chỉ 11 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, ngày 13-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 31 quy định về thể thức tổ chức các cuộc biểu tình. Hiến pháp năm 1959, Điều 25 ghi rõ: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình”. Hiến pháp 1980 xác định: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân”. Đến Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), Điều 69 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Như vậy, biểu tình là một quyền cơ bản của người dân mà Hiến pháp đã quy định thể hiện tính tự do, dân chủ, nhân quyền của chế độ ta, không một ai có thể bác bỏ.
Thứ ba, chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền. Nhân dân sống và làm việc theo pháp luật. Không có luật làm sao sống và làm theo luật? Trình độ dân trí, nhu cầu phát triển của xã hội, cuộc sống đặt ra yêu cầu khách quan cần có Luật Biểu tình. Không phải vô cớ Thủ tướng Chính phủ đề xuất cần xây dựng Luật Biểu tình trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội khoá này. Luật Biểu tình khi được thông qua, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, sẽ tạo hành lang và chuẩn mực pháp lý, xác lập quyền hạn và trách nhiệm của các bên tham gia, trang bị những biện pháp và chế tài cần thiết cho cơ quan quản lý nhà nước thực thi pháp luật. Một Nhà nước của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng phấn đấu vì mục đích dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh không sợ bất kỳ thế lực thù địch nào lợi dụng biểu tình để gây biến loạn.
Đại biểu quốc hội phải có trình độ, năng lực, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe, thấu hiểu ý kiến của nhân dân, không thể chỉ phản ánh mà còn tham gia giải quyết những yêu cầu chính đáng về quyền và lợi ích của dân, không thể là người giữ mãi những nhận thức ấu trĩ và lệch lạc.
Nguyễn Thuý Hoàn
Theo Tạp chí xây dựng Đảng
Phản hồi:
Bạn : Hoàng Thị Thành ( hoangthithanh98@...).
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm tác giả, Tạp chí Xây dựng Đảng về sự cần thiết phải có Luật Biểu tình. Vấn đề tôi thấy cần đề cập đến là chất lượng đại biểu quốc hội kỳ này. Sau đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) đề xuất Luật Nhà thơ, nay đến đại biểu Phước đòi bỏ Luật Biểu tình ra khỏi chương trình làm luật của Quốc hội kỳ này. Tôi không hiểu các đại biểu sống ở đâu? Lơ lửng trên trời sao? Tôi hoàn toàn nhất trí: "Đại biểu quốc hội phải có trình độ, năng lực, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe, thấu hiểu ý kiến của nhân dân, không thể chỉ phản ánh mà còn tham gia giải quyết những yêu cầu chính đáng về quyền và lợi ích của dân, không thể là người giữ mãi những nhận thức ấu trĩ và lệch lạc". Những người như ông Phước, ông Minh cần phải đưa ra khỏi Quốc hội.
Bạn : Ba Tú ( nguyenvanba@...).
Tôi đề nghị Quốc hội bãi miễn tư cách của ông nghị Phước này. Ông không có đủ nhận thức, trình độ đại biểu của dân.
Bạn : Nguyễn Văn Minh ( ng_vanminh@...).
Tôi biết là thế nào Tạp chí cũng phải có bình luận về phát biểu quá "nổi tiếng" của ông nghị này. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Tạp chí và tôi nói thêm là cần phải có hình thức kiểm điểm hoặc tự phê bình, phê bình thế nào đó với đại biểu này để làm gương cho người khác về tính trách nhiệm trước cử tri. Tình hình biểu tình nước sôi, lửa bỏng không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới như vậy mà không cần luật để điều chỉnh? Không thể tưởng tượng được!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét