Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Phải chăng tân chính quyền Miến Điện đang thực sự mở cửa chính trị ?

Lãnh đạo dân chủ đối lập Aung San Suu Kyi (phải) và ông U Myint cố vấn kinh tế của tổng thống Miến Điện, trước Diễn đàn Tăng trưởng Xanh và Kinh tế Xanh, Yangon 4/11/2011. REUTERS/Soe Zeya Tun

Một năm sau cuộc bầu cử bị tố cáo là dàn dựng, tân chính quyền Miến Điện bắt nguồn quốc hội được bầu ra vào khi ấy đã liên tiếp có những quyết định cải cách dân chủ khiến ai cũng bất ngờ. Vào lúc Miến Điện kỷ niệm một năm ngày bầu cử, nhiều nhà phân tích vẫn có những đánh giá thận trọng về con đường cải cách dân chủ tại đất nước được cho là vẫn trong tầm kiểm soát của quân đội.


Vào hôm 05/11/2011, một điều khoản sửa đổi của luật đảng phái tại Miến Điện do Quốc hội mới của nước này thông qua và được Tổng thống Thein Sein ký ban hành, đã chính thức có hiệu lực. Sự kiện này đã xóa bỏ các ràng buộc nhắm vào đảng của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, tạo điều kiện cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ chính thức trở lại hoạt động trên sân khấu chính trị Miến Điện.

Trên đây là sự kiện mới nhất trong một loạt những quyết định mở cửa chính trị theo chiều hướng dân chủ mà chính quyền của Tổng thống Thein Sein đã thực hiện, từ lúc chính thức lên điều hành Miến Điện cho đến nay.

Cử chỉ rõ rệt nhất là nối lại đối thoại với lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, đã từng bị tập đoàn quân sự cầm quyền trước đó quản chế và tẩy chay trong hàng chục năm trời. Việc sửa đổi luật đảng phái cũng nằm trong chiều hướng đó. Cũng trong tinh thần cải cách dân chủ, Quốc hội mới của Miến Điện đã thông qua luật cho phép người lao động Miến Điện quyền được đình công, đồng thời mở các cuộc họp cho báo chí theo dõi.

Bản thân Tổng thống Thein Sein đã có một quyết định làm mọi người sửng sốt : đó là tạm hoãn xây dựng một con đập thủy điện khổng lồ do Trung Quốc thực hiện và tài trợ, cho dù công trình này đang được thi công. Lý do ông Thein Sein đưa ra là rất được chú ý : đó là “để tôn trọng ý nguyện của người dân”.

Các động thái trên đây quả là những điều mà chỉ cách đây một năm thôi, không ai dám nghĩ là có thể xẩy ra. Nhất là khi cuộc bầu cử ngày 7/11/2010 đã bị tố cáo là mang tính chất hoàn toàn dàn dựng, nhằm hợp thức hóa quyền tiếp tục thống trị của quân đội trên đất nước Miến Điện.

Các nước phương Tây đặc biệt lo ngại trước việc một phần tư số ghế Quốc hội được dành cho quân đội, trong lúc mà đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển do đội hậu thuẫn đã giành chiến thắng áp đảo, còn đại diện chủ chốt của phong trào đối lập dân chủ là Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi lại không tham gia bầu cử.

Thế nhưng, rõ ràng là tân chính quyền Miến Điện đã làm cho phương Tây ngạc nhiên với những quyết định cải tổ ngoạn mục. Ngay cả các tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng phải công nhận những bước chuyển tích cực đó, cho dù đó chưa phải là những thay đổi lớn.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, chuyên gia Miến Điện Aung Naing Oo thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Vahu tại Thái Lan nhận định : “Dĩ nhiên là ở nước nào cũng vậy, mọi cuộc bầu cử mới đều mang lại thay đổi. Thế nhưng, chúng tôi không hề nghĩ rằng, thay đổi sẽ đến một cách nhanh chóng và chưa từng thấy như vậy."

Tuy nhiên, ông Aung Naing Oo cũng dè dặt vì thấy rằng tốc độ thay đổi còn "rất chậm" trên một số vấn đề. Lý do theo ông là vì, trong chính quyền hiện tại, còn rất nhiều người xuất thân từ chế độ trước, với những tư duy theo kiểu cũ. Trong tình hình đó, chuyên gia này không loại trừ khả năng phái gọi là "cứng rắn" trong chính quyền phản ứng ngược lại một cách dữ dội vì sợ thay đổi quá nhiều.

Đây cũng là mối quan ngại được nhiều nhà nhà quan sát khác chia sẻ. Một nhà ngoại giao phương Tây xin giấu tên nói rằng : "Chúng tôi không thể nói một cách chắc chắn là công cuộc cải tổ ở Miến Điện là điều không thể đảo ngược. Tiến trình này có thể bị dừng lại ngay nếu chế độ thấy rằng cải tổ thì nguy hiểm đối với họ".

Nhà ngoại giao này kết luận : “Một cuộc đảo chánh cũng hoàn toàn có thể xẩy ra”. Theo ông, "Miến Điện đang thực sự ở một bước ngoặt, không xa ngưỡng cửa một giai đoạn mới";

Trọng Nghĩa

Không có nhận xét nào: