Trong những ngày gần đây, căng thẳng trên khu vực biển Đông lại gia tăng.
Ngày 21 tháng 6, Bộ Dân chính Trung Quốc cho
biết Quốc vụ viện nước này đã phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa
bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Và buổi sáng cùng
ngày, Quốc hội Việt Nam thông qua luật Biển, trong đó khẳng định chủ
quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngay lập tức, ngày 23 tháng 6, Trung Quốc đã cho
mời thầu quốc tế 9 lô thăm dò dầu khí trên khu vực thềm lục địa của
Việt Nam. Đồng thời Trung Quốc đã cho bốn tàu hải giám tiến hành diễn
tập ở khu vực quần đảo Trường Sa. Việt Nam đã điều tàu cảnh sát biển để
ngăn chặn hành động xâm phạm chủ quyền này.
Ngày 4-7, báo Thanh Niên trích lại tin của tờ
Liên Hợp của Đài Loan nói rằng Trung Quốc đã thành lập một lữ đoàn tên
lửa mang số hiệu 827 đặt căn cứ tại thành phố thiều Quang, tỉnh Quảng
Đông. Căn cứ này được trang bị tên lửa Đông Phong 16 có tầm bắn 1200km,
trong khi khoảng cách từ Thiều Quang đến Hà Nội chỉ là 1000km.
Trung Quốc cũng tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa và xây dựng bộ chỉ huy quân sự Tam Sa.
Tờ Tin báo Hong Kong đánh giá thêm rằng việc
xuất hiện thông tin thành lập lữ đoàn 827 cùng những tuyên bố nói trên
có ý nghĩa tương hỗ lẫn nhau, nằm trong âm mưu “đe dọa, giương oai” nhằm
vào các bên có tranh chấp trên biển.
Bất kể một người Việt Nam nào còn một chút lương
tâm và trách nhiệm với đất nước thì đều không khỏi lo lắng cho chủ
quyền biển đảo của quốc gia, sinh mạng của ngư dân và của các chiến sĩ
cảnh sát biển, hải quân đang bảo vệ lãnh hải.
Bên trong, giặc nội xâm là các tập đoàn tham
nhũng, các nhóm lợi ích đang ngày đêm tàn phá đất nước. Chúng liên kết
với nhau vơ vét của cải, tham nhũng tiền thuế của nhân dân, khai thác
cạn kiệt nguồn tài nguyên, hủy hoại môi trường, hủy hoại và làm tha hóa
chuẩn mực đạo đức xã hội…
Bên ngoài giặc bành trướng đang rình rập chờ cơ hội để xâm chiếm biển đảo của Tổ quốc.
Chiến tranh trên biển Đông có thể xảy ra bất cứ
lúc nào. An ninh, chủ quyền quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong
khi đó, về quan hệ bang giao quốc tế, đảng Cộng sản không có đồng minh,
có một vài nước đồng chí thì họ cũng là đồng chí của Trung Quốc.
Tại sao cần đồng minh?
Ở châu Âu, các cường quốc về kinh tế và quân sự
như Anh, Đức, Pháp, Ý thì họ đều là đồng minh với nhau và là đồng minh
với Hoa Kỳ. Các nước này không chỉ chia sẻ giúp đỡ nhau về kinh tế khi
một thành viên nào đó gặp khó khăn.
"Chúng ta cùng nhìn ra thế giới thì thấy rằng hầu hết các cường quốc về kinh tế, quân sự trên thế giới đều là đồng minh hoặc là bạn bè, đối tác tin cậy của Hoa Kỳ. "
Mà điều quan trọng hơn họ cùng nhau chia sẻ
những lợi ích về an ninh, cùng nhau hợp tác để duy trì hòa bình và giải
quyết các xung đột trên thế giới vì lợi ích của cả khối và lợi ích chung
của cả nhân loại.
Mối quan hệ đồng minh này tạo nên sức mạnh to
lớn hơn rất nhiều so với sức mạnh của mỗi quốc gia riêng lẻ. Khi có mối
đe dọa nhằm vào bất kỳ thành viên nào của khối, thì họ sẽ tập chung toàn
bộ sức mạnh về kinh tế, quân sự để bảo vệ lẫn nhau.
Trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, các cường
quốc về kinh tế và quân sự như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia. Họ đều xây
dựng mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ và là đối tác của nhau trong việc
bảo vệ lợi ích chung. Cường quốc kinh tế và quân sự Ấn Độ cũng đang
hướng đến xây dựng mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, Nhật Bản và
Australia.
Trong cộng đồng Asean, Phillipines là đồng minh
của Hoa Kỳ. Điều quan trọng nhất trong mối quan hệ đồng minh đó là khi
một bên bị đe dọa, bị tấn công bằng quân sự, thì quốc gia đồng minh có
trách sử dụng mọi tiềm lực quân sự để bảo vệ đồng minh của mình.
Điều này khác xa so với mối quan hệ bạn bè hay
đối tác chiến lược. Khi một nước là bạn bè hay đối tác chiến lược bị tấn
công quân sự thì nước kia cùng lắm thì họ cũng chỉ lên tiếng bênh vực
về mặt ngoại giao.
Thực tế cho thấy là có nhiều nước đang là đối
tác chiến lược của nhau những vẫn đang đe dọa lẫn nhau và sẵn sàng xung
đột với nhau.
Rõ ràng việc các quốc gia có cùng lợi ích xây
dựng mối quan hệ đồng minh với nhau là vô cùng cần thiết. Việc này sẽ
làm cho sức mạnh của mỗi quốc gia thành viên được nhân lên trong việc
bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia của mình.
Đồng minh để bảo vệ chủ quyền
Trong điều kiện của đất nước chúng ta, việc lựa
chọn đối tác để xây dựng mối quan hệ đồng minh là hết sức cần thiết.
Việc chúng ta xây dựng mối quan hệ đồng minh không phải nhằm mục đích để
chống lại các quốc gia khác. Mà mục đích chỉ tăng cường sức mạnh của
quốc gia nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình và của nước đồng
minh.
Việt Nam muốn có được mối quan hệ láng giềng hữu
nghị và bình đẳng với Trung Quốc đồng thời bảo vệ được chủ quyền và lợi
ích của chúng ta ở biển Đông. Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải dựa
vào hai trụ cột trong quan hệ quốc tế:
Một là xây dựng mối quan hệ đồng minh với Hoa
Kỳ, dựa vào đó mở rộng quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc và
Australia. Khi có quan hệ đồng minh với các nước trên, chúng ta sẽ mua
được và nhận được sự giúp đỡ về trang thiết bị quân sự tiên tiến và hiện
đại, sự hỗ trợ trong huấn luyện, cung cấp và trao đổi thông tin.
Có mối quan hệ đồng minh, chúng ta không chỉ hợp
tác trong lĩnh vực quân sự, mà chúng ta sẽ có mối quan hệ chính trị,
ngoại giao, kinh tế mạnh mẽ. Nhờ vào mối quan hệ đồng minh mà kinh tế,
thương mại của chúng ta cũng sẽ phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng.
Hai là, dựa vào quan hệ đồng minh với các cường
quốc nói trên. Chúng ta sẽ nâng cao được sức mạnh quân sự và có thể trở
thành quốc gia lãnh đạo trong cộng đồng Asean trong lĩnh vực quân sự.
Chúng ta sẽ cùng với các quốc gia có chung lợi ích trong Asean xây dựng
mối quan hệ về quân sự gắn bó hơn. Từ đó có thể cùng nhau bảo vệ lợi ích
chung trên biển Đông.
Như vậy dựa trên quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ,
Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia cùng với cộng đồng Asean, chúng ta sẽ
nâng cao được tiềm lực quốc phòng và phát triển kinh tế. Nhờ đó chúng ta
mới có thể duy trì được hòa bình và bảo đảm được quan hệ láng giềng hữu
nghị với Trung Quốc.
Việt Nam có mất chủ quyền quốc gia khi có quan hệ đồng minh với các nước lớn?
Chắc chắn là không. Thực tế của các mối quan hệ
đồng minh trên thế giới cho thấy rằng các nước đồng minh không bao giờ
can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Chủ quyền quốc gia của các nước
thành viên luôn được tôn trọng măc dù có quân đội của nước này đóng
trên lãnh thổ của nước khác.
Tại sao Việt Nam phải chọn Hoa Kỳ để xây dựng mối quan hệ đồng minh?
Điều quan trọng đầu tiên mà chúng ta thấy được
đó là cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều có chung lợi ích với nhau trên biển
Đông: Với Việt Nam là chủ quyền quốc gia và lợi ích kinh tế; với Hoa Kỳ
là tự do hàng hải, lợi ích kinh tế và vai trò cường quốc trong khu vực.
Hai nước không có bất kỳ tranh chấp hay mâu thuẫn nào trên khu vực này.
Điều quan trọng thứ hai là Hoa Kỳ thực sự mong
muốn xây dựng mối quan hệ đồng minh với một nước Việt Nam dân chủ. Gần
đây nhất là Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã tới thăm quân cảng Cam Ranh,
và mong muốn quân cảng này cung cấp dịch vụ cho quân đội Hoa Kỳ.
Chúng ta cùng nhìn ra thế giới thì thấy rằng hầu
hết các cường quốc về kinh tế, quân sự trên thế giới đều là đồng minh
hoặc là bạn bè, đối tác tin cậy của Hoa Kỳ.
Trở ngại chính
Trong việc xây dựng quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ thì vấn đề dân chủ và nhân quyền là trở ngại duy nhất.
Hiện nay chính quyền do đảng Cộng sản lãnh đạo
đang giam giữ và cầm tù rất nhiều người hoạt động dân chủ và nhân quyền.
Quyền thành lập báo chí tư nhân và quyền thành lập đảng phái, tổ chức
chính trị chưa được chính quyền tôn trọng. Không chỉ riêng chính phủ Hoa
Kỳ quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, mà chính phủ các nước
trong EU, Australia, Canada, … cũng quan tâm và luôn kêu gọi chính phủ
Việt Nam cải thiện nhân quyền.
Yêu cầu mà Hoa Kỳ đưa ra cho chính phủ Việt Nam
để nâng cao mối quan hệ với Hoa Kỳ đó là chính phủ Việt Nam phải cải
thiện tình trạng nhân quyền, tôn trọng các quyền chính trị của nhân dân.
Chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ quốc gia đang bị đe dọa và đã bị xâm phạm nghiêm trọng.
Đứng trước thực tiễn đòi hỏi chúng ta cần phải
xây dựng mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Mỗi một công dân Việt Nam cần
phải có lương tâm và trách nhiệm với Tổ quốc.
Tôi mong rằng những quí vị độc giả ủng hộ quan
điểm này của tôi, chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng kêu gọi, cổ vũ và ủng
hộ đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ trong việc cải thiện tình trạng
nhân quyền. Đó là thả tự do cho tất cả các tù chính trị, tôn trọng và
cho phép thành lập báo chí tư nhân, thành lập các tổ chức, đảng phái
chính trị khác.
Tất cả những người Việt Nam yêu nước đều mong
muốn rằng đảng Cộng sản Việt Nam hãy đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên
trên lợi ích đảng phái để thực thi cải cách dân chủ và nhân quyền.
Không chỉ vì lợi ích của các thế hệ người Việt
Nam hôm nay mà cho cả các thế hệ mai sau, trong đó có các thế hệ đảng
viên đảng Cộng sản.
LS Nguyễn Văn Đài
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một luật sư hiện sống ở Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét