Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Biển Đông: Nhà văn Chu Lai chỉ ra điểm yếu cốt tử của Trung Quốc

Sự tồn vong non sông, lòng tự trọng dân tộc

Sau sự kiện Tập đoàn Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu thăm dò và khai thác dầu tại 9 lô nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải, thềm lục địa Việt Nam, mỗi người Việt Nam đều cảm nhận được rõ ràng và sâu sắc tình yêu quê hương đất nước vốn luôn hiện hữu hoặc ẩn sâu trong trái tim mình, mà đôi khi trong đời sống bận rộn bình thường không có cơ hội được bộc lộ.


Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với nhà văn Chu Lai, người từng là lính đặc công Rừng Sác anh hùng, tác giả nhiều tiểu thuyết nổi tiếng mà mỗi một dòng chữ thấm đẫm tình yêu nước và vẹn nguyên một lời thề son sắt: “Nếu là đất đai của bạn, dù là bạc là vàng, ta cũng trả hết cho bạn. Nhưng đây là Tổ quốc, là đất đai hương hỏa của ông cha, thì dù chỉ có đá sỏi cây cằn, ta cũng sẽ giữ gìn, một tấc không đi, một li không rời, dù có phải đổi bằng xương máu”.


Với Chu Lai, lòng yêu nước của người Việt xuyên qua mọi thời gian, chưa bao giờ vơi cạn. 


Đại tá, nhà văn Chu Lai

Ông suy nghĩ gì về hành động của Tập đoàn Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc?

Nhà văn Chu Lai:
Đó là một sự ngang ngược đến trắng trợn, ngang nhiên coi thường công ước quốc tế, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, lịch sử của dân tộc Việt Nam. Một dân tộc mà đã có thời kỳ gắn bó máu thịt với họ trên tinh thần quốc tế vô sản cùng chung một mục tiêu, lý tưởng chống các cuộc xâm lược của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc. Những tưởng với những ràng buộc sâu xa, thiêng liêng đó, họ không thể và không bao giờ làm những điều phản trắc, thất nhân tâm, nói một đằng làm một nẻo như thế.
Thiết nghĩ rằng, đây đâu phải chỉ là vấn đề cục bộ giữa tỉnh này và tỉnh kia, giữa thế lực dầu khí này và cơ quan dầu khí khác, cao hơn, sâu hơn, nó phải được sự đồng ý, bật đèn xanh của những nhân vật những cấp quyền lực cao nhất bên nước họ.

                 Các chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa Lớn

Tại sao có thể như thế được khi cấp nguyên thủ hai nước gặp nhau họ đều hứa hẹn sẽ giải quyết mọi sự về biển Đông trên tinh thần đàm phán ôn hòa? Ôn hòa mà dám lập cả một thành phố, dám đứng ra gọi thầu thăm dò dầu khí trên lãnh hải lãnh địa thuộc chủ quyền của người khác ư? Không thể chấp nhận được! Một đứa con nít cũng nhận ra ý đồ của Trung Quốc qua những hành động này.
Sơ đồ vị trí 9 lô tập đoàn CNOOC Trung Quốc mời thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam và không có bất cứ tranh chấp nào, một động thái leo thang vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc dựa vào bảo đồ Đường lưỡi bò 9 đoạn (phi pháp, phi lý, không thể chấp nhận) - ảnh trên là bản đồ do Trung Quốc tạo ra, xâm phạm trắng trợn chủ quyền của nước khác.

Lịch sử Việt Nam, con người Việt Nam luôn lấy sự hòa hiếu, lấy tình nghĩa thủy chung bè bạn làm đầu nhưng cũng con người đó một khi bị xúc phạm, họ sẽ biết cách bày tỏ thái độ của mình cũng như cả ngàn năm qua họ đã biết cách bày tỏ. Tốt nhất những hành vi ngang ngược bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế, trái với những gì đã có giữa hai dân tộc kia phải được dừng lại ngay.  


Theo nhà văn, trong hoàn cảnh như lúc này, mỗi người dân Việt nên ứng xử như thế nào?
Mềm nắn rắn buông! Câu đó bao giờ cũng đúng với mọi công cuộc ngoại giao và quân sự. Nhưng sự đời không phải bao giờ cứ muốn mềm là mềm, cứ thích rắn là rắn, trước hết nó phụ thuộc vào tiềm lực, ý chí và lòng tự tôn dân tộc của một quốc gia.

Trong lịch sử, khi một quốc gia đang trên đường suy thoái, lòng dân rạn nứt, trên dưới không thuận thì đó là thời cơ cho các dã tâm bên ngoài có dịp xâm thực vào.


Bài học chống ngoại xâm ngàn năm cho biết, một xã hội công bằng, một thể chế lành sạch, một triều đình vì dân, nhân dân được tôn trọng thì không có một thế lực đen tối nào có thể can thiệp vào được cả. Vương triều nhà Trần với ba lần thắng Nguyên Mông là một thí dụ điển hình đầy oanh liệt.


Có lẽ đây là lúc mà tất cả mọi người, từ trung ương xuống địa phương, từ trong Đảng ra ngoài Đảng, từ dân thường đến người có quyền chức phải trở về cõi tĩnh để nghĩ ngợi, để nghiêm túc nhìn lại mình, để cho một tầm tư duy, một phẩm hạnh, một hào khí Đông A lên ngôi. Bởi lẽ, sự tồn vong của non sông, lòng tự trọng của dân tộc, niềm tự hào của lịch sử mới là điều hệ trọng nhất.


Hành vi mời thầu thăm dò và khai thác dầu tại 9 lô nằm trong vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam thể hiện sự ngang ngược và bất chấp đạo lý, luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Đồ họa: N.Khanh (nguồn: Báo Tuổi Trẻ)

Nhà văn có suy nghĩ gì khi phía các cơ quan truyền thông Trung Quốc liên tục có các thông tin, tuyên bố xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc vấn đề chủ quyền trong vấn đề Biển Đông?

Trong mọi cuộc xung đột, mọi cuộc va chạm, cái phi nhân phi lý, cái tà tâm tà nghĩa bao giờ cũng mang sẵn trong mình nó một sự thất bại. Lịch sử loài người hàng ngàn năm đã chứng tỏ mọi sự chà đạp lên công lý lên sự thật là không thể tồn tại. Trung Quốc hôm nay, giữa thanh thiên bạch nhật, giữa từ trường công lý mà lại dám “coi trời bằng vung”, dám nhắm mắt làm liều thế này thì chắc rằng không một nước nào hưởng ứng, thậm chí tẩy chay quyết liệt lời mời thầu thăm dò dầu khí của họ. Và đó cũng là một điểm yếu cốt tử của họ.


BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY


Nghèo hay giàu, thịnh vượng hay suy thoái, ổn định hay biến động, cái đó thuộc về quy luật, thuộc về khát vọng và ý chí tự cường của mỗi dân tộc nhưng một khi vì cái đó mà đánh mất đi uy tín và danh dự trên trường quốc tế thì cái giá đó trả bao giờ mới xong?
Kẻ làm sai thường hay lớn tiếng theo kiểu mà ông bà ta hay gọi: “Vừa ăn cướp vừa la làng” Họ vừa ngang ngược vừa đe dọa, đúng là một miếng đòn cùn.


Đại tá, nhà văn Chu Lai có tên khai sinh là Chu Văn Lai (SN 1946, tại xã Hưng Đạo, huyện Phù Tiên nay là huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, hiện đang ở Hà Nội). Ông là  hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 1980).  

Sau khi tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1, ông biên tập và sáng tác cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Một số tác phẩm đã làm nên tên tuổi của ông: Nắng đồng bằng (1978), Vòng tròn bội bạc (1987), Ăn mày dĩ vãng (1991), Phố (1992, đã được dựng thành phim “Người Hà Nội”), Ba lần và một lần (1999), Khúc bi tráng cuối cùng (2004)…

Không có nhận xét nào: