Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

NÓI VUI VỀ PHƯƠNG NGỮ

MỘT CUỘC TRAO ĐỔI VỀ PHƯƠNG NGỮ TRÊN MẠNG

Anh Thư:
Nhân chuyện nói về phương ngữ em cũng xin phép các bac spam chút, kể chuyện chính em gặp phải nè: có lần em tuyển được 1 bạn phi công của em là người Nam, con thứ 9 trong nhà nên cha mẹ đặt tên là Chín (sau bạn này có cô em tên 10).

Một lần em mua giùm vé máy bay cho bạn ấy xong xuôi, em nhắn tên và code vé vào điện thọai cho bạn ấy thì bỗng dưng bạn ấy gọi lại nói: “ Cưng ơi! Em sửa lại tên anh đi, tên anh
  là Chín có đuôi”. Em ngạc nhiên hết sức, hỏi lại sao tên lại có đuôi? Bạn ấy mới nói là có chữ h ở cuối, nghĩa là tên bạn ấy phải viết là Chính mới đúng. Trời đất ơi! Em cố gân cổ (nung núc thịt) lên để cãi rằng không thể nào giống nhau được, chín là 9, là nấu chín, quả chín…Còn chính là thế lọ, thế chai… Bạn ấy cũng gân lên bảo là ở trong này viết là Chính mà cứ gọi là Chín đấy, làm gì nhau? Thôi thì giời không chịu đất thì đất phải chịu giời vậy, nhưng trong lòng em hậm hực từ đấy, cứ buồn mình hẩm hiu quá “chờ đợi mãi cuối cùng anh cũng đến”, vậy mà vớ ngay anh chàng vừa ngọng vừa nghễnh ngãng, lại còn cãi cùn. Cũng chả dám hỏi ai, sợ nhỡ lộ ra với người đời là mình vớ phải anh gàn…he he

… Ngày tháng trôi mau, em cũng quên rồi chuyện cái đuôi. Cho đến ngày dự định đóng ván thành hòm, em cùng chàng đi khám tổng quát ở bệnh viện QT Vũ Anh. Lúc vào đăng ký tên và nộp tiền ở quầy thu ngân, cô bé xinh như mộng mới hỏi lại bạn em “Anh là Chín có hát, hay không hát ạ?” bạn mình thản nhiên trả lời: Chín có đuôi đó em. Cô bé “dạ” ngọt lịm và tỉnh bơ cắm cúi ghi. Các bác có tin không? lúc đó em không nhịn được cười, giữa không gian tĩnh lặng của bệnh viện mà em cười vang như được mùa vì em mừng húm, hóa ra phi công của mình vẫn bình thường, chỉ vì trong Nam họ có quy ước như vậy hẳn hoi đấy các bác ạ. Ai cũng hiểu chỉ mình em cố tình không hiểu.

Anh Thư:
@ HM: anh ấy nói có đuôi là nói thật 100% đó, khi chị không hiểu anh ấy mới nói là chữ h ở cuối. Rồi lúc trả lời em gái kia, chàng cũng nói có đuôi tỉnh bơ, em kia cũng thấy cắm cúi ghi bình thường mà. Chắc là từ hồi đi học các bạn ấy đã nói vậy rồi.

He he , có lẽ chỉ người bắc mới thấy từ đuôi là buồn cười thôi.

Trần Lê Hiệp:
Ở miền nam Chín và Chính đọc như nhau đều đọc là "chính" cả. Hồi bé lúc tôi vào miền nam lúc mới giải phóng người miền bắc còn ít đọc đúng giọng chính tả còn bị bạn bè chọc kìa (ba tôi người Sài Gòn tập kết, mẹ người Hà Nội) có lần sinh hoạt điểm danh vô tình xếp đúng thứ 9, hàng cuối đến lượt mình hô "chín, hết!" thế là bọn nó lăn ra cười từ đó bọn nó cứ chơi trò đểu cứ xếp cho mình phải đứng thứ 9 hàng cuối, nếu mình đứng trên thì bọn nó chen vào cho mình đứng thành số 9, còn bọn đằng sau bỏ đi sang hàng khác mục đích để cho mình phải đọc "chín hết" để cười mà mình vẫn cứ phải "chín hết" vì đọc "chính hết" thì được nhưng nó cứ ngượng sao ấy

Nhật Minh:
Đề tài này thú vị đây. Xem kết quả Google thống kê thì càng thấy bác Lại Văn Sâm nói đúng trong chương trình "Ai là triệu phú" rằng số đông đôi khi cũng nhầm (sai), nên trước hết bạn HM hãy nói cho đúng tiếng phổ thông là "lặng phắc", sau dến xin kể chuyện tôi. Tôi sinh ra lớn lên ở đất cảng Hải Phòng, nên hồi bé cũng có thời gian ngắn (đi sơ tán về nông thôn tránh bom MỸ) nói theo "số đông" là đi hà lội mua cái lồi lấu cơm lếp. may tập thể tôi ở nhiều cô bác là người miền Nam tập kết, cùng với ba mẹ tôi sửa cho tôi ngay mỗi khi tôi phát âm tiếng "bản địa", cho nên từ cấp một tôi đã không nói ngọng, viết sai chính tả, khác với các bạn đồng liêu.
Sau ngày giải phóng miền nam, theo ba mẹ về quê, sinh hoạt tập thể, nghe bọn bạn nói và nhất là hát, cứ tức cười mà không dám cười. Rằng hát thế này: Như có bát Hồ trong ngày vui đại thắn, lời bát nay đã thành chiến thắn huy hoàn... lúc đầu tôi nghĩ là bọn nó nhại giọng bắc của mình, sau hiểu ra không phải, mà người lớn cũng nói, hát vậy, kể cả ca sỹ chuyên nghiệp. Có nhiệt tình sửa chữa cho bạn nhưng không ăn thua. À nhưng đến bây giờ sau gần 40 năm thống nhất đất nước lỗi này đã giảm rất nhiều, chắc chắn là do kết quả giao lưu, hòa nhập văn hóa ba miền rồi.
 
Tuy nhiên, có điều thú vị là các thầy cô giáo dạy học từ phổ thông đến đại học người miền Nam khi nói có dùng phương ngữ nhưng viết không bao giờ sai, rất đúng, chuẩn, trong khi đó các thầy cô người miền bắc tận từ 10+3 cho đến đại học, rồi cả tiến sỹ, cả chính khách đều có thể nói "ngọng níu ngọng no" làm tôi vốn tự hào với giọng nói "bắc bắc" của mình cũng cảm thấy ngượng ngùng, mất mặt, và khó chịu, không tiếp thu nổi nhất là khi nghe những người nổi tiếng hay chính khách nói. Càng phản cảm, phản tuyên truyền hơn là không hiểu sao các bác ấy vẫn hồn nhiên phát âm níu no như không hề nhận thức được mình nói ngọng. 

 
Sau nhiều trải nghiệm, va đập, hòa nhập (nhậu) với văn hóa các vùng miền trung, nam, bắc, tôi tự đúc rút ra được những cái đúng, sai trong phát âm và chính tả của mỗi vùng miền, như thế này:

Miền Bắc: sai phụ âm đầu, đúng nguyên âm, đúng dấu (thanh âm): đất nước thành đất lước (đất lước tôi thon thả giọt đàn bầu... nghe còn gì thon thả nữa), lý luận thành ný nuận (tôi tốt nghiệp trường cao cấp ný nuận Mác - Nê... thôi đi bác em chả muốn nghe).
Miền Trung (đất cố đô): đúng phụ âm đầu, sai nguyên âm (vì sai phụ âm cuối): c-t: bác chú thành bát chú; n-g-n không có g cứ thêm g vào: bàn ghế thành bàng ghế; có g thì lại bỏ đi: yêu thương thành yêu thươn... (ối ôi), sai dấu: hỏi - ngã - hỏi ...
Có câu chuyện tiếu lâm của người Huế hồi mới giải phóng: anh bộ dội miền Bắc đi trên phố thấy có biển hiệu "Sữa Hon da" liền vào quán nằng nặc đòi chủ quán bán sữa hon da cho anh để mang ra Bắc cho cu con bú tí. Chủ quán: "quán tui chỉ có sữa (sửa chữa) xe máy chứ không có bán sữa uống, anh ơi !"; anh bộ đội: "thì biển hiệu nhà bác đề "sữa hon da" đây thôi ? hay bác nói bộ đội không có tiền mua ?" ... Nghe câu chuyện này các bác thấy có cười được không, hàm ý của câu chuyện là các anh bộ đội rừng rú, quê mùa, tưởng sửa hon đa là sữa hon da ?! nếu cười được thì cười ai, ông chủ quán hay anh bộ đội, cười "sửa" hay "sữa" ?


Miền Nam: ít sai phụ âm, sai nguyên âm gần giống người miền Trung, nhưng không sai nhiều và không tạo cảm giác khó chịu cho người đối thoại như khi nghe người miền Bắc nói sai (tự ái thật).
Có thể các bác chưa hỏi, nhưng tôi đóng đinh luôn: Nói, viết tiếng Việt chuẩn nhất là... không phải người Hà Lội nha, mà là người bắc miền trung từ Nghệ An đến Quảng Trị nếu ta châm chước cho lỗi sai dấu hỏi - ngã - hỏi và chịu khó căng tai lọc âm qua giọng nói nặng ơi là nặng và đầm đặc phương ngữ.


Hay nói cách khác người bắc miền trung nhắn tin qua điện thoại di động bằng thứ tiếng Việt không dấu là chuẩn nhất. Tuy cũng có đôi lúc phải "phụ đề tiếng Việt" thêm chẳng hạn như "ca co duoi, no phai ca co cuong, em nhe". Hề hề xin lỗi các em gái xinh đẹp bên dòng sông La nghe.
Đề tài này còn có thể nói cả ngày nhưng sợ tốn "giấy mực" của 4rum.

Ninh:
Chắc là bác chưa có bạn bè lớn lên ở Tĩnh Gia - Thanh Hoá? Mấy ông bạn tôi người Tĩnh Gia nói chuyện cực chuẩn, giọng Bắc và đúng chính tả hoàn toàn. Đặc biệt hơn nữa, trong phát âm của họ thì "ra", "da" và "gia" khác hẳn nhau (chữ "gia" phát âm như người Nam, chữ "da" - như người Bắc, "ra" - như người Trung!).

+ Minminixi:
Cái nhận xét này của bác Ninh có vẻ đúng, vì mấy năm nay đi lại Vinh-Thanh cũng để ý thấy dân Bắc Thanh nói chuẩn và lọt tai hơn. Có điều nói chuẩn thì khó nói nhanh!

Dân HN ngày xưa và dân gốc cũng nói chuẩn theo kiểu vùng miền, tức ít phân biệt d-gi-r và s-x, ch-tr... Nói về "âm" chuẩn thì phải phân biệt các âm tiết chữ cái nêu trên, như kiểu ta nói tiếng Nga hay Anh-Pháp vậy, còn "giọng" chuẩn thì lại là các dấu "huyền-sắc-nặng-hỏi-ngã" chứ không hẳn âm tiết, và vậy là giọng HN "cổ" vẫn được coi là chuẩn. Còn HN nay cũng biến giọng nhiều, như nói "rề rà" hơn, sáng tạo các từ châm biếm mỉa mai hay mô tả thâm ý nhiều hơn như kiểu "hơi bị" chẳng hạn...


Trong giáo dục của ta cũng như một số nước khác đang có điều không chuẩn: dạy quốc ngữ chung nhưng ở vùng nào thì giáo viên nói tiếng vùng đó, kết quả là cứ truyền đời những âm và giọng địa phương, dù cũng có cải thiện chút đỉnh. Trong hiện thực VN hiện giờ, điều này là không có lợi: nếu giả sử đưa bài thì từ Nam ra Bắc để chấm thì chắc bị gạch chính tả khá nhiều...


Người ta mất bao xương máu và dựng cả hệ tư tưởng để thống nhất địa chính vùng miền và khai thác lợi lộc từ bất cứ đâu, nhưng cái ảnh hưởng đến đủ thứ của con người do khác giọng nói thì không chịu thống nhất, "kệ chúng bay" chăng? đây không phải vấn đề dân tộc mà!
Mà khi tư tưởng địa phương và vùng miền còn mạnh như thế thì sao đoàn kết toàn dân để có sức mạnh kinh tế hay khoa học được?

Ninh:
Bác Bộ trưởng lại "lâng nên quan điểm" rồi!
Nhà em ủng hộ sự đa dạng của các phương ngữ - ít nhất mỗi địa phương cũng có được một "đặc sản". Và vì thế, đôi khi em tự trách mình là giờ đây không nhớ hết từ ngữ quê mình (từ lớp 6, em bắt đầu tự cải tạo mình về lời nói, đến giờ này người khác không thể đoán ra quê nhà em ở đâu). Ngại nhất là khi về thăm quê...
Đôi khi gọi "thịt heo", nhưng chửi thì phải "đồ con lợn" mới "đã cái miệng"
Hà Nội bây giờ nói không như xưa nữa bác ơi, vì có "mưa dàodông dải dác", "neo nên nề nà nật niền"!

Nhật Minh:
Chính xác bác ninh ạ, vì trong lúc "lên đồng" bàn loạn về giọng nói, từ ngữ vùng miền tôi quên mất vùng đất bên sông Mã anh hùng. Người Thanh Hóa không mắc cái sai của người Bắc về phụ âm và cũng không mắc cái sai của người Nam về nguyên âm và dấu hỏi - ngã - nặng. Xin chân thành nói lại rằng người Thanh Hóa nói, viết tiếng Việt chuẩn nhất. Chỉ vì nặng lòng với miền trung nghèo khó, thua thiệt nên mới "cơ cấu" xứ bắc miền trung lên thứ nhất về việc nói, viết chuẩn, nhưng tôi vẫn còn lý trí khi yêu cầu các bác châm chước cho cái sai dấu hỏi - ngã - nặng của miền trung.
E hèm nhưng nghe giọng nói của các iem thành phố Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Thành cổ Quảng Trị và cố đô Huế dễ thương và dễ bị "sa ngã" lắm các bác ạ.
Còn giọng nói của người Hà Nội gốc có lẽ là chuẩn hiểu theo ý chung. Riêng tôi thấy vì Hà Nội là chốn tụ hội bốn phương nên tôi lấy giọng Đông Anh, Từ Liêm làm gốc "đồ thị" để tham chiếu thì lại rất "níu no" ạ.

Minminixi:
Chính nhà bác đang mắc míu ý thức vùng miền rùi. Nhà em không nói chiện xóa tiếng địa phương, mà nói về cái chuẩn của giáo dục. Học sinh miền nào cũng phải học viết và nói thứ tiếng quốc ngữ chuẩn, thậm chí phân biệt so sánh với tiếng địa phương mà mình nói ở nhà. Cứ việc giữ bản sắc, nhưng tiếng quốc ngữ là để giúp ích cho việc "đánh bắt xa bờ" sau này, thậm chí với mấy nàng Kiều hiện đại còn rất ý thức sửa giọng cho phù hợp tiếng nói nơi đến "làm việc". Có khi nào bác đi máy bay tết mà gặp gần hết MB là các nàng Kiều trở vào Nam thăm quê ăn tết chưa nhỉ?
Có nước có đến 2 quốc ngữ như Thụy sĩ, học sinh nào cũng đều biết cả Đức lẫn Pháp, tiếng Anh thì ở mức giao tiếp đọc hiểu. Chẳng việc gì phải sợ nhồi cho học sinh vài ba ngoại ngữ thông dụng ngay trong nước họ (mà thổ ngữ và quốc ngữ đều là thứ ngoại ngữ dễ học nhất, chỉ cần có "định hướng" là OK). Việc nhồi này còn chán vạn dễ và ích hơn là nhồi cả bụng sách quá tải hiện nay, để cuối cùng vẫn phải lo phao thi và học thêm-mua bán điểm...


 TIẾNG BẮC- TIẾNG NAM

Bắc bảo kỳ, Nam kêu cọ (gọi là kỳ cọ)
Bắc gọi lọ, Nam kêu chai
Bắc mang thai, Nam có chửa
Nam xẻ nửa, Bắc bổ đôi
Bắc quở gầy, Nam chê ốm
Bắc cáo ốm, Nam khai bịnh
Bắc định đến muộn, Nam liền la trễ
Nam mần sơ sơ, Bắc nàm nấy nệ
Bắc lệ tuôn trào, Nam chảy nước mắt
Nam bắc vạc tre, Bắc kê cái chõng
Bắc nói trổng Thế Thôi, Nam bâng quơ Vậy Đó

Bắc đan cái rọ, Nam làm cái giỏ,
Nam không nghe nói dai, Bắc chẳng mê lải nhải
Nam cãi bai bãi, Bắc lý sự ào ào
Bắc vào Ô tô, Nam Xế hộp
Bộp chộp Bắc hãm phanh, lanh chanh Nam đạp thắng
Khi nắng Nam mở Dù, trời mưa Bắc lại xoè Ô
Điên rồ Nam đi trốn, nguy khốn Bắc lánh mặt
Chưa chắc Nam nhắc: từ từ, Bắc khuyên: gượm đã
Bắc là quá dại!, Nam thì ngu ghê!
Nam sợ ghê, Bắc hãi quá
Nam thưa Tía, Má - Bắc bẩm Thầy, U
Nam nhủ ưng ghê, Bắc mê hài lòng
Nam chối lòng vòng, Bắc bảo dối quanh

Nhanh nhanh Nam bẻ Bắp, hấp tấp Bắc vặt Ngô
Bắc thích cứ vồ, Nam ưngchụp
Nam rờ Bông Bụp, Bắc vuốt Tường Vi
Nam nói: mày đi ! Bắc hô: cút xéo.
Bắc bảo: cứ véo ! Nam nói: ngắt đi.
Bắc gửi phong bì, Nam chuyển bao thơ
Nam kêu: muốn ói, Bắc bảo: buồn nôn !
Bắc gọi tiền đồn, Nam kêu chòi gác
Bắc nói khoác lác, Nam bảo xạo ke
Mưa đến Nam che, gió lùa Bắc chắn
Bắc khen giỏi mắng, Nam nói chửi hay.
Bắc nấu thịt cầy, Nam thui thịt chó.
Bắc vén búi tó, Nam bới tóc lên
Anh Cả Bắc quên, anh Hai Nam
Nam : ăn đi chú, Bắc: mời anh xơi !
Bắc mới tập bơi, Nam thời biết lội.
Bắc đi phó hội, Nam tới chia vui
Bắc kéo xe lôi, xích lô Nam đạp
Nam thời mập mạp, Bắc cho là béo
Khi Nam khen béo, Bắc bảo là ngậy
Bắc quậy Sướng Phê, Nam rên Đã Quá !
Nam gọi ly trà đá, Bắc  đòi cốc chè xanh.
Bắc rành môi giới, Nam liền giới thiệu
Nam ít khi điệu, Bắc hay làm dáng.
Tán mà không thật, Bắc bảo là điêu
Giỡn hớt hơi nhiều
, Nam kêu là xạo.
Bắc nạo bằng thìa, Nam cạo bằng muỗng
Nam mê phiếm, Bắc thích đùa.
Bắc vua Bia Bọt, Nam chúa La-De
Bắc khoe bùi bùi lạc rang, Nam : thơm thơm đậu phọng
Bắc xơi na vướng họng, Nam ăn mãng cầu mắc cổ
Khi khổ Nam tròm trèm ăn vụng, Bắc len lén ăn vèn
Nam toe toét «hổng chịu đèn», Bắc vặn mình «em chả»
Bắc giấm chua «cái ả», Nam bặm trợn «con kia»
Nam mỉa «tên cà chua», Bắc rủa «đồ phải gió»
Nam nhậu nhẹt thịt chó, Bắc đánh chén cầy tơ
Bắc vờ vịt lá , Nam thẳng thừng lá thúi đị…
Khi tắm, Nam bưng thùng thì Bắc bê sô
Nam bỏ trong rương, Bắc tuôn vào hòm.
Nam lết hòm, Bắc mặc áo quan
Bắc xuýt xoa "Cái Lan xinh cực!",
Nam trầm trồ "Con Lan đẹp hết xẩy!"
Phủ phê Bắc trùm chăn, no đủ Nam đắp mền

Tình Nam duyên Bắc có thế mới bền mới lâu !!!


Nguồn: Nhặt nhạnh trên Mạng, không rõ tác giả. Xin được thông cảm!


Không có nhận xét nào: