Hôm nay ngày Nhà giáo VN, tôi xin có đôi lời
tâm sự.
Tôi làm nghề dạy học nhưng không dám nhận làm thầy
ai, bởi tôi không cho rằng “hơn một chữ cũng là thầy” như quan miệm xưa kia là
đúng nữa. Kiến thức thời nay rộng mênh
mông như biển cả, mỗi người giỏi lắm cũng chỉ am hiểu một vùng nước nhỏ. Người ta nói người dạy học như người chở đò, mỗi
người chỉ góp phần đưa người qua một khúc sông trên con đường học vấn, sự nghiệp
của họ. Tôi không đếm mình đã góp phần đưa bao nhiêu người qua con lạch nhỏ trong đời
“chở đò” của mình, nhưng tôi biết rất nhiều người đã trưởng thành, có không ít
người đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, học vấn. Điều này làm cho những người “chở
đò” hạnh phúc.
Vừa rồi thầy
Đặng Đình Cung có chia sẻ trên FB như sau: “ Lâu nay trong quan hệ Thầy-Trò dường
như người ta thường đề cập nhiều hơn lòng biết ơn của trò đối với thầy mà quên
chiều ngược lại. …. tận đáy lòng mình luôn biết ơn các thế hệ học trò, kể
cả những người mình không trực tiếp giảng dạy. Các em đã cho mình công việc,
nhưng điều quan trọng hơn là các em đã giúp hình thành nên nhân cách. Chính sự
vô tư, sự khát khao công bằng, tình cảm nhân văn trong sáng, lòng nhiệt tình của
tuổi trẻ … của các em đã hình thành trong mình một lối suy nghĩ, một lối sống
mà nếu không làm nghề này mình chắc không có được. Các em là phần tốt đẹp nhất
của xã hội, là tương lai, là mong ước của đất nước. Được tiếp xúc với một đối
tượng như vậy không phải là hạnh phúc hay sao.”
Trò chơi cho các cặp đôi yêu và cưới của "Thanh Xuân 86"
|
Đồng tình với nhận xét trên, hôm qua tôi chia
sẻ điều này với thầy Đinh Hồng Việt, một thầy giáo dạy toán rất có uy tín ở trường,
thầy bảo “mình cũng nhất trí với thầy Cung. Mình không phải giỏi toán nhưng
chính nhờ dạy toán cho các em sinh viên ở Khoa Lưu học sinh mà mình đã học hỏi
được ở các em ấy rất nhiều, đó là lối tư duy khác, cách suy nghĩ khác, rất sáng
tạo…”.
Ngày 8 tháng 1 năm 2012 vừa qua, 161 người trong số
694 Lưu học sinh khối Nga và Đông Âu học tại trường ĐH Ngoại Ngữ Thanh Xuân Hà
Nội khóa 1985 – 1986 đã về gặp mặt trong buổi giao lưu “Thanh Xuân 86 – 25 năm
hội ngộ”. 25 năm, một khoảng thời gian đủ dài để làm nên sự nghiệp của một con
người hóa ra cũng chỉ như “bóng câu qua cửa sổ” khi bạn bè và thầy trò cũ được
gặp lại nhau. Những kỉ niệm một thời sống dậy, những câu chuyện chưa nói hết,
những xôn xao không dám dãi bày, những bài thơ chưa kịp đọc và còn biết bao
dang dỡ khác dường như đã có một đoạn kết đẹp đẽ trong ngày gặp lại.
Trong một email gửi Ban Tổ chức em Nguyễn Thanh An
đã viết:
“ 25 năm. Quãng thời gian bằng một phần ba đời người với biết bao đổi thay,
vậy mà đối với các anh chị, tình bạn, tình thầy trò vẫn nguyên vẹn như ngày
nào. Điều đó thật đáng quý. Khi nhìn những tấm ảnh kỷ niệm học trò mà nước ảnh
đã hoen ố được giữ gìn cẩn thận suốt 25 năm qua, không chỉ những con người sống
trong thời kì đó mà tất cả những người có mặt trong khán phòng cũng thấy nao
lòng. Trong một phút em đã nghĩ đến những người bạn cũ, những người thầy người
cô của mình và muốn nhất máy gọi điện cho thầy chủ nhiệm cấp 2 chỉ để hỏi”Thầy
có khỏe không ạ?”.
Ấn tượng sâu sắc nhất đối với em là thầy Việt. Buổi
học cuối cùng trước khi tiễn học trò lên đường sang nước bạn xa xôi ngày ấy, thầy
đã viết một bài thơ dặn dò các em phải sống đoàn kết và học tập tốt. Nhưng gần
hết giờ rồi mà thầy còn một định lí chưa giảng xong, mà không chứng minh thì thầy
không yên tâm chút nào, nên bài thơ đã viết thầy đành ngậm ngùi kẹp vào trang
giáo án. Hôm nay trên sân khấu của “Thanh Xuân 86”, dáng thầy nhỏ bé, tóc đã điểm
sương, tay thầy run run cầm một tờ giấy đã ngã vàng, là bài thơ năm nào được thầy
giữ gìn cẩn thận, giờ đây thầy mới có cơ hội đọc tặng học trò.
Em nghĩ điều làm nên thành công của “Thanh Xuân – 86”
không phải là cách sắp xếp tổ chức chuyên nghiệp, không phải là âm thanh, ánh
sáng hoàn hảo, mà là nhờ tình cảm và nỗi lòng mà mỗi người mang theo khi đến với
buổi gặp mặt này”
Vì vậy, cũng như thầy Cung, Thầy Việt và chắc chắn có
nhiều thầy cô khác nữa, tôi xin nói một câu
từ đáy lòng: Cảm ơn các em, các em học sinh thân yêu. Và mình rất muốn chia sẻ
quan điểm của giáo sư Nguyễn Văn Liêu: Nên đổi tên Ngày Nhà giáo Việt Nam thành
NGÀY THẦY TRÒ VIỆT NAM.
Việt Minh
Video liên quan:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét