Sau bài “Tôi và “bầu” Kiên” viết theo “com-măng” của “một
ông anh”, thì chính anh ấy viết lại một câu chuyện li kỳ, hấp dẫn đầy tính tâm
linh, liên quan đến một mối quan hệ có thể nói là vừa kỳ lạ, vừa (có thể là) kỳ
diệu – giữa anh “bầu” Kiên và một người phụ nữ ở tận Châu Phi xa lắc xa lơ.
Điều thú vị là chị phụ nữ này nhận ra anh Kiên ở tiền kiếp chính là ông ngoại
của chị ấy, và câu chuyện này khi “ông anh” post lên Facebook thì khá là hút
khách…
*****
Một – chuyện cô cháu gái ngoại của “bầu” Kiên.
Thật ra mình không định viết về chuyện này, lý do tại sao
thì chắc đến cuối phần “Một” này người đọc sẽ rõ, nhưng do “ông anh” cứ đề nghị
viết, nên thôi cũng xin viết mấy dòng. Bài viết của “ông anh” về chuyện cô cháu
ngoại anh “bầu” Kiên, thì mình đã post trước ở đây để mọi người cùng theo dõi.
Theo những thông tin trong bài thì chị ấy đã ăn chay trường được hơn 30 năm,
theo Phật, tu thiền… việc chị ấy một ngày chợt nhận ra anh Nguyễn Đức Kiên đang
vướng vòng lao lý là ông ngoại của mình trong tiền kiếp – chắc hẳn có người tin
như là một sự kiện kỳ diệu, nhưng cũng có người chẳng tin tí nào – tất cả đều
là hết sức bình thường. Để nhìn thấu được vô lượng kiếp của một người nào đó
thì người có thần thông có thể làm được, như “thiên nhãn thông” hoặc “thần túc
thông” (xin lên mạng hỏi giáo sư Gu-gờ với từ khóa “lục thông”).
Thường thì hành giả đạt các bậc “tu chứng” thì cũng có “thần
thông” (xin lên Youtube xem bài pháp thoại của thày Thích Chơn Quang về “Các
bậc tu chứng”), nhưng không phải cứ có “thần thông” là phải đạt một bậc tu
chứng nào đó, có thể đến mức thấp nhất của “tứ thánh quả” là Sơ quả Tu-đà-hoàn
(Sotàpatti) cũng chưa đạt được.
Vì thế trong đời sống hàng ngày, chúng ta nếu có gặp một ai
đó có được một năng lực về tâm linh, một dạng “thần thông”, xin đừng lấy đó làm
lạ. Thực ra năng lực của con người cả về thụ cảm của các giác quan lẫn năng lực
tư duy, con người mới chỉ sử dụng được khoảng 10% gì đó mà thôi – nghĩa là cũng
xin đừng lấy làm buồn là con người hiện nay đang bị thoái hóa nghiêm trọng.
Chị cháu ngoại của anh Kiên, theo những thông tin chúng ta
nắm được, mới chỉ phát hiện ra anh Kiên là ông ngoại của mình ở tiền kiếp (hình
như cách một kiếp nữa thì phải.) Nếu chị ấy nhìn thấy được cả kiếp trước, kiếp
trước nữa… đến vô lượng kiếp (vô lượng, nói nôm na là “ti tỉ” kiếp), thì chắc
là chị ấy có được “thiên nhãn thông” hoặc thậm chí “thần túc thông”.
Nhưng rõ ràng là chị ấy đã cảm thấy có một mối quan hệ đặc
biệt giữa bản thân với anh Kiên “béo” thân mến của chúng ta, và theo chúng ta
được biết, tốn khá nhiều nước mắt với câu chuyện này.
Từ hai đặc điểm này (có chút “thần thông” nhưng vẫn tốn nước
mắt), gợi nên trong suy nghĩ của người học Phật, rằng liệu chị ấy có đạt được
một bậc tu chứng nào đó? Vì bậc tu chứng thấp nhất là Sơ quả Tu-đà-hoàn
(Sotàpatti) thì cũng đã phá bỏ được “thân kiến” (thành kiến cá nhân, ích kỷ);
“giới cấm thủ” (chấp vào nguyên tắc vớ vẩn) và “nghi” (nghi hoặc) – thì làm gì
còn có chuyện ngồi khóc rưng rức suốt như thế. Như người uống nước tự biết nóng
lạnh, chỉ có chị ấy mới biết được bậc tu chứng của mình, hoặc những bậc thánh
nhân, Phật hoặc Bồ Tát mới ấn chứng được cho chị ấy về bậc tu chứng mà thôi. Có
thể giải thích là những thông tin tất cả về anh Kiên “béo” bằng một cách kỳ
diệu siêu nhiên nào đó nằm ngoài nhận thức của người phám, được dẫn đến với “cô
cháu ngoại” – để chị ấy cảm nhận rõ ràng rằng: “Đây, anh Nguyễn Đức Kiên, ông
ngoại của mình đã bị bắn trong cải cách ruộng đất.” Cái chết oan khuất chưa
được giải và oan hồn vẫn tìm cách minh oan… cũng bình thường thôi mà.
Nếu hiểu theo luật “Nhân – Quả” thì chẳng có gì là không có
“nhân” của nó, kể cả chuyện “cô cháu ngoại” cứ nhất quyết khóc vì chuyện của
anh Kiên “béo”. Chắc chắn phải có mối quan hệ giữa họ với nhau, còn như thế
nào, không phải là việc mà người phàm chúng ta có thể hiểu được.
Và quan trọng, đó không phải là việc của chúng ta. Việc của
chúng ta, là nghe vậy, biết vậy, không nghi hoặc, không tin phăm phắp… hiểu
được sự việc dưới ánh sáng của Phật pháp cũng đã là quá tốt rồi. Và đây chính
là lý do mình không muốn viết về chuyện này, vậy thôi.
*****
Hai. Tôi xin viết nốt cái chuyện anh Kiên.
Những bài viết về anh Kiên “béo” khi được post lên Facebook
đều thu được sự chú ý tương đối nhiều của cư dân xứ Phây, đọc các comment cũng
có nhiều thú vị. Tạm phân loại các loại ý kiến như thế này: (1) Anh Kiên làm
giàu bằng năng lực phi thường của mình (2) Anh Kiên làm giàu bằng khả năng
thiên phú tận dụng hoàn cảnh và quan hệ (3) Anh Kiên đại diện cho tầng lớp “sân
sau” hay “nhóm lợi ích” nào đó, vân vân và vân vân… nhưng mình thấy đáng chú ý
nhất và muốn nói đôi điều về một dạng ý kiến: “Anh Kiên làm giàu ở Việt Nam, mà
ở Việt Nam thì người ta muốn đập cho chết những người giàu…”
Trong số các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, phải nói Đạo Phật
nhận được sự ưu ái hơn các tôn giáo khác một chút – và chính quyền cho rằng đó
là “đạo của dân tộc”; Đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam từ rất sớm. Kinh
sách từ tiếng Hán dịch bắc cầu nhiều, từ tiếng Phạn dịch thẳng ra cũng nhiều,
hệ thống “từ chuyên ngành” Hán Việt giàu thuộc hàng bậc nhất… nhiều người học
Phật lấy làm tự hào về truyền thống và cho rằng là người Việt Nam thật có phước
để tu học – gì chứ hơn đứt hẳn Trung Quốc vốn trải qua thời kỳ Cách mạng Văn
hóa các tôn giáo gần như tuyệt diệt.
Trên thực tế thì không hẳn như vậy. Từng người Việt Nam sinh
sống trên dải đất hình chữ S hiện nay, nghiệp cực kỳ nặng, tất nhiên, có người
nặng hơn, có người nhẹ hơn người khác, nhưng thực sự là nặng. Chiến tranh giặc
giã liên miên, rồi hòa bình đã ngót 40 năm mà lòng người vẫn chưa yên, rồi ông
hàng xóm phương Bắc bẩn tính và thù hằn thâm căn cố đế… Ở mức độ đời sống xã
hội thường ngày, nào là những con sông bị xả thải chết sạch cả cá, nào là hàng
triệu cái xe máy xả khí thải cho chúng ta hít hàng ngày, nào là ăn rau thuốc
sâu và ăn hoa quả Trung Quốc để hàng năm không hỏng… Ở khía cạnh kế sinh nhai
và phương pháp làm giàu, không trốn thuế buôn lậu thì không thể kinh doanh được
ở Việt Nam… Ở khía cạnh làm quan, không tham nhũng không làm được quan chức,
còn làm quan chức mà liêm khiết thì phá cả đường dây nên rồi thì người ta sẽ
cũng đào thải…
… nghĩa là ở Việt Nam, trừ đại gia tự dưng trúng xổ số, hoặc
một số rất rất ít các đại gia “chân chính”, còn thì không có thánh nhân làm
giàu mà chỉ có mấy bác buôn chính sách. Lại càng không có ông quan kiêm thánh
nhân như ông Tô Đông Pha đời Tống bên Trung Quốc.
Vì thế nếu có nói anh Kiên hay bất cứ anh đại gia nào khác,
có lúc nào đó trong đời móc ngoặc, buôn chính sách, làm ăn bất chính… thì cũng
không có gì đáng ngạc nhiên.
Chỉ có một điều là trước cảnh ngộ của anh Kiên “béo” hiện
nay, bao nhiêu người biết sờ tay lên gáy, nghĩ đến những điều đã từng làm không
hợp đạo lý mà biết dừng lại? Hay là thấy người ngã ngựa mà hả hê, đến khi nào
nghe tiếng còng số 8 lách cách mới toát mồ hôi lạnh?
Từng con người trong số chúng ta mà không tỉnh ngộ được ra,
thì một ngày cũng từng người trong số chúng ta, rơi vào cảnh ngộ tương tự của
anh Kiên, cũng có gì là lạ đâu? Nhân quả cả mà!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét