Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Nói “đường 9 đoạn” là không được.*

Tác giả: Ngô Qua (Tổng biên tập Tạp chí Quân sự Trung Quốc)
Người dịch: Mỗ gia (09/12/2012)

Quan điểm của tôi là, Philippines chiếm đóng đảo san hô ở Nam Sa[ii] của Trung Quốc đích thực là xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, nhưng ở lần tàu chiến Philippines đi vào đường 9 đoạn này, cần suy ngẫm lại chính là Trung Quốc[iii].
Đây là một đề tài mạo hiểm, mạo hiểm đến mức ai cũng tránh nó, tôi cũng không biết được là có sẽ tự rước lấy họa vào thân hay không, song nó thực sự nguy hiểm là ở chỗ: Lợi ích quốc gia đã bị mất đi trong vô thức một cách rầm rộ.
Tranh chấp Nam Hải ra sao, vấn đề trước tiên là ở mình.
Ngày 1.7.2012, “Quảng Châu nhật báo” đăng bài “Tàu chiến Philippines đi vào vùng biển Nam Hải[iv] của nước ta nói là bảo vệ khí đốt tự nhiên”.
Lời nói này có sai không? Có!

“Đi vào”, có nghĩa là đương nhiên đã cân nhắc đến cương giới. Quả nhiên, bài báo đã sử dụng câu “đi vào vùng biển bên trong đường 9 đoạn”.
Tiếp đó, bài báo đã dùng lời của đại tá Lý Kiệt, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu quân sự hải quân, nói “đường 9 đoạn đã được hoạch định từ lâu khỏi cần tranh cãi”.
Có vấn đề rồi đây.
Trước tiên tôi muốn được thanh minh, tôi vô cùng ngưỡng mộ khả năng nghiên cứu về các lĩnh vực trang bị hải quân…của ông Lý kiệt, song dù anh có tin hay không, thì một hiện thực tương đối nghiêm trọng của Trung Quốc hiện nay là: Trong các luật công mấy chục năm qua, chưa hề nhìn thấy có luật công quốc tế, cho đến nay, trong giới báo chí, giới quân sự, giới chính trị Trung Quốc, số người hiểu biết về luật quốc tế đều không nhiều, còn giới luật học Trung Quốc thì lại rất thận trọng với vấn đề Nam Hải, chỉ giới hạn trong các bàn thảo về học thuật chứ chưa bao giờ tuyên bố công khai. Cộng thêm căn bệnh thiếu đồng bộ giữa các ban ngành của Trung Quốc đã trở nên thâm căn cố đế, giới báo chí, giới quân sự, giới chính trị còn khiếm khuyết về mảng kiến thức luật học mà chẳng hề tự biết, hiện tượng càng truyền càng sai này đã trở nên thịnh hành.
Chớ có cho rằng đây chỉ là vấn đề về học thuật và khái niệm, mà nó sẽ quyết định cái cơ bản trong cuộc tranh giành Nam Hải của Trung Quốc
Nói “đường 9 đoạn” là không được
Tiêu chí công khai quan trọng nhất về lợi ích Nam Hải của Trung Quốc không nằm ngoài “đường 9 đoạn” (còn gọi là “9 đường đứt đoạn” hoặc “đường chữ U”). Tuy nhiên, từ dân chúng cho đến không ít các chuyên gia trong các lĩnh vực truyền thông và ngoài pháp luật vẫn còn chưa rõ về hàm nghĩa chính xác của đường 9 đoạn này, mà thường ngộ nhận là đường này thể hiện toàn bộ vùng biển nằm trong đường ấy là thuộc về Trung Quốc.
Đường này bắt nguồn từ tập “Nam Hải chư đảo vị trí đồ” do Ban phương vực Bộ nội chính chính phủ Quốc dân vẽ và xuất bản năm 1947, vốn là đường 11 đoạn vẽ ranh giới quốc gia chưa được xác định. Khi ấy Trung Quốc vừa mới thu hồi lại được các đảo Nam Hải từ tay quân chiếm lĩnh Nhật Bản, để đưa các đảo ấy vào bản đồ Trung Quốc, người ta đã áp dụng phương pháp giản tiện tốc ký địa lý này để vẽ các đường đứt đoạn trên bản đồ, tức vẽ đường lên các đảo san hô nằm ngoài rìa nhất, bao gồm toàn bộ các rạn san hô nằm trong đó, để khỏi phải làm lẻ từng đảo một. Phương pháp này từng được sử dụng rộng rãi trên thế giới vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 (bao gồm cả các bản đồ thời Mỹ cai trị Philippines, nhưng Mỹ tuyên bố rõ ràng rằng đó không đại diện cho ranh giới quốc gia).
Về hàm nghĩa chuẩn xác của đường 9 đoạn, giáo sư Lưu Nam Lai ở Viện nghiên cứu Luật quốc tế thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc năm 2005 đã có bài viết “Địa vị pháp lý của đường hình chữ ‘U’ xét về luật quốc tế”[v] trên trang “Luật học Trung Quốc” quan điểm hết sức rõ ràng và là quan điểm đáng tin cậy nhất có thể tìm thấy hiện nay. Điều thú vị là, bài viết hiện vẫn tìm thấy ở phần đề mục của trang này, nhưng phần nội dung thì không còn thấy nữa, quả thực không hiểu nổi đề tài này mạo hiểm đến nhường nào.
Bài viết cho rằng, đường này mới đầu không phải là ranh giới quốc gia, các chính phủ kế tiếp của Trung Quốc cũng chưa từng tuyên bố toàn bộ vùng biển bên trong đường này là lãnh hải Trung Quốc, đồng thời thừa hành quyền lãnh hải. Hơn nữa, theo “Công ước về luật biển của Liên hợp quốc” (sau đây gọi tắt là “Công ước”), việc hoạch định lãnh hải cần phải được xác định dựa theo lãnh thổ để vẽ đường cơ bản lãnh hải, đâu có phải cứ nói là “phân định” từ ngoại vi;
Đường này cũng không phải là “thủy vực mang tính lịch sử”, bởi vì khái niệm này không hề được sự thừa nhận phổ biến của cộng đồng quốc tế, hơn nữa, “thủy vực mang tính lịch sử” là ngang bằng với “nội thủy”, tàu thuyền nước ngoài chưa được phép không được đi qua, điều này cũng không hiện thực. “Thủy vực mang tính lịch sử” còn yêu cầu nước ấy phải kiểm soát nó trong thời gian dài, đồng thời được sự thừa nhận của các nước khác;
Thứ ba, đường này cũng không phải là “đường quyền lợi mang tính lịch sử”, bởi vì định nghĩa này cũng coi toàn bộ vùng biển nằm ngoài nội thủy bên trong đường ấy là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, nhưng không hề đồng nghĩa với việc hoạch định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa căn cứ vào “đường quyền lợi mang tính lịch sử” theo luật biển quốc tế, các chính phủ kế tiếp của Trung Quốc cũng chưa từng chủ trương như vậy.
Kể từ sau khi nước Trung Quốc mới thành lập, chưa hề có thuyết minh chính thức nào về địa vị pháp lý và hàm nghĩa của đường này, nhưng từ các tuyên bố và bài nói có liên quan của chính phủ Trung Quốc có thể thấy, chính phủ Trung Quốc trong thực tế luôn dùng nó làm đường quy thuộc các đảo hoặc đường phạm vi các đảo.
Trong “Tuyên bố về lãnh hải của chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” năm 1958, đã dùng phương thức thừa nhận “cách đại lục bằng hải phận quốc tế” giữa Trung Quốc đại lục với các đảo ngoài khơi để loại bỏ khả năng nhầm lẫn khi giải thích vùng biển nằm giữa Trung Quốc đại lục với các đảo ngoài khơi và toàn bộ vùng biển nằm trong đường chữ “U” là vùng biển thuộc thẩm quyền Trung Quốc. Sau đó, chính phủ Trung Quốc khi nhiều lần nhấn mạnh về chủ quyền đều sử dụng từ ngữ đã chọn lọc “nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có chủ quyền không thể tranh cãi đối với những hòn đảo này cùng các vùng biển phụ cận”.
Quy định hành chính “Các quy định về việc biểu thị nội dung các bản đồ công khai”do Cục Đo đạc và Bản đồ Quốc gia ban hành năm 2003 và trong các văn bản học thuật do các chuyên gia Cục Thông tin Địa lý Đo đạc và Bản đồ Quốc gia (tên hiện nay) công bố đều nói rất rõ: Kí hiệu đường ranh giới quốc gia đứt đoạn trên vùng biển Nam Hải biểu thị đường phạm vi quy thuộc của các đảo Nam Hải. Thực ra đây là một cách nói đầy mâu thuẫn, làm sao lại có thể dùng kí hiệu “đường ranh giới quốc gia đứt đoạn” để biểu thị một ý nghĩa khác được?
Một sự thật khác nữa là, sở dĩ đường 11 đoạn lại biến thành đường 9 đoạn là bởi vì sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, để tránh ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị Trung-Việt, nên đã chủ động xóa đi 2 đoạn ở phía đông bắc, điều này cũng nói lên tính chất bao gộp và phi xác thực của đường này. Đây không phải là bán nước, mà là xóa đi vịnh Bắc Bộ thuộc 2 đoạn, tranh cãi về vấn đề phân chia biên giới trên biển Trung-Việt đã kéo dài mấy chục năm, cuối cùng gần đây đã giải quyết thành công thông qua đàm phán, cho thấy vấn đề lãnh thổ là có thể giải quyết được, hơn nữa, chỉ có điều ước song phương thì mới có thể giải quyết được triệt để.
Còn có một chuyện nực cười khác, trang trí ở bìa dưới cuốn “Báo cáo về phát triển biển Trung Quốc”[vi] do Cục biển quốc gia xuất bản công khai năm 2011 lại kéo dài “đường 9 đoạn” về hướng đông bắc thành “đường 10 đoạn”, tôi tin đây chỉ là sự tùy tiện về mặt biên tập mỹ thuật, nhưng cái đoạn thêm này lại ở gần đảo Điếu Ngư, thế là vô tình lại sinh ra một chuyện dở khóc dở cười, chẳng lẽ khâu biên tập của nhà xuất bản cũng cho kiểu vẽ này là làm ra sự đã rồi?
Đương nhiên, về cách lý giải “đường 9 đoạn”, giới luật học cũng không phải là không có quan điểm khác nhau, song chủ yếu chỉ tập trung ở mặt chủ trương coi là “đường quyền lợi mang tính lịch sử”, chứ không có người nào lại chủ trương coi là đường ranh giới quốc gia cả, bởi vì đây không thể là kiểu nói lấy được về mặt luật quốc tế, và cũng không mang tính có thể thao tác.
Hậu quả hỗn loạn
Khi đã hiểu được những kiến thức trên đây, thì hiển nhiên là nhà nghiên cứu Lý Kiệt đã có đôi điều thiếu chuẩn xác trong những trình bày về chủ quyền Nam Hải.
Các luật quốc tế như “Công ước”… có 3 nguyên tắc: Phát hiện trước, chiếm lĩnh trước, kiểm soát thực tế”. “Nhân dân Trung Quốc đã bắt đầu phát hiện, chiếm lĩnh và tuần tra các đảo san hô ở Nam Hải ngay từ trước năm 2000, điều này cũng đã có các chứng cứ lịch sử và văn bản lịch sử chứng minh”.
Đúng, vì thế mà khỏi thèm bận tâm đến chứng cứ lịch sử của các nước như Việt Nam…, song điểm yếu của Trung Quốc là về mặt “kiểm soát thực tế”. Kiểm soát thực tế của Trung Quốc đối với Nam Hải, ngoài hoạt động của ngư dân ra, xét từ góc độ chính phủ, lâu nay chủ yếu được thể hiện thông qua phương thức “tuần tra” ngắt quãng, điều này đã bị các nước bóc mẽ. Nan đề về mặt luật pháp và đàm phán này, tôi giải quyết không nổi, và cũng không phải là chủ đề của ngày hôm nay.
Đứng trước nan đề ấy, một trong những chứng cứ mạnh mẽ nhất của Trung Quốc là “đường 9 đoạn” trên bản đồ. Lý Kiệt nói: Đã được hoạch định từ thời Quốc dân đảng cai trị, “khi ấy, các nước xung quanh không có ý kiến gì khác”.
Đích xác là không có ý kiến gì khác, nhưng điều rắc rối là, kiểu vẽ này không phải là phương pháp được thế giới công nhận. Trung Quốc ở thời cận đại yếu, chính quyền Quốc dân ra tay muộn để giành lấy chủ quyền, chỗ dựa lý luận yếu, phương pháp đơn nhất, coi như sự đã rồi, trách cứ ai cũng đều vô ích, nhưng với thế bế tắc về đường 9 đoạn này, thì trong mấy chục năm gần đây, Trung Quốc cũng chẳng hề có được cách giải quyết nào tiến bộ hơn, đây lại là vấn đề mới mất rồi. Lãnh thổ bị người ta chiếm mất là sự thực, nhưng tự mình đã vẽ rõ nó trên bản đồ rồi, vốn không phải là nan đề, thì lại do dự mất hàng mấy chục năm. Những nguyên nhân bên trong thì phải là người thấu hiểu nội tình mới biết được.
Đương nhiên, “Công ước” có những chỗ còn mơ hồ về việc hoạch định đường cơ sở lãnh hải nên cũng dẫn đến thực tế tranh chấp quá nhiều trong cộng đồng quốc tế, kết quả là có những đường cơ sở lãnh hải mà quốc gia nào đó công bố là bất hợp lý rõ ràng (ví dụ như Việt Nam), sự thường xuyên nảy sinh xung đột lãnh hải giữa các nước láng giềng chỉ có thể chờ giải quyết bằng sự đàm phán song phương, “Công ước” rút cuộc đến năm 1982 mới được thông qua, đường biên giới trên biển các nước trên thế giới hoạch định được là số ít, còn tranh cãi hoặc không rõ là số nhiều.
Song cho dù hoạch định có khó đến mấy, thì vấn đề là nếu không hoạch định nữa, thì những nơi tự mâu thuẫn nhau sẽ liền xuất hiện, hơn nữa lại còn khá là hiểm hóc.
Ngày 7.5.2009, Đoàn đại diện thường trú tại Liên hợp quốc của Trung Quốc khi thông qua 2 bức công hàm, nhắm tới 2 nước Malaysia và Việt Nam, cùng 2 bản dự án hoạch định ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý mà Việt Nam đã đơn phương đệ trình lên Ủy ban về Ranh giới Thềm lục địa “Công ước về biển của Liên hợp quốc”, đã bày tỏ lập trường, yêu cầu Ủy ban này không thẩm duyệt chúng. Trong các công hàm ấy, để thể hiện quyền lợi chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc đối với các đảo Nam Hải cùng các vùng biển phụ cận, Trung Quốc đã cung cấp các phụ lục bản đồ, trên đó vẫn vẽ “đường 9 đoạn” theo phương thức đường ranh giới quốc gia.
Về tính chất của đường này, vẫn không được giải thích. Nó là “đường quy thuộc các đảo được biểu thị bằng đường ranh giới quốc gia đứt đoạn” sao? Không ai dám nói với Liên hợp quốc, mà có nói thì Liên hợp quốc cũng không thể nhìn nhận như thế này.
Công hàm mà cơ quan ngoại giao đệ trình lên Liên hợp quốc đương nhiên là có hiệu lực pháp lý, song nội bộ trong nước lại chưa thể đi đến nhất trí, cộng thêm độ khó về mặt tính thao tác, vậy hiệu lực này sẽ tự xử ra sao đây? Huống chi chỉ vẻn vẹn có một tấm bản đồ thô phác tỷ lệ 1: 1060, chỉ có thể thể hiện được chủ trương về chủ quyền chung chung, chứ chẳng thể chi tiết hóa được. Căn cứ theo “Công ước”, Liên hợp quốc cũng sẽ không hề phán quyết cho tấm bản đồ này.
Ngay cả khi chính phủ nước ta đã quyết định dùng “đường 9 đoạn” để vẽ đường ranh giới quốc gia, mà lại không thông báo cho người dân thì cũng không sao, chúng tôi cũng có thể hỗ trợ, nhưng cụ thể lại không thực hiện được, độ tin cậy về ranh giới quốc gia nằm ở đâu?
Ví dụ đơn giản nhất là như lần này, tin cho biết tàu chiến Philippines đã đi vào “đường 9 đoạn”, có nghĩa là đã xâm phạm đường ranh giới quốc gia, chúng ta lại chỉ là một nhà nghiên cứu, lấy tư cách cá nhân (hiển nhiên là không thể đại diện cho hải quân) để nhấn mạnh quyền lợi lịch sử, thế mà được à?
Trên thực tế, từ vị trí của “đường 9 đoạn” có thể thấy, nếu như anh tin rằng hải quân các nước xung quanh và hải quân Mỹ xưa nay không dám bước một bước qua bãi mìn thì thật quái lạ. Rành rành là họ đang tuần tra, diễn tập bên trong ranh giới quốc gia của anh đấy, đường ranh giới quốc gia lại do anh vẽ, chẳng phải là tự chuốc nhục vào người sao?
Tôi tin là Bộ ngoại giao không phải là không biết điểm này, nhưng đã quá muộn, sự trì trệ và chậm trễ về mặt phối hợp và chế định các chính sách trong nội bộ Trung Quốc đã khiến cho khi vấn đề cấp thiết tới, thì chỉ có thể nắm được chứng cứ luật pháp kiểu củ cải chưa kịp rửa sạch bùn mà vội vã xung trận vậy!
Trong quá trình học những kiến thức có liên quan, điều tôi được nghe là, các quan chức ngoại giao nói về đường này là “quá nhạy cảm, không nói được”, các giáo sư luật học muốn tìm tòi nghiên cứu, nhưng từ chối không tiết lộ danh tính. Mặt khác, rất nhiều cư dân mạng đã chửi như hát hay, nhưng lại không rõ nội tình, có những chuyên gia không thuộc phương diện luật pháp đã sai lầm về điều này mà không biết, lại cứ lấy tư cách nào đó của mình để khiến cho nhận thức của công chúng càng thêm hỗn loạn.
Nói thực, tôi chẳng có thành kiến gì với “Quảng Châu nhật báo”, nhưng khi đọc thấy tin này cảm thấy rất nặng nề.
Khi tôi buột miệng nói “XX làm hại đất nước”, bà mẹ đã sợ hãi muôn phần mà bảo: “Con đừng có mà ngoặc vào XX đấy!”
Nỗi sợ vô hình này không phải là không có lý, có những chỗ họ chưa hiểu, nhiều khi làm không được việc là một nhẽ, nhưng nếu anh đến nói toạc ra, thì anh chính là kẻ tội đồ.
Cho nên tôi đành nghĩ, nếu đã là như vậy thì mình phải học theo Mã Tư Thông[vii] thôi. Tất nhiên, cứ cho anh là hàng vai vế đi, Mã không được, vậy thì cứ thử học theo Trần Thiên Hoa[viii] có phải là hơn không?
Thôi được, đừng có mà buồn như thế, tôi chẳng tìm cách ảnh hưởng đến bất cứ điều gì, mà chỉ tìm cách nói lên sự thật, có giá trị gì hay không không quan trọng, lời thật được nói ra tôi thấy mình khỏe hơn.
May thay, về quan điểm cụ thể này cũng không phải là chưa có ai từng nói. Thiếu tướng không quân Kiều Lương vào cuối năm ngoái từng nói công khai trên “Kinh tế quan sát báo”: “Xét từ góc độ luật quốc tế, luật biển, có bao nhiêu lãnh thổ biển thuộc về Trung Quốc, trước tiên chúng tôi cần biết rõ, những phần nào chắc chắn là của chúng ta, những phần nào trong tầm kiểm soát của chúng ta, còn những phần nào thuộc về chúng ta nhưng đã bị người khác chiếm mất. Không thể cứ nói chung chung Nam Hải thuộc về Trung Quốc được, “đường 9 đoạn” cũng phải có chú thích cho rõ ràng từng đoạn thuộc kinh độ vĩ độ nào. Nếu không, cứ mù mờ như thế thì làm sao mà làm cho thiên hạ rõ được? Những cái này nói chưa rõ mà anh đã muốn ra tay, thì đúng là xuất quân vô danh nghĩa, từ có lý biến thành vô lý mất rồi”.
Đúng vậy, cho dù bộ phim truyền hình “Đi ra biển”[ix] do Cục biển quốc gia hợp tác với hải quân quay để lại dư âm rất mạnh, nhưng thực lòng tôi cảm thấy: Trung Quốc đâu có thiếu lòng yêu nước và ý thức biển, chỉ sợ lòng nhiệt tình của dân chúng lại đốt cháy mất cả đường mạng thôi. Tuy nhiên, với rất nhiều lời tự sự đao to búa lớn về lãnh thổ biển, liệu có thể ngượng ngùng mà hỏi một câu: Mù mờ vậy thì sao mà rõ được?
Mỗi lần nói về những chủ đề này, tôi luôn nhớ đến bài “Một lời” của một trong những người nổi tiếng:
Có một lời, mà nói ra là họa,
… …
Đột nhiên trận sét giữa trời xanh
Dậy một tiếng:
“Trung Quốc của chúng ta!”

Tái bút: Bài này đã viết xong, lại đọc được dòng tin trên trang “Tin tức Trung Quốc”là “Quan chức Bộ ngoại giao nói yêu cầu đường 9 đoạn phải phù hợp với luật biển là không thiết thực”, nên xin bổ sung thêm đôi câu.
Ngày 6.1.2012, Vụ phó Vụ Biên giới và Biển Bộ ngoại giao Dịch Tiên Lương khi trả lời trang “Tin tức Trung Quốc” từng chất vấn “Có những nước chỉ trích là đường đứt đoạn không phù hợp với luật biển, anh thấy thế nào” đã nói: 
1. Về tuần tự thời gian, trước khi Trung Quốc công bố đường đứt đoạn, sau khi “Công ước về biển của Liên hợp quốc” năm 1982 ra đời, chính yêu cầu đường đứt đoạn phải phù hợp với “Công ước” đã không phù hợp với thực tế. 2. “Công ước” không chuẩn, không gây ảnh hưởng được đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ của các nước, không thể lấy “Công ước” làm căn cứ duy nhất hoặc chủ yếu để bàn về tính hợp pháp trong chủ trương Nam Hải của Trung Quốc. 
3. Chính “Công ước” không hề loại bỏ các chủ trương đã được hình thành và duy trì từ trước nó, nên lại càng không thể tạo ra “tính hợp pháp” về chủ quyền lãnh thổ cho bất cứ nước nào xâm phạm và gây tổn hại cho Trung Quốc”.
Tôi xin bày tỏ sự đồng tình sâu sắc với 2 quan điểm sau của của Vụ phó Dịch, nhưng với quan điểm 1 thì chỉ có thể bày tỏ sự đồng tình mang tính kỹ thuật.
Bởi vì trước sau bất nhất, đường đứt đoạn đương nhiên là không phù hợp với “Công ước”, đó là hiện thực, chỉ trích đương nhiên là không có lý, nhưng yêu cầu đường đứt đoạn phải phù hợp với “Công ước” thì không hẳn là yêu cầu của bên chỉ trích, và cũng nên là yêu cầu nội tại để nước ta xác định lợi ích tự thân.
Đường này là sản phẩm của lịch sử, cho dù có đánh giá ra sao thì hiện tại nó đích thực là một hiện thực dở ông dở thằng cao không tới thấp không thông, tử thủ ở hiện thực này sẽ lại là an toàn về mặt chính trị đối với các quan chức, bởi vì đó là cái dở ông dở thằng do chính phủ Quốc dân làm ra, chứ đừng có đổ lỗi cho tôi. Song nó đã không giải quyết được vấn đề. Còn chúng ta hiện giờ rút cuộc có cần phải tích cực nghĩ ra biện pháp để giải quyết vấn đề hay không, thì đó là chuyện thuộc tính tích cực chủ quan.
“Công ước” không phải là chân lý tối cao, mà là quy phạm về sau này, tất nhiên không thể phủ nhận được quyền lợi lịch sử, nhưng xin đừng có bỏ qua: Trung Quốc đã ký kết, nó chính là các quy định luật quốc tế hiện hành có hiệu lực đối với Trung Quốc, quyền lợi mang tính lịch sử của Trung Quốc chỉ là nghĩ ra biện pháp mà hòa nhập, được thể hiện trong các quy định hiện hành, như thế mới tiện bề cho việc thực hiện và bảo vệ.
Quy định này không bao giờ hoàn thiện được, chung quy cũng chỉ là sự thỏa hiệp đạt được mấy chục năm qua từ trò chơi lợi ích của hơn 100 quốc gia, chúng ta có thể đơn phương mà vẽ ra được quy định nào thực tế hơn nó không? Ít nhất chúng ta cũng đồng tình với “biển chi phối lục địa”, vẽ quyền lợi trên biển cần vẽ bên ngoài bờ biển và lãnh thổ các đảo, chứ không phải là vẽ từ ngoài vào trong, quy định này thì có lý chứ? Nếu không, Mỹ cũng vẽ một vòng tròn quanh các quần đảo Aleutian, Midway, Guam ở Thái Bình Dương thì làm thế nào?
Cũng giống như trong hôn nhân sự thực, bao giờ cũng vẫn là làm thêm một thủ tục nữa dựa theo “Luật hôn nhân” hiện hành thì tốt hơn, cứ khăng khăng không làm cũng không sao, nhưng khi anh muốn thừa kế, muốn nhận nuôi con cái, thì cũng chớ có hi vọng sẽ nhận được sự chấp thuận của xã hội hiện hành, thậm chí có thể là chẳng có thủ tục nào hữu hiệu cả, rút cuộc các quy định hiện hành đều đi theo luật nhân thân hiện hành.
Công việc này vô cùng khó khăn, song trốn tránh là biện pháp chăng?
Dưới đây tôi xin đưa ra 2 quan điểm nữa về vấn đề Nam Hải.
Phải tranh giành, nhưng chớ có rúc vào sừng trâu
Vấn đề Nam Hải rất phức tạp, nhưng có phức tạp đến mấy thì cũng có cách tháo gỡ. Đáng tiếc là, giới truyền thông và một bộ phận các cơ quan chuyên trách của Trung Quốc đã đẩy vấn đề này vào bước ngoặt sinh tử “đánh hay không đánh”, trong khi đó ngay cả những khái niệm luật pháp cũng lại là một mớ hổ lốn.
Có người sẽ bảo, luật pháp là phải nói lý, nhưng bây giờ người ta không nói lý với anh, thì chỉ còn mỗi cách là đánh chăng?
Đúng vậy, trận xxx[x] trong lịch sử, cả cộng đồng thế giới phải nói chuyện bằng hỏa pháo, song chúng ta không quay lại thời gian đó, với danh nghĩa là sức mạnh mới nổi, hiện chúng ta đang phải đối mặt là hệ thống luật quốc tế cần phải hoàn thiện, thì mới có thể đi vào thời đại phồn vinh được. Chớ nên quên, chiến tranh thuộc địa là sự phân phối lợi ích với chi phí tốn kém nhất, chỉ có món lợi kếch sù của nền kinh tế thuộc địa mới cân bằng lại được chi phí, bây giờ sao lại đi tìm kiếm cái kiểu món lợi kếch sù ấy nữa ? Đồng thời, chiến tranh thuộc địa là sản phẩm dị dạng của các nước mạnh yếu, kiểu dị dạng này hiện giờ còn lại được bao nhiêu?
Tất nhiên chúng ta cũng có thể lựa chọn mà bất chấp cái thứ luật này, để có được thứ luật khi nào muốn ra tay thì ra tay, dẫu sao Trung Quốc ít ra thì xem ra các cư dân mạng cũng có vẻ đã rất sẵn sàng cho đại chiến rồi. Vậy là tốt, tôi không hề phản đối sử dụng vũ lực ở Nam Hải, nhưng chỉ muốn nhắc nhở những người chủ trương hãy nghĩ cho thật chu toàn về phương án cụ thể để ứng phó với hậu quả của nó, có tích cực nữa nhưng khi đệ trình quyết sách cho trung ương một cách hợp pháp, thì cuối cùng nguồn thuế của anh cũng chỉ đủ để xây dựng được một đội quân hải quân, anh đặt một quân đen là không thực tế.
Hơn nữa, vẫn còn một lẽ nữa mà số đông người Trung Quốc vẫn chưa rõ:
1. Ngay cả có đánh xong rồi, thì lãnh thổ nằm trong tay ai cũng chỉ là một trạng thái sự thực, trong tình trạng có tranh chấp, ngoại trừ đối phương vứt bỏ đi, còn nếu không thì chỉ khi nào biến được nó thành trạng thái luật pháp thì mới được coi là ổn định.
Một ví dụ điển hình là lãnh thổ bị Sa hoàng cướp đoạt, cuối cùng vẫn phải thông qua điều ước Trung-Nga trong những năm gần đây thì mới trở thành là của họ theo luật pháp, chứ nếu không thì tuy Trung Quốc không thực sự chiếm hữu, nhưng lại có quyền giành lại vĩnh viễn. Ví dụ này dường như không được xác đáng, nhưng tôi chỉ muốn nói quá trình này không đề cập đến chuyện đúng sai. Nhất là xin hãy lưu ý, trong chính trường quốc tế, ý thức đạo đức đúng sai thực ra không hề là nhân tố quyết định, tuy về mặt tuyên truyền ở trong nước các bên đều ưa gán cái mác đúng sai lên, nhưng thực ra tính quyết định bao giờ cũng là những thứ như thực lực, lợi ích, kinh doanh, nhu cầu thực tế, sách lược…
2. Trên thế giới tuy cũng có các vụ án thành công về mặt sở hữu lãnh thổ do tòa án quốc tế phán quyết, nhưng tiền đề vẫn là cả hai bên đệ trình phán quyết tự nguyện chấp nhận kết quả phán quyết. Điều này cho thấy vấn đề lãnh thổ vĩnh viễn là vấn đề song phương. Cũng có nghĩa là, chỉ cần có một đối phương muốn tranh giành với anh, là sự việc sẽ không bao giờ kết thúc. Anh có thể chiếm giữ yên ổn được tới một trăm mấy chục năm trên thực tế đi nữa, nhưng chỉ cần đối phương không bỏ cuộc, là mãi mãi vẫn có tranh chấp.
Tranh chấp không phải là chuyện gì to tát, mà là hiện tượng bình thường trong cộng đồng quốc tế, nhất là cục diện xung quanh Trung Quốc phức tạp như vậy, không thể ảo tưởng là lại không có sự tranh chấp nào. Chỉ có điều là bên không chiếm cứ thực sự tỏ ra khó chịu hơn mà thôi
Cho nên, những lãnh thổ thực sự không giành được trở lại trong lịch sử Trung Quốc, khi đã bị vứt bỏ, như quần đảo Ryukyu, Mông Cổ…, là không phải chịu sự bình xét của lịch sử, Nam Hải rất quan trọng đối với lợi ích hiện nay, hơn nữa tiềm lực quốc gia đang lên, nên cần phải tranh giành, đáng để tranh giành. Nhưng bất cứ việc gì mà cứ nghĩ một chút là sẽ có mâu thuẫn, chẳng hạn: Khoan chưa nói đến Nam Hải, nếu như chúng ta thực sự đã lớn mạnh như Mỹ, thì liệu có sẽ giành lại hết những lãnh thổ đã vứt bỏ trước đây hay không? Tất nhiên là có thể, nhưng nó sẽ bằng nửa cuộc đại chiến thế giới. Anh tin là chúng ta sẽ thắng, sẽ quá lớn lại như triều Nguyên, ít ra cũng quay lại bằng được thời kỳ đầu triều Thanh, tôi thấy cũng hay. Chỉ có điều ở thế giới ngày nay, ngay cả khi làm một nước siêu cường, thì tranh giành lãnh thổ chẳng lẽ lại là điều quan trọng hàng đầu, là năng lực lớn nhất hay sao?
Vì thế, tôi kiên quyết ủng hộ tranh giành Nam Hải, nhưng xin mượn sự suy lý này để nhắc nhở đôi chút, rằng không nên tuyệt đối hóa quan điểm lãnh thổ. Cho dù có tranh giành Nam Hải, thì nhiệm vụ quan trọng hiện nay của Trung Quốc là thông qua nó để đạt được các lợi ích chiến lược (địa vị, tư thế, quyền kiểm soát…), còn lãnh thổ chỉ là vật truyền tải cụ thể, dầu mỏ lại càng chỉ tổ làm cho quả cân thêm nặng. Hiện giờ hễ nói đến Nam Hải là lại có cảm giác như thùng dầu của nhà mình bị rò, đó là đúng, nhưng tầng cấp đã bị đánh tụt. Điều quan trọng nhất là, Trung Quốc nếu như ngay cả đến bản thân mình còn không kiểm soát nổi, thì đừng có mà đùa giỡn trên biển, lại càng đừng có nghĩ tới chuyện làm G2.
Muốn tranh giành, nhưng đừng tự làm hại mình
Gần đây còn có một quan điểm nữa mà tôi muốn phê phán. Rất nhiều người cảm thấy: Việt Nam và Philippines đã bất chấp, ngang ngạnh như vậy, thì còn nói chuyện đạo lý gì với cái hạng ấy nữa, đánh, đánh rồi là yên.
Sai lầm! Quan điểm của tôi là: Nếu như anh là Việt Nam, Philippines, phải đối mặt với Trung Quốc hiện nay, thì anh cũng chỉ giở được những trò xỏ lá, chết tiệt, bởi vì địa vị và thực lực phù hợp nhất với anh không liên quan gì đến nhân phẩm. Anh thử xem Triều Tiên và Iran mà Mỹ phải đối mặt có giống thế không? Chớ có vì ca ngợi họ chống Mỹ mà quên đi bản chất hành vi của họ, tất cả đều chỉ là thủ đoạn mà thôi.
Với cái đồ chết tiệt này, chúng ta cần học Mỹ, quen rồi là được, Nam Hải ngay cả khi đã giải quyết rồi, thì chỉ cần anh rất mạnh, là sẽ luôn có người quấn lấy anh, anh mà yếu thì tự nhiên sẽ chẳng còn ai quấn lấy nữa, mà chỉ có kẻ đến ăn bớt.
Điều quan trọng nhất là, với cái đồ chết tiệt này, nếu đánh mang tính trừng phạt hiệu quả sẽ không mạnh. Lịch sử đã chứng minh, đánh rồi anh ta vẫn quấn lấy, trái lại khi tình hình đã thay đổi, ví dụ như Liên Xô đã mất, thì chính anh ta cũng lại muốn làm mở cửa cải cách mà bỏ súng gươm để làm ăn với anh thôi.
Còn như có những người cảm thấy trừng phạt không ăn thua, quấn lấy mãi bố mày mệt lắm rồi, một ngày nào đó sẽ diệt chết nó. Thì chỉ có thể nói anh vẫn là một con sư tử nhỏ, anh không hiểu được rằng: Con mồi của sư tử lớn nhiều khi cũng bị đàn chó hoang cướp mất, đó là quy luật tự nhiên thôi mà. Trong những khó khăn chính có điều là anh không thể diệt nổi, anh cho là làm chúa sơn lâm dễ lắm sao? Giữ cho trong đại bộ phận tình hình không có người nào dám giỡn anh là được rồi.
Nội dung bài này do kiếm sĩ Tần Thiết Ưng biên tập ngày 1.9.2012
-----
Chú thích:(*) - 
(Nguyên văn: “Tàu chiến Philippines đi vào đường 9 đoạn nói lên điều gì”[i])
[i] Nguyên văn: “菲律宾军舰进九段线说明什么” (http://blog.sina.cn/dpool/blog/ArtRead.php?nid=8661b9ec0100y91p&a_pos=1&f=3&vt=4)
[ii] Tức Trường Sa.
[iii] Những phần tô đen, tô đỏ ở đây là theo đúng nguyên văn.
[iv] Tức Biển Đông.
[v] Nguyên văn:《从国际海洋法看“U”线的法律地位》(“中国法学网”,http://www.iolaw.org.cn),
[vi] Nguyên văn: 《中国海洋发展报告
[vii] Mã Tư Thông: Nghệ sĩ violon nổi tiếng của Trung Quốc, bị đày đọa trong Đại cách mạng văn hóa.
[viii] Trần Thiên Hoa: Anh hùng dân tộc người Hán.
[ix] Nguyên văn: 《走向海洋》
[x] Chỗ này tôi không dịch được; nguyên văn: 疯抢殖民地那阵.


Không có nhận xét nào: