Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Nguyên tắc đường ống hai lòng


"Đừng trông cậy vào từ tâm kiểu Trung Quốc, đừng có quên rằng mưu chước thứ 10 của binh pháp Trung Quốc là “Tiếu lý tàng đao” (Cười nụ giấu dao)"

Đó là lời kết của bài bình luận trên báo Gazeta.ru (Nga) được đăng ngay sau khi hợp đồng khí đốt Nga - Trung vừa được ký. Tôi (Trần Đăng Tuấn) đã dịch bài này vì nghĩ rằng nó hữu ích cho những ai quan tâm các khía cạnh của vấn đề quan hệ Nga - Trung trong bối cảnh hiện nay.

Nguyên tắc đường ống hai lòng

Tác giả:  Marat Davletbaev-  Nhà Trung Hoa học, thành viên ban điều phối liên bang của Đảng “ Ngày 5 tháng 12”


Marat Davletbaev nói về chuyện Nga nên học gì từ Trung Quốc

Báo chí và dân blogers vội vàng đưa ra các đánh giá trái ngược nhau về hợp đồng khí đốt nhiều tỷ : Người thì gọi đó là thắng lợi huy hoàng của Putin, và rằng người Châu Âu khốn khổ sẽ đốt đóm mà sưởi đông. Kẻ khác lại bàng hoàng lo sợ là nước Nga đã sập bẫy Trung Quốc và từ nay sẽ phải nhảy theo nhịp xiêng phách Tàu. Trong những điều trên có phần là huyễn hoặc, có phần là thực tế. Hãy thử phân tách hai thứ đó ra.

Ta đều biết, trở ngại chủ yếu trong việc bán khí đốt thiên nhiên cho Trung Quốc là thiếu hạ tầng vận chuyển khí giữa Nga và Trung Quốc, nói đơn giản là thiếu đường ống dẫn.
Cho đến tháng ba năm ngoái Gazprom vẫn giữ phương án Lộ trình Tây, tức là cung ứng khí cho các tỉnh Tây Bắc ít dân của Trung Quốc qua Mạng lưới cung ứng khí đốt thống nhất của Gazprom, với giá ngang bằng giá bán cho Châu Âu. Phương án này không kinh tế cả với Trung Quốc, vì nó có nghĩa là phải xây dựng 5 ngàn km đường ống dẫn dầu trên đất Trung Quốc từ phía Tây Bắc xuống miền Đông, đến với các trung tâm tiêu thụ khí đốt lớn nhất.
Trong thời gian trước, nguyên do là vì Gazprom không sở hữu giấy phép khai thác mỏ khí Kovykta, là nguồn cơ sở cho mạng Lộ trình Đông.
Nhưng đến tháng 3.2011,khi Gazprom đã mua được Russia Petroleum là công ty nắm giấy phép đáng giá trên, thì giải thích trên không hợp lý nữa.


Như vậy là nước Nga đã mất gần 10 năm vì đưa ra phương án không khả thi, và sau 2011 mất thêm hai năm nữa – lẽ ra trong thời gian đó nếu ký hợp đồng sẽ bán được giá đỉnh

Trong khi chúng ta há miệng chờ sung, Trung Quốc thương thảo với các đối thủ cạnh tranh ở Trung Á và Trung Cận Đông. Chỉ trong vòng 5 năm qua, Trung Quốc ký hợp đồng mua 120 tỷ mét khối khí đốt, cả ở dạng truyền qua đường ống, cả ở dạng hoá lỏng (vận chuyển bằng tàu biển) từ nguồn cạnh tranh với Nga. Đã xây dựng đường ống dẫn khí công suất 40 tỷ mét khối/năm từ Turmekistan đến Trung Quốc.

Bây giờ tình huống đột ngột thay đổi.

Các biện pháp trừng phạt của Phương Tây liên quan đến khủng hoảng Ukraine, kể cả công khai, và phần lớn là trừng phạt ngầm, làm ngưng một loạt các dự án hợp tác, chặn dòng đầu tư tài chính từ Phương Tây cho một loạt các dự án của Nga, tạo ra một sự thiếu chắc chắn dài hạn trong thị trường khí đốt với Châu Âu, khiến nước Nga phải tăng tốc đàm phán với Bắc Kinh.
Chính điều này dẫn đến việc ký ngày 21.5.2014 bản thoả thuận bán dầu khí được mong ngóng, theo đó việc cung cấp khí đốt sẽ theo Lộ trình Đông, tức khí đốt theo hệ thống đường ống‘ Sức mạnh Siberia” sẽ đi từ miền Đông Siberia của Nga chạy thẳng đến các vùng Đông Bắc phát triển của Trung Quốc.

Thực ra thì, việc cung ứng khí đốt qua Lộ trình Đông, nói cho đúng, cũng không phải là phương án thay thế cho việc cung ứng khí đốt cho Châu Âu.

Thứ nhất – mạng dự kiến đường ống dẫn khí phía Đông không kết nối cơ học với mạng Cung ứng khí đốt thống nhất đang cấp khí đốt cho Châu Âu. Có nghĩa là không thể nói rằng lượng khí đốt định bán cho Châu Âu có thể dễ dàng chuyển qua bán cho Trung Quốc (Trừ phi là dùng khinh khí cầu vận chuyển khí như trong chuyện cổ tích)
Thứ hai – Giả dụ hai mạng đường ống gắn với nhau, thì do mạng cung ứng thống nhất thừa khí đốt, nên cũng chẳng thể nói gửi thêm khí cho Trung Quốc có nghĩa là bớt đi khí cho Châu Âu.
Muốn gắn mạng đường ống“ Sức mạnh Siberia” vào mạng đường ống cung ứng thống nhất thì phải bỏ ra khoản chi nhiều tỷ đô la, mà chẳng rõ bao giờ mới hoàn vốn nổi.

Tóm lại, cung ứng khí đốt cho Trung Quốc hiện là dự án độc lập,không liên quan gì đến cung ứng khí đốt cho Châu Âu.

Nói cách khác, từ góc độ kinh tế, nếu không phải bán khí, mà là bán búp bê matrioska với khối lượng tương đương, thì  chuyện mua bán khí đốt hiện có chẳng thay đổi gì cả với Nga, cả với Châu Âu.

Vậy thực ra thì việc cung ứng khí đốt cho Trung Quốc có ý nghĩa gì ? Nó là thể hiện của chính sách đối ngoại đa phương mà những năm qua đã được tuyên bố nhiều lần, nhưng ít thực hiện.

Vấn đề ở chỗ trong tư duy chính trị lâu nay của Nga vẫn có nhị phân vĩnh cửu Đông – Tây theo lối ‘Hoặc là – Hoặc là”, trong khi hợp lý phải là hợp tác thực dụng cả với Tây, cả với Đông.
Cái lối nghĩ nhị phân trên đã cho phép các đối tác của Nga - cho dù là Phương Tây hay Trung Quốc - có cơ hội ra điều kiện với nước Nga.

Đó chính là thứ sai lầm mà Trung Quốc lại không bao giờ mắc,vì họ tuân theo truyền thống 36 mưu chước binh pháp để thủ lợi ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Nếu nước Nga không buộc phải cấp tốc tìm cách lấy Đông thay cho Tây, nước Nga sẽ ở vị thế có lợi hơn nhiều và hoàn toàn có thể mặc cả cho mình những điều kiện tốt hơn.
Đành hy vọng rằng sau khi gắn với Trung Quốc, Nga có thể khôi phục các mối quan hệ làm ăn lành mạnh với các đối tác Phương Tây và thu lợi từ cả hai phía, điều mà Trung Quốc vẫn làm. Ngược lại, nếu đóng sập cửa với Châu Âu, nước Nga khi cố thoát khỏi lệ thuộc vào Châu Âu, có nguy cơ lệ thuộc y chang vào Trung Quốc.
Đừng trông cậy vào từ tâm kiểu Trung Quốc, đừng có quên rằng mưu chước thứ 10 của binh pháp Trung Quốc là “Tiếu lý tàng đao” (Cười nụ giấu dao)


Ghi chú: Tiêu đề do Trần Đăng Tuấn dịch là "Nguyên tắc đường ống hai mặt". Tuy nhiên trong tiếng Nga tính từ двуликий có nghĩa "hai mặt, hai lòng, lá mặt lá trái, không đáng tin cậy ..." . Trong trường hợp này NSGV xin được đổi lại là "hai lòng" cho dễ hiểu hơn với trường hợp là đường ống.

Không có nhận xét nào: