Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

MÙA HOA LIỄU QUẾ HƯƠNG

SEX TRONG TRUYỆN NGẮN PHAN ĐÌNH MINH
TrầnMai Hường: Sáng nay đọc fb của anh Văn Công Hùng viết về chuyến đi Cẩm Giàng, nơi liên quan đến nhóm Tự lực văn đoàn trước - quê hương của nhà văn, anh Phan Đình Minh. Đọc xong bài viết mình alo cho anh Minh liền, đòi hôm nào em ra bắc anh cũng cho em về nhé, nhé... Hai anh em nói chuyện lan man rồi nói đến sex trong văn chương haha... anh Minh ngoài đời rất "nghiêm túc" (công an mà) thế mà viết sex kinh lắm. Mình nhớ đến truyện ngắn MÙA HOA LIỄU QUẾ HƯƠNG của anh, chả nhớ mấy năm trước được giải gì của Văn nghệ quân đội hi hi... chỉ nhớ có một đoạn mà giờ đưa lên chứ mình không dám đọc lại. Ai rảnh đọc xem thế nào nhé.

TB: Anh mình rất đẹp "chai" lại hiền nữa, chị em nào nhìn ảnh thấy "xao xuyến" thì nhớ học thuộc câu "muốn sang thì bắc cầu Kiều ..." nhé.  Hehehe...



MÙA HOA LIỄU QUẾ HƯƠNG

Duyền đã một đời chồng. Ừ chồng, một lần quá vãng sang đò. Cái gã đàn ông chữa loa đài trên cái bến Vội chỗ con sông quê nghẹn dòng làm cuộc đời Duyền lỡ dở càng lỡ dở hơn khi em tôi cứ mải miết chờ anh bạn cùng học làm nghề địa chất... sự mỏi mòn, khốn khó, vô vọng... không biết có phải là tác nhân khiến đôi tai em tôi mềm đi trước lời ngon ngọt vào cái lần đợi đò gặp mưa, chiều xế ấy...

Thằng Tê sinh ra chẳng giống ai vì bảy tháng năm ngày trong bụng mẹ ám ảnh bởi vô vàn suy nghĩ đan xen. Đúng ra nó có giông giống anh chàng địa chất hơn gã chữa loa đài. Kỳ lạ. Ngày đó chuyện thằng Tê con ai cứ như là gia vị thêm vui trong các cuộc vui, thêm buồn trong những bữa cỗ đám ma ở quê tôi. Kỳ lạ thế. “Cần gì thằng Tê phải giống người đàn ông nào cơ chứ” - Duyền xa xót. Gã chữa loa đài thì mặt nhăn như mặt khỉ dính mắm tôm: “Xằng bậy. Con gì mà con. Tôi đây đứng đắn...”. Lố bịch hơn gã cứ bai bải, dù chẳng ai khảo với khắp mặt mấy trăm người ở cái làng ngoài đê, ít ruộng này. Đê tiện. Lòng Duyền sắt lại. Thứ không đáng bỗng quàng vào em tôi như quàng sợi dây liên hệ vô hình, gỡ mà không dễ. Cái mảnh làng hình móng ngựa hẹp vanh vanh lại lắm lề thói, thuần phong. Mẹ buồn, anh ghét, xóm giềng on ỉ, làm nỗi khổ trong Duyền như đi tới tận cùng. Mấy lần, em tôi định quyên sinh xuống cái bến Vội, chỗ con sông cái nghẹn dòng nước xoáy nhất nhưng đời không dễ thế! Còn con, còn mẹ già. Gã chữa loa đài dở hơi cứ nhơn nhơn không trách nhiệm, đã chối bỏ giọt máu mình rồi, lại hay đón đường gây sự khiến cuộc sống mẹ con Duyền không yên, tê tái càng tê tái hơn. Hôm vừa rồi tôi về quê, nghe mợ tôi kể, thằng Tấn (anh Duyền) hầm hầm bảo thằng Tê: “Bảo với thằng bố hờ mày, gây với mẹ lần nữa tao vặt đầu chấm muối”. Nói xong, bác Tấn nó lia lưỡi dao làm đứt lìa cổ con ngỗng Bắc Kinh. Con ngỗng ịch xuống sân, hai chân đạp đạp. Thằng Tê ngô nghê về kể nguyên văn với mẹ. Mẹ nó trợn mắt, ôm chặt nó vào lòng. Không hiểu sao chuyện cũng đến tai thằng cha chữa loa đài. Yên ắng vài tháng, xóm giềng không chứng kiến cảnh chèo kéo khó coi. Thằng Tấn gật đầu: “Thằng cò bợ này biết sợ”. Sợ cái gì?! Chỉ Duyền là thấu... nỗi buồn trong Duyền càng nhân lên khi ngày tháng cứ bải hoải trôi. Thằng Tê thì ỏng bụng, gầy tong tựa mo cau phơi nắng phồng. Mợ tôi thở dài: “Khổ thân nó, gió thổi một cái là bay”. Ngó cháu cặp sách trĩu vai những chiều lệnh khệnh đi trên đê mà hú hồn. Cuộc sống mẹ con Duyền ậm ạch như bánh xe bò hỏng bi. Vẫn phải lăn, phải quay. Mà đường quê nhiều ổ gà, ổ chó! Kỳ lạ, sao Duyền vẫn đẹp dù đôn đáo trần vai cáng ba miệng ăn và tai luôn nghe những lời đàm tiếu như xát muối vào lòng.

Quê tôi ấy, mang tiếng đất bãi nhưng lẫn hai phần sỏi ống, cây lúa cứ tòn hon rạc không ra thóc. Làng ít ruộng, làm cật lực vẫn thiếu trước hụt sau. Một hôm Tấn như lên đồng, đạp xe ra tận chợ chỗ em đang bán gánh dây khoai.
- Duyền, tí về qua tao nhé.
“Chắc bố thằng Tê lại gây chuyện?” - Duyền cúi mặt lẩm bẩm, rồi quáng quàng về nhà anh.
- Mày có đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan không?
- Không, em không đi.
- Ơ!.
Tấn chưng hửng. Rồi thằng Tấn nói sao? Thuyết phục sao? Năm ngày sau cái Duyền chịu. Mười ngày sau thì làm xong mọi thủ tục, chỉ có điều đi không đúng cửa chi phí mất những ba mươi triệu. Toàn tiền vay mượn.
Ngày Duyền lên đường, vật dụng chẳng có gì. Tấn ra thị trấn Hèo mua cho em cái valy bằng giấy nện. Thượng vàng hạ cám, xách nhẹ tông tênh. Thằng Tê cóm róm, sướt mướt từ mấy hôm trước: “Mẹ đi mất rồi... hi hi...”. Ai nhìn cũng phải quay mặt, gạt vô khối nước mắt.

Duyền đi đã ba tháng mà chẳng có tin. Mợ tôi ở nhà mòn mỏi. Thằng Tê ngơ ngác. Rồi có thư và tiền Duyền gửi về. Bốn lá, một cho mẹ, một cho con, cho Tấn và cho tôi.
- Trông nó có da có thịt hơn ở nhà.
Mợ tôi run run ngắm ảnh Duyền.
- Thì không phải chổng tĩ đốt lưng ngoài ruộng. Rõ trắng trẻo, mỡ màng.
Tấn bĩu môi.


Ở nhà, em tôi vốn là đứa đẹp trong làng. Đẹp kiểu phụ nữ nông thôn, khoẻ mạnh, mông nở, ngực to, bắp chân chắc lẳn. Nó còn lạc đâu vào mái tóc mây, lúc nào cũng bồng bồng, trông ròn mắt đáo để.
Thằng Tê tối đó đòi phải có ảnh mẹ bên cạnh mới chịu đi ngủ. Lần đầu tiên trong đời mợ tôi cầm trên tay vài triệu. “Thiếu hụt về tình cảm nhưng gia đình thoát khỏi bế tắc kinh tế” - Bác Tăng nói nhỏ rồi nhìn vội mợ tôi. Có tiền, mợ mua ngay cho thằng Tê hai bộ quần áo và thay cho nó chiếc cặp sách thủng như đít rổ.
Duyền sang bên kia không làm trong nhà máy, xí nghiệp mà giúp việc trong các gia đình Đài Loan. Nó ở một thị trấn có rất nhiều cây liễu quế hương thuộc tỉnh Kính Tung, Đài Loan. Em tôi làm nội trợ cho một gia đình có ba người, hai vợ chồng và đứa con trai mười lăm tuổi. Người chồng khỏe khoắn, hiền lành, tên là Cao Cúa Pính. Người vợ bị liệt phải ngồi xe lăn, nhiều hơn chồng những bốn tuổi. Bà vợ tuy tàn tật hai chân nhưng dáng người mé trên rất cáu cạnh, kiêu sa. Pính con thì lẻo khẻo, chẳng giống bố điểm nào? Mới đến, Duyền cứ thắc mắc.

Gia đình này buôn bán đồ chơi trẻ con ở chợ đêm Bình Đông. Ngoài việc làm nội trợ, Duyền dần dần thành trợ thủ đắc lực trong việc kinh doanh của nhà chủ. Sau, Duyền xin được bổ hoa quả đóng hộp để bán thêm. Tất nhiên lãi nhà chủ hưởng, chỉ thưởng cho Duyền chút đỉnh. Tuy là một tiểu thương lèng xèng nhưng gia đình này có mức thu nhập kha khá ở thị trấn Bình Đông, cất được nhà và có ôtô ba chấm.
- “Chị à. Mỗi đêm bán đồ chơi cộng lãi từ xe hoa quả tính tiền Việt những năm triệu, thế mà lương em chỉ được bốn triệu một tháng”.
Đọc thư, tôi rớt nước mắt.
- “Bận rộn thì thôi chứ ngơi là em nhớ nhà không chịu được. Lúc buồn em hay ra cổng, đứng ngóng về … ”.
Ngày tháng qua đi, bàn tay em tôi cứ nhợt ra, mòn dần hoa ngón cái... còn tay bà chủ thì trắng muốt.

Khi gió mùa tràn về bán đảo lắm cây dừa này vài lần; khi những bông hoa liễu quế hương trước nhà rụng xuống vàng gốc thì em tôi đã ở được hai phần ba thời gian hợp đồng lao động.
Hàng họ năm ấy ế ẩm lại đúng vào lúc gia đình Đài Loan này gặp biến động. Cao Cúa Pính lên Đài Bắc thăm bố bị ốm. Chân ướt chân ráo ra bệnh viện thì có tin ở Kính Tung công an ập đến nhà. Nhận điện, Pính bấn lên. “Giậu đổ bìm leo quá”. Mẹ Pính buồn rầu: “Con cứ về, cha có mẹ và em lo rồi”. Bố Pính khật khừ nói với Pính. Pính gạt nước mắt ra ga tàu hỏa. Cái còng sắt lạnh ngắt sập ngay vào tay lúc Pính về đến nhà. Pính giật mình khi thấy vô khối là súng bắn đạn nhựa cứng, mìn tạo tiếng nổ inh tai, dao găm mười lưỡi... chỉ có điều không phải đồ thật mà là đồ chơi bạo lực bị cấm ngặt xếp ngật ngưỡng trong ki ốt, đến một xe ôtô tải. Pính nhìn vợ, con Xơng quay mặt đi chỗ khác. Pính ngó Duyền, Duyền xụt xùi nhìn ra đống hoa quả mới đi lấy từ Cao Hùng về. Người công an đen nhẻm, thân mỏng như tầu lá ấn tờ biên bản vào tay Pính. “Không!” Duyền thốt khẽ. Pính nhìn Duyền cầu khẩn rồi ký vội vào tờ biên bản. Con Xơng mặt lạnh tanh. Duyền nhìn nó. Nó vẫn trơ trơ, mắt trừng lên. Tiếng ôtô chở Pính phóng vèo ra cổng. Đến chiều thì Pính được về nhà. Trống ngực Duyền đập thình thịch. Duyền oà khóc. Vào trong nhà, Pính quỳ xuống trước Duyền: “Tôi ăn lá thay cơm, lạy Duyền. Duyền thương tôi, thương Pính con đừng khai sự thật...!”. “Nói với con ở thế!”. Ả Xơng lắc đầu, khinh khỉnh. Duyền nước mắt vòng quanh: “Pính tốt quá, sao lại dại thế, nếu con Xơng nhận tội có khi...”. Duyền xua xua tay, lùi về phòng mình. Đêm, Duyền không ngủ được, cứ thao thức. Duyền thấy bên ngoài hàng trăm con đom đóm về đậu kín những gốc liễu quế hương.

Cứ vài ngày, Pính lại bị gọi đi thẩm vấn. Một lần, Duyền nhận được điện thoại con Xơng:
- Duyền, mày về mang cho tao cái đơn ra bưu điện.
Duyền vội xếp gọn hàng hóa. “Sao lại gửi đơn? Chắc con Xơng khiếu nại chuyện gì?” - Duyền tò mò. Bì thư lại không dán. Duyền ghé mắt đọc, giật thót: Đơn ly hôn. “Con Xơng này... tán tận lương tâm”. Mà lý do gì cơ chứ? Thử hỏi cái nhà này rời tay Pính? Rồi ngay tối hôm đó... Duyền mệt mỏi quá bèn khóa ki ốt về nhà. Duyền lặng lẽ đi lối cửa sau. Vào đến trong, Duyền nghe thấy tiếng thở gấp... tiếng vòi nước nhỏ long tong... đèn ngom ngóm một ngọn đỏ nhờ hắt ánh sáng ma quái lên tấm gương chính diện. Trước mắt Duyền là một người đàn ông lạ, nồng nỗng, trắng tựa lợn cạo đang gồng mình úp mặt vào giữa đôi chân thõng thượt như dải lụa của con Xơng. Con Xơng rú từng chặp tựa mèo hoang. Bên ngoài, đêm khô đục, lây rây vài ngọn gió hoang.
Duyền tái nhợt người. Cả khi bị cưỡng bức nước mắt ròng ròng Duyền cũng chưa bao giờ tưởng tượng chuyện đàn ông, đàn bà lại nhẫy nhụa, dơ dáy đến thế kia. Duyền lùi ra khỏi nhà, cùn cụt đi về chợ đêm mà con Xơng không hay biết gì. Ngày hôm sau, Duyền bị sốt nóng, sốt lạnh đùng đùng phải nằm bệt. Từ đấy, Duyền luôn có ý nghĩ trong đầu: “Con Xơng đích thực là yêu tinh cá chép hiện lốt người”.

Vài ngày qua đi.
- Bác Chéng vào mạng điệu nghệ lắm.
Pính con khoe.
- Chéng nào hả?
Duyền hỏi Pính con. Pính con nói:
- Bác Chéng đến lúc sáng đấy, Duyền.
- Bác Chéng là bạn chat của mày à?
- Lúc đầu là bạn của cháu, sau của mẹ. Mấy năm rồi.
Thì ra gã đàn ông tên Chéng kia cùng con Xơng ngoại tình với nhau trên mạng đã vài năm mà Pính không hề biết.
- Cái lão béo khờ cũng quen con Xơng trên mạng chị ạ - Duyền tức tối tâm sự với tôi: Giọng con Xơng êm ái và cuốn hút lắm. Có thời bưu điện Bình Đông đã thuê nó ghi âm giọng nói, để hướng dẫn các dịch vụ bưu điện. Mặt nó lại đẹp thế làm gì lão Pính không chết.


Xưa, Pính đi nghĩa vụ quân sự đóng quân ở trên Đài Bắc, là lính đảo cách đất liền bảy tiếng đồng hồ đi tàu thủy. Lúc buồn, vào mạng kết bạn là thú giao lưu cuốn hút nhất của các chàng trai trẻ. Một ngày Pính gặp con Xơng, webcam chỉ nhìn thấy nửa người. Giọng nói ngọt ngào, cái mũi hơi hếch, nước da trắng, đôi mắt lúc nào cũng ươn ướt. “Cứ như công chúa nước Hàn. Đội vương miện, kém gì!”. Pính mê tít, rồi hết nghĩa vụ quân sự, Pính lồng về Kính Tung gặp cô què. Què, Pính cũng cưới dù mọi người trong nhà không ủng hộ. Gia đình Pính nền nếp sống ở thành phố Cơ Long. Bố mẹ là người lao động chắt chiu mà xây dựng nên cơ nghiệp. Pính là con thứ hai. Người chị là chủ nhà hàng, cậu út học hành cao, làm giám đốc một xí nghiệp chế biến gỗ. Ngày Duyền về chơi, bố mẹ Pính nhìn Duyền phát thèm. Pính này cũng rắc rối, chỉ gặp nhau trên mạng, mê là lấy cô gái tật nguyền rồi cúc cung phục vụ, yêu thương hết mình mười mấy năm, sau mới ngã ngửa nó chẳng trọng. Và... chuyện này, Duyền biết tỏng nhưng không hề hé răng với Pính. Đó là Pính con. Pính con đâu phải con của Pính. Mặt Pính bố tròn tròn, tóc mượt. Mặt Pính con dài thượt, tóc quăn tít. Hai con mắt Pính con ti hi, ti hí. Ngày xưa từ đảo về, gặp mặt, Pính cưới ngay Xơng mà không biết trong cái bán thân kia đã có hình hài Pính con.
- Ở nhà, sao không bảo con học hành tử tế? Suốt ngày chỉ xem tivi, vào mạng.
Mắt con Xơng vằn lên:
- Nó đâu phải con ông. Hão huyền!
Xơng trắng phớ vào mặt Pính khi Pính vừa ở chỗ thẩm vấn về. Mà sao ả này giữ kín thế? Những mười mấy năm. Hoạ có bổ đầu ả ra! Sự thật phũ phàng quá khiến Pính như bị sét đánh giữa đường.
Pính nhìn thấy mặt mình xanh lét trong gương. Ruột gan thì lỏng lẻo, muốn tan ra. Con Xơng lại cứ giương mắt lên thách thức chứ. Pính xô tới. Hai bàn tay gồng ra như móc sắt. Con Xơng che cổ! Chiếc đồng hồ quả lắc trên tường bỗng buông một tiếng: Boong. Pính chợt tỉnh, lệch đệch gieo mình xuống ghế, ngồi như đổ sáp. Cuối cùng Pính cũng nói được một câu với con Xơng:
- Nó không phải là con đẻ nhưng từ bé tôi nuôi nấng, chăm sóc, tôi vẫn coi nó như con đẻ.
Con Xơng trố mắt, đầu lắc lắc. Nó vươn dài cổ ngó theo cái dáng bập bạp lầm lũi của chồng trên đường ra chợ. Trời cao thẳm, trát những vệt vàng lên rặng liễu quế hương im lìm.
Tình cảm vợ chồng Pính sa sút trông thấy. Không ai nói với ai, ăn cơm cũng không cùng mâm. Tối, Pính ôm gối ngủ ngoài phòng khách. Nhà như có tang. Pính con được thể trốn học chơi bời. Có hôm nửa đêm Duyền vẫn phải lặn lội lôi nó từ ca-si-nô thị trấn về. Duyền như bị kẹp giữa hai bức tường và nhiều lúc còn phải làm trọng tài bất đắc dĩ những chuyện không cùng cho cái gia đình Đài Loan này.

*
Xơng cùng Pính con đi Phu Khẹt - Thái Lan nghỉ biển không báo cho Pính biết. Ở chợ đêm về, Duyền lăn ra ngủ. Chiều vụt xuống. Sáng nay Duyền nghe tin có trận sóng thần lớn lắm, mấy nước xung quanh thiệt hại bao nhiêu người và của. Chợ Bình Đông từ ngày mai đóng cửa mấy hôm để chữa mái vòm. Duyền xăng xái đi mua đồ, sửa soạn một bữa ăn Việt Nam cho Pính. Pính như trẻ ra, vui hẳn khi thoát khỏi con Xơng. Pính đi cắt tóc, cạo mặt, quần áo gọn gàng trông rõ bảnh.
- Anh ăn đi, phải thương mình chứ.
Duyền ân cần, thấy Pính chẳng gắp thức ăn, cứ hớp từng ngụm rượu nhỏ, rồi nhìn mình.
- Duyền biết không, tôi sút mất chín cân đấy.
Buổi tối, Duyền đính lại mấy chiếc khuy áo bị đứt cho Pính. Pính ngồi xem ti vi bên cạnh. Lúc chiều, Pính cứ lăng xăng quanh Duyền nấu bữa ăn. Ăn xong Pính đòi dọn rửa. Duyền không chịu. Trăng lung linh tròn vạnh. Gió vân vi trên ngọn mấy cây liễu quế hương làm rụng những cánh hoa lấm tấm vàng rực cả gốc. Dịp này, sáng nào Duyền cũng phải ra quét những bông hoa liễu quế hương tàn. Duyền về phòng nghỉ sớm. Pính vẫn ngồi xem tivi ở phòng khách. Rồi Pính tắt vụt tivi... Ngôi nhà rộng thênh bỗng trở nên chật chội. Gió lào xào trên mái hiên. Trăng thì cứ lồ lộ buông ánh sáng vàng nhạt xuống mọi nơi. Lần đầu tiên, Duyền nghe thấy tiếng dế kêu ran. Pính hướng mắt về phía phòng Duyền.
Con thạch sùng trên trần nhà giương mắt ngó Pính.
Pính tiến đến cánh cửa phòng Duyền lúc nào không hay... bên kia, Duyền cũng đang đứng, chộn rộn. Hơi thở của Pính gấp gáp, hổn hển, có lúc ngợp ngạp, xa xôi...
Gió ngưng thổi.
Dế bên ngoài thôi ran.
Con thạch sùng sắp tuột giác rơi xuống.
Hai bầu vú Duyền cương cứng thây lẩy chực đội tung chiếc áo ngủ đang mặc. Mồ hôi Duyền toát ra. Nước trong cơ thể cô đặc, dồn tụ thành mạch nguồn âm ấm... ri rỉ... nhúa cả kheo chân.
Quả đấm cửa hút dần tay Pính và tay Duyền...
Reng... Reng!
Chuông điện thoại bỗng kêu vang.
Pính sực tỉnh, nhấc ống nói.
- Bố à, bên Phu Khẹt bị sóng thần. Sang đến Băng Cốc thì phải quay lại. Con sắp về đến nhà rồi.

*
Những cơn mưa xập xì kéo về khi rặng liễu quế hương trước nhà nẩy lộc non thì thời hạn hết hợp đồng lao động đến gần. Duyền hoàn thành thủ tục với văn phòng đại diện của Việt Nam rồi nhờ người đăng ký vé máy bay về nước.
Ngày Duyền về, hai bố con Pính tiễn ra tận sân bay. Pính con mếu máo, hai mắt ti hí nhèm nước. Bước chân vào phòng cách ly Duyền thở phào nhưng chợt thấy trong lòng dâng lên điều gì khó tả, cứ man mác, xeo xeo, níu kéo, khâu khíu, tiếc nuối, cả trách hờn... Duyền ngẩng nhìn qua cửa sổ máy bay. Khóe mắt ứa ra giọt lệ. Hình ảnh cha con Pính, một to lớn béo mập, một gầy nhằng cao đêu nhòa nhạt trong mưa phía xa cứ vảng vất trong đầu Duyền suốt chặng đường trở về Việt Nam.

*
Duyền về nước, tạo ra khoảng trống không bù được trong nhà Pính. Pính, Xơng nhớ Duyền cứ điện thoại sang liên tục. “Gọi nheo nhéo. Điện thoại quốc tế mà nói chuyện lâu thế hả Duyền?”. Hôm Duyền ra nhà chơi, tôi phát sốt ruột gan. “Con Xơng bảo em: "Mày lấy tim tao rồi, rõ mầu mè. Anh Pính kể: hàng hoá bỏ bê, nhà vắng vẻ quá. Các mối hàng ở chợ đêm mất vãn từ khi em về”. Duyền rầu rầu.
Nhớ lần Pính sang du lịch Việt Nam (khoảng một năm rưỡi sau khi Duyền đến nhà họ) có ghé thăm mợ tôi dăm ngày. Duyền cũng được về. Tôi cắt phép lên chơi với em. Nhìn vợ chồng cọc cạch người Đài tôi đã nghĩ: “Đây là mẫu mực về sự hy sinh”. Ngắm Pính chăm sóc vợ mà phát thèm! Mọi sinh hoạt đến vệ sinh cá nhân của Xơng, Pính phải kham hết. Ả vợ lại khó tính, gắt gỏng suốt ngày.
- Ở Đài Loan, công việc này em làm, về đây Pính ngại không dám nhờ.
Duyền nói nhỏ với tôi. Nhiều lúc Pính tỏ ra ngây ngô, hiền lành đáng yêu lắm:
- Xừ - lá... Sao chị em mà bà này không đẹp như cô Duyền.
- Đồ khỉ béo. Người làng ai cũng bảo tao đẹp hơn hẳn cái Duyền! Biết thế nào mà so sánh. Tao với nó chỉ là chị em họ!
Cái Duyền dịch lại nguyên văn cho Pính nghe. Pính cười như phá, trông thật phúc hậu.

Chỉ tiếp xúc vài ngày, mọi người trong nhà đã có cảm tình với Pính. Ông chủ, người nước ngoài gì mà không ngại ở căn nhà nông thôn xập xệ, thiếu tiện nghi. Nhà thằng Tấn khang trang, gió sông lồng lộng, lại có đầm cá rộng. Cạnh đầm, thằng Tấn xây dãy chuồng nuôi mấy chục con lợn. Thằng Tấn muốn mời vợ chồng Pính ra ở ngoài ấy, ả vợ thích lắm còn Pính xem chừng không hào hứng! Pính không nề hà một việc gì, nó quét sân, quét nhà, rồi ngày hai lần tắm rửa cho đàn lợn nhà eng Tấn. Bà con trong làng không thể tin vào mắt mình được.

*
Heo may về xơ xác triền đê.
Gió lao xao nhặt những chấm cỏ may tung xuống vạt đồng xanh lìm lịm.
Bấm đốt, Duyền về nước đã được bốn tháng. Dạo này em tôi trầm tính và ít nói hẳn. Một ngày, đột nhiên thấy Pính lù lù xả dốc đê về nhà mợ tôi. Tóc tai Pính bù xù, mặt mày ủ dột, đồ đạc chẳng có gì, không tay xách nách mang như lần trước.
- Mẹ ơi... con Xơng nằng nặc bỏ con.
Pính vẫn gọi mợ tôi vậy. Duyền thấy nghẹn trong ngực, giơ tay ra hiệu.
- Thế thằng Pính con?
- Nó hùa với mẹ ruồng rẫy tôi.
Duyền nói trong nước mắt.
- Nhà cửa, tài sản thì sao?
Thằng Tấn buột miệng.
Pính lắc đầu. Pính nói con Xơng muốn trả một món tiền lớn vì đứng nguyên đơn ly dị nhưng nó không cần. Giờ, Pính trắng tay rồi.
- Sao không về Đài Bắc, chỗ nhà máy của em trai ấy.
Pính lắc đầu, rồi nhìn Duyền thật lâu. Duyền cúi mặt xuống. Pính vượt mấy ngàn cây số tìm đến Duyền, mong được chia xẻ, dựa dẫm. Nó định bụng nói hết tình cảm của mình với Duyền, tùy mọi điều ở Duyền. Trước khi sang đây Pính đã xin hoãn thi hành án lần hai, kỳ này về sẽ vào trại luôn (điều này mãi gần đây tôi vẫn không giải thích nổi).
Mợ tôi, thằng Tấn và tôi đứng như trời trồng trước Pính. Duyền chạy thụt xuống bếp khóc hu hu. Mắt thằng Pính tràn trệ nước.
- Thôi chuyện đâu có đó, Duyền bảo thằng Pính đi tắm rửa, tối mời bác Tăng sang ta bàn.
Tôi nói to rồi gật đầu với thằng Tấn. Thằng Tấn bước tới vỗ vỗ vào vai Pính, dắt nó vào trong nhà.
Buổi tối, thằng Tấn khéo léo bảo Pính ra nhà nó để mọi người bàn chuyện. Làm tuần trà, hút xong điếu thuốc lào bác Tăng hắng giọng:
- Ý cháu Duyền thế nào?
Suy nghĩ một lúc, Duyền ầm ừ câu gì đó rồi yên bặt.
- Muốn, thì lấy nó. Sang bên đó làm ăn, thích thì ở, không, lại về nhà. Như gà mắc tóc. Trẻ trung gì!
Thằng Tấn buông một câu.
Duyền như đỉa phải vôi:
- Không, em không ở hẳn bên ấy đâu, còn con em.
- Xì - Thằng Tấn rề giọng - Con em! Cái gì cũng muốn. Muốn lấy thằng Pính, lại muốn không bỏ thằng Tê. Xin cô.
- Tấn.
Tôi lườm nó. Mắt Duyền ầng ậng nước. Cuối cùng Duyền chỉ nói được một câu:
- Bác, mẹ, các anh chị thương phận nào, con nhờ phận ấy.
Không khí ba gian nhà ngói cũ ắng đi.
- Thế thằng Pính xong thủ tục ly dị vợ chưa?
Bác Tăng thận trọng.
- Anh ấy đã làm xong, có mang cả giấy chứng nhận ly hôn sang, con xem rồi. Anh ấy bảo... sau sẽ, thằng Tê...
- Gớm, biết kỹ thế - Thằng Tấn ngào ngào - Làm đám cưới nó rồi qua bên đó, thằng Tê để tao lo.
- Mày không nhẹ nhàng với em được sao?
Mợ tôi nói nhỏ, rồi giơ cánh tay quệt khóe mắt.
- Thôi, bác quyết định. Cái Duyền lấy thằng Pính. Thằng Tê trước mắt vẫn ở với bà. Chị Thùy ra ngoài Hà Nội hỏi rõ thủ tục kết hôn với người nước ngoài, lo lắng đến nơi đến chốn cho các em. Mọi việc phải đúng pháp luật.
Cuộc họp gia đình kết thúc, và tôi biết người vui, lo lắng nhất vẫn là Duyền.
Từ hôm đó mọi người đã coi Pính là người trong nhà. Cũng lạ, không ai đả động đến chuyện đi tù của Pính. Nó thì thụ động chờ sự giúp đỡ và cứ như là ăn vạ Duyền.
Hàng ngày Pính chăm đàn lợn nhà Tấn và sốt sắng ra đồng gặt lúa hộ mợ, hộ bác Tăng tôi. Có đêm Pính không ngủ, lên bờ đê ngồi hút thuốc, ngóng mắt ra xa. Mợ tôi không cầm lòng, lên dắt nó về nhà.

Ở Hà Nội, tôi tích cực xúc tiến các thủ tục lấy chồng người nước ngoài cho em tôi. Rồi chẳng mấy, chúng nó nhận được giấy mời ra văn phòng đại diện Đài Loan phỏng vấn. Số chúng nó vất vả hay thấy Duyền già già, lớn tuổi, Pính lại trẻ, đẹp khác hẳn những đôi xin kết hôn khác mà cứ bị hẹn lên, hẹn xuống làm chúng đi lại năm lần bảy lượt. Thấy người đàn ông đại diện văn phòng Đài Loan cứ vòng vo, Pính nổi khùng:
- Nếu khó khăn quá không đưa được Duyền sang Đài Loan, tôi sẽ xin ở Việt Nam định cư.
Không biết lúc ấy thái độ Pính cương quyết, chắc nịch thế nào mà ông ta viết ngay giấy, giới thiệu hai đứa về sở tư pháp tỉnh làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Tối hôm đó hai đứa nghỉ ở nhà tôi. Tôi mạnh dạn cho chúng ngủ chung ngoài phòng khách, trải đệm nằm dưới nền nhà. Nhà cao tầng, quạt máy mát rời rợi. Hôm ấy là đêm tân hôn hay bao ngày chất chứa, nhớ nhung, tù túng, bức xúc, thèm muốn, kìm nén mà căn hộ tập thể tầng bốn của tôi cứ uỳnh ụych suốt cả đêm. Thỉnh thoảng tôi nghe thấy tiếng thở gằn, phì phì, kèm vài câu tiếng Đài líu ríu. Những vệt sáng dưới đường hắt bóng hai đứa in lên tấm mành trúc, lúc dựng ngược, đổ nghiêng, lúc thấy người Pính, lúc thấy mái tóc Duyền.

Mươi ngày sau các em tôi làm đám cưới ở quê. Chúng chụp bao nhiêu là ảnh. Mợ tôi cứ khóc mãi, mợ vui và lại lo lắng, thương Duyền hơn. Đám cưới xong, hai đứa đi ra Hà Nội làm thủ tục xuất cảnh. Rồi Duyền sang Đài Loan cùng Pính, nhưng có điều người đại diện văn phòng Đài Loan yêu cầu Duyền phải quay về Việt Nam lần nữa rồi mới được vĩnh viễn nhập quốc tịch bên ấy. Khi xuống sân bay Cao Hùng thì Pính từ biệt Duyền vào trại thi hành án phạt tù. Duyền một mình về nhà chồng trên Cơ Long. Bố mẹ Pính vui lắm, bảo với Duyền:
- Pính ra tù, sẽ làm đám cưới linh đình, nghe con dâu.
Duyền bẽn lẽn cúi đầu.
Mỗi tháng, Duyền lại xuống Đài Nam thăm chồng. Pính phải đi tù một năm rưỡi. Lần về nước vừa rồi Duyền tâm sự:
- Em đã hỏi rồi, có một xí nghiệp sản xuất đồ nhựa gần trại giam anh Pính, tuyển công nhân. Em sẽ xin phép bố mẹ anh Pính vào làm cũng để tiện thăm nom, chứ mỗi lần từ Đài Bắc đi mấy trăm cây số xuống, tốn kém lắm - Giọng Duyền chợt buồn vệt: Chị à, dịp này bên ấy hoa liễu quế hương đang nở!
Tôi nhìn Duyền ái ngại.
- Ừ. Nó còn tốt hơn khối đàn ông Việt Nam. Ra tù, vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, có tiền, thích về Việt Nam sinh sống cũng đâu khó quá.
Nói thì nói vậy, nhưng mắt tôi cứ cay xè. Con đường tình yêu, con đường hạnh phúc của em tôi sao mà dặm trường!


Hà nội, tháng 7 - 2006

Phan Đình Minh

Không có nhận xét nào: