Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

CHƠI "Ô ĂN QUAN" HAY CHƠI TRÒ MỚI?


Hồi nhỏ, thích chơi "Ô ăn quan".

Ra suối nhặt mấy chục hòn sỏi, kì cọ sạch sẽ. Hòn to là quan, hòn nhỏ là dân. Một quan kèm vài chục dân.
Luật chơi đơn giản. Chơi 2, 3 hoặc 4 người đều được. Lấy viên gạch non, viên phấn kẻ ô xuống nền nhà. Thế là chơi. Oẳn tù tỳ, ai thắng đi trước.
Bốc nắm sỏi nhỏ rải, tiếng sỏi va nhau lách cách, nghe thích thế.

2, 3 quan nằm 2, 3 ô đầu trên cao. Quan bao giờ cũng ù thần cụ, không đi đâu cả. Dân chạy như cờ loong coong, tất tưởi ngược xuôi tuỳ ý người chơi.
Quan non đã không được ăn, gần quan còn mất lượt. Mỗi lần rải may mắn ăn được ô nhiều dân hay ăn liên tục vài ô cách cả bọn ngồi ngoài chầu rìa trầm trồ. Sướng điên.

Đại loại thế. Hay phết.

Chơi gì cũng có lúc thắng, lúc thua. Trẻ con chơi vô tư, không biết ăn gian. Chơi với anh chị em trong nhà hay chơi cùng lũ bạn chăn trâu, cắt cỏ nơi sơ tán cũng thế, sòng phẳng.

Chả hiểu sao, lại có qui định 1 quan lại bằng 5 hoặc 10 dân?

Cũng chả hiểu sao, cứ ăn được quan xong, cả bọn lại đồng thanh: "hết quan toàn dân kéo về."? Thu dân, đếm phân thắng bại...

Giờ lớn, tưởng cái gì cũng biết. Tìm cách lí giải ngôn ngữ và triết lí của trò chơi. Càng nghĩ càng rối. Chỉ mang máng, rằng các cụ xưa kia ngay cả chơi cũng lồng ghép sự thâm thuý, lằng nhằng...

Bỗng một ngày, chợt nhớ trò chơi khi còn bé thơ, trong sáng. 

Chạy ra phố, mua bộ đồ chơi "Ô ăn quan". Đồ chơi giờ hiện đại, gọn gàng, tiện lợi nhưng lại cảm thấy không hấp dẫn bằng những hòn sỏi mò được ngoài suối năm xưa. 

Quan dân được làm bằng nhựa. Dân đều nhau, một màu. Quan vẽ thêm cái mũ, chòm râu. Phản cảm. Đéo giống quan ngày nay. Nhìn mặt quan vô cớ thấy ghét.

Bàn chơi in sẵn, thiếu đi ngoệch ngoạc nét phấn, nét gạch non tự vẽ trên nền nhà, hay trên sân kho hợp tác xã...

Tiện thì rõ rồi nhưng mất hay.

Lại quay quắt nhớ cảnh mấy đứa trẻ ngồi chồm hỗm bu quanh mình chờ kẻ ô. Đứa nào cũng sốt sắng, nụ cười cầu tài thường trực, hi vọng được chọn chơi...
Vẽ xong, thích đứa nào cho đứa ấy chơi. Không thích, bắt chầu rìa. Tiêu chuẩn chọn "cán bộ" cho ngồi cùng chơi chủ yếu là cảm tính. Thường những đứa biết phục tùng, dễ sai và khéo nịnh, cho chơi trước. Ấy chính là nỗi sung sướng hả hê khi có quyền lực đầu tiên, hihi.

Luật chơi, không đổi vẫn thế như xưa.

Ở đời muốn nhẹ lòng và muốn vui thì chơi chỉ nên là chơi. Đằng này chơi nhưng già dở chứng lại hay vừa chơi vừa liên hệ chuyện đâu đâu. Mất mẹ cả vui.

- đầu tiên, nghĩ sao không gọi là chơi "Ô ăn dân" nhỉ vì dân bị ăn suốt, chết đi sống lại, còn quan bị ăn mỗi lần. Ăn quan xong lại hết mẹ ván. Gọi là ăn gì chả được.
- thứ đến, nghĩ sao 1 quan lại chỉ qui bằng 5 dân. Nhiều nhất là bằng 10 dân. Sao không qui 1 quan bằng hẳn triệu dân đi cho oách?
- "hết quan toàn dân kéo về" có phải là câu nói mang tính thời đại và có ý nghĩa triết học, răn đe?
- cuối cùng, chẳng hiểu sao, giờ chơi xong đếm dân thắng chả thấy hả hê sung sướng gì, thua cũng thế?
Dù sao cũng phải công nhận rằng, luật chơi môn này ý tứ hay phết.

Chơi được vài ván đã chán. Chả bõ công đi xuống tận phố mua đồ chơi. 

Cứ nhìn mặt thằng quan đội mũ vẽ râu, lại thấy ghét. Còn nhìn những thằng dân thì nhờ nhờ, nhạt nhạt, ngu nga ngu ngơ nên cũng chả thấy yêu tẹo nào.

Thèm cái cảm giác chơi "Ô ăn quan" ngày bé thế. Giờ, lẩm cẩm mẹ rồi. Ai đời, chơi trò chơi dân gian mà cứ liên hệ sang mối tương tác quan dân, chuyện ăn hay không ăn, chuyện đổi tên mới cho trò chơi như đổi quốc ca, đổi tên nước v.v thì còn đếch gì là hay nữa.

Bảo hai "bám đít" chơi cùng, muốn chơi tiếp phải thay đổi luật chơi.
- đổi tên là chơi "Ô ăn dân" hoặc "quan ăn quan".
- chập 3 bộ làm một cho đông dân;
- một quan phải bằng 30 dân.
Cả hai đồng ý chơi thử.
Con bé hỏi, sao phải chập 3 làm 1 bố? Bí nói bừa, hồi bé, bố chơi môn này, dân số cả nước 31 triệu, 17 triệu miền bắc, 14 triệu miền nam. Giờ dân số gấp 3 gần trăm triệu, thủ đô mở rộng hơn cả gấp 3 từ 2008, nên phải chập 3 bộ thành 1 cho tương ứng, v.v...

Giải thích láo lếu cho xong chuyện vì còn mải nghĩ lung tung.

Con bé thích chơi tiếp, dù nghe chả hiểu gì vẫn zezeze, đồng ý.

Chơi mãi không hết ván vì dân đông quá, tràn ra hết các ô như tràn ra hàng ngang hàng đào, mãi chả có ô trống. Quan vẫn thế, ù thần cụ trên cao vô tích sự.
Cả tiếng chả xong ván. Tức quá. Tranh thủ lúc hai "bám đít" không để ý, quắp luôn mấy dân, có ô trống thế là ăn luôn mẹ thằng quan và một đống tướng dân, hihi.

Lần đầu ăn gian vì muốn kết thúc cuộc chơi. Lần đầu làm cái điều xấu xa khi còn bé không bao giờ dám.
Ăn gian là thuộc tính riêng của người lớn thì phải? Ăn gian có mục đích, lạ là không thấy xấu hổ!
Không ăn gian, thắng vào mắt. Hết đêm chả xong 1 ván.

Chỉ tội nghiệp "bám đít". Nhỏ giống như dân, bị đặt luật chơi, bị chơi gian mà không biết, nên thua. Đã thế, lại còn có vẻ phục cha chơi giỏi.

Giỏi cứt. Giỏi ăn gian thì có, hehe.

Chả hiểu câu "hết quan toàn dân kéo về" ngày trước dân gian nghĩ ra trong trò chơi này ý văn học là gì? Nhẽ phải nghiên cứu luật để chơi mẹ trò chơi hiện đại "quan ăn quan" cho mới, thay chơi kiểu dân gian "Ô ăn quan" cũ rích, hehe.

P/S. Đã tham gia trò chơi, ai cũng muốn thắng - kể cả trò chơi dân gian hay hiện đại. Muốn thắng, hoặc phải tự đặt ra luật chơi bắt người chơi phải theo hoặc phải ăn gian. 

Xấu tí cũng được. 

Năm sau có hội làng.

Bui Huyhoi


Không có nhận xét nào: