(NSGV): Ác giả ác báo. Nhưng quả báo ở đây thật nghiệt ngã, chua chát, thật ác hại và đau. Truyện viết rất giỏi. Kết cấu xâu chuỗi rất hợp lý, tạo thành chiều sâu thăm thẳm. Văn kể đạt mức chính xác và truyền cảm lạnh lùng. Lâu lắm chúng ta mới gặp một truyện ngắn sử dụng yếu tố Liêu trai khá thành công. Viết được như thế cũng là tài hoa lắm.
Hoàng Tiểu Thủy là thợ may có tiếng ở Hà Nội. Vải vóc chất đầy nhà. Khách xếp hàng ra tận ngoài phố. Thủy lấy công cực đắt mà không hề giảm khách. Lại có tính tham, thường ăn bớt vải. Phàm là thợ may, ai chẳng ăn bớt ít nhiều. Nhưng Thủy càng ngày càng quá. Nhờ vậy Thủy xây nhà lầu, trong sắm không thiếu thứ gì. Khách hàng vẫn đông, thường phải nịnh Thủy. Thủy càng lên mặt khụng khiệng.
Hoàng Tiểu Thủy là thợ may có tiếng ở Hà Nội. Vải vóc chất đầy nhà. Khách xếp hàng ra tận ngoài phố. Thủy lấy công cực đắt mà không hề giảm khách. Lại có tính tham, thường ăn bớt vải. Phàm là thợ may, ai chẳng ăn bớt ít nhiều. Nhưng Thủy càng ngày càng quá. Nhờ vậy Thủy xây nhà lầu, trong sắm không thiếu thứ gì. Khách hàng vẫn đông, thường phải nịnh Thủy. Thủy càng lên mặt khụng khiệng.
Một hôm có người khách
lạ may quần. Đó là một người đàn ông đứng tuổi, vóc người tầm thước. Thủy thấy
khách tỏ vẻ lạnh lùng, không vồ vập mình, đã hơi khó chịu. Đến lúc khách đưa
vải ra, Thủy choáng cả người. Cả đời làm thợ may chưa bao giờ Thủy thấy loại
vải đẹp như thế. Màu sắc sang nhã, sờ vào mịn sướng cả tay. Mặc loại vải này
mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Lấy số đo xong, khách ra về, dặn:
- Vải tôi đưa thừa
thãi, ông làm ơn may rộng giúp cho. Tôi thích làm túi cùng một thứ vải. Hẹn một
tuần lấy.
Khách vừa đi khỏi,
Thủy đem vải ra mân mê, ngắm nghía. Máu tham nổi lên, nghĩ thầm: Mình mà có vải
này may cho con gái một cái áo khoác thì tuyệt. Đo lại vải, thấy thừa rất
nhiều. Thủy bèn bắt tay tính toán, tìm cách ăn bớt cho khéo. Hì hục tô đi vẽ
lại, áo khoác của con gái dần dần thành hình, mà quần của ông khách ngày càng
bé lại. Cũng vì vậy, hết một tuần quần vẫn chưa xong. Ông khách đến lấy, Thủy
nhăn nhở hẹn hôm khác. Lần lữa mãi, hơn một tháng mới trả được.
Khi mặc thử, thì xỏ
chân đã khó, nói gì đến kéo được qua hông. Ông khách giận lắm, ném quần vào
lòng vợ Thủy, khi ấy bụng to đang ngồi ngoài cửa hàng, bảo rằng:
- Quần thế này để cho
con trai anh mặc.
Nói rồi hầm hầm bỏ đi.
Thủy vội nhặt quần đuổi theo ra cửa, thấy ông khách đi đến gốc cây bàng ngoài
hè thì mất hút. Đành băn khoăn quay trở vào.
Nguyên vợ Thủy là con
nhà tử tế, đẹp đẽ quý phái. Lấy nhau được gần mười năm, sinh hai gái, Thủy vẫn
có ý mong con trai để nối dõi sau này. Nay vợ lại đang có mang lần thứ ba, Thủy
khấp khởi mừng thầm, ngày ngóng đêm mong, cũng sắp đến kỳ sinh nở.
Kịp đến kỳ hạn, sinh
được con trai, khôi ngô khỏe mạnh. Thủy mừng khôn xiết, bèn đặt tên là Tú.
Tú lớn lên trong nhung
lụa, cả nhà cưng chiều, không thiếu thứ gì. Lạ thay đến tuổi dậy thì không thấy
phát triển mấy, ngày càng kém thua chúng bạn. Năm hai mươi tuổi, Tú vẫn nhỏ
nhắn như đứa trẻ mười ba. Kể ra thiên hạ không ít người bé nhỏ, nhưng cái chính
của đàn ông vẫn giữ được như thường. Tú thì không thế: đã nhỏ, cái gì cũng nhỏ.
Đẹp trai, con nhà giàu, Tú cũng đi được với nhiều con gái xinh, nhưng đến
chuyện kia thì chịu chết. Lâu ngày, tiếng đồn lan xa, không ai muốn lấy Tú nữa.
Bố Tú chán nản vô cùng, lo phiền thành bệnh.
Vợ Thủy không đành
lòng ngồi nhìn con trai như vậy, tìm thầy hỏi thuốc, ai mách cũng tới. Lại sửa
lễ cúng bái khắp các đền chùa, mà vẫn chưa có kết quả.
Một bữa đang cầu khấn
ở chùa Lý Quốc Sư, đến đoạn chính yếu, có người đứng bên cạnh nghe lỏm được,
cười phá lên. Vợ Thủy vừa bực vừa thẹn, quay sang toan mắng, thấy đấy là một
ông lão mù, đeo kính xẩm, mặc quần áo thâm, vóc người tầm thước. Dứt tiếng cười,
ông lão bảo:
- Tưởng gì chứ chuyện
ấy, dễ như bỡn.
Nói xong quay ra. Vợ
Thủy vội đi theo, hỏi ông lão nói thế là ý thế nào. Ông lão chỉ cười. Sau nài
nỉ mãi, ông lão mới hỏi:
- Thế ông nhà làm nghề
gì vậy?
Đáp:
- Thưa cụ, nhà con làm
thợ may.
Ông lão lại cười:
- Thảo nào, ta hiểu
rồi. Ông ấy làm thợ may, chuyên ăn bớt vải của khách. Nay giời quả báo, ăn bớt
thằng con ông ấy chút ít, có gì mà phải kêu cầu.
Vợ Thủy khóc, kể lể sự
tình, nhà cửa cao sang, nghề nghiệp gia truyền, không ai nối dõi. Lại van xin
ông lão chỉ cách chữa chạy, nguyện không tiếc tiền bạc. Sau, ông lão bảo:
- Ta không cần gì đến
của cải nhà chị. Từ giờ phải liệu bảo nhau mà làm ăn trung thực, sống cho lương
thiện. Hẹn đúng đêm rằm, hai bố con đến gặp ta ở chùa này, sẽ chữa khỏi cho.
Vợ Thủy mừng quýnh,
không tin ở tai mình. Sụp xuống lạy tạ, ngẩng lên đã thấy ông lão bỏ đi đâu
mất. Vội trở về nhà loan báo tin vui.
Hôm rằm, cả nhà sửa
soạn lễ vật, hai bố con ăn mặc chỉnh tề, đưa nhau đến chùa Lý Quốc Sư. Tới nơi
đã thấy ông lão đứng ở cửa chờ. Không để cho kịp chào hỏi, lôi tuột hai bố con
vào một gian nhỏ sau chùa, ẩm thấp, tối om. Vừa cài cửa lại, ông lão bảo luôn:
- Ta đã hứa giúp, sẽ
được như nguyện. Song có một sự rất khó, không biết bố con ngươi có chịu không?
Bố con Thủy đồng thanh
thề thốt, gì cũng theo cả. Bấy giờ ông lão mới nói:
- Chỉ có một cách, là
hai bố con đổi cho nhau. Như thế là bố đã về già, chịu thiệt thòi, nhường cho
con còn trai trẻ để duy trì nòi giống. Ngoài ra không còn cách nào khác.
Thủy tái mặt bảo:
- Sao không đổi cho
người khác, bố con còn ra gì nữa?
Ông lão nghiêm giọng:
- Người khác ai chịu
đổi cho nhà ngươi? Chỉ có bố con mới nhường nhau được.
Đáp:
- Tôi có thể mua được.
Ông lão mắng rằng:
- Ngươi chỉ cậy tiền
của phi nghĩa, tưởng muốn làm gì thì làm à? Ngươi cũng định mua cả ta chắc?
Nói rồi toan bỏ đi.
Thủy vội níu lại, bảo:
- Xin cụ bớt giận.
Việc này tôi đã quyết rồi. Xong thiết nghĩ nên hỏi ý kiến mẹ nó thì hơn.
Ông lão giương đôi mắt
mù nhìn Thủy, bảo:
- Sao anh ngu vậy? Anh
thừa biết đời nào vợ anh chịu như thế. Cho nên ta mới hẹn gặp hai bố con mà
thôi.
Thủy bị bức, phát
phẫn, nghĩ thầm: "Ta nay đã gần năm mươi tuổi, sắp lên lão được. Sự đời
nếm trải mấy chục năm không thiếu thứ gì. Mẹ nó cũng đã ngoài bốn mươi, dạo này
có vẻ thờ ơ với chuyện chăn gối lắm. Chi bằng cho quách thằng Tú, kẻo lại ân
hận sau này!"
Nghĩ vậy, thưa rằng:
- Ý tôi đã quyết, xin
cụ giúp ngay cho.
Ông lão không trả lời,
lẳng lặng lấy ra một quả bầu to, đổ ra chậu một chất lỏng màu đen sẫm. Mùi tỏa
lên hắc, khó chịu. Đoạn bảo hai bố con cởi bỏ quần áo, đến đứng trước chậu. Hai
người cảm thấy bàn tay xương xẩu của ông lão chộp lấy của mình, thốt nhiên đau
nhói. Nhìn ra đã thấy ông lão khoắng khoắng rồi vớt từng cái một ra khỏi chậu,
đem chắp rất nhanh vào chỗ trống, đoạn bảo hai người bưng lấy của mình một lúc
cho thật chắc, rồi mặc quần mà về. Khi hai người mặc quần xong, lần tìm đồ lễ
để cảm ơn, đã không thấy ông lão đâu nữa. Gọi tìm một lúc, chẳng thấy tăm hơi,
lại dắt nhau ra về.
Đến nhà, kể chuyện với
vợ. Vợ đòi xem, rồi lặng im không nói gì. Từ đấy Thủy ngày một béo ra, đến năm
mươi tuổi đã rất bệ vệ. Khi ấy vợ Thủy hồi xuân, Thủy không thể đáp ứng. Bèn
cậy nhan sắc, đi với bọn trai trẻ đáng tuổi con mình. Thủy biết mà không làm gì
được.
Lại nói Tú, từ khi
được của bố cho, thả sức chơi bời, hại đời không biết bao nhiêu con nhà tử tế.
Dần dần xóa được tiếng cũ. Năm hai mươi tám tuổi lấy vợ, sinh hai con trai, đều
có vóc dáng trung bình. Riêng Tú, đến già vẫn mặc vừa chiếc quần ông khách bỏ
lại năm xưa. Chỉ có đũng hơi bị chật chút ít./.
PHẠM HẢI VÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét