Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Khi “sự tử tế” bị tịch thu


Không phải lúc nào cũng có, chuyện một truyền thống tốt đẹp từ miền này lại lan được sang miền khác, nếu như truyền thống đó không thuyết phục được lòng người. 
Những bình trà đá rất đỗi quen thuộc ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung từ cả thế kỷ nay, đột nhiên bỗng trở thành sự kiện lớn ở Hà Nội – cái nôi cao đẹp của văn hoá xã hội chủ nghĩa.  
Sự cho đi với tha nhân, không toan tính đột nhiên bị các nhóm trật tự đô thị, dân phòng… ập đến tịch thu không có một mẩu biên lai. Họ nói những bình trà đá nhỏ nhoi đó làm mất trật tự đô thị, điều mà ai cũng phải ngạc nhiên, so với những những quán chè nước, cà phê ở trung tâm đô thị vốn đã cống nạp tiền làm ăn cho các khu vực, thì vẫn được hoạt động tràn xuống mặt đường.
Một cô bạn Hà Nội nhắn với tôi, thật ngắn gọn, về câu chuyện những bình trà đá miễn phí bị tịch thu đó: “thật khốn nạn!”.    Tuấn Khanh's Blog 

                       Thầy Bách (người đứng giữa, áo vecton đen)

Khi “sự tử tế” bị tịch thu 

Nhân chuyện những bình trà đá miễn phí bị tịch thu ở Hà Nội, tôi xin kể lại câu chuyện của ông Bách, một đồng nghiệp, dạy tiếng Pháp tại một trường đại học ở Hà Nội. Ông đã kể cho chúng tôi nghe, trong một lần chúng tôi đến thăm ông cách nay chưa lâu. 

và ... Chuyện tử tế của Người Tràng An xưa

Câu chuyện như sau:

Trước năm 1975, có thể nói mọi gia đình sống ở miền Bắc, trong chế độ bao cấp, đều nghèo và khổ cả, nhất là các gia đình công chức, làm công ăn lương... 

Sau 30 tháng tư 1975 một thời gian mẹ ông Bách bảo, nhà mình sắp giàu rồi. Các con rất ngạc nhiên, hỏi, làm sao mà giàu được hả mẹ? Nhà mình, bố mẹ, các con đều là công chức, giáo viên quèn, lại không có ai họ hàng ở miền Nam. Hồi đó có câu “5 năm đi Nga, không bằng 1 năm đi Đức, không bằng 1 lúc đi Sài Gòn”. 

Sau này mẹ mới kể. Trước 1955, khi 2 miền còn chưa bị chia cắt, Hà Nội còn chưa được “giải phóng” mẹ cùng mấy người nữa chơi “hụi” với số tiền khá lớn. Khi sắp đến lượt mẹ được nhận “hụi” thì xảy ra việc chia cắt 2 miền. Mấy người kia khẩn cấp di cư vào Nam. Đồ đạc, nhà cửa họ phải bán sạch với giá rẻ để lấy ít vốn vào Nam … Họ hứa khi thống nhất 2 miền sẽ trả “hụi” cho bà. Cũng chỉ tưởng 2 năm là thống nhất nước nhà, ai ngờ 21 năm sau, với biết bao đau thương tang tóc, đất nước mới được thống nhất. Các con bà mới bảo, chuyện xảy ra lâu thế rồi, người còn người mất, chắc gì họ đưa cho mình hở mẹ?

Thế rồi cuối năm ấy, sau khi hỏi han tin tức về những người kia, bà quyết định đi Sài Gòn một chuyến. Hồi ấy, sau giải phóng, việc vào Nam không phải là chuyện dễ dàng. Phải là cán bộ đi công tác, có giấy cấp Bộ ký; người đi phép vào Nam thăm thân nhân phải có xác nhận của Bộ chủ quản. Nhân dân thì phải mãi sau này mới có thể đi vào được.

Vào đến Sài Gòn bà tìm đến ông C, ông này rất nhiệt tình tiếp đón và bảo vẫn nhớ món “nợ” ngày xưa với bà. Hỏi về ông B, bà D … , ông C bảo bà D còn ở đây; còn ông B, ông H đã di tản… Lần vào Nam đó mẹ ông đã lấy được 2 suất hụi; còn 2 suất khác của mấy người di tản, vài năm sau nhờ ông C liên lạc bà cũng đã nhận đủ. Tổng số quy đổi được hơn 6 “cây” vàng. Hồi ấy, đây là số tài sản không hề nhỏ.

Và ông Bách kết luận, đấy người Hà Nội xưa họ tử tế và trọng chữ tín như vậy đấy!

Không có nhận xét nào: