Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

DỊCH TIẾN SĨ.



Thực ra tôi không hề ghen tị, thậm chí còn âm thầm phục và lộ liễu ngưỡng mộ những người có bằng cấp, học vị cao. Lý do, những năm 80 của thế kỉ trước, sau khi tốt nghiệp đại học, có lẽ mơ ước cháy bỏng nhất của đời tôi là được đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Thời đó, đi nước ngoài là cứu mình, cứu cả gia đình.
Riêng tôi, đi còn để vượt qua lời nguyền, bởi có ông thày tử vi nổi tiếng, phán như đinh đóng cột, rằng số tôi không được xuất ngoại.
Mãi năm 1994, tôi mới được đi nước ngoài lần đầu. Đi châu Âu hẳn hoi, tuy không phải là đi nghiên cứu sinh như ước mơ đã từng một thời, cháy bỏng.
Lần lữa chuyện học mãi, rồi lỡ. Tôi rời nhà nước, dấn thân vào chốn kinh doanh. Sức ép phải có thêm bằng cấp, học vị để thăng tiến không còn. Tất nhiên, nhìn những tấm gương học thật, tôi vẫn vô cùng ngưỡng mộ.

Chả hiểu nước mình, nạn mua bán học vị có tự bao giờ? Càng ngày, vấn nạn này càng phát triển rực rỡ, bởi chính sách tuyển dụng, đề bạt cán bộ dựa vào học vị và sự đào tạo tràn lan, cấp phát bằng dễ dãi.
Khoảng những năm 90, tôi chơi thân với một anh, là thứ trưởng bộ quan trọng. Mỗi khi được giới thiệu, giáo sư-tiến sĩ..., anh đều nửa đùa, nửa thật, bổ xung câu, "tớ là tiến sĩ thật, Đông Đức đào tạo nhé".
Tôi chợt ngộ ra, ngay thời đó, đang có rất nhiều tiến sĩ không thật.
Tôi có một số bạn bè, chơi với nhau cả vài chục năm. Khoảng đầu những năm 90, có phong trào học thêm luật. Mấy thằng bạn, mới có bằng tại chức, đang cỡ trưởng phó phòng, rủ nhau đi học. Tôi mải làm ăn, không sắp xếp được thời gian, đành chịu thua thiệt.
Tụi nó đăng kí liền 2 lớp học luật, tuần 2 ngày, ngày 2 buổi, sáng cao học, tối cử nhân. Sau 2 năm, tốt nghiệp, nhận cùng lúc cả hai bằng, cao học trước, cử nhân sau.
Một thực tế kinh hoàng về bằng cấp.
Có bằng, đám bạn được đề bạt liên tục, thằng giám đốc sở, thằng lên thứ trưởng. Thế mới biết, lũ này thức thời. Xã hội trân trọng tri thức, nên bằng cấp, học vị, quả là quan trọng.
Nghĩ cho cùng, thế còn tốt. Mấy ông bạn này, ít ra còn ghi danh, chạy đủ các loại chứng chỉ bắt buộc, còn thi đầu vào, vắng mặt còn nhờ điểm danh, còn gặp giáo viên xin trước đề thi, còn dự thi và còn làm việc với giáo vụ, vân vân.
Kiến thức, tuy chả được bao nhiêu, nhưng cũng phải mất thời gian, cũng lo lắng trăn trở và đương nhiên là mất tiền, mất bạc.
Đằng này có cả những ông, chả hiểu học vào lúc nào, vẫn có học vị. Hôm 5/12/2003, lễ khai mạc Seagames 22 "hoành tráng, ấn tượng, rực rỡ sắc màu", giật mình nghe giới thiệu trên loa trước hàng vạn người, cờ hoa rạng rỡ ở sân vận động Mỹ Đình, thấy gọi tên 1 bác sĩ sản, 1 kĩ sư xây dựng là tiến sĩ. Tôi vô cùng giật mình và tò mò.
Hôm bế mạc giải, dù bóng đá Việt Nam lại về nhì, ông tiến sĩ mời tôi đi nhậu, tổng kết thắng lợi chung của Seagames lần thứ 22. Nhậu xương xương, tôi buột mồm hỏi, ông học lúc đéo nào mà thành tiến sĩ í nhỉ? Biết tôi hay phục người có học vị, hắn toét miệng cười, ra vẻ bí hiểm, bảo, tôi học lúc nào đến tôi còn chả biết, thì ông biết đếch nào được, hehe.
Vài năm trước, bộ giáo dục đã thống kê, nước ta có khoảng hơn 9000 giáo sư, gần 25.000 tiến sĩ (chưa kể phó giáo sư, thạc sĩ). Nếu tính từ hàm thứ trưởng trở lên, tiến sĩ ở ta đông gấp 5 lần Nhật Bản, 10 lần Israel. Riêng Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến còn đưa ra một "chiến lược công chức" vô cùng mạnh mẽ, "mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học, một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ. 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, một nửa trên đại học".
Vãi hết cả lồng với tổng các loại học vị trong "chiến lược công chức" của Hà Nội.
May mà hồi đấy, tôi mải làm ăn không ghi danh theo học cao học cùng mấy thằng bạn, rồi cứ thế theo đà, cũng lại mua nhanh cái bằng tiến sĩ. Có bằng rồi, biết đâu ngày đẹp giời, lại được btv 100 kíloBL mời lên TV, lại phán ầm ầm, có khi không phải "60' mở" mà là "600' mở", cũng nên.
Riêng với câu hỏi "để làm gì?", thề là tôi có thể hỏi từ ngày này, sang ngày khác nonstop, hehe.
Tự nhiên đang yên, đang lành, bạn bè yêu quí, lên TV, ỉ i có bằng tiến sĩ, ăn nói lăng nhăng. Thiên hạ lại chả đem cái thân già này
ra hành quyết trên fb, có sống cũng thành tật, thành dở hơi, oan đéo.
Giờ, nghe giới thiệu ai tiến sĩ, phó giáo sư, lại thấy nghi nghi.
Tôi bắt đầu phải rà soát lại danh sách bạn bè, những thằng nào có bằng tiến sĩ không học, ủn hết. Giá trị thật của mỗi người không phải mấy chữ viết tắt, ghi trước cái tên được Cha Mẹ yêu quí đặt cho, khi chào đời.
Xã hội thật giả lẫn lộn, đầy rẫy những điều dối trá, mải chạy theo hư danh vô bổ, không có điều gì rõ ràng, minh bạch, chả hiểu rồi đến 2020, 2030, đất nước nhiều tiến sĩ nhất thế giới của chúng ta sẽ đi về đâu?
Ới các anh bộ dục, sao các anh tài thế nhỉ. Đào tạo kiểu đéo gì mà nhanh và đông tiến sĩ thế hả? Giờ, thử chỉ bổ xung qui định mới, "cấm đề bạt cán bộ có bằng tiến sĩ xây dựng đảng, tiến sĩ hành chính..." chẳng hạn, xin bảo đảm 100%, bọn cơ hội, ngu dốt, mua bằng...lập tức vứt mẹ hết đống bằng rởm ngay.
Các Cụ nói cấm bao giờ sai, "Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ". Sĩ mua, sớm muộn gì cũng lòi đuôi sĩ rởm.
(Stt này, không có động cơ khen các tiến sĩ, đang miệt mài chém gió trên các chương trình của VTV trong thời gian qua. Cũng không trả lời câu hỏi: để làm gì!)
Hà Nội 7.6.'16.

Facebooker  Bui Huy Hoi Bui

Không có nhận xét nào: