Lứa chúng tôi từ chiến trường
trở về ai cũng giống nhau ở chỗ lăn vào học tiếp rồi ra làm giữa thời đất nước
khốn khó. Sự khổ ai mà chả khổ. Nhưng có người thì không thích nhớ lại. Tôi
thì lẩn thẩn hay nhớ. Kể chuyện này để các CCB cùng nhớ về một thời mà chúng
mình vừa ra khỏi đạn bom lại đằm mình trong đói kém. Nhưng là lính rồi cũng vượt
qua cả. Còn lại chỉ là những kỉ niệm ... Nguyễn Trọng Luân
***
Vài tháng nay làm ăn thua lỗ.
Càng lỗ mình lại như người tỉnh táo, nhớ những chuyện linh tinh hồi nảo hồi
nào. Lúc trước rủng rỉnh lãi. Nay nhậu mai du lịch, thăm thú giao du chẳng nhớ
gì những sự việc lúc hàn vi, chẳng nhớ cả những người từng là ân nhân mình
ngày trước. Đêm, vợ con ngủ cả, một mình đứng ban công hút thuốc. Khói
thuốc bay vào phòng vợ con đang ngủ ho sù sụ. Chợt nhớ phải khép cửa lại. Bấy
lâu nay mình cũng đã gây hệ lụy tới gia đình nhiều mà dửng dưng coi là đương
nhiên phải thế, Ông chủ mà. Kiếm được tiền thì làm gì chả được. Một thời,
khi không có tiền sống tá túc ở cơ quan của vợ trong khu tập thể Cục bản đồ gần
chùa Láng mà ngày nào cũng vui như hội
làng. Nhà ai cũng như nhà ai. Cả khu ngót trăm ngôi nhà mà chỉ có 2 cái mô
kích. Một của thiếu tá Trung làm hậu cần quân khu thủ đô và một của cậu Ngũ đi
Đức về. Nhà mình có cái xe đạp Diamant là oách lắm rồi. Nhìn vợ mình dong cái
xe đi vào ngõ trông thị xinh hẳn lên. Khốn nỗi, hồi đó mình đã làm quản đốc
rồi nhưng nhà thì không có, nhẩy dù vào tập thể bên vợ. Trong tập thể này hễ
anh nào nhẩy dù vào thì coi như đó là công dân hạng hai.
Mà đã là công dân
hạng hai thì đi lại phải nhẹ nhàng, ăn nói phải nhã nhặn. Gặp ai cũng toét
miệng cười và chào hỏi tử tế. Hồi đó cái oai của mình có hệ số bằng không.
Không ai giao thiệp với mình, có chuyện gì thì chỉ nói với vợ mình thôi. Mấy
anh cán bộ cấp phó phòng là loại cao nhất ở đây. Chứ vươn tới trưởng phòng thì
họ lại tiến lên khu tập thể oách hơn, sang bên cục hay ra khu mả Tàu ngoài
Láng hạ. Vậy nên nếu không tính mấy tay cấp phó phòng thì khu nhà mình là khu
thường dân. Phải nói đúng là khu lao động.
Cạnh nhà tôi là nhà Vang Nghi. Vang là vợ.
Nghi cũng nhẩy dù như tôi nhưng là thế hệ trước. Nghi làm bảo vệ bên cục ở đường Láng thượng đi bộ
năm trăm mét là tới. Vợ Nghi, cái cô Vang da trắng và to con. Kém mình 5 tuổi
mà cũng đã hai con gái. Cùng mái chung tường cót ép với nhau. Chuyện nhỏ
chuyện to cố giấu nhưng hai nhà đều biết hết. Ngay ngày đầu tiên nhẩy dù vào
hắn bảo, chiều nay đợi em về hai anh em uống rượu. Chiều ấy giám đốc xí
nghiệp vợ tôi cho bảo vệ xuống hót vợ chồng tôi ra ngoài. Chẳng hiểu sao Nghi
biết chạy về trước thông báo với vợ chồng tôi và hắn dặn, anh đừng có ý kiến
gì cả, cứ vâng dạ cho xong, không có gì xẩy ra đâu. Mà không có gì xẩy ra
thật. Hai chú bảo vệ sừng sộ một hồi rồi ra về. Đêm ấy tôi và Nghi uống hết
hai ngàn rượu và năm trăm lạc rang ngoài bãi rau làng láng.
Rồi những ngày sau đó tôi và Nghi lăn ra làm
ruộng trồng rau. Đất làng Láng bỏ hoang vô khối chứ không tiền tỷ như bây giờ.
Hai thằng trở thành tiên phong cho cả khu tập thể về công tác khai hoang. Rồi, tôi và Nghi lại đi đầu việc lấy phân bắc tưới rau. Chiều chiều, phân bắc
được mang ra tưới rau thối inh vào khu tập thể. Họ chửi bọn tôi khiếp lắm.
Nhưng thây kệ. Nghi và tôi vẫn vừa làm vừa hát. Thế rồi chỉ vài tuần hai
ruộng rau của nhà chúng tôi xanh um. Hồi đó hái rau bán hàng tháng cũng bằng
lương kĩ sư. Và thế là cả khu lao vào hót phân bắc. Mọi hố xí sạch bong. Hết
phân rồi, kéo nhau sang sang trường đại học Ngoại thương chiến đấu tiếp. Cánh
đồng rau muống trông mà sướng. Nhưng rồi rau nhiều quá lại đâm ra cạnh tranh
chỗ bán. Dần dần rau xuống giá, chợ Giảng Võ ư ứ rau. Buồn chả ai thèm đi
hót cứt nữa. Hố xí trong khu tập thể lại đầy phè, thối inh. Tôi và Nghi bần
thần ngồi bàn kế khác.
Nhà chúng tôi là nhà lợp cỏ tranh từ những
năm 72. Đó là những gian nhà làm theo kiểu sơ tán máy bay. Sau hơn mười năm cỏ
tranh mục nát, nhưng cột kèo tre thì còn tốt. Gian nhà dột thì đắp bằng cót ép. Nhà nào có tiền thì cậy cục nhờ mua vài mét giấy dầu đắp lên. Cái mái nhà cứ dầy lên và nặng chịch chừng như ụp xuống bất cứ lúc nào. Nhưng cư
dân ở dưới thì quyết không cho nó ụp xuống.
Kẻ ở dưới chống lên. Trên cao cứ đè ụp xuống. Cuộc chiến giữa mái nhà
và con người kéo dài năm này qua năm khác. Việc mua giấy dầu không phải là đơn
giản. Phải có tiêu chuẩn, phải có giấy chứng nhận của cơ quan… nhiêu khê lắm.
Một tối, Nghi kéo tôi ra ngoài bãi rau làng Láng. Nghi có người quen ngoài
Giảng võ xắp dỡ nhà để xây mới. Ông này là sếp nên căn nhà lợp ngói lại còn
được ốp giấy dầu năm ngoái nên còn tốt
lắm. Chỉ cần dỡ nhà hộ là ông ấy cho toàn bộ số giấy dầu trên. Hay! Vậy là trọn hai ngày dỡ nhà. Xong xuôi hai
đứa nhễ nhại thồ vài chuyến mới hết sản phẩm về khu tập thể. Công đoạn tiếp
theo Nghi lo. Trúng quả. Chỉ trong một buổi chiều, hết bay số giấy dầu.
Thừa thắng xông lên, Nghi đưa ra sáng
kiến bán trứng vịt lộn. Tôi chịu. Hắn không chịu. Hắn về Phú xuyên
mua thí điểm bốn trăm quả để bỏ mối. Mặt hàng này không có mối sẵn thì chỉ có
luộc ăn trừ cơm. Và sau vài ngày Nghi
cho cả xóm mỗi nhà vài mươi quả. Ăn nhiều quá mấy tháng sau nghĩ tới trứng vịt
lộn ai cũng kinh.
Dạo ấy tôi làm quản đốc Xí nghiệp Dụng cụ
Thể thao. Chả ăn được gì chỉ có mùn cưa mua tiêu chuẩn. Tuần được một bao. Xin
thêm anh em lúc được lúc không. Ì ạch đèo bằng xe đạp về bán cho hàng xóm,
gần bằng lương tháng. Nhưng Nghi phát hiện ra rằng mùn cưa không ăn bằng gỗ
vụn. Thế là nghe theo hắn mỗi khi mua mùn cưa tôi nhặt trộm những thanh gỗ vụn, ngắn có dài có cắm theo phương thẳng đứng của bao mùn cưa. Rồi, hắn lọc ra đem bán cho hàng thợ mộc
ngoài Giảng Võ. Họ làm nan sa lông. Hay, hiệu quả hơn bán mùn cưa tới năm
lần.
Nhà Nghi Vang có mỗi cái giường đôi. Cái
giường một thì mượn của cơ quan. Mỗi lần sang nhà tôi hắn mê mải ngắm cái tủ li
hai cánh lát chun, miệng lẩm bẩm tuyệt tuyệt. Tuyệt cái khỉ gió, khung xương
cũng là đồ ăn cắp dần ở cơ quan. Hai cánh lát chun nứt rồi nhưng gắn keo sơn
bả rất khéo. Hồi ấy tủ li đắt thế, cỡ ba chỉ vàng. Nhà nào mà có cả tủ li và
tủ đứng là được xếp hạng để …nể.
Thường đi làm về vợ tôi hay ca cẩm những
chuyện đâu đâu phát sinh ở cơ quan. Nghĩ lại cũng thấy tội cho vợ lấy phải
chồng nghèo. Chuyện thế này. Do làm cái nghề ngồi vẽ bản đồ, học nghề cùng
nhau, về cơ quan cùng nhau lại làm việc tám giờ bên nhau năm này qua năm khác
mà lại toàn đàn bà. Vì thế chuyện gì cỏn con cũng thành quan trọng trong cái
căn phòng sực nức mùi đàn bà và tanh tanh của mực tầu. Tỷ như chuyện cô A lấy
được anh thợ ảnh dễ kiếm tiền, ăn trắng mặc trơn, tuần nào cũng bánh tôm hồ Tây. Chị B chồng lái xe quá cảnh, mỗi chuyến về nào là tông Lào, nào là mì
chính ăn không hết mà cho thì ngại mang tiếng, cứ để giành chuột cắn tung tóe. Khiếp, mì chính quí như thế mà để chuột cắn. Mèng như cô C cũng còn vớ được
anh công nhân bên xưởng in, nhưng lại có nhà trên hàng Gai. Tiếng là công
nhân nhưng đi bình bịch, đeo đồng hồ Orian to vật, tóc vuốt ngược ướt dượt.
Trai phố cổ nhà tối hun hút, người nào
cũng trắng trẻo ngai ngái mùi thành phố. Một thời ai cũng thích cái thứ mùi
người trên phố. Tóm lại, rất nhiều hoàn cảnh nhưng hoàn cảnh nào cũng trên
mình một bậc.
Mấy cô bạn vợ mình toàn lấy mấy
chú đi Tây về, chú nào cũng có xe cuốc đít cong như đít bọ ngựa. Hoặc giả
không phải chú đi Tây thì cũng Trung quốc, Triều tiên, áo len cổ quả tim, con
gái bản đồ trông các chú đã thấy tây tấy. Đằng này vợ mình lấy thằng nhà quê,
cái xe đạp rách cũng không có, không nhà cửa, môi sốt rét thâm như con đỉa
phơi ba nắng. Được mỗi cái là đảng viên, bộ đội từ chiến trường về. Hừ, bộ đội mà làm gì, chả nhẽ mắc võng ngoài đường mà ru con à? Ai cần biết cái anh
đảng viên không nhà phải nhẩy dù? Trong bữa ăn vợ tôi bảo: ở tổ họ xếp em thứ
bét. Xếp hạng thế nào? tôi hỏi. Vợ bảo, họ chấm điểm. Ai có chồng người Hà
nội một điểm. Chồng đi Tây: một điểm.
Ai có nhà một điểm. Ai có xe đạp ngoại cũng một điểm. Có tủ li một điểm, tủ
đứng ba buồng hai điểm … Sau một hồi hồi tính toán nhà tôi được nhõn một điểm
tủ li. Vợ tôi mêu mếu. Tôi cố nuốt miếng cơm với cùi dừa kho đang mắc ngang cổ. Hai thằng con trai thích thú hỏi: Thế nhà Thu Giai mấy điểm. Mẹ nó gắt,
hơn điểm nhà mày. Bố con tôi ngồi … lặng
ngắt.
Vậy thì phải làm cái tủ đứng cho nhiều điểm. Bán cái tủ li đi cho Nghi Vang. Nhà ấy đang máu. Hôm sau gọi Nghi. Hắn mừng
húm. Cho hắn nợ trả dần. Ngay buổi chiều vợ chồng sang khiêng luôn về. Cái tủ
cánh lát chun bây giờ lại dựa quay lưng về nhà tôi. Ngăn giữa có bộ bát sứ Trung Quốc mới mua. Hai bức ảnh cụ già mới làm đề phòng hậu sự, một con lật
đật Liên xô đo đỏ. Cái này nghe đâu của
nhà Hồng Hoành cho vì nhà ấy có chú em mới đi Liên Xô một năm.
Nghi oách thật. Tối ấy vợ Nghi vừa nấu cám
lợn vừa hát nổi trống lên rừng núi ơi. Nghi hút thuốc lào xoe xóe ngoài sân,
hắn đang giải thích cho hàng xóm thế nào là lát chun thế nào là lát hoa. Trong
nhà vợ tôi bần thần nhìn cái khoảng đất toe toét lỗ giun đùn, nơi vẫn kê cái
tủ li gỗ lát. Cái tủ ấy nghe đâu vẫn tồn tại đến bây giờ. Nó chứng kiến sự
lớn lên của hai đứa con gái nhà Nghi, chứng kiến sự mỗi ngày giỏi giang xinh
đẹp của hai con bé trong suốt thời gian khó khăn hợp tan của bố mẹ nó.
Hai thằng con trai nhà mình, thằng lớn 8
tuổi thằng bé 1 tuổi nổi tiếng trong khu vì … đen. Một lần, đi làm về tới sân
bóng chuyền, ông con lớn ngồi vắt vẻo trên bể nước, có tới ba chục đứa bé
ngồi nghe nó giảng bài dưới sân. Mình phục sau cái xe ô tô tải nghe trộm. Nó
hỏi, đố các em trong khu nhà mình người lớn ai đen nhất? Cả lũ trẻ đồng thanh: bố anh! Nó bảo tốt. Vậy trẻ con thì ai đen nhất? Lũ tre reo to hơn: anh!
Nó khoái trá, các em giỏi lắm, anh sẽ xin bỏng ngô nhà bác Thấm cho chúng mày. Nghe mà lộn ruột nhưng làm gì được nó.
Nhà chị Thấm có một mình. Chị đi thanh niên
xung phong thời chống Mỹ nên tuổi xuân gửi ngoài tuyến lửa. Tài sản mang về là
nước da sốt rét và mớ tuổi ngót ba mươi. Tội nghiệp. Chị xin đứa con nuôi.
Chị làm lụng vất vả hơn người thường mà vẫn rớt mồng tơi. Chị xoay sang bán
bỏng ngô. Thằng con lớn nhà tôi làm chân tiếp thị cho bác Thấm. Nó tập hợp vài
chục đứa trẻ xếp hàng dọc. Nó đi đầu cầm cái ống bơ sữa bò gõ coong coong. Nó
xướng to: Nhà bác Thấm, thì lũ trẻ hô to hơn: có bỏng ngô. Coong coong
coong. Một lũ rồng rắn đi quanh khu tập thể rồi ra đường sang cả trường đại
học ngoại thương. Cứ réo ầm lên nhà bác Thấm có bỏng ngô. Tiếng coong coong
và tiếng cười của lũ trẻ réo rắt. Khổ nỗi nó nghịch thế mà lại đen đủi, nên
là cái mốc để mọi người đề cập tới. Nhà Cúc Tấn có hai con gái, cũng xinh vừa
thôi .Nhưng Cúc Tấn thì luôn cho rằng con nhà mình cành vàng lá ngọc. Mẹ thì
làm thủ quĩ, mỏng môi hay hạt. Bố làm đến thiếu tá. Mỗi lần hai đứa con lười
học thì mẹ nó lại chì chiết: Mày mà hư sau này tao cho mày lấy thằng Bưởi.
Thằng con nhà tôi quần đùi chễ rốn đứng ngoài đường vạch quần đái về phía nhà
Cúc Tấn, vừa đái vừa vẩy. Hai vợ chồng tôi nghe mà buồn cười mà tê tái trong
lòng. Tê tái mãi. Chả biết hai cô Thúy Kiều Thúy Vân nhà ấy bây giờ ra sao,
còn thằng con lớn nhà tôi bây giờ là đại úy cảnh sát, mỗi
lần nhắc tới thời sống ở khu chùa láng thấy nó chùng mặt xuống, lẩm bẩm … chúng
nó đi đâu hết chẳng gặp đứa nào …
Vài năm sau, khu tập thể phá
hết nhà giấy dầu, nhà cỏ tranh xây cấp bốn. Xóm nhà tôi như thể khu gia binh
thời VNCH ở miền nam. Nhưng mặt mũi ai cũng sáng sủa hơn. Bây giờ hầu hết nhà
nhà đã có ti vi. Nhà mình cũng vậy, tuy là ti vi đen trắng, không phải hàng
tối hai thằng con thập thò ở cửa nhà Nhung Biểu. Nhà cô Nhung có bà cụ phúc
hậu và thương trẻ con nên chúng nó hay kéo sang xem ti vi hoặc nghe bà kể
chuyện. Bà cụ đến là đẹp người tốt nết. Nhà Nhung thì tướng tá rõ thật to con
nhưng khi xem phim hễ gặp cảnh nào mùi mẫn y như là khóc, khóc đỏ cả mũi. Hôm
nào có đoạn phim “Hoàn cảnh“ là rầm rầm tiếng mở cửa, chúng nó gọi nhau chạy
đi xem cô Nhung khóc. Cô Nhung bây giờ chắc cũng nghỉ hưu rồi, còn lũ trẻ thì
thành kĩ sư, bác sĩ, đi hết cả.
Thời thế đổi thay chóng mặt.
Khu tập thể nhà tôi ngày ấy cũng vươn dậy, tự cơi nới mà chòi lên. Đường xá
nay hẹp lại và không còn phải che mưa vì các mái nhà vươn ra gần chạm vào nhau. Lũ trẻ con như thằng lớn nhà tôi đếu đã học lớp 7 lớp 8 cả. Chúng đi lại
duỳnh duỵch ấy ấy tớ tớ om xòm cả xóm.
Có điều lạ, lứa tuổi chúng nó dều không
chơi với con bé nhà Hiền Mùi. Mùi là tên mẹ nó. Hai mẹ con ở với nhau, bố nó
ở quê mất trong một vụ cháy nhà. Chả cứ gì trẻ con, người lớn cũng ít thân
thiện với cô Mùi. Mùi da ngăm, có lẽ vì hoàn cảnh khổ sở nên cô ta ăn mặc khí
luộm thuộm, tất tả. Mùi làm mọi việc , lăn lộn đủ thứ để nuôi con. Đứa con
gái cũng lôi thôi như mẹ và luôn là tâm điểm chòng ghẹo của bạn bè. Trong mắt
tôi, mẹ con nhà Hiền Mùi chả có gì khác biệt. Thậm chí tôi còn thấy nhà ấy
giỏi giang hơn khối nhà có mác Hà nội. Có chăng họ quan tâm tới cái đằng nhan
sắc. Nhưng cả hai mẹ con nhà ấy có cái gì khó nói lắm. Hoang dã. Thông minh. Tôi đồ rằng con bé Hiền sau này đẹp chứ chẳng chơi. Mùi làm gì cũng giỏi,
kể cả việc vẽ bản đồ. Mở cửa hàng ngay tại nhà, hàng sén nhà nó thật đông
khách. Đứa con lăn vào giúp mẹ mọi việc
mà nó học vẫn khá. Chê gì thì chê, hàng nhà nó rẻ và tốt ai dại gì mà chê.
Trời chả cho ai tất mà cũng
chẳng lấy đi của ai tất cả. Nghe đâu Mùi có cuộc sống khá giả và con bé Hiền
lớn lên xinh đẹp hơn ối cô gái trong khu và lại lấy chồng cũng tươm. Nhưng cái
tên nhà hiền Mùi thì vẫn nguyên. Người ta có thể quên mấy ông phó phòng trưởng
phòng chứ còn nhà Hiền Mùi thì mãi mãi
họ nhớ cùng với sự tồn tại và lớn lên của cái khu tập thể chùa Láng.
đường Chùa Láng ngày nay |
Đã mười lăm năm chuyển khỏi nơi vợ chồng tôi
nhẩy dù xuống đó vào một sáng tháng ba. Cũng hai mươi năm không gặp lại Nghi
Vang. Nhưng khu tập thể Bản Đồ Chùa Láng thì vẫn tồn tại và đổi thay nhiều lắm. Những đứa trẻ ngày xưa đã thành bố cả rồi. Nhà cửa xây lô nhô xanh đỏ. Cư
dân ở đó đông gấp mười lần ngày xưa. Nhưng nhà nào cũng khép kín. Dù rất đông
đúc nhưng không còn phải lo đi ngoài ở nhà vệ sinh công cộng nữa. Cái thủa gặp nhau tránh mặt không được ở ngoài hố xí
với bộ mặt căng thẳng không ai nhường ai xa tít tắp từ lâu rồi. Lớp trẻ không
hình dung nổi và cũng chẳng ai muốn nhớ lại làm gì. Chỉ có tôi lẩn thẩn nhớ
lại những chuyện không đâu, chuyện một thời đã lùi xa, đã xưa như cánh đồng
húng Láng nay chỉ còn trong ca dao, trong chuyện kể. Con đường đất sỏi bụi mù
chạy vào khu nhà chúng tôi xưa đã mang tên đường Chùa Láng. Con đường lúc nào
cũng đông người, mật độ gái đẹp ở đây rất cao vì tập trung tới bốn trường đại
học. Nơi ấy một thời gia đình tôi đã sống với hàng xóm thật vui vẻ và ân nghĩa. Bây giờ muốn tìm lại, muốn sống tình nghĩa như hồi đó cũng dễ gì tìm được.
Không tin bạn thử đi qua đó mà xem.
theo Nguyễn Trọng Luân
Cựu binh Sư đoàn 320A Tây nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét