Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

TÂM TƯ...


“Tâm tư” là thuật ngữ độc đáo do Đại tướng Phùng Quang Thanh sáng tạo ra, để lại cho ngành Tâm lý học Việt Nam, cần đưa vào Từ điển. Có thể hiểu “Tâm” là tình cảm, nỗi niềm, tâm trạng... “Tư” là suy nghĩ, suy tư... Phùng Đại tướng nói trước QH là, nếu đến hẹn mà chưa được thăng tướng, thì nhiều đc “tâm tư lắm”, tức là các tướng suy tư với nhiều tâm trạng, nỗi niềm...
Mình chả hy vọng thăng tướng hay chức tước gì mà cũng tâm tư! Chả là hôm nay nhận được mấy tin nhắn góp ý, khuyên bảo. Một bạn trẻ cũng họ Mạc, bảo: “Bác là trí thức mà suy nghĩ khộng toàn diện, nếu không có Đảng thì họ ta sao được như ngày nay”?; Bạn An Duy Tô (chắc gốc Mạc) cũng bảo: “Không có Cách mạng Tháng 8 thì họ Mạc ta có tìm lại nhau được như ngay nay không”?... Ý kiến của các bạn làm mình rất tâm tư...

Ừ nhỉ, sau sự kiện Trịnh Tùng “Phù lê, diệt Mạc” đánh chiếm Thăng Long, năm 1592, triệt phá các di sản nhà Mạc và “chu di tam tộc”, thì vương triều Mạc rút lên Cao Bằng; con cháu họ Mạc phân tán đi khắp nơi, thay tên đổi họ, mai danh ẩn tích... Thế rồi từ những năm 1990 đến nay, có hơn 50 họ: Phan, Bùi, Hoàng, Phạm, Thái, Tô, Nguyễn, Lê... gọi là họ “mượn” đã tìm về gốc họ Mạc, đông đến hàng triệu con cháu. 
Hội đồng Mạc tộc Việt Nam và HĐMT/Ban Liên lạc họ Mạc các tình thành ra đời. Lăng mộ, đền thờ Cụ Mạc Đĩnh Chi được tôn tạo, Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc được xây dựng ở Dương Kinh, Vĩnh Phúc; hàng loạt Từ đường họ Mạc được trùng tu, xây mới... Tất cả các sự việc trên diễn ra, dường như đều ứng với câu đối treo tại Từ đường họ Lều (gốc Mạc) ở Thăng Long, được truyền ngôn là do Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm tặng con cháu họ Mạc: “TỨ BÁCH NIÊN TIỀN CHUNG PHỤC THỦY/ THẬP TAM THẾ HẬU DỊ NHI ĐỒNG”. Có thể hiểu là: Bốn trăm năm, trở lại như ban đầu/ mười ba đời sau, khác mà lại giống nhau. 
Tướng quân Mạc Ngọc Liễn để lại di chúc cho vương triều Mạc ở Cao Bằng: “...Không được rước người Minh vào nước ta... Đó là tội lớn không gì bằng, khi nào hồng phúc được trả lại cho nhà Mạc thì thời vận sẽ đến”. 
Khi Tiền nhân nói những điều trên thì ông Marx, Engels, Lenin còn ở củ tỉ âm ti nào, “Đảng ta” và cách mạng tháng Tám ở đâu? Khi có đôi câu đối treo ở đền thờ Mạc Đĩnh Chi:
 “Long Động văn chương quang nhật nguyệt/ Cổ Trai đế nghiệp tráng sơn hà” thì “Đảng ta” ở đẩu đầu đâu nhỉ? 
Khi “Đảng ta” vừa ra đời, 1930, Xô viết Nghệ - Tĩnh nêu khẩu hiệu “Trí phú, Địa, Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, thì không biết bao nhiêu người họ Mạc nằm trong đối tượng này? Cải cách ruộng đất, bao nhiêu Từ tường, hoành phi, câu đối, gia phả, lăng mộ bị đập phá, thiêu hủy, bao nhiêu người họ Mạc bị đấu tố, bị giết hại? Chỉ nói trường hợp Cụ Phan Đăng Dư, năm 1955, 80 tuổi, cả gia đình yêu nước, 3 con trai hoạt động cách mạng, mà CCRĐ bị đấu tố, đọa đầy đến chết.... Mà Cụ là ai? Là cha đẻ của Phan Đăng Lưu. Phan Đăng Lưu là ai? Là một trí thức tài năng, nhân vật số 1 – số 2 của Đảng CSVN thời đó, bị tử hình trong cuộc Nam kỳ khởi nghĩa 1941. 
Chưa thống kê được – mà cũng muốn khép lại quá khứ – những đau thương chết chóc của con cháu họ Mạc thời CCRĐ; hẳn là người họ Mạc chiếm tỉ lệ khá cao, vì sau khi thay tên đổi họ, người họ Mạc vẫn là dòng dõi vua, quan, có chữ nghĩa, vốn liếng, nên sau này vào đối tượng “quan lại, phong kiến, địa chủ, phú nông, cường hào, ác bá, phản động” không phải ít. Rồi hệ lụy đến con cháu họ nữa chứ. Các bạn cố nhớ lại hồi CCRĐ thì biết.


Riêng ở miền Nam, thì nhiều người họ Mạc vào phù giúp chúa Nguyễn, đã thành khai quốc công thần, như Mạc Cảnh Huống ... Về việc minh oan, chiêu tuyết cho nhà Mạc, nhà Nguyễn... thì các nhà nghiên cứu trong miền Nam, dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa đã đi trước lâu rồi; các sách giáo khoa dạy trong trường phổ thông không miệt thị nhà Nguyễn, nhà Mạc như sách của “Đảng ta”! 

Đấy, Đảng đã cho con cháu họ Mạc “sáng mắt, sáng lòng” chưa? Tổ tiên thì không biết xót xa, “mồ cha không khóc, đi khóc đống mối”!
9/11/2017
Mạc Văn Trang

Không có nhận xét nào: