Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

ĐÁM GIỖ BÀN CHÂN


Anh tha thiết mời tôi đến chơi với anh, tha thiết hơn mức một người U80 luôn thèm có bạn trò chuyện mà tự mình không đi đâu được.
Nhà anh trong khu tập thể lắp ghép Yên Lãng, kiểu chuồng cu hai tầng. Nhiều người đập bỏ xây lên 5 tầng, anh vẫn để nguyên bản. Hai vợ chồng già cần gì cho lắm phòng, vả lại anh cụt một chân làm sao leo lên tầng cao.
Anh lạch xạch mở cổng đón tôi, lắc lư mái tóc dài bạc trắng hắt xuống vai lộ rõ vầng trán cao bướng bỉnh của ông đồ Nghệ trên cặp mắt ướt như sẵn sàng khóc. Tôi theo anh lên tầng hai, căn phòng khoảng 14 mét vuông mà anh gọi là thư phòng. Nhìn anh đi, không ai nghĩ anh cụt một chân, chỉ có cảm tưởng đó là người già leo thang vất vả.
Anh pha chè, bóc bao thuốc, nói anh rất vui vì em đã đến. Người Nghệ rành mạch chuyện xưng hô, ai hơn tuổi làm anh và gọi người ít tuổi hơn bằng em rất thân thiết. Làm xong mấy việc cần thiết, anh xin phép cởi chiếc chân giả dựng vào cạnh ghế:
 ⁃ Anh cởi ra cho mát.
Tôi nhìn cái chân cụt trên mắt cá khoảng mười phân của anh, nhớ lại anh đã mất bàn chân trong trường hợp nào.
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa anh về làm phòng thiết kế một nhà máy cơ khí lớn ở Hà Nội. Anh làm thơ, gửi đăng báo Văn nghệ, được coi là nhà thơ trẻ đầy triển vọng. Năm 1973 anh viết và 1974 đăng một truyện thiếu nhi vô thưởng vô phạt, ngay lập tức bị các nhà phê bình văn học “quan phương” đánh giá là ám chỉ phê phán các đồng chí lãnh đạo và có ý chống Chủ nghĩa Xã hội. Anh bị đánh tơi bời và mất hút trên văn đàn.
Sau này tôi hỏi anh có bị kỷ luật gì không. Anh nói không, chỉ được gọi nhập ngũ. Anh chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên quê tôi và mất một bàn chân ở đó. Tôi không hỏi và anh cũng không kể anh bị thương trong trường hợp nào.
Anh được đưa về bệnh viện dã chiến điều trị. Cắt cụt chân thì nhanh nhưng do anh mất máu và bị nhiễm trùng nên phải điều trị nhiều tháng. Cô lý tá trẻ người Huế chăm sóc anh, những khi rỗi rãi cô cùng các thương binh khác nghe anh đọc thơ. Anh thuộc Truyện Kiều, thuộc thơ Púshkin và nhiều tác phẩm kinh điển khác. Nhờ anh mà các thương binh có cuộc sống tinh thần tốt hơn, giúp vượt qua bệnh tật.
Cô gái Huế đem lòng yêu anh. Mối tình mãnh liệt và gấp gáp như nhiều mối tình thời chiến khác.
Sáu tháng sau, do mất sức chiến đấu, anh được đưa ra Bắc. Người thương binh cụt chân đến giờ vẫn ngạc nhiên làm sao anh có thể vượt qua chặng đường rừng dài vô tận từ Thừa Thiên ra Nghệ An.
Anh rót nước chè mời tôi. Như đoán ra tôi đang nghĩ về cái chân của anh, anh cười:
 ⁃ Lạ lắm em ạ, đôi khi anh vẫn thấy ngứa ở chỗ bàn chân không còn nữa. Mà em biết hôm nay anh kêu em đến chơi có việc gì không?
 ⁃ Anh thèm bạn trò chuyện.
 ⁃ Đúng. Nhưng hôm nay là ngày đặc biệt. Hôm nay giỗ bàn chân của anh.
 Chưa ai nghĩ đến việc làm giỗ cho một bộ phận cơ thể mất đi. Anh là người đặc biệt. Tôi hỏi ngớ ngẩn giỗ thì có thắp hương không? Anh cười giỗ trong lòng thôi.
Cách đây mấy năm anh đã xuất bản tuyển tập thơ, coi như xong việc một đời người. Tôi trêu anh có tuyển tập rồi anh còn viết nữa không? Anh lại cười viết chứ, hồn còn xác còn thì còn viết.
Anh cười vậy nhưng ở đâu đó trong sâu thẳm có một nỗi buồn dai dẳng. Đằng nào bàn chân cũng mất bốn mươi lăm năm rồi, buồn chi nữa?
Anh nhìn tôi bằng đôi mắt ướt:
 - Gọi là giỗ bàn chân nhưng thực ra anh nhớ, thương cô ấy. Và cả cảm giác tội lỗi.
 ⁃ Chị y tá?
 ⁃ Đúng. Anh bỏ chị ấy ra Bắc. Sau này mới biết chị mang bầu, sinh cho anh một thằng con trai. Vì không chồng mà có con, chị bị kỷ luật. Sau năm 1975, kinh tế khó khăn, chị bồng con vào Sài Gòn ở nhờ nhà người bà con, một mình bươn trải kiếm ăn và nuôi con. Anh thật có lỗi với chị và con.
Hai dòng nước mắt chảy dài trên má anh.
 ⁃ Rồi anh có tìm thấy chị không?
 ⁃ Có, nhưng phải mất 25 năm. Anh phục viên, về nhà máy cũ không ai nhận, bạn bè xin cho một việc nhẹ nhàng nhưng lương thấp. Mình thương binh không làm ăn ngoài được, chỉ còn cách làm thơ.
 ⁃ Sống bằng nhuận bút?
 ⁃ Ừ. Mà nhuận bút thì em biết rồi đấy, lèo tèo. Anh nhờ bạn bè tìm chị và con, tự anh không có tiền vô Sài Gòn tìm chị.
Anh ngừng lại, châm điếu thuốc, ngúc ngắc mái tóc bạc.
 ⁃ Mãi đến năm 2000 anh mới vào Sài Gòn gặp chị.
 ⁃ Thế chị không chủ động tìm anh?
 ⁃ Không, vì chị biết anh đã có vợ con trước khi đi B. Chị không muốn làm xáo trộn cuộc đời anh, mặc dù vẫn thường đọc thơ anh trên báo.
 ⁃ Chị có lấy chồng không?
 ⁃ Chị ở vậy, thế anh càng đau!
Đến lượt tôi ngừng lại, đắn đo có nên hỏi anh về đứa con trai hay không?
 ⁃ Anh vào Sài Gòn chỉ gặp chị, thằng con trai học xong đại học cưới cô vợ và được bên vợ bảo lãnh đi Mỹ rồi.
 ⁃ Anh không gặp cháu?
 ⁃ Không, đến giờ nó 45 tuổi rồi mà anh chưa thấy mặt nó lần nào. Qua video chát thì có thấy, ngoài đời thì không.
Anh lại ứa lệ. Tôi để yên cho anh khóc.
 ⁃ Nó nhiều lần ngỏ ý gửi tiền về cho ba dưỡng già nhưng anh không chịu. Mình không nuôi nó, không chăm bẵm nó đã là một tội lớn, mặt mũi nào xin tiền của nó? Cách đây mấy năm, không biết nghe ai nói, nó biết anh in tuyển tập thơ, thế là nó gửi ba ngàn đô la, không cần anh đồng ý.
 ⁃ Thằng bé ngoan. Nó học giỏi không anh.
 ⁃ Nó học giỏi, sang Mỹ làm ăn được, cuộc sống ổn định.
 ⁃ Nó có làm thơ không?
 ⁃ Chắc là không. Đời người làm thơ bất trắc lắm.
Tôi với anh trò chuyện suốt buổi sáng. Chiến tranh là bom đạn, là nhà cửa đổ nát. Là mất đi sinh mạng hoặc một phần cơ thể. Song chiến tranh còn là những cái dằm cắm mãi vào tim con người mà ta không cách nào nhổ ra cho đến chết.
Hôm nay anh giỗ bàn chân đã mất hay làm đám giỗ mối tìnhcủa mình, mối tình không thể sống sót qua chiến tranh?
Phan Chi

Không có nhận xét nào: