THÀ CÃI NGU CÒN HƠN IM LẶNG
Đã sai mà không biết nhận lỗi còn cãi chày cãi cối để lấp liếm cái sai thì thật đáng ghét. Đáng ghét vì đối với những trường hợp tác giả dự án hay công trình có tính quốc gia thường mang cả ba phẩm chất: gian, tham và ngu. Gian vì quanh co lấp liếm cái sai. Tham vì làm ẩu để moi tiền dân. Ngu vì sai mà không biết mình sai.
Vụ Từ điển Chính tả của Viện Từ điển sai tràn lan chính tả như bọn vô học viết bảng biểu ở vỉa hè, có thuộc tính trên hay không thì người trong cuộc tự hiểu. Nên nhớ chính tả là bài tập tiểu học chứ không phải là một vấn đề học thuật cao cấp.
Một lần, khi duyệt đề thi, không biết đã lần thứ mấy, tôi thấy chính giảng viên ngôn ngữ học ra đề thi viết "Câu tĩnh lược". Mọi lần tôi tự tay sửa luôn dấu ngã thành dấu hỏi: "Câu tỉnh lược" cho xong. Không cần gọi giảng viên lên sửa, mất thời gian. Lần này có giảng viên ra đề thi ngồi trước mặt và khá đông người, tôi hỏi: "Tĩnh lược hay tỉnh lược?". Bất ngờ giảng viên ra đề thi cãi: "Tĩnh lược, dấu ngã". Lại còn nhấn thêm: "Nhiều người không biết nên có thói quen viết thành dấu hỏi". Không ít người hùa theo: "dấu ngã là đúng!" Tôi hỏi: "Vậy "Tĩnh" ở đây có nghĩa là gì?" Bất ngờ giảng viên ra đề thi trả lời: "Tĩnh là tĩnh lặng ạ!" Nhiều người gật. Tôi mắng: "Sai cả đám mà không biết mình sai. Tĩnh lược là làm giản lược một cách tĩnh lặng à? Thế thì câu rút gọn sao lại gọi là câu tĩnh lược? Lặng lẽ giảm bớt thành phần câu giống như lặng lẽ rút ngân quỹ à?"
Không ai trả lời vì không hiểu gì. Tôi giảng: "Tỉnh lược" chứ không có "tĩnh lược". Gốc Hán,“tỉnh lược” 省略: tiết kiệm, giảm bớt. Câu tỉnh lược là câu tiết kiệm, giảm bớt thành phần. Mọi người im lặng, nhưng tôi biết càng giảng họ càng không hiểu gì.
Thôi thì cứ cho đó là cái từ ít dùng, một cách cảm tính, hay viết sai là chuyện thường tình (nên nhớ đây là thuật ngữ, nhà chuyên môn không được sai).
Nhưng sai đến mức tùy tiện và tràn lan như Từ điển Chính tả do liên doanh Viện Từ điển và Nhà xuất bản Đại học quốc gia xuất bản thì có thể nói là ấu tả, gốc Hán 嘔瀉 là nôn mửa và ỉa chảy. Nó ẩu tả đến mức không phân biệt đó là từ điển của một cơ quan hàn lâm hay sản phẩm của con buôn vô học viết quảng cáo ở vỉa hè.
Ông Hà Quang Năng, bà Nguyễn Thị Hồng Nga cãi chày cãi cối để lấp liếm cái sai là đáng ghét. Nhưng cả đám giáo sư tiến sĩ Việt ngữ học đông như quân Nguyên trên đất nước này còn đáng ghét hơn. Trừ PGS.TS. Dũng Hoàng lên tiếng ủng hộ Hoàng Tuấn Công, tất cả dường như đều im lặng.
Tai hại của sự im lặng là làm cho người ta nhầm tưởng "cái tay khuyến nông" có tên Hoàng Tuấn Công biết gì mà bàn về chữ nghĩa.
Thà cãi ngu để thiên hạ biết mình ngu mà học thêm chứ im lăng để chứng tỏ mình khôn thì là loại gian tham chỉ biết ngậm miệng ăn tiền.
Tôi gọi là "ngậm miệng ăn tiền" là bởi họ ngồi cùng mâm cùng chiếu gọi là hội đồng thẩm định. Có thể họ cũng sai hoặc thấy sai mà không dám nói. Cung cách làm việc của các hội đồng hiện nay là ậm ừ cho qua, nói theo ngôn ngữ điêu trá của ông Năng là "một thái độ bao dung đa chuẩn mực". Theo tôi, đã thế thì dư luận đừng quy vào cá nhân ông Năng hay bà Nga nữa. Chung quy bởi tại lực lượng giáo sư tiến sĩ đông như quân Nguyên này ngồi các hội đồng ấp trứng tại các lò ấp mang tên Viện Hàn lâm, từ đó nở ra vô số các con vịt mang học hàm giáo sư tiến sĩ để gây ra hậu quả là... cả bầy có học hàm học vị thi nhau ẩu tả vào tiếng Việt.
Chu Mộng Long
***
TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ HAY TỪ ĐIỂN ẨU TẢ?
Khi Hoàng Tuấn Công chỉ ra những lỗi chính tả ngay trong quyển Từ điển Chính tả với những dẫn liệu và phân tích từ thuần Việt đến Hán Việt, tôi đã đoán ngay là đàn gảy tai trâu. Bởi tôi biết ông Hà Quang Năng, nguyên phụ trách Phòng Từ điển chuyên ngành và Từ điển thuật ngữ của Viện Từ điển chỉ ở trình độ "chữ Nhất bẻ làm đôi không biết chữ gì". Vả lại, người đã viết sai chính tả thì không thể biết mình sai. Càng bắt anh ta tự chữa lỗi, anh ta càng sai. Một lần duyệt đề thi trong bộ môn, có một câu mà một giảng viên ngôn ngữ học viết sai đến 5 lỗi chính tả, tôi gọi lên tự sửa, anh ta sửa một hồi chồng thêm 10 lỗi. Thôi thì tôi sửa luôn cho anh ta cho nhanh.
Người dạy tiếng Việt viết sai tiếng Việt là hiện tượng phổ biến ở đất nước hay vỗ ngực tự hào "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt". Nhưng đây lại là Phó giáo sư, Tiến sĩ ngôn ngữ học chứ không phải giáo viên bình thường.
Nghe ông Năng tự bào chữa cái sai của ông, tôi càng nhận ra ông chẳng có tri thức gì về ngôn ngữ ở trình độ đại cương. Ông nói Từ điển Chính tả của ông "cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay, trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng". Hóa ra những cách viết sai trùng điệp trong từ điển của ông: x thành s ("xét xử" thành "xét sử"...), s thành x ("sa trường" thành "xa trường"...), ch thành tr ("chưởng bạ" thành "trưởng bạ"...), iu thành ưu ("trìu mến" thành "trừu mến"...), gi thành d ("giãy giụa" thành "dãy dụa"...) n thành ng ("tán gia bại sản" thành "táng gia bại sản"...),v.v... vẫn được gọi là chính tả!
Không nghi ngờ gì nữa, đến từ "Chính tả" mang nghĩa là gì ông cũng không biết khi chính ông đặt tên cho sản phẩm của ông là Từ điển Chính tả. Chính tả nghĩa là viết đúng, viết chuẩn thì sao lại chọn cả những cách viết "chưa chuẩn"? Ông lấy cách viết tùy tiện của một thằng ngọng, một đứa trẻ chưa học xong lớp Một để đưa vào từ điển gọi là chính tả cho mọi người học hoặc tra cứu hay sao?
Tôi dám chắc, một em bé học xong lớp Một cũng không có chuyện viết sai như trong từ điển của ông Phó giáo sư, Tiến sĩ của Viện Từ điển vừa dẫn trên.
Khi ông nói "chưa có một văn bản nào ở cấp nhà nước về chuẩn chính tả" để biện bạch "không ai đủ tư cách để đứng ra đánh giá cái này đúng hơn cái kia" làm tôi chợt nhớ đến ông Nguyễn Văn Hiệp (Van Hiep Nguyen), Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, đề nghị Nhà nước nhanh chóng ra Luật Chính tả. Tôi bảo rỗi hơi nhưng chưa kịp hỏi ông Hiệp rằng ai sẽ ra Luật Chính tả, và cái luật ấy sẽ dày bao nhiêu trang? Đại biểu Quốc hội ư? Chắc chắn các đại biểu phải dựa vào Từ điển Chính tả của Viện Từ điển mà ông Năng đã biên soạn chứ chẳng lẽ ngồi cả mấy năm trời liệt kê cho hết cả mấy chục ngàn từ tiếng Việt? Và chắc chắn Quốc hội không thể bê cả quyển từ điển dày cả ngàn trang ấy vào trong luật. Hú hồn là Nhà nước làm lơ chứ không thì Từ điển Chính tả thành Từ điển Ẩu tả. Ẩu tả là tùy tiện, gốc Hán 嘔瀉 là nôn mửa và ỉa chảy.
Tôi biết, các loại Viện, trong đó có Viện Từ điển, có những đề tài, dự án ngốn tiền tỷ ngân sách. Biết đâu để chuẩn bị cho Luật Chính tả ra đời, cuốn từ điển này đã ngốn nhiều tỷ để ông Năng và cộng sự của ông ỉa và mửa vào chữ viết tiếng Việt?
Người học ngôn ngữ ở trình độ đại cương đều biết ngôn ngữ là khế ước của cộng đồng. Chữ viết càng là khế ước nghiêm ngặt. Chữ viết tiếng Việt sau hơn cả trăm năm biến đổi thông qua sự điều chỉnh, lựa chọn và đã đi vào ổn định. Việc chuẩn hóa chữ viết là công việc của ngành giáo dục vì chữ viết là công cụ quan trọng nhất của giáo dục. Sách giáo khoa dạy chữ đã là luật. Nó chống sự tùy tiện để đi đến thống nhất chung. Những cách viết khác nằm ngoài cái khế ước đã được cộng đồng thừa nhận đều bị xem là tùy tiện, ẩu tả. Một từ điển ẩu tả như Từ điển Chính tả của ông Năng không thể xem là từ điển chính tả, trừ kẻ thiểu năng, ông Năng ạ!
Chu Mộng Long
1 nhận xét:
SAI TỪ HỌC ĐƯỜNG RA VỈA HÈ HAY TỪ VỈA HÈ VÀO HỌC ĐƯỜNG?
PGS.TS. Hà Quang Năng, nguyên Phụ trách Phòng Từ điển chuyên ngành và Từ điển thuật ngữ của Viện Từ điển (trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tuyên bố, rằng quyển Từ điển Chính tả do ông chủ biên chủ trương ghi nhận "những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn", và khẳng định "không ai đủ tư cách để đứng ra đánh giá cái này đúng hơn cái kia". Lại còn khuyến khích "Ngay chính tả cũng cần một thái độ bao dung đa chuẩn mực", tức ai muốn viết thế nào cũng được!
Đến lượt bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc NXB Đại học quốc gia Hà Nội thông gian với PGS.TS. Hà Quang Năng trả lời báo chí cùng một lý luận như trên để tỏ ra trên dưới đồng lòng... sai. Có khi nào ông Năng xem Hoàng Tuấn Công chỉ là "Tay gì đó làm ở Khuyến nông Thanh Hoá", tức hạng không chấp? Trong khi bà Nga thì ngạo nghễ tuyên bố: "Lý do tạm đình chỉ phát hành là cuốn sách "đang có nhiều tranh cãi chưa ngã ngũ từ độc giả, có nhiều vấn đề cần mổ xẻ", nhà xuất bản tạm đình chỉ phát hành để có thêm những trao đổi với các tác giả và tham vấn thêm ý kiến của các nhà chuyên môn khác, "chứ không phải chỉ chạy theo dư luận", tức bà đủ tư cách dạng háng ngồi xổm trên dư luận?
"Nhà chuyên môn" nào đủ tư cách nữa, nếu không phải Viện Từ điển mà ông Năng và cộng sự đang ngồi chình ình trong đó?
Nếu không phải "nhà chuyên môn" trong Viện Từ điển thì là hơn cả ngàn nhà Việt ngữ học mang học hàm giáo sư tiến sĩ, thành phần chiếm đông nhất trong số giáo sư tiến sĩ hiện nay? Thưa bà Nga, trừ PGS.TS. Hoàng Dũng, tôi chưa thấy ông bà nào trong giới chuyên môn lên tiếng, vì tôi đồ rằng họ cũng không biết rõ đúng sai. Thật đấy!
Cách làm từ điển của ông Năng là ghi nhận dạng chuẩn lẫn chưa chuẩn, nói thẳng là viết sai,.xuất phát từ đâu? Từ học đường ra vỉa hè hay từ vỉa hè vào học đường? Lý luận của ông Năng và bà Nga như trên thì đích thực là hai ông bà học từ cái sai của dân vỉa hè mà thành giáo sư tiến sĩ? Không phải ngẫu nhiên mà chữ Việt bị sai từ các biển báo ở vỉa hè, sai đến báo chí nhà nước và sai đến sách giáo khoa dạy trẻ con.
Từ điển Chính tả mà chấp nhận viết tùy tiện thì là Từ điển Ẩu tả, tức chấp nhận luôn sự ỉa mửa tùy tiện ở vỉa hè? Rực rỡ thay cho một thời đại!
Chu Mộng Long
Đăng nhận xét