Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

Chuyện sinh đẻ có kế hoạch (phần 3)

tranh: Thành Chương
Nhắc thêm tí nữa về những kế hoạch và phương cách ngăn chặn sinh sản ở xứ này suốt mấy chục năm rồi hãy quay về chuyện cụ “thống chế đi đặt vòng”. Thời tôi tuổi thiếu niên và thanh niên ở miền Bắc, tức là khoảng thập niên 60 - 70, việc sinh đẻ có kế hoạch được nhà nước quán triệt càng ngày càng chặt. Đối tượng trước tiên bị nhắm tới, chả cần nói ra, cũng biết là phụ nữ đàn bà con gái. Họ bị đặt vòng để ngăn cản sự thụ thai. Không có thai thì có mà đẻ được khối.
Thú thực, nghe nói tới đặt vòng từ lẩu lầu lâu rồi, từ hồi còn bé, mãi tới sau này, nhưng tôi cũng chả biết phương thức đặt vòng chặn thai xuất phát từ đâu, tại sao lại gọi là vòng. Vẫn hiểu “cái gì không biết thì tra gu gồ” sẽ ra ngay, nhưng nhiều khi cứ để lờ mờ nhấp nhoáng cái sự hiểu biết có khi lại hay, để còn kích thích việc khám phá, tò mò.
Thời đó, chị em là cán bộ, công nhân viên ăn lương nhà nước, chịu sự kiềm tỏa của bộ máy hành chính nên chả mấy ai thoát được đặt vòng. Mấy bà ở nông thôn thì không sợ sệt gì, thích thì đặt, không thích thì thôi, nào có chế độ tem phiếu, thi đua, quyền lợi nào để bắt buộc được. Cán bộ tuyên truyền rã họng, lặn lội đem vòng tới từng nhà, cũng mặc. Chỉ có mỗn thứ làm các bà ngài ngại đẻ, là sự nghèo. Đẻ cho lắm vào lấy gì nuôi. Đôi lúc mấy bà nghĩ vẩn vơ nhố nhăng thế thôi chứ nông thôn “hoàn cảnh” lắm. Không có điện, dầu hỏa lại hiếm, mới 7 - 8 giờ tối đã đen kịt. Đi ngủ sớm, biết làm gì cho hết đêm dài. Lại thêm ông chồng càu nhàu không vòng viếc gì cả. Thế là đẻ thôi. Con đông, kệ, giời sinh voi giời sinh cỏ.
Đàn bà có vòng, đàn ông chả nhẽ không có gì. Tới cuối thập niên 60 đã có người biết dùng ca pốt, bây giờ gọi nôm na là bao cao su. Nhưng không phải đàn ông nào cũng được đeo ca pốt. Nó hiếm hơn cả huân huy chương. Ít nhất cũng phải cán bộ, làm to, nhà giàu, đã có vợ, người nước ngoài. Đó là thứ đồ quý hiếm, nhạy cảm, bán phân phối, hạn chế đối tượng mua. Không bán công khai, chỉ những hiệu thuốc nhất định được chỉ định mới có hàng này. Tôi nhớ những năm đầu thập niên 70 ở Hà Nội chỉ có hiệu thuốc quốc doanh số 1 khu phố (tức quận bây giờ) Hoàn Kiếm ở phố Hàng Khay gần ngã tư Tràng Tiền (nơi có nhà Bách hóa tổng hợp) bán bao cao su.
Nghe nói vậy chứ mình làm gì dám vào chốn thâm nghiêm đó. Chủ yếu bán cho người nước ngoài, đám chuyên gia Liên Xô và người cơ quan ngoại giao. Dân phe rình ở đó, khi thấy có thằng tây nào vào mua, liền đón lõng ngay ngoài cửa mua lại, sau đó bán cho bọn rao hàng trên tàu điện. Bọn này, khi tàu chạy liền len lỏi giữa dòng người đứng ngồi nhấp nhô, rao “nơ hồng, tẩy trắng, thuốc ruộm răng đen, dải rút, bấc đèn, dầu cao con hổ, rút dép cao su, bao cao su đơi, ai mua nào”. Trên tuyến Hà Nội - Hà Đông, chúng cũng nhắm vào sinh viên khu Thượng Đình, Mễ Trì nhưng khổ nỗi sinh viên nghèo kiết, cái vé tàu 5 xu còn trốn, lấy đâu ra vài hào mua chiếc bao cao su dùng được có mỗn lần.
Xung quanh cái bao cao su lắm chuyện tiếu lâm cười ra nước mắt. Chả hạn có ông cạy cục mua được một cái, đêm về hí hửng khoe với vợ bảo thứ này ngừa thai hiệu nghiệm lắm. Cùng nhất trí xỏ vào. Xong, anh chồng thấy nó cứ dư một đoạn lủng lẳng phần đầu, than phiền bọn tây dở như hạch, làm cái bao cao su mà cũng đéo biết làm, rồi lấy kéo cắt phăng chỗ thừa đi cho gọn. Kết quả vợ vẫn có mang, hết tin vào cuộc cách mạng bao cao su. Có ông mua được nửa hộp, để chắc ăn, khoác cho cu em luôn 3 cái, phen này thì chúng mày (ý nói bọn tinh trùng) có chui ra đằng giời. Ai ngờ để lâu quá bị kiến đục hay gián nhấm gì đó, vẫn dính như thường. Còn một anh người Mán, Mèo gì đó kể với bạn, bọn đàn ông dưới xuôi chúng nó ghê lắm, chính mắt tao thấy nó hành sự xong, nó lột da vứt xuống suối mà không chảy máu chảy miếc gì. Hay chúng là người giời … Thôi, chả hơi đâu mà kể.
Suốt một thời gian dài mấy chục năm ở miền Bắc, đi đâu cũng thấy khẩu hiệu. Người cộng sản coi khẩu hiệu là phần không thể thiếu của sức mạnh cách mạng. Trên khắp các bức tường trụ sở, doanh trại, trường học, nhà dân, thậm chí cả trại lợn, nhan nhản khẩu hiệu. Thường là những câu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, còn có những câu phải giải nghĩa mới hiểu được. Trên tường đất nhà tôi có câu “Toàn dân thực hiện 3 không”, anh trai tôi vừa kẻ bằng nước vôi, vừa giải thích dạo này hay có gián điệp biệt kích, nếu thấy có người lạ tới làng thì chúng bay cứ phải nhất nhất 3 không, nghe chửa, không nói, không nghe, không biết. Chúng hỏi gì thì đừng nói, chúng nói gì thì đừng nghe, chúng dò hỏi có biết không thì lắc đầu không biết. Công nhận bé tí đã tham gia vào cuộc chiến đấu vĩ đại của đảng. Còn trên bờ tường trạm xá, tôi đọc được câu “Toàn dân thực hiện 3 khoan”. Tới câu này thì chịu chết. Thím Hoạch y sĩ của trạm xá giảng, câu này không phải cho chúng mày mà cho người nhớn, cho đàn ông đàn bà, chứ trẻ con vắt mũi chưa sạch biết gì mà hỏi. Khoan 1 là khoan yêu nhau. Khoan 2 là lỡ yêu nhau rồi thì khoan cưới. Khoan 3 là lỡ cưới rồi thì khoan đẻ. Để dồn thời gian sức lực cho sản xuất, chiến đấu. Tôi nghe mấy người nhớn bảo nhau khoan thế chó nào được. Trai gái đến tuổi thì bập vào nhau thôi, yêu mà không cưới, cưới mà không đẻ thì yêu thì cưới làm quái gì. Quá phức tạp. Chị Vớ con cụ Tý mù làm bên xã đoàn thanh niên có lần khuyên thanh niên thôn cần học tập tấm gương của các anh Phan Hành Sơn, Lê Mã Lương, Vương Đình Cung, chị Trần Thị Lý, cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù, làm sao cứ phải yêu nhau lấy nhau đẻ đái. Đám chúng tôi nghe cứ ngớ ra, khó hiểu. Sao anh Bé con bà Hiếm mới 17 tuổi đã lấy chị Đảm bên thôn Phương Đôi có lần bảo chúng mày ạ, yêu nhau lấy nhau thích lắm, chúng mày không biết thích thế nào đâu, lớn lên thì biết. Còn ông anh họ tôi cắt nghĩa không đẻ thì lấy đếch đâu ra người đi bộ đội. (còn tiếp)
Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào: