Trong tâm thức đông đảo người dân xứ này, hai nhân vật lịch sử được kính trọng và yêu mến nhất, chiếm được nhiều cảm tình nhất, là cụ Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hình ảnh cụ Hồ trở nên chói lọi rực rỡ, tất nhiên chủ yếu từ con người cụ, nhưng cũng có phần tô vẽ không nhỏ của bộ máy tuyên truyền. Nghệ thuật tuyên truyền của người cộng sản, thì ngay cả những bậc thầy tuyên truyền đủ mọi thời đại xưa nay cũng phải chịu thua. Vị lãnh tụ của họ được đẩy lên thành đấng bậc vẹn toàn không tì vết, có khi thần thánh, ngọc hoàng, ông trời, đức phật, đức chúa cũng không bằng. Tôi cả đời sống trong thể chế cộng sản, từ lúc bé bắt mũi chưa sạch tới giờ, đã hiểu và nhận ra điều chối tỉ ấy.
Vậy nhưng, với trường hợp cụ đại tướng Võ Nguyên Giáp, có nhẽ là ngoại lệ. Những gì cụ Giáp có được, chủ yếu do cụ tạo ra, ít phải nhờ “bộ máy” họa sĩ. Tài năng, đạo đức, công tích, vẻ đẹp… cụ có được đều tự thân sinh ra, tồn tại vững chắc trong cõi đời, trong lòng người. Không phải vô cớ mà những người lính nhiều thế hệ đã gọi cụ bằng danh hiệu cực kỳ giản dị mà cao quý: người anh cả của quân đội, anh Văn. Người dân bình thường yêu quý kính phục cụ kể cả khi cụ là người lẫy lừng đỉnh cao lẫn khi cụ là vị tông đồ chịu nạn. Hình ảnh anh Văn, vị đại tướng, nhà cách mạng qua bao biến thiên thời đại, qua bao cuộc bãi bể nương dâu, ít bị suy suyển, trong xã hội lẫn lòng người.
Trong đời mình, tôi từng chứng kiến 4 đám tang hoành tráng nhất thời đại tôi sống, có thể ví như siêu quốc tang. Dĩ nhiên dưới mắt nhìn và đánh giá của tôi, cũng không hẳn chỉ căn vào số người đưa đám, mà chủ yếu dựa vào lòng người tiễn đưa. Đó là đám của cụ Hồ năm 1969, bác sĩ Tôn Thất Tùng năm 1982, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ năm 1988, và đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2013. Đấy mới là những cuộc đưa đám vĩ đại, tiễn một phần lịch sử tới bờ huyệt, xét về nhiều mặt.
Người xưa dạy chớ lấy thành bại mà luận anh hùng, nên tôi hiểu rằng lấy tầm cỡ tang lễ để đúc tượng đài chưa hẳn đã đúng. Đám ma lặng lẽ của cụ Phan Khôi năm 1959 chỉ có 7 người (gồm thân nhân, người đánh xe ngựa và duy nhất bạn văn Yến Lan) theo sau quan tài đặt trên chiếc xe cà tàng do con ngựa gầy kéo, không kèn trống điếu văn, chôn ở nghĩa trang vô danh vùng Mai Động, thậm chí đã mất mộ do bị di dời san lấp, tới giờ con cháu cũng không biết nằm nơi đâu, ở khía cạnh nào đó thì ngay cả mấy đám kia cũng không bằng được. Đất Hà Nội dửng dưng vô ơn như thói đời thuở ấy, thôi thì chả nói làm gì, may mà đất Quảng Nam quê cụ Phan đã rất đáng khen khi chọn một con đường to đẹp ở TP.Tam Kỳ trịnh trọng treo cái biển tên đường Phan Khôi. Nói cho công bằng, ông (Phan Khôi) làm vinh dự cho đất Quảng nhiều, chứ ông đâu có cần gì. Một người mà tới mộ chí cũng không thì người ấy đã cao hơn cõi đời tầm thường này nhiều lắm.
Lại quay về chuyện cụ Giáp. Danh tiếng lẫy lừng của cụ, sự kính trọng gần như tuyệt đối của dân chúng và binh lính đối với cụ đã khiến những đồng chí của cụ ghen ghét, tìm cách hãm hại. Thời nào mà chẳng có kẻ tiểu nhân, ngay cả khi ngồi vào ngôi tột đỉnh tót vời. Vòng nguyệt quế Điện Biên Phủ gắn với tên tuổi Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh khiến các “bậc” tiểu nhân tức tối. Chúng bày đủ thứ cạm bẫy, bới móc đặt điều đủ mọi xấu xa để hạ bệ Võ Nguyên Giáp. Tất cả những chuyện ấy khi xưa là điều bí mật, nhưng tới giờ đã được bạch hóa đáng kể, tôi không nhắc lại nữa. Chỉ biên lại cái thời điểm năm 1984, tháng 4, người ta cố ý điều động vị đại tướng công lao hãn mã làm chủ tịch cái ủy ban mà họ vừa cố ý lập ra nhằm ấn ông vào: Ủy ban quốc gia Dân số và sinh đẻ có kế hoạch. Thứ này là thứ của đàn bà, lẽ ra phải giao cho đàn bà. Nay bắt đại tướng đứng đầu, họ thật hả hê. Chợt nhớ chuyện thời Tam quốc, Khổng Minh vây đánh mãi nhưng Tư Mã Ý vốn cao thủ chẳng kém gì, quyết không ra giao chiến. Ý hiểu, ra là thua, cầm cự thì thắng. Khổng Minh hạ nhục Ý, cho người đem biếu Ý quần áo khăn khố đàn bà. Ý hiểu và nhận, chỉ hơi thắc mắc “Khổng Minh coi ta như đàn bà ru”. Biết nó hạ nhục mình, nhưng ráng chịu, gác cái sĩ diện riêng để vì đại nghiệp. Tư Mã Ý và cụ đại tướng nhà ta hình như hơi giống nhau ở điểm này.
Người đời từng có nhiều nhận xét khác nhau về sự chấp nhận “khổ nhục kế” của đại tướng khi ông nhận cương vị mới. Ngay cả ông bạn tôi, một nhà báo có tiếng, nhiều lần được cụ Giáp tiếp, cũng khen cụ, bảo nhận chức ấy đâu có gì dở, khen cụ hiểu được tầm quan trọng của sinh đẻ quốc gia, v.v.. Nhiều người phục cụ biết “nhẫn”, biết vì đại cục, hy sinh cái riêng. Nhưng cũng không ít người tử tế thầm tiếc khi chứng kiến sự thoái lui ẩn thân ấy. Chả phải vô lý chuyện dạo đó người ta hay thì thào với nhau rằng “Ngày xưa đại tướng cầm quân/Ngày nay đại tướng cầm quần chị em”, hoặc “Nhà thơ làm kinh tế/Thống chế đi đặt vòng”. Dân gian nói vậy không phải là khinh bỉ coi thường gì người trong cuộc, mà chính để tỏ thái độ trước thói đời nhiều sự nhố nhăng, nhiều nỗi éo le.
Giá như cụ đại tướng chỉ tạm lui bằng việc chấp nhận chức vụ cai quản sinh đẻ thì cũng đi một nhẽ. Buồn là cụ đã để đám tiểu nhân được đằng chân lân đằng đầu, coi cụ không ra gì. Tôi nhớ như in, tháng 5.1984, hôm đó tôi lên thư viện trường đọc mấy tờ báo để nắm tin tức mới. Trên trang nhất 2 tờ Nhân Dân và Quân đội nhân dân đều đăng tràn cột thông tin về lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Các quan tai to mặt lớn xuất hiện đủ cả trên lễ đài. Có cả cụ Giáp. Cụ ngồi tít mé ngoài cùng, nhỏ thó, bị xa cách. Chiến thắng Điện Biên vốn gắn với đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng trên khắp mấy trang báo không có lấy một chữ “đại tướng”, người ta đã cố ý tước đoạt nó, khiến nó biến mất khỏi con người Võ Nguyên Giáp, khỏi cuộc sống, khỏi báo chí, khỏi dư luận. Một Võ Nguyên Giap trơ trọi, lẻ loi, cô độc, tội nghiệp. Chính những đồng chí của cụ, những người ngày xưa từng vào sinh ra tử, sống chết có nhau, chia bùi sẻ ngọt, cả những đàn em, cấp dưới ngày nào coi cụ như đấng bậc, đàn anh, nay đều quay ngoắt, vô ơn vô tình. Ông bạn tôi còn kể rằng cụ đại tướng hiểu và biết rõ điều ấy. Ngay trước lễ 30 năm, tầm tháng 4, cụ và các thân cận đã tự lo tìm về chiến trường Điện Biên thăm cảnh cũ người xưa, gặp gỡ người dân bản địa, ôn lại những kỷ niệm cũ. Không một cơ quan báo chí nào, kể cả TTXVN, báo Nhân Dân, báo Quân đội cử phóng viên hoặc người chụp ảnh đi theo. May mà có cô nhà báo Tây, Catherine Karnow, nên mới có được những tấm ảnh chuyến đi cô độc ấy. Không có lấy một chữ một dòng trên báo chí chính thống về chuyến đi này. Chính quyền cũng không tạo bất cứ sự hỗ trợ, giúp đỡ nào. Tới ngày 6.5.1984, nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm mini ngay tại chiến trường Điện Biên, Phó chủ tịch nước đọc diễn văn, họ cũng không thèm mời đại tướng Võ Nguyên Giáp dự. Ngày hôm sau 7.5, lễ trọng ở thủ đô, Võ Nguyên Giáp bị khéo léo đẩy ra ngồi bìa, bị mất hẳn hàm đại tướng như đã kể. Đó là cách đối xử vô tiền khoáng hậu trong thời cộng sản ở xứ này.
Buồn cười ở chỗ, mấy chục năm sau, cụ thể là tới tháng 5.1994, tức 40 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, người ta lại bắt đầu rón rén khôi phục hàm đại tướng cho cụ Võ Nguyên Giáp. Rồi lại tung hô, lại ca ngợi, lại tôn làm đấng bậc. Mà từ đâu, cũng từ những cái mồm đã từng dè bỉu, hạ nhục con người danh tiếng ấy. Không thể hiểu nổi. Mà cho tới tận bây giờ nhà cai trị chưa có lấy một lời nào chính thức tạ lỗi cụ đại tướng. Họ coi như chuyện cỏn con, không làm gì phải bận tâm, mặc dù đã hạ nhục một thần tượng của đất nước.
Tôi thực lòng tôn vinh cụ Giáp, nhưng thành thực mà nói, có những điều không hài lòng về cụ. Biết bao nhiêu chiến hữu, cộng sự gan ruột, khi họ bị đám Lê Duẩn, Lê Đức Thọ vùi dập, cụ gần như không dám đứng ra bênh vực. Bản thân bị hạ nhục, cụ lấy chữ nhẫn làm lá che, che kỹ tới mức đánh mất cả bản thân mình. Nhớ tới điều này, lại sực nghĩ tới tích cũ, cũng từ thời Tam quốc. Chuyện rằng, khi Viên Thiệu bị Công Tôn Toản và Lưu Bị hợp binh vây đánh, dồn vào đường cùng, một bề tôi của Thiệu là Điền Phong khuyên Thiệu, xin chúa công tạm lánh trốn sau bức tường ven cầu kia, rồi sẽ liệu. Thiệu nghe vậy quát to, đại trượng phu, làm tướng cầm quân phải chết ở chiến trường, chứ lại núp vào cầu vào tường thì sống làm gì. Nói xong, cầm gươm xông ra dẫn đầu, đuổi đánh tan quân Toản Bị. Viên Thiệu vốn cũng chỉ trượng phu hạng xoàng mà còn như thế. Tiếc thay.
Tôi thực lòng tôn vinh cụ Giáp, nhưng thành thực mà nói, có những điều không hài lòng về cụ. Biết bao nhiêu chiến hữu, cộng sự gan ruột, khi họ bị đám Lê Duẩn, Lê Đức Thọ vùi dập, cụ gần như không dám đứng ra bênh vực. Bản thân bị hạ nhục, cụ lấy chữ nhẫn làm lá che, che kỹ tới mức đánh mất cả bản thân mình. Nhớ tới điều này, lại sực nghĩ tới tích cũ, cũng từ thời Tam quốc. Chuyện rằng, khi Viên Thiệu bị Công Tôn Toản và Lưu Bị hợp binh vây đánh, dồn vào đường cùng, một bề tôi của Thiệu là Điền Phong khuyên Thiệu, xin chúa công tạm lánh trốn sau bức tường ven cầu kia, rồi sẽ liệu. Thiệu nghe vậy quát to, đại trượng phu, làm tướng cầm quân phải chết ở chiến trường, chứ lại núp vào cầu vào tường thì sống làm gì. Nói xong, cầm gươm xông ra dẫn đầu, đuổi đánh tan quân Toản Bị. Viên Thiệu vốn cũng chỉ trượng phu hạng xoàng mà còn như thế. Tiếc thay.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét