Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

GIỌNG SÀI GÒN

 

Sáng cà phê, mấy ông bạn già théc méc: Ông có bài viết về giọng Quảng Nôm đọc cũng… tồm tộm mà sao hổng thấy viết cái giọng Sè Goòng? Về lục được bài cũ rích trong kho. Thôi thì nêm nếm trình làng cho khuây nỗi ế ẩm cách ly.

Chẳng biết từ bao giờ, giọng Sài Gòn (SG) được xem là chuẩn của Nam Bộ, cũng như giọng Hà Nội (HN) là chuẩn của Bắc Bộ, chả thế mà được tivi và đài phát thanh Trung ương xài. Đồng bào Trung Bộ chạnh lòng, kiện, thế là đem giọng Huế ra đọc thử. Được một dạo rồi lặng lẽ giã từ dĩ vãng.

Giọng SG không sang trọng điệu đà điêu luyện như giọng HN, chẳng thanh nhẹ trầm lắng như tiếng Huế, không ngọt ngào như Tây Nam Bộ sông nước đậm đà phù sa, cũng chẳng cục mịch chân chất như miền Đông gian lao mà anh dũng. Giọng SG ngọt, nhưng là cái ngọt thanh nhẹ của chất thành thị đầy kiêu hãnh, ứ lẫn vào đâu được. Là nơi quy tụ lủ khủ các nền văn hóa, nên tiếng SG học hỏi, vay mượn của các dân tộc khác quá trời ông địa.

Theo sách Ngôn ngữ SG xưa của Ng.Ngọc Chính, các từ lì xì (mừng tuổi), hên xui (may rủi), chạp phô (tạp hoá), tía (cha), ly (uống nước), tài xỉu (đại tiểu- lớn nhỏ) là mượn của người Hoa; xà quầng, mình ên là pha tiếng Khmer; cà rịch cà tang, cà rề cà rà do biến thể từ tiếng Chăm; cù lao (pulaw) của Mã Lai; trái banh (ball- quả bóng), dây sên (chaine- xích), nhà ga (gare), xà bông (savon) là tiếng Tây... bồi. Tiếng Tây bồi là gì? Là thứ tiếng của những người Việt làm bồi bàn, phục dịch cho Tây, lõm bõm câu được câu chăng. Kiểu như để tả con cọp, anh bồi nói với ông chủ Tây: Tí ti giôn, tí ti noa, lủy xực me-xừ, lủy xực cả moa: Một chút vàng vàng (jaune), một chút đen đen (noir), nó ăn thịt ông (monsieur), nó ăn thịt cả tôi (moi).

Do ảnh hưởng của tiếng Tàu, người SG ví kẻ nói năng bộp chộp là “nói hoảng nói tiều”, thực ra là nói Quảng nói Triều (Quảng Đông, Triều Châu) hay cái sự ù sọe là “xập xí xập ngầu” (thập tứ thập ngũ- mười lăm cũng ừ mười tư cũng gật). Đặc biệt, có một câu mang ý trêu chọc cách dùng đại từ “qua” của người phương Nam:
Hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua,
Bữa nay qua hổng nói qua qua mà qua qua.

Qua là đại từ ngôi thứ nhất, người lớn tuổi xưng hô thân mật, trìu mến với người nhỏ tuổi hay địa vị thấp hơn, cũng có thể là chồng nói với vợ. Gốc gác chữ ngã 我 đọc giọng Triều Châu thành wá, tức là tôi, ta. Ngôi thứ hai tương ứng là “bậu”, ví như chàng trai giận hờn cô gái:
Nói hoài bậu hổng thèm nghe
Để qua ấm ức đầy ghe đem dìa!

Hay chồng bắt quả tang vợ có bồ bịch, điên tiết phọt ra câu ca dao:
Bậu nói với qua, bậu không lang chạ,
Bắt đặng bậu rồi, đành dạ bậu chưa?

So với người HN, về thói nói lái (ngược) thì người SG hơn hẳn, nhưng ít tạo ra thứ ngôn ngữ vỉa hè hay những chuyện tiếu lâm hiện đại thâm thúy sâu cay. Nếu như người HN lạ tai với vũ như cẩn- vẫn như cũ, chà đồ nhôm- chôm đồ nhà, bật mí- bí mật (ý là tiết lộ bí mật) thì ngược lại, những từ ngữ vỉa hè phổ biến ở HN như thoải con gà mái, hàng em của ếch (tức là hàng nhái) hầu như không có ở SG. Tuy thế, ngôn ngữ SG cũng có nét tương đồng với HN ở chỗ nói tắt và đơn giản hóa. Thời Nguyễn, có đường phố từ trung tâm HN đi về phía kinh thành Huế, bèn gọi là phố Huế, nay vẫn còn. Ở SG, cây cầu bắc qua kênh Thị Nghè đi về phía Cao Miên (Campuchia) gọi béng là cầu Cao Miên cho nó nhanh, nay là cầu Bông. Đầu thập niên 1960, tất tần tật các loại xe gắn máy được dân HN gọi là bình bịch, dân SG kêu Honda; tuốt tuồn tuột các loại xe hơi 4 chỗ ngoài HN là xe Von-ga, trong SG là xe Huê Kỳ.

Người SG thẳng tính và bộc trực, suy nghĩ đơn giản nên nói cũng giản đơn, không ẩn ý sâu xa, ít dẫn điển tích hay tục ngữ, danh ngôn, vừa đại khái vừa rút gọn, nói bên đó là bển, cô ấy là cổ; đọc x bình phương (x2) là x bình; thế năng bằng động năng là thế bằng động, v.v. Khi phát âm, người SG ít chịu uốn lưỡi: khóa cửa nói phá cửa, uống rượu nói uống gụ; làm biếng mím môi để bật ra âm P, thế là phải ghi chú Bê phở hay Bê bò. Thay vì nói cộng với, trừ đi, nhân với, chia cho, thì hầu hết chỉ xài mỗi giới từ “cho”. Nhiều thầy cô giáo tâm sự: Biết là sai, nhưng quen rồi, không sửa được. Một thầy giáo dạy văn nửa giỡn nửa thiệt: Biết đâu, đó lại là một cách đơn giản hóa tiếng Việt.
Cư dân từ Bắc và Trung vào đây khai phá, phát sinh bát ngát các thuật ngữ mới: giồng- nơi đất cao ven sông, có nước ngọt (giồng Ông Tố, giồng Cầu Ngang); xẻo- dải đất bồi ở ven sông (xẻo Chim, xẻo Lá); rạch- sông ngòi nhỏ (rạch Bướm, rạch Cò); láng- nơi đất thấp ở sát đường nước chảy (láng Le, láng Thọ); trảng- chỗ đất trống ở giữa rừng hay ven rừng, ven sông (Trảng Bom, Trảng Bàng); thủ- đồn canh trên đường thủy (Thủ Thiêm, Thủ Đức), v.v.

Nếu như các địa danh ở Bắc và Trung thường lấy tên Hán Việt (gọi là tên chữ) như Thăng Long, Thái Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam thì khi vào đây khai hoang lập ấp, người ta đặt địa danh rất chi là mộc mạc, gần gũi: Bến Củi, sông Chàng Hãng, chợ Gò Vấp, cầu Ba Cẳng, đường Lò Heo, chợ Cầu Muối. Nay vẫn vậy, ta dễ gặp tên đường phố nghe ngồ ngộ: đường Ven Tường Rào Sân Bay, nay là hẻm 2 Phạm Văn Bạch ở Q.Tân Bình; đường Bờ Nhà Thờ ở Q8; đường Nhà Kho Pepsi ở Q.Tân Bình; đường Kênh Nước Đen ở Q.Tân Phú và có cả đường Cựu Chiến Binh Không Rác ở thị trấn Hóc Môn.

Khi nói chuyện, người SG có nhiều tiếng đệm, kiểu như: Lấy cái tay ra coi; Cái gì dzậy ta; Ừ hé; À nghen. Nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam nhận xét: “Nếu ai đó muốn nói giả giọng SG, cho dù giống cách mấy mà quên mấy tiếng đệm thì đúng là... hổng biết gì hết trơn hết trọi”.

Là nói dzậy cho dzui, chớ đất SG bi chừ còn mấy phần trăm người SG nữa đâu. Vật đổi sao dời mà lỵ. HN cũng rứa thôi, có khi còn tệ hơn.

Không có nhận xét nào: