Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

MẠC CAN VỚI NGHỆ THUẬT GIANG HỒ


Có gặp, chuyện trò, bạn đừng nói chi với ông về danh xưng, danh hiệu. Mạc Can là giang hồ khổ đa tài, rất tếu. Có người cắc cớ hỏi: "Ngó ông khổ sở, nhàu nát, mà sao diễn cười tài thế? Cứ thấy ông là thấy tiếng cười". Mạc Can trả lời: "Ừ, cười cho khỏi rơi nước mắt ".
Ngược thời gian, trở lại đầu những năm 1990s về trước, miền Tây Nam Bộ vẫn là miền đất của nỗi buồn hiu hắt. Mọi sinh hoạt của xứ kinh rạch với những vàm sông, cù lao ngoi ngóp đều dồn hết vô cái chợ nhà lồng. Mua bán sắm sanh cũng chợ nhà lồng. Trai gái hẹn hò tình tự, không biết đi đâu rồi cũng vô trong chợ. Gã trai đãi cô gái nó thương tô bún mắm, ly chè nước dừa, rồi tiện tay ôm một cái... Phần sau thì xuống ghe, ra đồng, sau đó là đẻ một bầy con ...
Thỉnh thoảng, một đoàn “hát xiệc” hay gánh cải lương nghèo oặt xà lai nào đó ghé qua, cũng lại chọn chợ nhà lồng làm nơi kiếm sống. Sang thì mượn bộ ván, không thì kê sạp chợ thành sàn diễn mà bôi mặt làm trò mua vui, mà cười mà khóc.
* Thương những đời như lục bình trôi
Khoảng hơn 70 năm trước, gánh “hát xiệc” của ảo thuật gia Lê Văn Quý, dù cực nghèo vẫn nổi tiếng khắp miền Tây. Đó là một gánh tạp kỹ nhỏ với đủ trò câu khách, từ nhào lộn, đu dây, ảo thuật, làm hề, phóng dao cho đến bán dạo thuốc đau răng và... coi bói bài Tây 52 lá.
Ông Quý quê gốc Bạc Liêu, lưu tán lâu năm không về làng, đường về quê cũ cũng chưa chắc nhớ. Bà Mạc Thị Hào, vợ ông là một cô gái người Hoa lai Miến Điện, chọn miền Tây gạo trắng nước trong và hiếu khách làm chốn trú nhờ, cố hương chỉ là một ý niệm mơ hồ như khói sóng.
Gánh “hát xiệc” của họ chỉ có chừng mươi người, đến các chợ nhà lồng trên một chiếc ghe mui cũ nát. Giang hồ đến từ đâu không ai biết, diễn xong đi về đâu không ai hay. Mượn chợ nhà lồng làm trò kiếm sống, họ lưu lại ở mỗi nơi chỉ chừng một tuần, mươi bữa, vừa đủ cho người dân thị tứ nơi họ đáo qua một nỗi nhớ bâng quơ là lại nhổ sào.
Ngày 15/4/1945, trên chuyến ghe lênh đênh vô định ấy, nghệ sĩ, nhà văn, chú hề Mạc Can nổi tiếng sau này đã cất tiếng khóc chào đời, tên đầy đủ là Lê Trung Cang. Nơi ông sinh là một đoạn nào đó trên sông Bảo Định, tỉnh Tiền Giang.
Thật ra, chỉ có năm sinh là đúng, còn ngày tháng thì tình thật, phải... 60 năm sau ông mới tự thêm vô, coi như cho đủ “nút”. Số là suốt đời làm nghệ sĩ bán tiếng cười cho thiên hạ, cái nghèo cứ như thể “của hồi môn” từ đời cha mẹ truyền mãi đến đời ông, thậm chí đến đời con ông vẫn chưa khá được. Nghèo và lang bạt, chẳng khi nào ông thấy mình cần phải có giấy tờ gì cả.
Năm 2004, khi đã tròm trèm tuổi 60, Mạc Can mới chợt “ngộ” ra rằng, con người cũng như cái xe, đã ngay thẳng thì phải có “biển số” đàng hoàng. Ông bảo ngày nghĩ ra phải có giấy khai sinh là 15/4 nên chắc chắn ông nên...sinh vào ngày đó. Ra Ủy ban phường 5, quận 6, TP Chí Minh, ông lễ phép thưa rằng Mạc Can tui muốn chứng tỏ mình là người tử tế, xin quý Ủy ban cấp cho một tờ giấy khai sinh. Người của Ủy ban cũng lễ phép thưa lại với ông rằng, không ai trong số tụi con dám nghi ngờ chuyện chú là người tử tế, nhưng chiếu theo luật thì chú sinh nơi nào, đành phải về nơi đó xin cấp khai sinh.
Vậy là lóc ca lóc cóc, ông một mình một xe máy “phi” thẳng xuống Sở Tư pháp Tiền Giang. Nghe đề nghị của ông, cán bộ, nhân viên của Phòng hộ tịch xứ này đều cười ồ. “Đúng là bác Ba Phi (nhân vật ông thủ vai), nói dóc thấu trời. Nói thật thử coi, khai sinh cho con hay cho cháu?”. “Cho tui!”. Bộ mặt rúm ró, thật thà và câu chuyện của Mạc Can khiến vài ba người len lén quay đi nơi khác, chùi nước mắt.
Chẳng có chút giấy tờ hay người nào đứng ra làm chứng, Sở Tư pháp Tiền Giang không thể đáp ứng yêu cầu của ông già 60 tuổi ấy được. Nhưng câu chuyện thấm đẫm nỗi buồn thân phận của Mạc Can thì vẫn khiến người nghe phải ngậm ngùi. Hết giờ làm, ông Trưởng phòng Hộ tịch của Sở, dù đã chạy xe về đến nhà vẫn chịu không nổi, đành quay trở lại chỗ Mạc Can đang ngồi tiu nghỉu. Ông này hỏi Mạc Can: “Ông chỉ nhớ mỗi nơi sinh là... trên ghe, sao không ghé Đức Hòa hay Bến Lức (thuộc tỉnh Long An) gì đó cho gần mà xin, chạy tuốt xuống Tiền Giang chi cho cực. Đã sinh trên sông thì sông nào mà chẳng được?”.
Mạc Can giãy nảy: “Bậy! Hổng có được. Chỗ nào thì không biết, nhưng má tui nói sinh ở Tiền Giang thì tui phải xuống Tiền Giang. Má tui nói thì phải đúng chớ?”.
Khi nói câu đó, khuôn mặt Mạc Can trở nên nhàu nhĩ và tội nghiệp. Không đành làm ông thất vọng, ông cán bộ nảy ra sáng kiến, cấp cho ông một tờ giấy có đóng mộc, chứng nhận ở Sở Tư pháp Tiền Giang... không hề có hồ sơ gì về đương sự Lê Trung Cang. Nhờ “bửu bối” này, Mạc Can đã được UBND phường 6, quận 5 cấp giấy khai sinh như đề nghị. Mạc Can mừng như con nít được lãnh thưởng. Kể với ai chuyện này ông cũng hỏi: “Ê, chuyện của tui vui không ông?”.
* Bôi mặt bán tiếng cười buồn
Lên 8 tuổi, Mạc Can bắt đầu được cha truyền nghề. Nhà ông có 6 anh em nhưng chỉ có ba anh chị em lớn trong nhà là anh Lê Hảo Tâm, ông (Lê Trung Cang) và cô em gái Lê Ngọc Phụng theo cha mẹ đi diễn. Nghệ danh Mạc Can ra đời từ thuở đó, ghép từ họ mẹ - con người mà ký ức của ông luôn đau đáu một lòng yêu kính - với cái tên Cang cúng cơm đã được “gọt bớt chữ cho đỡ lằng nhằng”, nghe có vẻ nửa ta nửa Tàu “cho nó ra vẻ có tuồng có tích”.
Trong ba anh em, Mạc Can là người diễn... tệ nhất. Đói ăn triền miên, đến mức khi nào cũng cảm giác như “hai vách bao tử dính liền nhau”, Mạc Can lớn lên với một hình hài èo uột, nhỏ thó, khuôn mặt lúc nào cũng khổ sở, chẳng hy vọng gì sắm nổi những vai kịch câm hào hoa mã thượng hay sang trọng. Đôi chân ngắn ngủn, lại sinh ra và lớn lên trên ghe nên tướng đi lúc nào cũng khuỳnh khoàng, diễn trò phóng dao không xong mà đu dây, đi dây thép hay tâng bóng, lắc vòng cũng đều không được.
Chưa hết, ông còn tự trào mình là người “đại hậu đậu, đụng đâu bể đó” nên làm ảo thuật hay diễn kịch câm, những trò cần nhanh tay, lẹ mắt, dẻo người, ông cũng chẳng hạp trò nào. Bù lại, ông sáng dạ. Vậy là ảo thuật gia Lê Văn Quý bèn nghĩ ra cách bày cho Mạc Can vừa đóng hề vừa diễn những màn ảo thuật “bể mánh”.
Những trò này, chú bé Mạc Can diễn mà không diễn. Chỉ cần bôi mặt vẽ mày, bước lên sân khấu với bộ dạng lóng nga lóng ngóng, bảo gì làm cũng hỏng, chú đã khiến khán giả các chợ quê phải cười bò.
Ông Quý diễn ảo thuật, Mạc Can được giao trách nhiệm giấu đi những thứ cần phải không cho khán giả thấy. Khán giả đang há hốc nhìn cái chai bay lượn trên không trung theo sự “phù phép” của nhà ảo thuật thì đột nhiên hề Mạc Can nấp trong bóng tối lại vụng về thò cái que có buộc sợi chỉ treo cái chai ra. Ảo thuật gia sợ lộ tẩy, lừ mắt. Chú hề càng luống cuống, vội giật mạnh tay khiến cái chai rơi xuống vỡ tan, trong khi cả rạp cười bể bụng khoái trá bởi phép thuật của ảo thuật gia đã bị ông con lật tẩy.
Bây giờ, khi cuộc đời đã sắp qua hết sườn dốc phía bên kia, nghĩ lại những ngày thơ bé lang thang theo nghề diễn, "hát xiệc" rong, Mạc Can vẫn rùng mình sởn gai ốc. Gánh tạp kỹ của ảo thuật gia Lê Văn Quý không bán vé, chỉ có bà Hào mẹ ông đứng gác cổng thu tiền của khách vô xem. Người ta đưa 5 xu thì nhận 5 xu, không có thì 2 xu cũng gật.
Nghệ sĩ nghèo, khán giả chợ quê không khá gì hơn, cũng nghèo rớt mồng tơi. Nơi đoàn dựng rạp, khán giả kéo đến rất đông, nhưng phần lớn chỉ chen lấn xô đẩy nhau vào “coi cọp”, hoặc chờ đến phút sắp vãn tuồng, nhà trò nản quá đành thả cửa họ mới ùa vào chứ có mấy ai chịu móc hầu bao. Có đâu mà móc?
Tiền vào cửa chỉ đủ cho những người nghệ sĩ rau cháo cầm hơi, diễn bữa nào ăn bữa đó. Nước mắm "rô ti" là món thường trực. Họa hoằn và sang trọng lắm Mạc Can mới được ăn một bữa cơm trắng với món trứ danh là thịt kho hột vịt. Miếng thịt được mẹ ông mua từ chiều, tối đến được đưa vào làm “đạo cụ” diễn trò ảo thuật “thầy Ba vô chợ ăn cắp thịt”, tối khuya diễn xong mới bỏ nồi kho.
Những hôm mưa to gió lớn, mà mùa tháng 10, miền Tây đêm nào chẳng mưa, khán giả không tới rạp, những nghệ sĩ lang thang đành bó gối thu lu trong nhà lồng chợ với cái bụng rỗng óc ách, đếm tiếng ếch nhái nỉ non mà cám cảnh phận người.
Có khi mưa to kéo dài cả tuần lễ, phông màn rách nát, hồ chàm trên các biển hiệu bị rửa trôi, tài ảo thuật của ông Lê Văn Quý cũng không hô biến ra nổi nửa lon gạo, đành thúc vợ đem nốt cả áo quần, đạo cụ của đoàn đi gạ bán, mua gạo nấu cháo loãng cầm hơi. Có người chịu bỏ chút tiền còm ra mua cho coi như là may lắm, dù ngày mai ra sao có trời mới biết!
* Tuổi thơ bị đóng đinh
Ám ảnh về cơn đói chưa kinh hoàng bằng ám ảnh về thân phận bọt bèo của đời nghệ sĩ giang hồ. Kinh khủng nhất là màn phóng dao. Một tấm ván dày nặng được dựng đứng lên cho cô em gái Lê Ngọc Phụng đứng dựa vào, trong khi anh trai Lê Hảo Tâm vun vút phóng những lưỡi dao bén ngọt và nhọn hoắt cắm phầm phập xung quanh. Chỉ cần sơ sẩy một ly thôi, những lưỡi dao tàn nhẫn kia sẽ có thể cắm phập vào cổ họng, vào mặt, vào ngực cô em gái nhỏ. Nỗi sợ hãi hóa thành bấn loạn, cô bé cứ đứng yên như hóa đá, câm lặng, kinh khiếp mà không dám khóc, cũng không khóc nổi, mắt mũi nhắm nghiền.
Đêm nào cũng thế, đứng đằng sau đỡ tấm ván, nghe rõ cả tiếng trái tim người em gái thoi thóp đập run rẩy trong lồng ngực vì khiếp hãi, Mạc Can lại run bần bật, lòng quặn lên một nỗi kinh hoàng không tan và cố nhắm nghiền mắt để xua đi ám ảnh về một cú “lỡ tay” không biết sẽ xảy đến lúc nào.
Đêm nối đêm, cậu bé cứ nhắm mắt, rùng mình cố đếm cho hết những lưỡi dao phầm phập cắm liên hồi vào tuổi thơ mình. Khi được đỡ ra, cô em gái đã gần như chết giấc, tay chân bủn rủn như cọng bún, ý niệm về xung quanh mất hết. Vì sợ. Còn Mạc Can, trong vai thằng hề lại run run, lóng ngóng gỡ từng lưỡi dao, vừa gỡ vừa kinh hoàng tìm cách né tránh, mua tiếng cười khán giả.
Hàng trăm hàng ngàn lượt phóng, những vết dao hằn sâu cả vào thớ gỗ lẫn vào tâm hồn cậu bé mẫn cảm. Đã đành là cuộc mưu sinh, nhưng trò mua vui tàn bạo mà tuổi thơ phải chứng kiến đã khắc hằn dấu vết lên tâm hồn và trái tim của cậu. Nhưng nếu thay người thật bằng hình nhân, khán giả sẽ không đến rạp. Lại đói. Và trò phóng dao cứ thản nhiên được lặp đi lặp lại.
Quả thật, tai nạn đã từng xảy ra. Trước cô em gái nhỏ Lê Ngọc Phụng, người đóng vai hình nhân trên tấm ván là nghệ sĩ Tô Kiều Lan. Một lần, lưỡi dao từ tay anh trai Mạc Can đã cắm phập vào vai chị. Không chết nhưng quá kinh hoàng, chị đã bỏ nghề, theo một đoàn cải lương để vài mươi năm sau nổi danh là một đào mùi khiến bao nhiêu trái tim thổn thức. Khi không còn ai chịu đứng vào trước tấm ván tử thần ấy nữa, em gái anh đành bị biến thành kẻ tuẫn nạn tế thần.
Cả cha, cả anh của Mạc Can đều không ai trăn trở gì về một sự cố. Khán giả vẫn vỗ tay reo hò tán thưởng, mặc kệ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cậu bé sớm nhận ra rằng, khi tìm kiếm niềm vui, lòng người có khả năng hóa thành sỏi đá, vô tâm và vô cảm. Đôi khi, nỗi thống khổ, thậm chí nguy hiểm tính mạng của người này lại là niềm vui, trò hồi hộp đáng chờ đợi của kẻ khác, của đám đông.
Bởi, hình nhân đâu phải con người? Hình nhân không gặp nguy hiểm. Hình nhân không biết đau. Hình nhân không run rẩy sợ hãi. Hình nhân không biết khóc. Hình nhân không co thắt buồng tim. Và nếu vô tình lỡ tay, hình nhân không máu chảy, khán giả không hồi hộp. Khoái cảm của đám đông là nỗi khiếp hãi đời người và phần số mong manh của người nghệ sĩ. Hình nhân không hấp dẫn khán giả nên họ không chờ đợi. Cũng đành đem người thật mà giả hình nhân, nếu không khán giả sẽ không đến rạp. Không chỉ màn phóng dao, những màn nhào lộn, đu dây, đi thăng bằng... trò nào càng nguy hiểm cho người nghệ sĩ, trò đó càng thu hút khán giả. Trên sân khấu cuộc đời, phận người là thứ rẻ rúng, bọt bèo nhất.
Cuối thập niên 50, chiến tranh ngày càng khốc liệt. Giặc giã, trộm cướp khiến đường sông không còn an toàn đối với những người nghệ sĩ lang thang. Ảo thuật gia Lê Văn Quý đưa đoàn "hát xiệc" rệu rã lên bờ, thuê xe hơi di chuyển. Không chịu đựng được nỗi ám ảnh về những trò nguy hiểm luôn rập rình tước đoạt phận người, Mạc Can bỏ gánh hát gia đình, lang thang phiêu bạt theo nhiều đoàn cải lương lô tô, hội chợ và tạp kỹ khác, làm đủ thứ nghề.
Các hội chợ quê thời đó là nơi diễn ra đủ mọi trò “lếu láo”, gồm cả trưng bày, quảng cáo, bán sản phẩm cho đến mua vui bằng đấu quyền Anh, tổ chức cờ bạc, hô lô tô, làm xiếc. Còn quá nhỏ, cũng chẳng biết làm trò gì trọn vẹn, Mạc Can chỉ chuyên môn được đóng vai phụ, làm hề “kéo toong” níu khách ở... bên ngoài rạp.
Giữa một màn mua vé xem xiếc và một màn quyền Anh, anh hề cứ việc diễn đủ trò nhố nhăng, miễn sao khán giả chú ý, không bỏ đi mất là được. Làm nghề này phải đứng từ đầu đến phút tàn canh mãn cuộc nhưng lương rất thấp. Diễn dở, khán giả la ó hay bỏ đi cũng bị mắng, bị đánh. Nhưng diễn hay quá, khán giả tò mò khoái chí bám theo mãi, không chịu bỏ tiền mua vé xem trò khác thì cũng... liệu hồn.
Quá nửa khuya, khi ngồi gà gật với mái tóc rối bù vì không kịp tẩy trang (toàn son phấn rẻ tiền) và bóp đôi chân tụ máu sưng vù vì đứng, vì nhảy nhót quá nhiều, anh hề Mạc Can lại thấy lòng mình rưng rưng tiếng khóc.
Nhiều năm liền, cậu bé Mạc Can cứ lang thang vô định theo những đoàn hát không một lần ghé về thăm nhà. Mà có muốn, cậu bé cũng không biết nhà mình ở đâu để mà về. Nhà có thể nằm trong điện thoại di động, mà ngày xưa xưa lắc thì làm gì có thứ này.
* Tháng năm lang bạt
Ông Lê Văn Quý, cha của Mạc Can, tài ảo thuật nổi tiếng bao nhiêu thì sự cẩu thả, bạt mạng cũng nổi tiếng bấy nhiêu. Chưa bao giờ ông có khái niệm sống là cần có dự trữ hay tích cóp. Một vợ, 6 con nhưng ông không quan tâm thạp gạo cho gia đình còn được mấy lon. Dành dụm được tiền mua cái nhà nào thì chỉ ít lâu sau, ông lại bán để lấy tiền lập gánh hát. Cả gia đình cứ rài rạc theo chân ông lang bạt kỳ hồ hoặc ăn nhờ ở đậu, tương lai mịt mờ như mưa gió.
Năm 1962, 17 tuổi, Mạc Can... tình cờ gặp lại cha và một nửa gia đình đang ở đậu gần nhà thờ Chợ Quán. Ảo thuật gia Lê Văn Quý bèn thuyết phục ông con hồi gia, theo mình để truyền nghề và phụ diễn.
Trên đường Bùi Viện, quận Nhất có một tiệm cơm xã hội, lúc nào cũng đông đúc thợ thuyền, giáo chức nghèo lui tới. Ăn theo quán cơm, một phòng trà mang tên Anh Vũ mọc lên ngay bên cạnh cũng thu hút khá đông khách bình dân. Nó thành hình mẫu cho hàng loạt phòng trà khác ra đời, tạo đất sống cho những nghệ sĩ, giúp họ bớt phải lang thang.
Cùng với những tên tuổi như Lê Văn Quý, Trần Văn Trạch, Hợp ca Thăng Long, cái tên Mạc Can - anh hề cũng bắt đầu có chút tiếng tăm trong các chốn vui chơi giải trí của Sài Gòn hoa lệ. Có danh, có phận nhưng Mạc Can là người “không hề biết đến giá trị của bản thân”, không biết ra giá sô diễn với các ông chủ nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Nản chí, ông bỏ đi lang thang, làm đủ thứ nghề, từ bán trà đá dạo đến ký giả quần đùi chuyên săn tin đua xe cán chó. Nghề nào cũng vậy thôi, Mạc Can nghèo bền vững.
Sau lần tự tử mà không chết, Mạc Can được nhạc sĩ Bảo Thu, tức thần đồng ảo thuật Nguyễn Khuyến phát hiện ra, giới thiệu vô rạp Lệ Thanh diễn hài. Lóc cóc, ông quay lại với sàn diễn, với nghệ thuật, nay theo đoàn Cải lương Hương miền Nam, mai sang đoàn Xiếc Tuổi trẻ, đi đâu cũng thủ có mỗi vai thằng hề.
Rồi hề cũng có gia đình riêng. Lẫn trong đám đông khán giả ái mộ, anh hề nghèo phát hiện ra một cô gái rất đẹp. Ông bảo: “Cô ấy có một đôi mắt biết nói, ngay từ cái nhìn đầu tiên, tui đã bị tiếng sét ái tình đập cho suýt ngất”. Vậy là lân la làm quen, rồi yêu, rồi thành chồng vợ. Khi đã có với nhau một bầy con, ông mới nghiệm ra rằng “thì ra mắt bả hổng biết nói tiếng nào, chỉ có cái miệng mới nói, nói quá trời!”. Dẫu sao, gia đình vợ con đầy đủ cũng khiến cuộc sống của ông ý nghĩa hơn, càng khẳng định thêm một tương lai nghèo chắc chắn và thường trực.
Năm 1982, Mạc Can mới tham gia đóng phim. Trong “Ván bài lật ngửa”, phim đầu tiên của cuộc đời, Mạc Can được đóng vai... cái bàn. Thật ra, đó là vai một giao liên làm ảo thuật ở Đại Thế Giới để bắt liên lạc với Nguyễn Thành Luân (Chánh Tín đóng). Nhân vật bị chém cổ, cái đầu nằm trên đĩa, để trên mặt bàn nhưng vẫn... ca cải lương. Trò ảo thuật này Mạc Can quá rành. Vậy là bén duyên điện ảnh.
Vai thứ hai là trong phim “Ông Hai Cũ”. Cũng vai phụ không có tên, là một tên lưu manh theo đóm ăn tàn, Mạc Can chỉ xuất hiện có vài phút, tay chân bị trói, chưa kịp nói câu nào đã bị... xử bắn.
Hơn một phần ba thế kỷ gắn bó với màn bạc, đóng trên 200 phim, Mạc Can đều vào toàn vai phụ, những vai nghèo hèn, khổ sở, không ở đợ làm thuê thì cũng nghễnh ngãng, lãng tai, đạp xích lô hay phụ hồ, bán thuốc dạo gì đó. Ngoài đời đã khổ, vô phim cũng chẳng được chọn sung sướng bao giờ. Cái số ông nó thế!
Có hai lần ông được đóng vai tử tế. Một lần là vai Trưởng thôn trong “Xóm Suối Sâu”, lần kia là vai Tư Đèo trong “Cải ơi”. Khi phim công chiếu, ông mới nhận ra và giật bắn người: “Trời đất, tui đóng vai chính hả. Sao hồi quay hổng nói?”.
* Vật lộn với trang viết
Từ trước 1975, Mạc Can đã viết truyện ngắn gửi đăng báo. Trăm lần như một, lần nào cũng được cảm ơn trên mục... nhắn tin. Lấy cảm hứng từ “thất bại trường kỳ” này, ông viết chuyện “Người nói tiếng bồ câu” gửi báo Tuổi Trẻ.
Đánh vật mãi với mớ câu cú lộn xộn, ngữ pháp sai bét nhè và không thèm xuống hàng lần nào của Mạc Can, cuối cùng nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng nhìn ra được một cấu tứ truyện ngắn đẫm chất ưu thời mẫn thế để giới thiệu trên Tuổi trẻ Chủ nhật.
Bất ngờ, “Người nói tiếng bồ câu” được đưa vào “Tuyển tập truyện ngắn hay 2004” của Hội Nhà văn Việt Nam. Ít chữ, bù lại ông có một vốn sống và trí tưởng tượng rất phong phú. Thiếu tưởng tượng, đời ông lấy chi chống chọi với kiếp nghèo? Tờ 100 ngàn đồng nhuận bút của truyện được in, Mạc Can cẩn thận ép plastic cất vào giữa cuốn sách biếu, không tiêu.
Có dịp ra Hà Nội, ông gọi xe ôm đến trước cổng Hội Nhà văn định bụng cảm ơn người ta một tiếng vì đã đưa truyện của mình vô sách, nhưng ngần ngại nên cứ lượn qua lượn lại mãi không dám vào. Phát hiện ra "Bác Ba Phi", nhà văn Lê Minh Khuê đã khẩn khoản mời ông vào uống trà. Vui chuyện, ông khoe mình còn nửa... cuốn tiểu thuyết mang theo. Nhà văn “xin đọc thử”, ông vội vàng gửi bản thảo lại rồi lẻn trốn mất, sợ ở lại “bà ấy đọc rồi cười cho”.
Một tuần sau, ông run bắn cả người khi nghe chị Lê Minh Khuê điện vào giục ông viết nốt đoạn kết để cho kịp in. Hai tuần sau nữa, bất ngờ nhà văn Hồ Anh Thái điện thoại cho ông, thông báo sẽ đề cử “Tấm ván phóng dao” vào dự giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Nghe điện thoại, "hai hột" nước mắt của ông rớt "đánh độp" xuống mặt đường. Run gần chết, rút kinh nghiệm lần tự tử bất thành, ông dắt xe vô lề đường đứng khóc cho nó... an toàn và thoải mái!
Ngoài tuổi 60, Mạc Can lần đầu tiên mới có được tấm giấy khai sinh. Cũng ở tuổi 60, ông già Mạc Can mới trở thành “Nhà văn trẻ”. Hàng loạt đứa con tinh thần của ông sòn sòn nối nhau chào đời, được in và được mua bản quyền, gồm “Người nói tiếng bồ câu”, “Tấm ván phóng dao”, “Tờ 100 đôla âm phủ”, “Phóng viên mồ côi”, “Món nợ kịch trường”, “Bầy mèo vô sinh” v.v... Tên ông được ghi vào sách Guinness Việt Nam như người làm được nhiều nghề nhất.
Giờ thì ông là một ông già nghèo hào sảng, ưa theo hai ông nhà văn Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền, cũng già nhưng chưa quá già, đi làm chương trình “Mô tô học bổng” giúp trẻ em nghèo. Ông thích đi và đi liên tục. Nhưng đã 75 tuổi, hơi già rồi, ông không không tự cầm lái đời mình nữa. Vui ở chỗ, dẫu sao cũng có nhiều người vẫn sẵn sàng đồng hành, chở nốt đời ông tiếp tục rong chơi, đi khắp nơi gieo những tiếng cười trong cuộc đời gieo neo khốn khó...
NGUYỄN HỒNG LAM

Không có nhận xét nào: