Bài của
Dương Quốc Chính
Đầu tư xây chùa giờ dễ ợt. Toàn thấy anh em sư tự tìm vốn xây chùa rồi xin được làm trụ trì, đại khái cũng như start up vậy. Phải làm thế vì các chùa có sẵn thì kín chỗ rồi, phấn đấu lên trụ trì là hơi bị khó, vì tuổi hưu của sư lại quá cao, chờ đến khi sư huynh nghỉ hưu để mình lên chức thì ốm. Hơn nữa, cạnh tranh bây giờ quá khốc liệt, vì còn phải đấu với anh em sư định hướng XHCN, có bảo kê, quan hệ. Không biết trong ngành có phải chạy chức không? E là có.
Chính thế nên giờ chùa mới mọc ra như nấm, giống mở công ty thôi. Vốn ít thì mở chùa mới, nhỏ, chỗ khỉ ho cò gáy, rồi thu tiền lẻ từ bần nông. Vốn dày thì mở chùa to luôn, thường là nâng cấp từ 1 chùa cũ, cổ, bé bằng lỗ mũi. Kiểu đó cơ bản cũng như anh em đầu tư bỏ vốn vào mấy công ty nhỏ, có tiềm năng, rồi PR, làm thương hiệu, rồi thu tiền. Kiểu này thường chỉ hiệu quả khi đầu tư vào mấy chùa nhỏ, chưa có thương hiệu, như chùa Bái Đính. Ngày xưa đếch ai biết chùa ấy ở đâu, thực tế bây giờ cái chùa cũ cũng chỉ bằng lỗ mũi, mình đi Bái Đính mấy lần còn chưa vào đó, chỉ vào cái showroom mới thôi.
Các chùa cổ, to, có tiếng từ xưa thì anh em đại gia lao vào dây máu ăn phần hơi khó. Như vụ Xuân Trường định đầu tư vào chùa Hương không ăn thua. Vì chùa ấy tiền vào như nước sẵn, ngu gì chia bánh cho thằng khác. Thế mà chùa Yên Tử vẫn có đại gia vào được mới tài, nhưng chắc tỷ lệ ăn chia giọt dầu không được mấy, chỉ là ăn theo ở những hạng mục mới thôi. Kiểu ấy chắc giống liên doanh, chứ không như Bái Đính.
PR, làm thương hiệu cho chùa, thì có nhiều bài. Như đi rước xá lợi Phật rình ràng từ Ấn Độ, Nepal gì đó về đặt, rồi xây tượng Phật to nhất ĐNA... hay mời sư nổi tiếng, có danh phận trong Giáo hội Phật giáo về làm trụ trì. Cũng như các công ty mời CEO có tiếng về làm thôi. Nếu xây được chùa to, quan hệ ngon, thì đứng ra tổ chức mấy cái hội nghị Phật giáo quốc tế, cũng như mấy khu du lịch đứng ra đăng cai thi hoa hậu thôi.
Chung quy cũng là bơm thổi, để câu view khách thập phương. Khách đến nhiều thì sẽ hốt được nhiều tiền.
Các công ty bình thường thì phải minh bạch tiền thu chi, rồi tính toán lợi nhuận, để đóng thuế. Còn đầu tư vào chùa thì chỉ có Phật mới kiểm toán nổi. Ai mà biết được tiền cúng dường thật là bao nhiêu? Mà chùa thì tất nhiên không phải đóng thuế.
Chùa thì có rất nhiều khoản thu. Dễ thấy nhất là tiền cúng dường, rồi đến tiền cúng giải hạn. Ngoài ra các sư cũng chạy show, đánh quả lẻ, như xem phong thủy, làm lễ cúng đám ma, động thổ, cất nóc, cúng bái các loại cho người dân. AE sư giờ tài lắm, rành tất cả kỳ môn độn giáp, phong thủy, cúng bái, tử vi, kinh dịch đến cho/bán chữ.
Mấy năm trước có vụ tranh chấp, 1 sư cô viên tịch mới lòi ra mấy cái sổ tiết kiệm mấy tỷ đồng. Thế là cháu của sư nhảy ra nhận thừa kế, chùa cũng đòi, với lý do là sư đã xuất gia thì không còn tiền riêng nữa, tiền ấy là của chùa. Vụ ấy sau chìm xuồng, chắc cưa đôi quá?!
Chùa còn có cửa kiếm nữa, là vì dân làm ăn VN ai mà chả là tù nhân dự khuyết, quan lại thì càng thế. Nên thành phần có tâm bất an càng ngày càng đông nên họ có nhu cầu cúng dường để an tâm. Anh em làm càng nhiều điều thất đức thì càng cúng dường nhiều.
Đầu tư vào chùa kiếm như thế, mà tiền ra vào lại tù mù, miễn thuế, khỏi thanh tra, kiểm toán, thì chùa đúng là thiên đường thuế không kém gì British Virgin Islands.
1 nhận xét:
Các Sư thời 4.0 phải dùng smartphone, laptop, đi mercedes, chứ đâu có đi chân đất, khất thực hàng ngày độ trì chúng sinh như thời Phật Thích Ca đâu. Đổi mới tư duy mà!
A Di Đà Phật!
Đăng nhận xét