Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Cạnh tranh bất bình đẳng ngay trên sân nhà

Một thực trạng đang phổ biến tại nhiều công trường do đối tác Trung Quốc làm chủ thầu thi công tại Việt Nam, đó là lao động Việt Nam phải cạnh tranh việc làm với lao động Trung Quốc trên chính… sân nhà. Điều này đã được chính chủ đầu tư của Việt Nam chia sẻ.



Tiền công của lao động Việt Nam rẻ hơn lao động Trung Quốc?

Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng là dự án lớn do nhà thầu Trung Quốc và Nhật Bản trúng thầu thực hiện cung ứng, thi công và lắp đặt toàn bộ thiết bị (EPC). Dự án được triển khai chính thức từ tháng 11/2005 với hai hạng mục: nhà máy nhiệt điện 1 và nhà máy nhiệt điện 2. Trong đó, các nhà thầu Trung Quốc chiếm tỷ lệ áp đảo (gồm bốn đơn vị thầu cấp 1: Tập đoàn điện khí Đông Phương – tổng thầu công trình; công ty Hồ Bắc…; ngoài ra còn có nhiều nhà thầu phụ thứ cấp như: Thanh Sơn, Quảng Tây, Quế Lâm, Giang Tô…).
Theo một lãnh đạo của nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 (đã vận hành), với quy mô bốn tổ máy có công suất 300 MW/tổ máy, để hoàn thành đúng tiến độ, số lượng công nhân có mặt trên công trường phải luôn đảm bảo ở con số 4.000 lao động. Đó là điều kiện tối thiểu và cần thiết để thi công một công trình lớn như nhà máy nhiệt điện Hải Phòng.


Như vậy, dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Hải Phòng sẽ là công trường giải quyết hàng triệu việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ của địa phương và lao động Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế lại không đúng như mong muốn. “Thời kỳ cao điểm (giai đoạn năm 2008 – 2009), tại Thủy Nguyên có tới trên 2.000 lao động Trung Quốc sang làm việc tại công trường. Trong số đó, rất nhiều lao động phổ thông sang thực hiện các công việc thủ công như: đào đất, phụ hồ, mang vác… - phần công việc mà lao động thủ công Việt Nam cũng thực hiện được,” ông Nguyễn Thế Khang, trưởng phòng Nhân sự nhà máy nhiệt điện Hải Phòng cho biết.
Tuy nhiên, trên thực tế chưa dừng lại ở con số đó, bởi có những thời điểm có tới trên 3.000 lao động Trung Quốc có mặt tại Thủy Nguyên. Do lao động của Trung Quốc áp đảo về lực lượng, nên lao động của Việt Nam bị cạnh tranh việc làm. Ông Nguyễn Văn N. , một lao động địa phương làm việc tại công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 2 cho biết, để có một công việc tại công trường là một điều khó khăn, ngoài việc phải cạnh tranh, còn có nhiều “góc khuất” khác. Ông N. là một nông dân sống tại Thủy Nguyên. Ngoài công việc đồng áng, ông đi phụ hồ, thợ nề, làm hàn xì, bốc vác… Thời điểm xây dựng nhà máy nhiệt điện 1, ông N. làm công nhân tại công trường với mức lương dưới 100.000 đồng/ngày công.
Ông N. cho biết, lao động phổ thông địa phương làm việc trong công trường nhận mức lương thấp hơn nhiều so với lao động người Trung Quốc. Đơn cử, với một thợ hàn người Việt Nam cùng làm chung với lao động Trung Quốc, mức lương nhận được cao nhất khoảng 150.000 – 180.000đ/ngày công. Trong khi đó, mức lương cũng công việc như trên của lao động Trung Quốc thường gấp từ hai đến ba lần. “Việc trả công do chủ thầu thỏa thuận với người lao động, chứ không thông qua chủ dự án, cho nên, chúng tôi không biết thắc mắc với ai. Ngoài ra, có khá nhiều sự bất bình đẳng trong việc trả công lao động cho người Việt Nam,” ông N. nói.
Theo ông N., nếu lao động Việt Nam trực tiếp làm việc với người sử dụng lao động là nhà thầu Trung Quốc, sẽ được nhận 100% ngày lương. Còn nếu phải thông qua phiên dịch người Việt Nam, ngày công lao động của họ cũng bị “bớt xén”. Đơn cử, nếu phiên dịch “nhặt người” đi làm, một ngày công 150.000 đồng sẽ bị bớt lại 20.000 đồng, chỉ được thực lĩnh 130.000 đồng. Nhưng, vì để có việc làm, nên không ai dám kêu ca. Nếu kêu, sẽ có nhiều người khác vào trám chỗ. “Nếu anh không làm, sẽ có nhiều người khác sẵn sàng làm. Để có việc làm, thì buộc anh phải chấp nhận,” ông N. chia sẻ.

Tương tự, ngày công của lao động Việt Nam làm ở vị trí nấu ăn cho lao động Trung Quốc, mức lương của họ nhận được khoảng hai triệu đồng/tháng; công việc bảo vệ (tại khu chung cư của công nhân Trung Quốc tại My Sơn (xã Ngũ Lão, Thủy Nguyên) nhận mức lương 1,5 triệu đồng/tháng, không có phụ cấp. Một bảo vệ Việt Nam tại khu chung cư My Sơn cho biết, mới đây, bên Trung Quốc có đưa sang một bảo vệ người Trung Quốc, mức lương của họ tính ra tiền Việt khoảng 10 triệu đồng/tháng, cao gấp gần mười lần so với tiền lương của bảo vệ người Việt Nam.
Mức chênh lệch về thu nhập của lao động Việt Nam làm cùng một công việc so với lao động Trung Quốc đã được ông Khang xác nhận. Theo ông Khang, tình trạng nói trên phổ biến ở giai đoạn thi công giai đoạn 1 (nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1). Hiện tại, dự án nhiệt điện Hải Phòng 1 đã hoàn thành và đưa vào vận hành, số lao động Trung Quốc còn lại khoảng hơn 100 người, chủ yếu là lao động kỹ thuật để hoàn thành nốt các phần việc thuộc về bảo trì - vận hành.
Ông Hà Văn Gián, phó tổng giám đốc nhà máy nhiệt điện Hải Phòng cho biết, phía Trung Quốc là nhà thầu thi công, họ thực hiện theo đúng cam kết hợp đồng BT (Xây dựng – chuyển giao) cho chủ dự án, nên phía Việt Nam chỉ có vai trò giám sát về tiến độ và chất lượng của dự án. Đối với việc sử dụng lao động và tiền lương, phía chủ dự án không có quyền can thiệp.
Tình trạng quá nhiều lao động Trung Quốc làm việc tại Thủy Nguyên ở giai đoạn 1 đã có sự thay đổi đáng kể ở giai đoạn 2. Theo ông Khang, hiện tại, số lao động Trung Quốc đang làm việc tại Thủy Nguyên là hơn 700 lao động, trong đó có hơn 100 lao động của giai đoạn 1 còn sót lại để thực hiện nốt phần việc dang dở trước khi bàn giao. “Chúng tôi cũng đã có ý kiến với nhà thầu về việc sử dụng lao động người Việt Nam. Phía Trung Quốc đưa ra nhiều lý do, trong đó có lý do bất đồng ngôn ngữ. Đây là cản trở lớn trong quá trình điều hành, quản lý lao động. Hơn nữa, họ cho rằng, lao động của họ đã quen việc, việc điều hành, sử dụng lao động đã thành một ê-kíp. Nếu sử dụng lao động bản địa, sẽ khó khăn cho họ trong việc quản lý, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện công việc,” ông Khang nói.
Một thực trạng mà chính ông Khang cũng thừa nhận, đó là độ chuyên nghiệp, tính kỷ luật… của lao động Việt Nam so với lao động Trung Quốc là thấp hơn. “Trên công trường nắng nóng như thế này, lao động Việt Nam làm được từ một đến hai giờ đồng hồ đã phải tìm bóng râm để trốn nắng, trong khi lao động Trung Quốc, họ làm một mạch đến hết ca. Phải thừa nhận, năng suất lao động của lao động Trung Quốc lớn hơn năng suất lao động của lao động Việt Nam. Đó là chưa kể đến tính tự giác, kỷ luật lao động và sự trung thực trong quá trình làm việc,” ông Khang chia sẻ.

Bài: Linh Di (theo SGTT)

Gian nan giải quyết việc làm
Ông Lại Đức Thịnh, chủ tịch UBND xã Tam Hưng cho biết, tổng diện tích đất nông nghiệp của xã Tam Hưng chỉ còn khoảng 65ha. Trước kia, công ty Đóng tàu Nam Triều cũng giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, tuy nhiên, mấy năm gần đây, công ty Đóng tàu Nam Triều cũng không có việc làm. Nghề biển của xã cũng không phát triển trong thời gian gần đây. Với số dân 7.000 người, việc làm là một vấn đề nóng đối với xã Tam Hưng.



Không có nhận xét nào: