Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Điện hạt nhân ở Việt Nam và các nước ASEAN

Ngày 4-8-2011 tại Hội thảo lần thứ 4 về ASEAN và châu Á do Viện Các Vấn đề Quốc tế của Singapore (SIIA) tổ chức tại khách sạn Capella, Singapore, các chuyên gia đã trình ra một báo cáo về vấn đề Điện Hạt nhân ở các nước ASEAN.

Tại sao phải đi vào Điện Hạt nhân (ĐHN)?

Khi xét đến các chương trình ĐHN ở các nước ASEAN, thật thú vị nếu ta nhìn vào lý do thường được một số người đưa ra để giải thích vì sao cần phải đưa ĐHN vào sử dụng ngay lúc này, đặc biệt là ở một khu vực chưa từng có ĐHN:
- Nhu cầu điện năng trong vùng đã tăng lên nhanh chóng và người ta cho rằng kỹ thuật ĐHN sẽ giải quyết được các cuộc khủng hoảng năng lượng sắp đến. Tuy nhiên các kế hoạch xây dựng ĐHN trong các nước ASEAN chỉ đáp ứng một phần nhỏ về nhu cầu năng lượng của họ (Inđônêxia 5% nhu cầu của năm 2025, Việt Nam với 14 nhà máy ĐHN chỉ đáp ứng được 8% nhu cầu của năm 2030). Vì có những vấn đề an toàn và an ninh đi theo ĐHN, có vẻ như các nước Đông Nam Á đang chấp nhận một nguy cơ lớn để có được một lợi ích tương đối nhỏ.
- ĐHN như là một bằng chứng đất nước mình đã đạt đến trình độ quốc gia phát triển, nhất là trong những quan chức và cán bộ khoa học đã bỏ nhiều thời gian và đôi khi cả sự nghiệp của mình vào lĩnh vực đặc biệt này.
- ĐHN là một nguồn năng lượng sạch, rẻ tiền và bền vững. Giá đầu tư ban đầu của các nhà máy ĐHN cao hơn nhiều so với những nhà máy dùng nhiên liệu hoá thạch và khả năng trượt giá có thể xảy ra dễ dàng như người ta thấy trong nhiều công trình ở Phần Lan. Một số người cho là có thể vay vốn với các khoản tín dụng mềm của Ngân hàng Thế giới và khi nhà máy hoạt động, giá thành điện năng có thể cạnh tranh được với các loại năng lượng khác.
Vì có những vấn đề an toàn và an ninh đi theo ĐHN, có vẻ như các nước Đông Nam Á đang chấp nhận một nguy cơ lớn để có được một lợi ích tương đối nhỏ.
Vấn đề biến đổi khí hậu không được nhấn mạnh nhiều lắm để làm hậu thuẫn cho ĐHN, nó đôi khi được các nhà chính trị nhắc đến hoặc chỉ được dùng để dẫn chứng trong các cuộc tranh cãi; đồng thời các chính phủ trong vùng chưa chú ý đến những phương án phi hạt nhân như tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo, những chính sách tương phản rõ rệt với việc phát triển ĐHN. Các phương án này thường không nhận được những kinh phí tương xứng khi so sánh với khoản đầu tư vô cùng lớn cho ĐHN. Ngoài ra dù có xây dựng ĐHN, người ta vẫn phải đẩy mạnh các nỗ lực về tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo.

Những mối quan tâm chung: An toàn, An ninh và các hệ luỵ

Sau Fukushima, dư luận quần chúng đặt nhiều câu hỏi về ĐHN. Vào tháng 7-2011, hãng Kyodo News ở Nhật Bản tiến hành một thăm dò và kết quả là trên 70% ý kiến muốn kết thúc chương trình hạt nhân. Những người ủng hộ ĐHN thì nói rằng các vấn đề ở nhà máy Fukushima-Daiichi bắt nguồn từ các nhà máy quá cũ, nhà máy Fukushima-Daiini ở gần đấy ít bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần vì các nhà máy mới thì an toàn hơn. Tuy nhiên, ở Nhật, người ta không chỉ lo ngại cho các nhà máy đã 40 năm tuổi mà còn cho tất cả các nhà máy ĐHN trong nước.

Văn hoá an toàn và nạn tham nhũng

Dù đã có những tiêu chuẩn quốc tế cho việc thiết kế và xây dựng nhà máy ĐHN, các cơ quan quốc tế thường giao quyền cho các tổ chức quốc gia để thực hiện việc bảo dưỡng, đóng cửa nhà máy và giải quyết các trường hợp khẩn cấp. Fukushima đã cho thấy, ngay cả ở Nhật Bản, một quốc gia nổi tiếng về tính kỹ lưỡng và việc chú ý từng chi tiết, các biện pháp an toàn và xử lý sự cố vẫn còn nhiều thiếu sót. Ngay cả ở Mỹ, ngành công nghiệp hạt nhân vẫn bị chỉ trích nhiều về trình độ của nhân viên và việc họ luân chuyển thường xuyên. Nếu các quốc gia phát triển với những ngành công nghiệp hạt nhân đã vững chắc mà còn tồn tại các vấn đề này thì các nguy cơ lại càng trầm trọng hơn ở các quốc gia Đông Nam Á có trình độ quản lý và văn hoá an toàn yếu hơn. Nạn tham nhũng từ lâu đã là một mối lo ở các nước Đông Nam Á. Trong số bốn quốc gia ASEAN hiện đang có kế hoạch phát triển ĐHN thì không một quốc gia nào đạt mức điểm chấp nhận được trên Bảng Chỉ số Đánh giá Tham nhũng mà Tổ chức Minh bạch Thế giới trình ra hàng năm. Thách thức lớn sẽ là sự duy trì được tính minh bạch từ việc ban phát các hợp đồng xây dựng béo bở đến việc tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường và các quy trình an toàn của nhà máy.

Giá cả thật của ĐHN

Những người ủng hộ ĐHN thường đưa ra lập luận là các chi phí thấp cho nhiên liệu và vận hành có thể bù trừ cho chi phí lắp đặt cao. Nhưng Fukushima đã cho thấy có một khoản chi phí khác của ĐHN: chi phí không sao tính nổi của việc làm sạch nhà máy sau sự cố. Sự cố ĐHN có thể xảy ra vào giai đoạn cuối của thời kỳ hoạt động, nhiều người gọi nó là các mối nguy “đuôi béo” (fat tail). Các lò phản ứng khi khởi động thường dễ dàng và ít tốn kém hơn là khi phải dập tắt. Dù không có sự cố như ở Fukushima thì ĐHN cũng còn nhiều vấn đề phải xét đến. Hiện nay ở Đông Nam Á chưa có nguồn urani nào được biết, do đó, các nước xây ĐHN phải nhập nhiên liệu hay quặng urani. Cũng có nhiều vấn đề về cất giữ và xử lý nhiên liệu đã cháy và khi các nhà máy ĐHN đã quá thời hạn sử dụng, người ta phải đóng cửa chúng, có thể tốn hàng triệu thậm chí hàng tỷ đôla và nhiều thập kỷ để loại hết chất phóng xạ trong cấu trúc và các thiết bị. Các nước muốn xây dựng ĐHN cần phải tính đến các chi phí phụ thêm này.

An ninh và phổ biến hạt nhân

Ngoài vấn đề an toàn, các nước Đông Nam Á còn phải đối mặt với việc bảo đảm an ninh cho địa điểm nhà máy ĐHN trước khả năng tấn công của các nhóm khủng bố như Jemaah Islamyah. Vật liệu phóng xạ có thể bị đánh cắp để làm bom bẩn. Vùng Đông Nam Á cũng phải quan tâm đến vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân, ASEAN đã xây dựng Hiệp ước khu vực Đông Nam Á phi Hạt nhân (SEANWFZ) mặc dù vẫn có những hoạt động lén lút trong vùng. Nếu phát triển ngành hạt nhân dân sự ở Đông Nam Á thì các nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ tăng lên.

Khuyến cáo về chính sách

Sau khi xét kỹ các vấn đề trên, báo cáo đưa ra những khuyến cáo sau về chính sách hạt nhân:
Trước khi thông qua chương tình hạt nhân các quốc gia phải:
- Thăm dò mọi phương án sẵn có. Xem xét khả năng sử dụng các nguồn năng lượng và vị trí khả dĩ của ĐHN trong các phương án này. Các chính phủ phải đánh giá một cách có trách nhiệm các vấn đề an toàn và an ninh hạt nhân, các phí tổn, các phương pháp để giảm thiểu tác hại của các thảm hoạ hạt nhân.
- Tìm hiểu đầy đủ các giải pháp tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo đã có ở các nước.
- Đánh giá cơ bản về nhu cầu năng lượng, văn hoá an toàn, nạn tham nhũng một cách thẳng thắn và khách quan vì chúng có thể tạo ra nhiều vấn đề cả trong giai đoạn xây dựng và trong giai đoạn hoạt động lâu dài của nhà máy. Phải nắm được khả năng khắc phục sự cố nếu có trường hợp như Fukushima xảy ra.
- Đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của việc lấy ý kiến quần chúng. Quần chúng tham gia vào việc lấy quyết định qua các cuộc điều trần, tham khảo ý kiến, thông tin đại chúng hay quảng cáo. Quần chúng phải có hiểu biết đầy đủ và được thông tin về các điều lợi và hại của ĐHN.

Nếu đã quyết làm Điện hạt nhân, cần:

- Quan tâm đến các nhà máy quy mô nhỏ. Các nhà máy ĐHN cỡ từ 5 đến 100 MW có nguy cơ thấp hơn. Các nước ASEAN, do chưa có kinh nghiệm hạt nhân nên lựa chọn giải pháp này. Các nhà máy ĐHN micro có thể hoạt động ở nhiệt độ thấp, dễ bịt kín vĩnh viễn. Nga đã chế tạo các nhà máy micro cũng như Trung Quốc trong hợp tác với Mỹ.
- Tuân thủ các tiêu chuẩn và bảo đảm quốc tế. Các quốc gia phải ký vào các công ước của Liên Hiệp quốc về an toàn hạt nhân như Công ước Thông báo sớm các sự cố hạt nhân, công ước về Bảo vệ vật lý các vật liệu hạt nhân và công ước về An toàn trong quản lý nhiên liệu đã cháy và An toàn trong quản lý chất thải phóng xạ.
- Xây dựng các quy chuẩn và quy phạm hoạt động cho các nhà máy ĐHN.
- Cải thiện văn hoá an toàn. Phải đảm bảo là các nhà máy hoạt động một cách minh bạch và tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn, không có những lối tắt để giảm giá thành và có hại cho an toàn.
- Quản lý sự cố là một nghệ thuật không hoàn chỉnh chứ không phải là một ngành khoa học. Nước Nhật được xem là quốc gia có khả năng giải quyết sự cố hạt nhân giỏi nhất. Nhưng sau Fukushima, thế giới đã thấy ngay những chuẩn bị tuyệt vời cũng không ngăn được thảm hoạ trong trường hợp một sự cố nóng chảy thanh nhiên liệu. Phải bắt đầu xây dựng một tổ chức liên hợp trong ASEAN để quản lý sự cố hạt nhân.
- Cần có thêm vai trò điều hành của khu vực. Mô hình khả dĩ có thể là EURATOM của Cơ quan Hạt nhân châu Âu. Cơ quan này có nhiệm vụ kiểm tra nhà máy, tạo điều kiện để trao đổi kỹ thuật và nghiên cứu, là cơ quan quản lý theo pháp luật các vật liệu phân hạch trong vùng, tăng cường hợp tác trong việc cất giữ chất thải phóng xạ.

Kết luận

Các quốc gia ASEAN cần phải biết rõ tất cả các nguy cơ trong lĩnh vực ĐHN và có quyết định đúng đắn về việc có nên làm ĐHN hay không. Nếu đã quyết định xây dựng ĐHN thì phải có các biện pháp bảo đảm những tiêu chuẩn cao nhất về an toàn, an ninh và có trách nhiệm giải trình không chỉ trong giai đoạn kế hoạch và xây dựng mà cả trong giai đoạn vận hành và có thể là trong trường hợp đóng cửa nhà máy. Phải có sự hợp tác của cộng đồng hạt nhân trong khu vực và trên thế giới ngoài sự cần thiết đề cao các quy trình và cách hành xử đúng đắn trong khu vực.

Trong tương lai, châu Á có thể cần đến giải pháp ĐHN vì có nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế. Nhưng ta không cần vội vã, tốt hơn là nên có những hành động thận trọng đúng đắn và cần thiết trong các giới chính quyền, trước quần chúng và đối với các quốc gia lân cận. Ngoài ra cũng có những lý do chính đáng để đánh giá các khả năng tiết kiệm năng lượng qua các công cụ thị trường, giá cả và kỹ thuật cũng như xem xét việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế khi chúng có thể thực hiện được và có sẵn trên thị trường.

Các quốc gia Đông Nam Á cần phải chú ý đến những gì xảy ra ở Nhật, Đức và nhiều nước khác nhất là khi sự kiện Fukushima bộc lộ nhiều yếu tố cần chú ý trong vấn đề Điện Hạt nhân.

Nguyễn Thọ Nhân dịch và tóm tắt


Nguồn: Examining Nuclear Energy, Ambitions in South-East Asia; www.siiaonline.org

Các tiêu chuẩn an toàn khá lỏng lẻo trong những mặt khác của cơ cấu hạ tầng của Việt Nam được xem là những dấu hiệu đáng lo ngại trong kế hoạch phát triển ĐHN của Việt Nam. Tháng 11-2010, việc tháo nước ở ba hồ thuỷ điện tại Việt Nam đã gây ra những cơn lũ nguy hại tàn phá hàng nghìn ngôi nhà, và trong cùng tháng ấy, tại thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra một loạt sự cố do cơ cấu hạ tầng bị hư hỏng hay có khiếm khuyết. Tháng 6-2011, một đám cháy lớn phá huỷ ngôi chợ thành phố Vinh, nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ. Việt Nam cũng còn phải đấu tranh để có an toàn trong giao thông đường bộ và đường sắt. Bộ Giao thông đã thông báo là có đến 4400 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông giữa các tháng Giêng và tháng Sáu 2011. Tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên trên đường sắt, và năm 2005 tàu hoả trật bánh ở Phú Lộc đã gây ra hàng trăm trường hợp người chết và bị thương. Mặc dù gần đây chính phủ đã đẩy mạnh các nỗ lực để cải tạo cơ sở hạ tầng nhưng ta cũng nên đặt câu hỏi liệu Việt Nam có đủ văn hoá an toàn cần thiết để tuân thủ các quy phạm và tiêu chuẩn của NMĐHN vào lúc bắt đầu xây dựng năm 2014 không?


 

Không có nhận xét nào: