Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Lịch sử quân nhảy dù ở Việt Nam



   
Lính dù có trong biên chế của Quân đội nhân dân VN từ khá sớm. Nhưng về những người lính này rất ít được biết đến cho đến tận hôm nay. Tôi có ông chú họ (nay đã 85 tuổi) tập kết ra Bắc năm 1954, là sĩ quan thông tin. Hè năm 1963 tôi có lên Bắc Giang thăm ông. Lúc này ông đang trong binh chủng lính dù. Ở đấy có sân bay Kép. Tôi có được xem vài buổi tập nhảy dù của bộ đội dù. Ông còn chỉ cho tôi cách lính dù tiếp đất sao cho an toàn. Ông bảo lính dù phải học cách gấp dù và phải tự gấp cho mình… Hồi ấy lính dù được ưu tiên nhiều thứ, chế độ ăn uống cao gần như phi công. Năm 1965 tôi tình cờ gặp lại ông chú tôi đang lội suối ở Hòa Bình trong một lần trường tôi đi cắm trại qua đêm ở trên ấy. Ông chuẩn bị đi B. Sau năm 1975 gặp lại ông ở quê, ông bảo ông đi B bằng đường bộ. Chúng ta đã chuẩn bị khá kỹ cho quân chủng dù nhưng thực tế chiến trường miền Nam khi ấy không cho phép triển khai…
   Tôi xin giới thiệu bài viết này để bạn đọc biết thêm thông tin về lịch sử lính dù ở (miền Bắc) Việt Nam.
      VM


   Cuối năm 1954 miền Bắc được giải phóng, Tổng Quân ủy đã ra nghị quyết xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từng bước tiến lên chính quy, hiện đại có các binh, quân chủng.


Tháng 3- 1955 Tổng Quân ủy - Tổng tư lệnh đã ra quyết định thành lập Ban nghiên cứu sân bay (đồng chí Trần Quý Hai - Trưởng ban nghiên cứu sân bay đề nghị đổi là Ban nghiên cứu Không quân, nhưng Bộ Tổng tham mưu trả lời không được gọi Không quân, phải giữ bí mật).

Năm 1956 để hoạt động công khai, Chính phủ đã ra quyết định thành lập Cục Hàng không dân dụng, đồng chí Đặng Tính - Trưởng ban nghiên cứu sân bay thay đồng chí Trần Quý Hai được bổ nhiệm là Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng. Năm 1959 đã chuyển Ban nghiên cứu sân bay thành Cục Không quân, về mặt nhân sự, tổ chức vẫn giữ nguyên như cũ, đồng chí Đặng Tính là Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng - Cục trưởng Không quân.

- Ngày 24-1- 1959 Bộ Quốc phòng nghị định số 319/NĐ thành lập Cục Không quân, do đồng chí Đặng Tính làm Cục trưởng, đồng chí Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy. Sự thành lập Cục Không quân đã đánh dấu bước phát triển mới của Không quân Việt Nam.

- Ngày 1-5-1959, tại sân bay Gia Lâm, trung đoàn không quân vận tải đầu tiên của ta đã ra đời. [Trung đoàn không quân vận tải đầu tiên chính là trung đoàn 919 - Đoàn bay 919 hiện nay của HKVN]

- Ngày 31-5-1959 tại sân bay Cát Bi, lớp huấn luyện phi công trong nước đầu tiên đã khai giảng có 30 học viên.

Từ tháng 10-1954 lực lượng vào tiếp quản sân bay Gia Lâm do đồng chí Nguyễn Tiến làm trưởng đoàn cho đến năm 1959 Ban nghiên cứu sân bay chuyển thành Cục Không quân, lực lượng không quân của chúng ta hoàn toàn bí mật thân phận của mình, gia đình vợ con hỏi đến đều nói chuyển ngành ra ngoài quân đội bận bộ áo quần ka ki xanh công nhân.

Buổi đầu thành lập.
Cuối năm 1958, đầu năm 1959, Cục Cán bộ - Tổng cục Chính trị đã đến trường Bổ túc văn hóa Quân đội Lạng Sơn lấy người đưa về Viện Quân y 108 Hà Nội khám tuyển được vài chục đồng chí để phát triển lực lượng cho không quân, trong đó có cả các đồng chí Trần Mạnh, Nguyễn Phúc Trạch (sau này chỉ huy trung đoàn không quân 923).

Đoàn cán bộ nhảy dù được thành lập, rút ra trong số đã tuyển chọn ở trên, và từ đội ngũ đã chiến đấu sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trên đường chính quy, hiện đại hóa, đã có thêm lực lượng mới - những "anh bộ đội nhảy dù” Cục Không quân.

Ngày ấy, Tư lệnh và cơ quan Cục Hàng không còn đóng "đại bản doanh" ở khu vực sân bay Gia Lâm, đồng chí đại tá Đặng Tính là Cục trưởng và thượng tá Hoàng Thế Thiện là Chính ủy.

Ngay trong năm 1959 đoàn dù sang tập luyện tại căn cứ của sư đoàn đổ bộ đường không Trung Quốc. Đoàn gồm có 41 đồng chí lấy từ các đơn vị chiến đấu chống Pháp trên khắp các chiến trường cả nước, như các đồng chí đại úy Trần Thẩm, thượng úy Bùi Duy Trinh, chuẩn úy Vũ Minh Ngọc thuộc đại đoàn 312 (sư đoàn 312) đã tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đại úy Đặng Nhơn là quân Nam tiến, chuẩn úy Đại từ chiến trường Trung Bộ, chuẩn úy Cao Minh Dương chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ.

Mùa hè năm 1960, đoàn dù tiến hành nhảy dù thực tập lần đầu trên vùng đất bãi Yên Lãng ven bờ Bắc sông Hồng thuộc Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Trong suốt các năm từ 1961 đến 1967, cánh dù và cánh bay đã gắn bó với nhau cùng “bay, nhảy” trên nhiều sân bay và khắp các vùng miền của đất nước như anh em vẫn thường nói là "cuộc đời bay nhảy".

Huấn luyện nhảy dù.

Với sự giúp đỡ của các chuyên gia nhảy dù Liên Xô (5 đồng chí) đoàn dù tập trung sức lực nhằm nhanh chóng xây dựng lữ đoàn dù 305 lớn mạnh (lữ đoàn dù 305 được thành lập vào đầu năm 1961), tại khu vực Bắc Giang với các bãi nhảy lớn (Buồm - huyện Lạng Giang, Chũ - huyện Lục Ngạn).

Hàng vạn lượt nhảy dù đã được tiến hành an toàn trên các loại máy bay An-2, Li-2, IL-14 và cả trên khinh khí cầu lớn.

Tập gấp dù
Niềm vui của lính dù (1980)

Năm 1962 đã thực hành nhảy dù diễn tập đội hình lớn với sự tham dự của toàn bộ đoàn dù thuộc lữ đoàndù 305 với hơn 200 bộ đội dù trên 9 máy bay Li-2 đánh chiếm đầu cầu bến vượt sông tại khu vực Bắc Ninh, Hải Dương, phối hợp bảo đảm cho các binh chủng vượt sông chiến đấu.

Ngoài huấn luyện nhảy dù cơ bản tại bãi nhảy đã chuẩn bị còn tổ chức nhảy nâng cao trình độ trên các địa hình phức tạp và thời tiết khác nhau: Nhảy dù xuống nước tại các hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc), hồ Đầm Nậu (huyện Tam Nông, Phú Thọ), nhảy đêm xuống vùng đồi Lục Ngạn (Bắc Giang), nhảy phân đội trinh sát xuống khe, thung lũng hẹp vùng Nghĩa Lộ (Yên Bái), nhảy dù xuống rừng Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Một sự kiện đặc biệt là mùa thu năm 1962, Bộ Quốc phòng, Cục Quân huấn đã tổ chức hai đội: Đội nhảy dù và đội mô tô để tham dự Đại hội thể thao các nước XHCN lần 2 (SKDAII - 1962) tại Tiệp Khắc.

Đội nhảy dù gồm 19 đồng chí được chọn từ lữ đoàn dù 305 (l5 đồng chí) tiểu đoàn trinh sát 174, Cục 2, Bộ Tổng tham mưu (3 đồng chí) và Câu lạc bộ thể thao Tổng cục Thể dục thể thao (l đồng chí) do đồng chí thượng úy Bùi Duy Trinh là đội trưởng. Thi đấu nhảy dù có 3 môn được tổ chức tại thành phố Brno, Tiệp Khắc từ ngày 8 - 10-9-1962. Môn thứ nhất là thi nhảy dù trúng đích từ độ cao 1500m, rơi tự do 20 giây; môn thứ 2 là nhảy dù trúng đích từ độ cao 1000m, rơi tự do 3 giây, và môn thứ 3 là nhảy dù tập thể với trang bị và chạy 20km. Mỗi môn thi với mỗi nước được cử 5 vận động viên. Đoàn Việt Nam đăng ký tham dự cả 3 môn.

Ngày thứ nhất thi đấu với môn thứ nhất có yêu cầu kỹ thuật tổng hợp nhảy dù cao hơn: Nhảy dù từ độ cao 1500m, rơi tự do 20 giây, tư thế rơi phải giữ đúng theo hướng bay, tự mở dù rồi điều khiển dù tiếp đất trúng đích là tâm chữ thập. Kết quả đội Việt Nam đoạt giải 3sau 2 đội Tiệp Khắc và Liên Xô. Hai môn thi đấu các ngày tiếp theo đội Việt Nam đều xếp hạng thứ 4. Môn thứ 3 là nhảy dù tập thể với 5 vận động viên được trang bị ba lô 10kg, vũ khí mang theo là trung liên và tiểu liên, lựu đạn, chạy qua nhiều địa hình, dọc đường phải thực hiện các nội dung bắn súng và ném lựu đạn trúng đích, mang vác thương binh về đích, cự ly chạy là 20km. Về bắn súng đội Việt Nam đạt điểm cao nhất.

Chiều ngày thứ hai, ban tổ chức kết hợp buổi lễ khai mạc ngày hội hàng không Tiệp Khắc đã trao giải thưởng nhảy dù. Trước sự chứng kiến của hàng vạn khán giả, quan khách và nhà báo Tiệp Khắc và quốc tế 5 vận động viên Việt Nam gồm các đồng chí Trình (độitrưởng), Dưỡng, Đó, Ngạc và Trường bước lên bục nhận Huy chương Đồng của môn thi đấu thứ nhất, cờ đỏ sao vàng của Việt Nam được kéo lên bay phần phật cùng cờ của hai nước bạn Tiệp Khắc và Liên Xô. Trong chiều nắng đẹp đó, tất cả các anh em đều xúc động, tự hào với cảm giác như mơ vì đã đạt được thành tích cao ngay lầnđầu Việt Nam "đọ cánh" với các đội bạn Đông âu và Liên Xô có trình độ kỹ thuật khá điêu luyện và có nhiều kinh nghiệm thi đấu nhảy dù quốc tế.

Đây cũng là phần thưởng xứng đáng cho ý chí gian khổ tập luyện của các vận động viên Việt Nam cùng với sự giúp đỡ tận tình của các bạn Tiệp Khắc. Tất cả cácvận động viên Việt Nam thi đấu với tinh thần hết sức tự tin, tự chủ, quyết tâm cao. Đây cũng là lần đầu tiên các vận động viên thể thao Việt Nam ra thi đấu quốc tế đạt được giải tập thể có huy chương.

Vào ngày Quốc khánh 2-9- 1962 bộ đội dù đã biểu diễn chào mừng và ra mắt nhân dân Thủ đô tại khu vực sân bay Gia Lâm.

Vào dịp Quốc tế lao động 1-5-1964 bộ đội đã nhảy dù chào mừng tại sân bay Cát Bi, Hải Phòng.

Hoạt động dù phục vụ chiến đấu.
1. Chiến trường Lào.

Cuối năm 1960 đầu năm 1961, khi đoàn dù đang tập luyện nâng cao tại Trung Quốc thì được lệnh về gấp. Đoàn được máy bay bạn đưa từ sân bay Vũ Hán bay về hạ cánh tại sân bay Gia Lâm, rồi ngay trong đêm đó, đoàn kỹ thuật dù bắt tay vào công việc cùng các đồng chí hậu cần, kỹ thuật Cục Không quân và tổ bay chuẩn bị cho hoạt động tiếp tế cho bộ đội Pa thét Lào.

Liên tiếp trong các năm 1961 - 1962 , đã tổ chức thả dù tiếp tế đáp ứng nhu cầu cần chi viện rất lớn cho bộ đội Pa thét Lào, quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, quân dù "Coong Le" sau đảo chính lật đổ phái phản động cực hữu thân Mỹ.

Trong hai năm 1962 - 1963 ta còn cử cán bộ dù (đồng chí Hồ Sĩ Tấn) sang huấn luyện quân dù Coong Le và thực hành nhảy dù biểu diễn trong ngày tết Lào chào mừng thắng lợi của Chính phủ hòa hợp dân tộc Lào.Trong suốt quá trình phục vụ chiến đấu chiến trường Lào đã thả hàng triệu tấn vũ khí, khí tài, lương thực an toàn đến tay các đơn vị chiến đấu.

2. Chiến trường miền Nam.

Trong cuộc nổi dậy tổng công kích tết Mậu Thân năm 1968 của quân giải phóng miền Nam vào các thành phố và đô thị lớn trên tòan miền Nam. Bộ đội dù đã hiệp đồng chặt chẽ với các tổ lái máy bay, với ý chí chiến đấu cao, trình độ kỹ thuật được nâng cao đã vượt qua mọi khó khăn, bay đêm trong thời tiết xấu, bị địch phát hiện khống chế, phải luồn lách núi, thay đổi độ cao, chuyển đổi hướng bay thả, đã tiếp tế kịp thời cho bộ đội chiến đấu khu vực Tây Thừa Thiên - Huế.

3. Chiến tranh biên giới phía Bắc 1978 – 1979

Quân chủng Không quân đã tổ chức một số chuyến bay thả vũ khí và lương thực cho một bộ phận chủ lực đang chiến đấu ở khu vực Trà Lĩnh, Đông Bắc thị xã Cao Bằng trong các tình thế luồng tiếp tế băng qua đường số 4 hiện gặp phải rất nhiều khó khăn.

4. Các hoạt động phối hợp chiến đấu khác.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, một số đơn vị dù thực hiện một phương thức mới để đánh máy bay địch là sử dụng khinh khí cầu gắn mìn định hướng. Với sự giúp đỡ của Bộ Tổng tham mưu, Viện nghiên cứu KH-KT quân sự, cơ quan Tổng cục Hậu cần, kỹ thuật, quả khinh khí cầu lớn thường chở bộ đội nhảy dù được vận dụng để chế tạo các bóng chứa khí hyđrô. Có hai loại bóng khí hyđrô: Loại 30m3 và loại 50m3 được gắn mìn định hướng, bóng được giữ bằng dây cước ny lông và thả ở độ cao trên dưới 1000m.

Khinh khí cầu được thả để tạo thành các bãi chướng ngại vật trên không giống như bãi chông mìn trên trời nhằm chống lại chiến thuật bay thấp luồn lách theo các cửa sông, dải núi rừng vào đánh lén các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế như cầu giao thông quan trọng trên miền Bắc nước ta.

Hoạt động này hiệp đồng cùng với các quân binh chủng khác như ra đa, tên lửa phòng không trong việc phát hiện và chủ động đánh máy bay địch có hiệu quả hơn.

Kết quả của cách đánh máy bay bằng cách thả khinh khí cầu đã gây bất ngờ và hoảng sợ cho không quân địch. Theo một số thông tin thì có 3 máy bay phản lực Mỹ bị vướng nổ và rơi. Ngày 8-2-1967 một máy bay AD 6 bất ngờ bị lao vào bóng khinh khí cầu có gắn mìn định hướng tại bãi khinh khí cầu được thả tại huyện Yên Khánh, Ninh Bình. Chiếc máy bay này bị nổ tungvà rơi tại Cửa Đáy, Ninh Bình.

5. Một số hy sinh xương máu của bộ đội nhảy dù.

Trong đợt nhảy dù chào mừng ngày Quốc tế lao động 1-5-1964 tại sân bay Cát Bi, Hải Phòng một tai nạn đã xảy ra, toàn bộ kíp lái một máy bay An-2 thả dù cùng một đồng chí nhảy dù đã hy sinh. Cánh quạt của chiếc An-2 bay thả dù đội hình phía sau do đồng chí Tình là lái chính đã va quệt vào cánh bên phải của chiếc An-2 bay phía trước do đồng chí Cẩn là lái chính và bị gẫy văng đi. Tất cả bộ đội nhảy dù trên chiếc máy bay này đều được lệnh nhảy ra và mở dù an toàn hết. Trong máy bay còn lại 2 đồng chí chỉ huy thả dù, một đồng chí kịp thoát ra khi máy bay vừa chúi xuống, rơi tự do cách mặt đất khoảng hơn 100m, mở dù và tiếp đất an toàn (đồng chí Trinh). Đồng chí thứ 2 (đồng chí Thao) tuy có thoát ra ngoài máy bay được và dù có thấy mở nhưng đã hy sinh trong tư thế ngồi nghiêng gần sát chỗ chiếc máy bay An-2 cắm xuống đất.

Trong cuộc nổi dậy tổng công kích tết Mậu Thân 1968 trong khi tiến hành các đợt thả dù tiếp tế cho bộ đội ở chiến trường Thừa Thiên - Huế đã có 3 máy bay gồm cả kíp lái cùng anh em kỹ thuật thả dù đã mãi mãi không trở về trong nỗi nhớ thương mong đợi của đồng đội và người thân. Bảy đồng chí bộ đội dù đã hy sinh là: Đồng chí Toàn, thượng úy chính trị viên đội thả dù sân bay Gia Lâm và sáu đồng chí khác là Lưa, Huy, Ngạc, Thái, Thịnh và Thương.

Bộ đội dù phát triển và lớn mạnh.

Sau giai đoạn 1962 - 1963, Bộ Quốc phòng điều lữ đoàn dù 305, tiểu đoàn trinh sát 174 Cục 2 và một số cán bộ kỹ thuật dù (các đồng chí trung úy Phúc, chuẩn úy Huệ , Thửa , Dưỡng) . . . về Quân chủng Không quân theo yêu cầu phát triển thêm một số trung đoàn và sư đoàn bay chiến đấu.

Đến năm 1980 Quân chủng Không quân cũng đã đưa một số cán bộ sang học tập nâng cao trình độ và dự thi nhảy dù tại Hung-ga-ri. Trong các năm tiếp theo, Câu lạc bộ Hàng không của Quân chủng Không quân phối hợp với Cung thiếu nhi Hà Nội, Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, Cung văn hóa thể thao thanh thiếu niên Hà Nội tổ chức huấn luyện và thực hành nhảy dù cho hàng trăm học sinh, sinh viên và công nhân viên, những người yêu thích môn nhảy dù.

BÙI DUY TRINH
Đoàn cán bộ nhảy dù Cục Không quân – 1959 

Không có nhận xét nào: