Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Luận bàn về chiến thắng của Putin


Thêm 12 năm nữa (cho Putin)? Cảm ơn, không!
"Còn tôi cũng ở nước Nga đến 30 năm. Thông tin bác Dong đưa ra chưa chắc đúng với toàn bộ dân Nga. Nhiều người nghĩ như bác, nhưng cũng có rất nhiều người nghĩ khác (và ủng hộ Putin). tamphong

Nếu ở Nga lâu, hiểu nước Nga có lẽ phải nói thế này mới công bằng:

- Putin có phải hoàn hảo và được toàn bộ dân Nga ưa thích không? Câu trả lời là không.

- Chế độ chính trị (và kinh tế/xã hội) do Putin tạo ra có hoàn hảo và không sai lầm không? Câu trả lời cũng là không.

- Cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi có trung thực không? Nếu đòi hỏi sự tuyệt đối về dân chủ/công bằng và trung thực thì có lẽ không bao giờ có một cuộc bầu cử (cũng như xã hội) như vậy, kể cả mấy “cường quốc dân chủ” phương tây. Nhưng công bằng mà nói, cuộc bầu cử TT Nga vừa rồi là khá trung thực (không như cuộc bầu cử Hạ Viện cuối năm ngoái). Có lẽ chưa có một cuộc bầu cử nào được lắp web camera tại tất cả các điểm bầu cử và truyền hình trực tiếp để ai muốn thì xem (qua internet). Ở nước Nga nhiều năm, chưa lần nào các đối thủ lại được lên truyền hình nhiều như lần này. Số lượng các giám sát viên nước ngoài, trung lập hay của các lực lượng đối lập nhiều vô kể. Điều này nói lên mức độ trong sạch (tương đối) của cuộc bầu cử. Tất nhiên trong sạch 100% là không có. Vẫn có sự không bằng trong phát sóng truyền hình, báo chí, có việc sử dụng các thủ đoạn hành chính,… Nhưng cũng phải công bằng mà nói đa số người Nga vẫn ủng hộ Putin.

- Putin có sai lầm hay không? Đàn em Putin có làm bậy hay không? Có. Ít ra tôi không thích một số điểm của Putin, chẳng hạn như sau:

 a) Ông để nhiều đàn em làm giàu một cách nhanh chóng (dễ là không chính đáng),
 b) Trong một số lĩnh vực Putin khá độc tài, ví dụ như với truyền hình (trước đây) hay như vụ Khordovski,
 c) Thâu tóm quyền lực,… 
  Tất nhiên, những điều này không hay ho gì nhưng nếu cố gắng hiểu chính trị (một lĩnh vực rất phức tạp) một cách sâu sắc, không bằng tư duy tuyến tính thì nhiều điều có thể hiểu hay thông cảm được. Chính trị là một bãi chiến trường, với luật chơi khắc nghiệt mà nếu anh không theo thì sẽ không thể tồn tại.

- Tại sao Putin và đội hình của ông có nhiều sai lầm và gây bất bình cho một bộ phận xã hội mà số đông người “Nga Ngố” vẫn ủng hộ Putin? Có thể có nhiều lí do, theo tôi, có những nguyên nhân chính sau:

1) Nói gì thì nói, Putin đã có công vực lại vị trí cường quốc của nước Nga từ một trạng thái thảm hại của những năm 90. Tuy rằng nước Nga cũng gặp thuận lợi khách quan là giá dầu tăng (thành công nào đều chẳng nhờ “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”), nhưng vai trò chèo lái của Putin là không thể phủ nhận. Còn nhớ cái vị thế thảm hại của nước Nga những năm 90. Chính sách của Elsin là thân thiên, “bạn Bill, bạn Kohl”,.. với phương tây nhưng thực sự các phương tây đối xử với nước Nga không hề theo nghĩa bạn bè như mong đợi. Để vay được vài tỉ $ của IMF người ta “dây” nước Nga lên bờ, xuống ruộng, đòi hỏi hết cái này, cái khác. Người Nga ra nước ngoài bị coi như công dân hạng 2, hạng 3. Vốn là dân của một nước lớn, người Nga không dễ gì quen được cái vị thế thấp hèn, sự coi thường. Họ cảm thấy nhục nhã. Nội bộ nước Nga lúc đó thì loạn lạc, đói khổ, mafia, trấn cướp. Cái công Putin đưa nước Nga vượt qua cái giai đoạn hỗn loạn, khốn cùng này, dân Nga không dễ gì quên được. Và cũng dễ tha thứ cho những sai lầm, những cái khó chịu do ông và chính quyền gây ra (khi mức độ còn chịu đựng được).

2) Nói gì thì nói, Putin là người tài giỏi, mưu lược, người của hành động. Là người, dễ thường ai cũng có mưu đồ cá nhân. Putin cũng vậy. Tuy nhiên, đa số người Nga vẫn cảm nhận là ông, ít ra,cũng có nỗ lực hành động thực sự vì đất nước. Quan điểm, chính kiến,… có thể khác nhau. Nhưng quan trọng là người Nga (số đông, hiện tại) tin rằng ông thực sự hành động vì quyền lợi của đất nước. Và ông là người làm thực sự chứ không chỉ hứa mà không làm.

3) Trong các gương mặt đối thủ của ông, không có một vị nào khả dĩ có thể tạo ra được niềm tin trong dân chúng. Đây chính là điểm yếu (vì cả khách quan lẫn chủ quan) của hệ thống chính trị dưới thời Putin (đường lối cứng rắn, khá độc tài trong chính trị). Mấy mươi năm rồi, ngoài mấy cụ già, dân những vùng quê thiếu hiểu biết, những người không có khả năng hội nhập với cuộc sống kinh tế thị trường là còn ủng hộ Zuganov (ứng cử viên ĐCS) còn lại là người ta chán ngấy nhân vật này. Lúc nào cũng nhải đi nhải lại mấy lời hứa. Hình ảnh Zirnovski trước là một ông hề (đại tài) thì nay vẫn là ông hề. Mironov thì nhợt nhạt, người cũ của Putin. Prokhorov thì mắc tội là nhà tài phiệt (dân Nga nói chung có dị ứng với mấy nhà tài phiệt,giàu lên nhờ cuộc tư hữu hóa, chia bôi đất nước trong những năm 90). Nga là một dân tộc có rất nhiều người tài (ai đã từng học ở Nga thì rõ). Nhưng cái lỗi lớn nhất của Putin là đã tao ra một hệ thống chính trị không có đất cho những đối thủ tài năng xuất hiện. Chính vì vậy, trong cuộc bầu cử lần này, Putin không có đối thủ thực sự. Đứng từ góc độ này, cuộc bầu cử không trọn nghĩa công bằng.

4) Nhiều người (đặc biệt là dân ta) hay thích nghĩ theo khái niệm. Đã là Mĩ, phương Tây thì phải là dân chủ, công bằng, tự do,… Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Cứ nhìn cách Mĩ và đồng minh đối xử với Iraq, Serbia,… và ngay cả với Libia thì rõ. Dưới những mục đích tốt đẹp cũng chỉ là những quyền lợi riêng (địa chính trị) mà thôi. Làm gì có dân chủ, công bằng, tự do thực sự. Trên thế giới, thực tế là nhiều người nghĩ vậy. Người Arab nghĩ vậy. Nhiều người Nga cũng nghĩ vậy. Người Nga luôn có một cảm giác là bị Mĩ và phương tây đối xử không thiện chí. Chẳng hạn như chương trình National Missile Defense – NMD, việc mở rộng NATO bao vây Nga, việc phương tây đứng đằng sau các cuộc cách mạng màu,… Đó là lí do tại sao nhiều người Nga dễ tin lời Putin là có sự nhúng tay can thiệp của nước ngoài. Trong trường hợp này, có cảm giác Putin sử dụng mẹo chính trị, sử dụng con bài dân tộc. Nhưng cũng phải hiểu, chính trị là thủ đoạn. Nga cũng vậy mà không Nga cũng vậy.

5) Putin có thể hay hoặc dở nhưng với người Nga, họ cảm thấy có một sự ổn định (làm ăn quan trọng nhất là ổn định). Dù sao thì dưới thời Putin, tuy có nhiều điều khó chịu, nhưng cuộc sống được cải thiện trông thấy. Dân chủ không phải hỏng hoàn toàn. Putin tiếp tục là có sự ổn định, còn những người khác lên thì chưa biết sẽ thế nào, nước Nga đi đâu, về đâu?

Trên đây là một số lí do mà theo cách nhìn của tôi, tại sao Putin lại thắng cử ngay từ vòng 1 (việc ông thắng không ai nghi ngờ, nhưng người ta hy vọng là ông sẽ phải đấu tiếp ở vòng 2).

Câu hỏi tiếp theo: liệu nước mắt của Putin có phải là nươc mắt cá sấu? Liệu có nên tin vào nước mắt của ông? Tất nhiên, tin hay không tin là do nhận thức và cảm tính của mỗi nguời. Putin xúc động/khóc là giả hay thật cũng khó mà biết. Ở đây, tôi chỉ muốn phân tích là liệu nước mắt của ông “có lí hay không có lí”? Có người nói rằng, ai cũng biết (kể cả PT) là Putin sẽ thắng cử thì cớ gì mà xúc động, giả vờ khóc? Chưa chắc đã như vậy. Mục tiêu của Putin không chỉ là thắng cử một cách hình thức (kiểu gì ông cũng thắng), mà phải là chứng minh sự hợp pháp của việc quay lại làm tổng thống dưới mắt người dân (cái này cũng chứng tỏ phần nào về sự trưởng thành dân chủ của nước Nga). Không phải tự dưng mà trong cuộc bầu cử lần này người ta quan tâm nhiều đến việc liệu Putin có thắng ngay từ vòng 1 hay không? Nếu ông không thắng từ vòng 1 thì chứng tỏ sự giảm tín nhiệm đáng kể của Putin, việc ông quay lại không hoàn toàn được hoan nghênh. Chính vì vậy mà Putin (và chính quyền) cho phép dân tình được tự do biểu tình (được phép), có cuộc lên cả 100 nghìn người. Chính vì vậy mà Putin yêu cầu lắp camera truyền hình (online) trực tiếp tất cả các điểm bầu cử, thay các thùng phiếu bởi thùng trong suốt,… Putin rất muốn, không chỉ là thắng cử mà còn được chỉ số tín nhiệm cao (đặc biệt khi có một bộ phận lớn xã hội, “giai cấp sáng tạo” – những người ăn nên làm ra dưới thời Putin không hài long về đường lối của ông). Trước bầu cử, vẫn biết là mình sẽ thắng, nhưng chắc ông KHÔNG NGỜ là sẽ thắng với một tỷ số lớn đến thế (hơn 63%). Điều này phản ánh “tính hợp pháp” của sự quay lại làm TT của Putin trước mắt dân chúng. Điều này có lẽ là logic của những giọt nước mắt của ông.

Về tính lách luật: nhiều người có cách nhìn không công bằng. Chúng ta thích nói về một xã hội pháp quyền nhưng xử sự lại không thích theo lí tính. Trong một xã hội pháp quyền thì cái gì luật pháp không cấm và cho phép thì người ta được làm. Hiến pháp Nga (hiện hành) chỉ cấm không được làm tổng thống LIÊN TỤC quá 2 nhiệm kì chứ không phải cấm làm TT quá 2 nhiệm kì. Chỗ này chẳng có gì là lách luật với mẹo cứt gà. Mình muốn xã hội pháp quyền thì cũng nên sống và đòi hỏi hành động theo pháp luật. Về động cơ thì vô cùng. Cũng có thể Putin là tham quyền cố vị (quyền lực cũng như ma túy, con người khi dính vào quyền lực rồi bị phụ thuộc vào nó cũng là chuyện thường tình), nhưng cũng có thể vì động cơ hoàn toàn khác. Lỡ ông thực sự muốn cống hiến hết mình cho nước Nga, và ông thực sự tin là ông phải hoàn thành nốt con đường mà mình đã vạch để đưa nước Nga tiến lên, không/chưa tin vào người khác có thể thay thế..?

Nói chung, chuyện chính trị, nhất là của một nước khác, mà ta ở xa, thiếu thông tin và không hiểu hết thì rất dễ có những phát biểu ngộ nhận. Và cũng dễ đem những định kiến/ ẩn ức (chẳng hạn về những bất cập của VN) đem ra gán cho người/sựu kiện khác, khác bằng thầy bói phán linh tinh.
Gần đây, sau khi mở khóa còm, Quê Choa của bọ Lập đã trở thành một nơi cho dân tình nhảy vào phán, chửi búa xua bất luận đúng sai. Do bận, hay do...cùn phím, bọ cũng ít viết, bọ toàn đăng bài của anh em gửi đến nên nhiều khi cũng khó kiểm soát được thông tin. Thậm chí đôi khi viết, thì bài viết của bọ cũng mất chuẩn dần đi. Như bài mới Không tin ông Pu của bọ mới đây chẳng hạn, viết mà không chịu đọc tham khảo thông tin về Nga gì sất nên đọc khá ngây ngô. Trang của bọ dần mất bản sắc, chẳng còn là chiếu rượu vui vẻ, mà thành nơi tụ tập gào thét hú hét liên miên. Trên mạng có lưu truyền một bài viết, có cái tít khá tục, nhưng điểm trúng huyệt của bọ: "Quê choa bây giờ như c....":

 
Còm-sĩ tamphong

Không có nhận xét nào: