Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Tổ chức hưu trí trong xã hội tư bản giãy chết


  Vừa rồi trên mạng Bauxitevn có cho đăng hai bài về hưu trí  với ngụ ý nói không nên tiếc cái hưu trí cấp bởi nhà nước XHCN. Để đóng góp vào chủ đề này, tôi xin có vài lời về tổ chức hưu trí trong xã hội tư bản giãy chết nơi tôi đang sống (Canada), để đồng bào bên nhà có thể làm so sánh xem có nên dứt khoát Không luyến tiếc cởi bỏ cái áo (quan) CS. Trong các nước tư bản tiến bộ, tất cả những ai đi làm đều phải đóng bảo hiểm về hưu trí (assurance vieillesse) mà các công ty phải trừ tự động trong lương của nhân viên lãnh mỗi hai tuần một để nộp cho sở thuế . Với những người mới sang di dân nhập quốc tịch thì điều kiện tối thiểu phải là đã sống được mười năm ở nước sở tại, lúc được 65 tuổi. Những người ở tuổi hưu nhưng chưa hội đủ điều kiện để hưởng tiền già như nêu trên thì cũng được chánh phủ cho hưởng trợ cấp xã hội cho khỏi chết đói trong khi chờ hội đủ điều kiện.
Minh họa: Đỗ Đức
     
      Như nói ở trên loại hưu trí chung mà mọi người được hưởng này thường chỉ đủ sống . Các tổ chức trong xã hội cũng rất biết những khó khăn này của đa số các người già nên thường có chương trình dành cho tuổi vàng (âge d'or )như thẻ cho đi autobus/metro chỉ phải trả nửa giá bình thường và chỗ nào cũng có giá đặc biệt dành cho người cao tuổi như vé đi xem phim ở các rạp chiếu bóng được trừ vv... Để cải thiện hoàn cảnh nêu trên của người cao tuổi chánh phủ có chương trình khuyến khích để dành cho tuổi già (régime épargne retraite). Trong lúc đi làm thì mỗi năm có thể trích ra một tỷ lệ lương của mình để đóng vào quỹ để dành và số tiền này được trừ thuế tức không phải bị khai để đóng thuế, chỉ bị đóng khi nào rút ra tiêu. Rút lúc đang đi làm lợi tức cao thì sẽ bị đóng thuế cao vì thế thường người ta để về già không còn lương , chỉ có tiền già, mới rút ra mà cũng chỉ rút phần mình cần dùng, ví dụ như rút để lấy tiền đi du lịch thế giới chẳng hạn. Đây là tiền mình dành dụm mỗi năm một ít trong bao nhiêu năm đi làm thành mình có thể đem giao cho bất cứ công ty nào lo về đầu tư, mượn để đẻ ra lời. Đây là dao hai lưỡi vì không biết mà giao bậy cho công ty như Vinashin..gì đó ở VN thì có thể bị mất hết.

    Những người làm cho hãng tư lớn còn có thêm chương trình bảo hiểm riêng công ty dành cho nhân viên như đóng cho 2/3 tiền bảo hiểm còn nhân viên chỉ đóng 1/3 . Với chương trình này, sau 35 năm làm cho hãng thì hãng sẽ bù để lương hưu trí của hãng trả cộng với hưu trí của chánh phủ bằng 80% lương lúc đi làm. Lương một chuyên viên như kỹ sư bậc cao nhất hiện nay có thể lên đến khoảng 120 ngàn đô một năm, về hưu mà lãnh 80% thì cũng được khoảng gần một trăm ngàn đô một năm. Điều kiện để bắt đầu được hưởng là số tuổi cộng với số năm thâm niên làm cho hãng bằng 85.
   Nếu lấy trước tức mới được con số dưới 85 đã xin nghỉ hưu thì sẽ bị phạt (pénalités) một tỷ lệ nào đó cho mỗi năm về sớm hơn luật cho phép, tức bị lãnh ít hơn. Có người  mới 55 tuổi lại mới làm được có 30 năm chưa muốn về hưu, nhưng có một hãng muốn mời sang hợp tác như mời nắm một département (chức vụ tương đương giám đốc) thì thường là họ không bỏ lỡ cơ hội để ra đi trước, vì hai lương cộng lại vẫn nhiều hơn hẳn mặc dầu lương hưu lúc đó chỉ khoảng gần 70 % lương đang đi làm. Ở tuổi này cũng có người con cái đã lớn hết không phải nuôi nữa lại thêm tiền trả góp mua nhà mình đang ở (hypothèque) cũng đã trả xong nên muốn về hưu sớm . Trong trường hợp muốn hưởng nhàn này mà tuổi còn trẻ lại thêm có kinh nghiệm thì vẫn có thể kiếm tiền thêm bằng cách lập ra một hãng riêng về tư vấn trong địa hạt của mình, làm thêm chơi chơi cho vui, khỏi lụi nghề, thích thì nhận hiệp đồng (tính theo giờ thì thường được trả từ 100 đến 150 đô/một giờ), không thì thôi. Xứ tự do là như vậy , mình tự quyết định đời mình.
   Để kết luận xin nói về cách phát triển bền vững(pérennité) của các quỹ bảo hiểm hưu trí. Tiền thường bị mất giá trị với thời gian vì lạm phát (inflation), do đó muốn duy trì khả năng trả thì các quỹ phải đem tiền đi đầu tư để kiếm lời. Với tình hình kinh tế thế giới hiện nay thì quỹ nào cũng bị lỗ vì thế vừa qua Tổng thống Pháp Sarkosy đã phải ra luật bắt đóng góp thêm bằng cách tăng tuổi được hưởng hưu trí của những người đang đi làm. Chánh phủ Canada cũng rục rịch muốn đổi luật sau 2013, không biết là theo chiều hướng nào: Tăng tuổi hưu trí như Pháp? hay giữ nguyên tuổi nhưng tăng tiền đóng mỗi năm của mỗi cá nhân đang đi làm? Các hãng tư nhân thì cũng bắt đầu điều đình lại các điều kiện với nhân viên như thay vì đóng 2/3 bảo hiểm cho nhân viên thì sẽ chỉ đóng 1/2 và nhân viên thay vì chỉ đóng 1/3 , sẽ phải đóng 1/2 vv... Đây là tình trạng chung trên thế giới mà với quản lý kiểu XHCN thì sợ là không bao lâu nữa Quỹ của VN sẽ bị hết tiền thành trước sau gì cũng sẽ bị mất. Chỉ có Dân chủ để có thể phát triển đất nước mới có thể gây dựng những gì vững bền hơn như nêu trên.
Th. N. (Việt kiều Canada)
Cần hiểu đúng về lương hưu

Anh Đỗ Đức viết bài Sổ hưu đăng trên báo Tiền Phong ngày 25/12/2012 và Bauxite Việt Nam đăng lại với lời bình vào ngày 27/12/2012.
Trong bài báo, anh Đỗ Đức đã nêu rất nhiều kiểu tạo lập sổ hưu như mua vàng, mua nhà cho thuê, đầu tư cho các con ăn học... Nhưng bản chất của sổ hưu anh Đức vẫn chưa nêu.

Sổ hưu để cấp cho người lao động trong các doanh nghiệp và sổ hưu cấp cho các quan chức của chính quyền các cấp bao gồm bộ máy hành chính các cấp, quân đội, công an, giáo dục, y tế...

Lương hưu là số tiền cơ quan Bảo hiểm trả cho người lao động trong các doanh nghiệp và các quan chức chính quyền hết tuổi lao động được gọi chung là người lao động. Trong quá trình lao động ở các doanh nghiệp, người lao động đã trích một phần lương của mình cùng chủ doanh nghiệp trích một khoản lớn hơn người lao động vào chi phí sản xuất hình thành nguồn bảo hiểm xã hội nộp cơ quan Bảo hiểm xã hội. Tương tự, các quan chức chính quyền các cấp cũng được đóng Bảo hiểm xã hội nguồn từ tiền thuế của dân. Khi nghỉ hưu người lao động được nhận lương hàng tháng từ nguồn tiền lương họ đã đóng góp.

Như vậy, về bản chất, lương hưu là tiền của người lao động đóng góp trong quá trình lao động và lương hưu của quan chức chính quyền các cấp kể cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng được dân nuôi, hiểu đúng như vậy thì không sợ bất cứ lời đe doạ nào, chỉ kẻ thiếu hiểu biết hoặc bịp bợm mới doạ người. Các nước tư bản họ thay chính quyền như thay áo với mục đích tìm chính quyền tốt nhất cho nước, cho dân, nhưng bất kể chính quyền nào cũng phải trả lương hưu cho người lao động và quan chức vì bản chất lương hưu được đề cập trên. Lương hưu không phải là ân huệ của chính quyền với người lao động.

Vừa qua có người mang sổ hưu ra dọa giới trí thức, có thể giải thích theo một trong hai trường hợp sau:
Thứ nhất anh ta là người đại bịp, coi thường người nghe.
Thứ hai anh ta mang hàm đại tá lương bổng cao ngất ngưởng, học hàm PGS, học vị TS, danh hiệu nhà giáo ưu tú mà trình độ hiểu biết kém hơn cả “phó thường dân”.
Nhân đây tôi xin kể một câu chuyện có thật về lương hưu.
Tôi có anh rể ở quê, anh đi bộ đội sau 30/04/1975 và được khoảng gần hai chục năm thì được về hưu, hiện lương hưu của anh trên 3 triệu đồng một tháng. Anh khoe với tôi: “Tớ ngủ dậy là có hơn 100 ngàn đồng, đó là ân huệ của nhà nước”.
Thấy ông anh không hiểu về bản chất của lương hưu, tôi chất vấn: Nhà nước lấy đâu ra tiền để cho bác hưởng? Ông anh tôi lúng túng! Tôi phải giải thích: Nhà nước chỉ đứng ra lập kế hoạch chi tiêu chứ tất cả ngân sách hình thành từ tiền thuế của dân, trong đó có cả con anh đấy. Nghe thế, ông anh tôi gật đầu: Cậu nói thế tớ hiểu rồi!

Trường hợp nhận thức về lương hưu sai lệch như ông anh tôi không phải ít, chính vì thế mới sinh ra lắm kẻ tù mù đại bịp kiểu Lý Thông thời hiện đại.

Hà Nội ngày 28/12/2012

Thái Bình.

Không có nhận xét nào: