"Một số người (trong đó phần
lớn là nhân viên an ninh) hay hỏi tôi đã học được gì ở Mỹ. Thường thì tôi chỉ
cười đáp: “Em học dốt lắm nên quên hết rồi”. Trả lời như vậy để khỏi phải nói
ra điều mà tôi học được, bởi vì nói ra thì lại phải giải thích dài dòng, rất
mệt.
Sự thực thì tôi học được gì? Kiến
thức hàn lâm, kiến thức đời sống, các mối quan hệ, kỹ năng... tất cả đều tốt,
nhưng điều mà tôi thích nhất và có ảnh hưởng đến tôi nhất, đó chính là thái độ
sống của người Mỹ.
Có thể nhận xét của tôi về thái độ
sống của người Mỹ là chủ quan, là khái quát hóa vội vã, là ngây ngô và tóm lại
là sai. Suy cho cùng, thời gian ở Mỹ của tôi quá ngắn để có thể hiểu được đất
nước đó và những người dân ở đó. Nhưng 10 tháng, với tôi, là đủ để thấy Mỹ là
một quốc gia may mắn; may mắn bởi vì nó có những người dân tuyệt vời.
Những người dân ấy có một thái độ
sống mà với người Việt, có thể là kỳ lạ. Đó là, họ rất bướng bỉnh - hiểu theo
nghĩa họ không dễ đầu hàng, thỏa hiệp, bỏ cuộc. Khi thấy khó khăn, họ không bao
giờ bỏ đi. Trái lại, họ sẽ ở lại, chiến đấu với nó đến cùng.
Thật khác với người Việt. Dân Việt
Nam thường có một tư duy phổ biến là “khó quá ta bỏ”, “dại gì lao đầu vào”,
“tội gì”, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Khi gặp vấn đề, nếu là việc riêng, may
ra ta còn tìm cách giải quyết, tìm một lúc không được thì giải tán. Còn nếu đó
là việc chung, ta sẽ chuồn ngay, để đứa nào chết thay thì chết. Với những việc
mang tính chất cộng đồng mà lại cực kỳ khó khăn, thậm chí nguy hiểm, như việc
đấu tranh để thay đổi xã hội, cải tạo xã hội, ta đương nhiên sẽ không bao giờ
dây dưa, thậm chí ta sẽ bảo cái lũ đấu tranh là: “Dở hơi à, điên à?”, “Thay đổi
được cái gì?”, “Đường quang không đi lại đi quàng bụi rậm”, v.v.
Người Mỹ thì không. Ở họ, tôi thấy
rất rõ một tư duy: Có khó khăn thì phải đương đầu. Có vấn đề thì phải tìm cho
ra nguyên nhân và giải pháp để xử lý nó, kỳ được mới thôi.
Nhìn vào cái bị gọi là “phong trào
dân chủ Việt Nam”, tôi thấy thừa những người mở miệng ra là than vãn hoặc chỉ
trích: “Chán lắm”, “Chẳng hy vọng gì”, “Chẳng mong chờ được ai”, “Chẳng có ông
bà nào đáng tầm”... Đó là thứ tư duy mà tôi cho rằng tôi sẽ không thấy ở người
Mỹ. Nếu là người Mỹ, khi đó họ sẽ có một suy nghĩ rất tự nhiên là “Ồ, nó chán
thì phải làm cho nó hết chán chứ”. Họ sẽ tìm cách giải quyết vấn đề, cải thiện
tình hình cho bằng được. Nếu thử hết rồi mà không thành công, khi ấy họ mới
chịu thua. Nhưng phải nói rõ là cho đến khi thất bại thì họ cũng đã chiến đấu,
đã nỗ lực, đã vật lộn, xoay xở đủ cách rồi.
Và vì thế cho nên tôi không nghĩ
người Mỹ sẽ có tư duy chờ đợi lãnh tụ hay cá nhân kiệt xuất, chờ thể chế tự
thay đổi, chờ dân chủ - tự do tự nhiên mà đến với họ.
Du học sinh Việt Nam. Xét trên bình
diện “quyền con người” và “chủ nghĩa tự do”, đương nhiên các bạn có quyền mưu
cầu hạnh phúc, các bạn có toàn quyền để ở lại nơi mà bạn muốn ở, kiếm một công
việc tốt, sống cuộc đời của bạn và đóng góp theo cách bạn muốn cho nơi nào bạn thích
(mà kể cả việc bạn chẳng đóng góp cho ai cả, chỉ theo đuổi lợi ích cá nhân thì
cũng không có gì sai). Về nước, với cơ chế này, rõ ràng tương lai của các bạn,
dù không tối như tiền đồ chị Dậu thì cũng không xứng đáng với tài năng và
chuyên môn của các bạn.
Nhưng tôi ước, giá như các bạn có tư
duy can đảm đương đầu và quyết tâm thay đổi như của người Mỹ - hay nói đúng
hơn, của những người Mỹ mà tôi biết. Giá như các bạn không yên vị ở nước ngoài
chờ thể chế ở Việt Nam thay đổi, chờ tới khi nào người tài được trọng dụng, có
đất dụng võ rồi các bạn mới trở về. Giá như các bạn sẵn sàng về đây, sẵn sàng
chấp nhận làm “thằng điên, con dở hơi” tham gia vào công cuộc thay đổi đất nước
để tạo ra không gian cho chính các bạn, và cho cả hàng chục triệu người không
có may mắn được “thoát ly” như các bạn.
Tôi nhớ lời một giáo sư nước ngoài
từng nói với một du học sinh bạn tôi:
“Khi bạn ngồi học ở đây, bạn đừng
quên là trong nước Việt Nam, ngay vào giờ phút này, có hàng trăm, hàng nghìn
người như bạn, có thể cũng trẻ trung, giỏi giang và đầy khát vọng (ambition -
tham vọng) như bạn. Nhưng vì một lý do nào đó, có khi đơn giản là sự kém may
mắn, họ đã không thể có mặt ở nơi đây như bạn. Xin bạn nhớ đến điều đó để có
một thái độ phù hợp cần thiết khi trở về nước, và kể cả khi bạn không trở về”.
Doan Trang bloger
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét