Má tôi (ảnh của tác giả)
Tôi sanh ra đời 19 tháng trước khi đất nước chia làm đôi.
Vào năm 1953. Tôi nghe ba kể: “Hồi đó, lâu lắm rồi, hơn 60 năm trước, tại bến
đò Thị Đam, chiều hôm đó, lục bình trôi trên sông nhiều lắm, do anh Sum giới
thiệu để ba má quen nhau”.
Hôm đó, là lần đầu tiên ba má gặp nhau. Mãi về sau nầy, tôi
vẫn chưa hình dung ra Bến Đò Thị Đam là địa danh nơi nào ở miền Tây Hậu Giang.
Trùi ui! đến cả 60 năm mà ổng vẫn còn nhớ, chiều hôm đó,
ngày của định mệnh…. lục bình trôi trên sông nhiều lắm …
Hồi đó lâu lắm rồi, lúc tôi hãy còn học lớp ba trường làng.
Mỗi ngày đi học, má cho ăn cháo trắng với nước tương, hoặc cơm rang với một ít
dầu dừa trộn chảo. Bà lo mọi việc trong ngoài như một thừa tướng, chủ trì một
lãnh cung bệ rạc, thiếu bóng dáng của một vị vua. Ông Vua cha luôn vắng nhà, chẳng
bao giờ lâm triều, có lẽ ngài bận rộn với một bầy phi tầng, cung nữ quanh quẫn
trong sự nghiệp “kinh bang tế thế” của ngài.
Mỗi năm ông lâm triều chừng vài lần. Có lúc nhìn mấy hoàng tử
của ông, tưởng chừng lũ giặc giã từ mấy nước tiểu chư hầu lân bang. Âu cũng là
hoàng đế của một tiểu quốc….
Tôi là Hoàng Tử con út của một bà hoàng phi, thế mà bổng lộc
triều đình tôi chưa bao giờ được thừa hưởng như các vị hoàng tử đương triều. Bà
hoàng phi nầy vất vả quanh năm với một lúc tám hoàng tử và công chúa, leo nheo
lúc nhúc, như cái chợ trời.
Có lúc nghèo quá, bà van vái được trúng số. Có lẽ trúng số độc
đắc mới hy vọng đổi đời cho bà. Vì nghèo mà con cái lại quá đông, không làm sao
nuôi cho nỗi. Thời đó, vé số kiến thiết, loại một đồng một vé. Bà hên quá nên
trúng ….được mười đồng. (thời đó 1960 , trái bầu dài 1 thước, chỉ có 1 đồng 50
xu mà thôi. Gạo 23 đồng một chục lít)
Bà nhờ người hàng xóm chạy xe đạp xuống tận chợ Cần Thơ để
lãnh vé số, ông thần nầy đi lang thang từ sáng tới chiều tối mới về, mãi đến
chiều gặp được ông thì ông bảo rằng, hôm nay xuống chợ vui quá nên quên lảnh rồi.
Má tôi ngồi buồn rầu, nhưng có người khuyên, chưa lảnh vé, coi như trúng hai lần…
Sau đó vì hoàn cảnh thiếu hụt, nên mấy anh em của tôi chia
nhau lên làng Hoà Hảo ở với ba.
Là thằng bé, phải xa mẹ để ở với ba, khi tuổi đời chưa đến
10, trong hoàn cảnh nầy, tôi vô cùng khó chịu.
Cảnh sông nước vùng Long Xuyên, Châu Đốc, vô tình mang đến
tôi nhiều kỷ niệm khó quên, nào là nước lụt hàng năm, với đường làng quê trải
dài, uốn khúc bên hàng cây me nước, dưới sông điên điển, bằng lăng, lục bình...
Cảnh quê mùa buồn vắng năm xưa, không ngờ mãi mãi là hình ảnh tuyệt vời trong
tôi, mỗi lần nhớ đến mùa nước nổi ở Châu Đốc, sông Vàm Nao, bến đò Năng Gù, Chợ
Cái Đầm, Chợ Đình, Cái Dầu, Chợ Mới….là nhớ những tháng ngày sống bên ba.
Muốn đến Thánh Địa Hoà Hảo, phải đi ngang bắc Năng Gù, mất
ít nhất là 2 tiếng đồng hồ ngang sông Vàm Nao, những con đò cũ kỹ, rề rề mới đến
Cái Đầm. Hình ảnh xa xưa, đã nằm trọn vào lòng thằng bé chưa lên mười của tôi tự
bao giờ, như một kỷ niệm tuyệt vời thời thơ ấu.
Mãi đến sau 1960, khi ông tham gia đảo chánh bất thành, dưới
chánh quyền thời Ngô Đình Diệm, ông phải tị nạn bên Nam Vang. Sau đó, tôi chẳng
biết bao giờ và thế nào, tại sao lại trở về Cần Thơ sống với má, cho đến ngày
bà qua đời cuối 1963.
Nhà thì nghèo, nhưng bà sở hữu mấy công chúa tuổi teen, nên
bà bèn nuôi một con chó giữ nhà, và không quên máng thùng thiếc ngay tất cả các
cửa trong nhà, bọn ăn trộm muốn vào nhà tôi thì phải đi ngang hai cái thùng thiếc
và cây chỗi chà. Bà luôn cảnh giác bọn ăn trộm thường hay gây thuốc mê, bà bèn
bỏ vào túi trái chanh để khử mùi nếu cần. Hôm nào có động tịnh, chuyện đầu
tiên, bà bảo người chị lớn của tôi, xem con chó nhà mình đang ở đâu?? Thế mà ở
tuổi mười sáu, chị tôi chẳng biết làm gì ngoài chuyện vâng lời má. Chị tôi chui
ngang hàng rào kẻm gai, thấy con chó nhà mình đang nằm ngẫn ngơ ở nhà bên cạnh.
Bà bảo, phải lén lén giữa đêm khuya, đế vào đít con chó một roi thật đau, nhưng
phải từ phiá sau lưng cơ, để dạy con chó bài học là, coi như chủ nhà bên kia đuổi
hắn…để hắn bỏ tật, ăn cơm nhà mình, mà đi giử của hàng xóm…
Chị tôi mặc chiếc quần đen ống rộng thùng thình, thế nào mà
bị hàng rào máng, nên gây tiếng động, làm con chó bỏ chạy mất dạng, thế thì bà
chửi một phen tơi bời khói lửa.
Bà kỵ nhất tiếng tu hú kêu đêm, kỵ luôn gà gáy giữa trưa. Kỵ
tiếng thở dài mỏi mệt....Bà ra lệnh cho mấy công chúa không được đứng trước
gương lâu hơn 5 phút. Đẹp xấu gì thì cũng là mặt của mình, lâu hơn năm phút,
chưa hẳn đã thay đổi cả “tánh nết” … Bà nghèo đấy, nhưng rất nghiêm, và hiểu thế
nào là ân đền nghĩa trả, chẳng bao giờ phụ ai, thà thiên hạ phụ mình. Xem tiểu
thuyết, quyển “Bên Dòng Sông Trẹm”, nghiên cứu quyển “Đường Về Nhân Vị”. Cũng rất
thích giọng hát Thanh Thuý. ...Vào một ngày trưa hè bà thưởng thức giọng hát
Thanh Thuý thế nào mà “sơ ý”..... biên tên ca sĩ Thanh Thuý vào miếng gổ tre
trong vách bằng mực đen. (mãi đến khi xây nhà mới, anh Hai đề nghị giử miếng gổ
có chữ viết của Má để làm kỷ niệm).
Bà thường hay phơi cơm khô, vì bà đã từng là nạn nhân của cảnh
nghèo đói năm1945, nên có thói quen tích trữ cơm thừa, cho vào bao cà ròn, cất
trên gác. Khi nào cần, thì có mà đở đói cho đàn con nhỏ. Mấy năm liền, không có
bão lụt gì cả, anh hai tôi mới đề nghị bỏ bớt nó đi, bà không chịu, vẫn để mãi
trên gác, vô tình làm vùng trú ẩn cho bầy chuột.
Bà thích ăn trầu, nhưng phải là trầu tươi, rửa sạch bằng nước
mưa, nhưng tuyệt đối không rẩy, không lau khô, lá trầu mới tươi và ăn mới thơm.
Dù ăn trầu nhưng hàm răng rất trắng, chỉ vì xỉa cau hàng ngày. Ngồi gần bà già
nghèo túng nầy, nhưng rất thơm mùi trầu tươi…
Dạo đó tôi hư lắm, hơn mười tuổi đầu mà vẫn còn đái đầm. Bà
hay kéo tôi vào lòng và hôn lên mặt, lên vai, lên trán. Bà bảo tôi phải nói ngộng
nghệu cho bà nghe, để nhớ lại thời thằng con lúc còn nhỏ. Tôi vì sợ bà phát
giác mùi cái quần đái dầm, nên tránh né nụ hôn của bà. Sau cùng bà vẫn hôn lên
má tôi, dẫu còn nghe mùi khai ngấy trên quần tà lỏn. Tôi cố gượng, nũng nịu để
tránh né nụ hôn của bà, nhưng sau cùng bả vẫn ôm tôi vào lòng, những nụ hôn ngọt
ngào mà suốt đời tôi không tìm được lần nữa. Bây giờ, mỗi lần hôn thằng con
trai của mình ở tuổi 12, tôi vẫn còn nhớ má, nhớ một mình, nhớ thầm lặng như
người mất hồn. Và vẫn không quên hỏi hắn rằng, hôm qua con có đái dầm không???
Nó bảo đó là điều duy nhất “Con không giống ba”.
Bà đi đâu cũng mang một xâu chìa khoá, không biết tài sản của
bà cất giữ như thế nào, trong tủ toàn là kỷ vật xa xưa. Một đôi chuổi hạt huyền,
mà ông bà đã trao lại từ mấy đời, dùng để tụng kinh. Nhất là một cập gối thêu,
một bên hình Kiếm Cung Đèn Sách, và một bên Cầm Kỳ Thi Hoạ. Bà giữ mãi kỷ vật
đó. Nghe nói, có lẽ đó là kỷ vật nhất đời của bà, vì chính nó là cập áo gối bà
sưu tầm, suốt thời gian bà “tiến cung”, sống với ông vua nhà họ Nguyễn nầy.
Tôi vẫn còn nhớ, cập áo gối nằm trơ trong tủ kiếng, từ đời nầy
sang đời khác, như là bằng chứng để đời cho con cháu, chứ chẳng bao giờ dùng đến.
Bà sống nghèo nàn, nhưng vẫn có đủ bản chất lương thiện và
thanh bần. Bà ăn chay trường, ngồi thiền và tụng kinh mỗi tối.
Anh hai tôi có hiếu với bà lắm. Có lúc bị đòn đau, nhưng anh
hai vẫn ngồi yên cho bà đập, mà vẫn cười trừ, bà giận không đánh nữa. Anh hai bảo,
dạo nầy má yếu rồi, đánh không còn đau nữa. Má thương anh hai vì đã lớn mà vẫn
nghe lời má, dù bất cứ lý do gì.
Bà mang chứng bệnh nan y, sau nhiều năm chạy chữa bằng thuốc
tây và một ít thuốc nam, bà không còn khả năng chịu đựng suốt mấy năm dài, đêm
nào cũng than nhức mỏi. Có lúc cơn đau hành hạ, bà nằm mơ thấy một tên hiệu thuốc
nào đó. Bà bảo anh hai ra chợ, tìm loại thuốc chỉ có trong mơ. Thế mà anh hai vẫn
chiều bà, họ bảo: Làm gì có loại thuốc tên ấy.
Mấy anh chị em tôi thay phiên đắm bóp, săn sóc cho bà, vào một
đêm tối ngày 26 tháng 10, nhằm ngày 9 tháng 9, âm lịch năm 1963, lúc 11 giờ 15
phút khuya, bà trút hơi thở sau cùng, bỏ lại 8 anh chị em tôi. Khi ấy tôi chỉ
12 tuổi. (con trai áp út).
Đám tang của bà tổ chức quá ư là giản dị, quanh quẩn chỉ mấy
anh em. Tôi còn nhớ trong buổi tối đau buồn đó, bà đã trút hơi thở sau cùng, để
ra đi ngoài ý muốn, trong khi đó tuổi đời chưa quá năm mươi.
Tôi đã không biết khóc. Thấy mấy anh chị tôi khóc thương,
tôi chỉ phải khóc theo. Ở tuổi 12, tôi biết gì về cái chết, tôi biết gì về đời
sống mồ côi mẹ. Tuổi 12 làm sao tôi hình dung được, rồi đây cuộc đời thằng bé nầy
sẽ phải trưởng thành như thế nào, khi thiếu mẹ trên đời. Thiếu mọi thứ, sau nầy
nếu có thành công thì chẳng ai khen, lở khi thất bại thì không ai an ủi.
Trời ơi ! có cái mất mát nào lớn hơn mất mẹ hay không? Có nụ
hôn nào thấm thiá để người đời có thể ngất ngây, mãi khi đến già mà vẫn nhớ, vì
đã được mẹ ban cho từ lúc còn bé. Có lẽ bất hạnh lớn nhất đời là mồ côi mẹ.
Sau mấy ngày tụng kinh siêu độ, sau cùng linh cữu được chôn
cất sau chùa, cạnh mộ ông bà.
Thế là xong, từ nay căn nhà lá sao mà vắng vẻ vô cùng. Chúng
tôi có đến 8 anh chị em, quay qua, quay lại nhúc nhích không khéo bị vướng chân
người. Thế mà căn nhà lá bây giờ hiu quạnh đến lạ thường. Trên bàn thờ có đề
câu liễng : “Thiên Thu Vĩnh Biệt”. Mãi sau nầy tôi mới biết thế nào là Thiên
Thu Vĩnh Biệt. Nấm đất mà anh hai tôi liệng xuống mồ, đó là lần sau cùng tôi mất
hết cái dấu yêu nhất đời mình, cuộc đời tôi đã bị chôn vùi sự liên hệ thiên
liêng mẫu tử, mà đời người ai cũng chỉ có một người, một lần.
Không ngờ sự việc xẫy ra sớm quá đối với tuổi đời của tôi.
Làm sao mà tưởng tượng cho nổi sự bất hạnh nầy. Đâu có sự mất mát nào lớn bằng
mất mẹ…
Ngày hôm sau, anh hai tôi mang xuống những bao cơm khô từ
trên gác, một ô trầu bằng nhôm, bày ra trước mặt mọi người và bảo rằng: Nhà
mình nghèo quá, má để lại gia tài duy nhất nầy thôi. Cơm khô thì mang ra sân
cho chim ăn, còn ô trầu thì giử lại để trong tủ thờ làm kỷ niệm, đó là vật gia
bảo. Hãy nhìn những kỷ vật nầy để mãi nhớ hoài:
“Đây Là Cái Mà Anh Em Mình Không Còn Gì Khác”.
Một ngày tôi đang ngồi học lớp nhì (lớp 4) thì có thằng bạn
ngồi phía sau, thưa thầy thằng nầy, mấy ngày rồi hắn không có tắm. Thầy hỏi tại
sao em biết??
Nó nói, em chích ngòi viết mực vào cùi chỏ của nó, đã mấy
ngày nay, không có tắm nên vết mực còn nguyên.
Ông Thầy giáo làng bảo rằng: Ồ thì ra mấy con biết không??
Nó mồi côi mẹ, nên không ai nhắc nó săn sóc lấy mình, bao giờ tụi con bị mất mẹ
sớm giống như nó, thì các con mới biết rằng, mất mẹ thì đời người sẽ bất hạnh
không giống ai cả. Bất kể là ở tuổi nào.
Trời ơi! cuộc đời tôi sẽ tệ dữ vậy sao? Mất mẹ tôi vẫn còn sống
kia mà!!!Thì ra mấy ngày rồi tôi chưa bao giờ tắm, chưa bao giờ thay quần áo, từ
lâu rồi thức khuya không ai rầy, muốn lang thang đi chơi mấy ngày không cần đến
lớp học, không ai nhắc nhở, ngay cả ăn và ngủ. Huống hồ gì tẩy vết mực ở cùi chỏ.!!
Có lúc người hàng xóm bảo với nhau rằng: không biết chúng nó
sống ra sao khi thiếu mẹ???? Câu nói nầy, tôi vẫn thường nghe nhưng không có
xao xuyến gì cả.
Dần dần, ý thức mất mẹ đến với tôi vô cùng mãnh liệt, khi đi
đâu hàng xóm cũng bảo nhau như thế. Trờ ơi! bộ mất mẹ là tai nạn lớn đến thế
sao??
Có những lúc khi tan trường về nhà, tôi thường hay đi đến
nhà hàng xóm, nơi má thường hay chuyện vãn với láng giềng, đây là những chỗ bà
hay thường tới lui. Vẫn biết bà không còn nữa, nhưng tôi vẫn ghiền gặp lại bà,
và lẽn đến những chỗ cũ, tìm xem để thấy mặt bà, muốn nhìn bà ăn trầu, muốn được
bà hôn lên trán, lên vai, muốn được ngồi trong lòng bà, muốn nói ngộng nghệu
cho bà nghe, muốn được nghe bà chiều chuộng mỗi lần đái dầm mà không bị đòn. Muốn
thấy bà ngồi tụng kinh mỗi chiều trước bàn thờ. Muốn nghe bà nói, muốn nghe bà
dổ dành, khuyên bảo, hay dù chưởi mắng, hay bị đòn cũng được. Chỉ muốn thấy lại
hình ảnh của bà một lần nữa thôi. Sao bà đã ra đi vĩnh viễn khỏi cuộc đời tôi rồi.
Sau cùng trở về nhà thui thủi như đưá con hoang.
Má ơi! bây giờ bà ở đâu? Sao bà ra đi khi tôi hãy còn quá nhỏ,
chưa biết gì. Thà tôi có ý thức mất mát ngay lúc bà ra đi, tại sao tôi không biết
gì hết, mặc dù chính mình chứng kiến đám tang của bà, như thấy đám tang của ai
vậy, ở tuổi đời chỉ 12.!!! Tôi có tội gì mà phải mồ côi sớm vậy, bà có ghét
chúng tôi đâu, bầy con của bà vẫn muốn sống gần bà đấy mà, cho dù sống có nghèo
hơn nữa, con cũng chọn sống gần bà, bên bà, với bà thôi.
Mỗi năm khi lớn lên một chút thì tôi có cảm giác mất mẹ nặng
thêm một chút, mỗi lần có cái gì ăn ngon miệng thì tôi nhớ má. Mỗi lần bị đời
ruồng bỏ, tôi lại nhớ má. Mỗi lần gặp ai giống má, tôi muốn nhìn hoài không
chán. Đến bây giờ tôi mới thấy từ ngữ Má, thật là đơn độc, giản dị, nhưng không
biết bút mực nào diễn tả cho hết ý nghĩa, tình yêu cao quý của Má. Nhớ má, nhớ
mãi đến bao giờ rồi…
Có lần tôi tiếp chuyện với bà già tây. Bà hỏi tôi vậy chớ
chú em mầy đến xứ người bao lâu rồi. Có nhớ nhà không?? Tôi bảo, nhớ nhà thì
ít, nhớ má thì nhiều, bà hỏi tại sao?? Má chú em mất bao lâu rồi?? Tôi thưa đã
gần 40 năm rồi. Thế làm sao mà vẫn còn nhớ??
Tôi kể chuyện Nhớ Má cho bà tây nghe, không biết những giọt
nước mắt của bà tây nầy đã chảy tự bao giờ. Bà già tây gở cập mắt kiếng xuống
và bảo rằng...” Lúc còn má, những kỹ niệm tầm thường nho nhỏ nào đó của dĩ
vãng, đã không ngờ còn sống hoài trong ký ức. Ngay cả khi được má ôm vào lòng
trong một lần sau cùng nào đó, dù đã lâu, lâu lắm rồi, liệu có ai có thể quên
được giây phút ngắn ngủi thần tiên đó không?? Tình yêu đó nó nằm yên trong tim
mình, ngủ êm đềm như lời ru mẹ hiền, và chúng sẽ thức dậy sau giấc ngủ dài, và
sống lại càng mãnh liệt, khi cuộc đời mình bị dầy vò, hục hẫng, khi mà đời bỏ
rơi mình, chính là lúc con người ta tìm về. Nhưng tìm về đâu, khi chúng ta, chỉ
có một bà mẹ để nhớ, để thương, nhưng bà đã ra đi vĩnh viễn rồi.
Bà giáo tây già, nghẹn lời khi bà cho rằng, dù chúng ta khác
nhau ngôn ngữ, màu da bên ngoài, nhưng ngôn ngữ của tình mẫu tử là thứ ngôn ngữ
chung cho cả nhân loại, có lẽ con thú cũng có cảm giác giống như con người về
tình mẫu tử chăng???
Có lần máy giặt đồ bị hư, tôi và bà xã phải giặt bằng tay
cho mấy bộ quần áo của con tôi. Nước mắt của tôi có dịp ràn rụa, bà xã hỏi tại
sao?? Tôi bảo nhớ má…
Chèn ơi, giặt quần áo cũng nhớ má nữa sao?? Phải, đúng vậy,
má hồi xưa đâu có máy giặt. Coi như ngaỳ nào đối với má thì máy giặt cũng bị
hư, vì bà suốt đời giặt quần áo cho cả bầy con bằng tay. Nấu nướng bằng củi, bằng
trấu, sao cho xong những buổi cơm, dù nhà nghèo, cơm hẵm, nhưng công khó nhọc
nuôi dưỡng mãi còn ghi, vì hẳn ai cũng biết rằng, không có tình thương nào có
thể thay thế tình mẫu tử. Công ơn nầy làm sao mà trả được.
.....Mấy năm sau về quê, tôi có dịp đến viếng mộ bà. Chiều
nay bên những líp chuối, ánh nắng chiều không làm cho phần mộ đủ sáng để thấy rỏ
mộ bia, đã nhiều năm đóng rông rêu. Tôi tìm đến phần mộ rất dễ dàng như tìm đến
nhà mình vậy. Ở đây, sao cảnh vật nó thân quen làm sao. Nhớ năm xưa, cũng nơi nầy,
những giọt nước mắt của anh chị tôi rơi rớt lúc tiễn bà ra đi. Bây giờ bà vẫn
còn nằm đây yên giấc đã hơn 4 thập niên rồi.
Đốt mấy nén nhang, cặm trên mộ của bà, lòng thầm nhớ những
chuyện xa xưa. Chuyện bao nhiêu năm rồi quay trở lại như đoạn phim cũ, lòng tôi
se thắt, như mới xẫy ra hôm qua...
Mấy đọt khoai mì phất phơ trong ngọn gió chiều, quyện trong
khói nhang phản phất, đâu đây bóng dáng người mẹ đã bao năm xưa. Lặng nhìn cảnh
hoàng hôn sắp tắt. Nước mắt ở đâu chảy ra hồi nào không hay..Nhớ quá má ơi, bao
giờ con gặp lại bà lần nữa?
Kể từ ngày định mệnh đau buồn đó, bọn tôi lớn lên và trưởng
thành nhờ sự nuôi dưỡng của anh chị Hai. Dù nhà nghèo, nhưng anh chị Hai vẫn
kiên nhẫn nuôi một đám em cho đến khi ra riêng vì nhiều lý do lúc trưởng thành.
Anh Hai làm công chức tại xã Long Tuyền, và sau nầy vào quân
đội VNCH, với đồng lương ít ỏi, nhưng anh chị vẫn vui vẻ cưu mang một bầy em, gần
10 năm sau khi má mất.
Nguyễn Hoàng
Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét