Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Chuyện sân bay - sân golf: Xin đừng nói đó là tiền!


Nếu không có chuyện sân bay TSN quá tải đến mức nhiều chuyến phải bay lòng vòng chờ hạ cánh; nếu không có chuyện đường vào sân bay phải nhích từng mét một vào giờ cao điểm, thậm chí hành khách xuống xe chạy bộ để không trễ giờ bay ... thì không thể bộc lộ ra khối ung thư khổng lồ - sân golf Tân Sơn Nhất, đang làm nhức nhối hàng triệu con người.

Cắt khối ung thư đó là yêu cầu khẩn cấp của đông đảo nhân dân. Cắt khối ung thư đó thì mụn nhọt tự nhiên biến mất, cơ thể sẽ trở nên khỏe mạnh và quan trọng hơn là tạo ra khí thế mới ở tầm quốc gia.

Bộ GTVT thì đã phát biểu rồi, còn thành phố Hồ Chí Minh không đủ tầm và lực để giải quyết. Trái bóng đang lăn vào chân Bộ Chính trị và Chính Phủ. Nguyễn Thiện.

11/06/2017
TTO - Hơn 4.500 ý kiến bạn đọc dội về tòa soạn Tuổi Trẻ mấy ngày qua. Và rất nhiều cuộc điện thoại gọi vào đường dây nóng của báo. Các ý kiến ấy đều lên tiếng một chuyện thôi: sân golf Tân Sơn Nhất!


Tại rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri Q.Tân Bình (nơi đóng sân bay Tân Sơn Nhất) của các đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu HĐND TP.HCM thời gian qua, rất nhiều cử tri đã liên tục đề nghị các đại biểu có ý kiến với TP.HCM, Chính phủ và Quốc hội để thu hồi sân golf nhằm mở rộng sân bay, giảm tình trạng kẹt xe, ngập nước hiện nay ở Q.Tân Bình. Trong ảnh: Cử tri Lê Văn Sang (P.13, Q.Tân Bình) đặt vấn đề về sân golf trong buổi tiếp xúc cử tri sáng 17-8-2016 - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Và họ đã bỏ phiếu chống.

Chuyện không phải bây giờ. Câu hỏi cử tri cứ vang lên ngày càng gay gắt mỗi khi Quốc hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM sắp họp, rồi họp xong.

Nhưng câu trả lời hình như vẫn nằm đâu đó trong sân golf mênh mông.

Sân golf mênh mông 157ha đó, chỉ cho vài trăm người chơi. Những biệt thự, cao ốc sắp mọc lên đó, cho mấy trăm người ngụ. Lợi nhuận đó, cho 1, 2, 3, 4 người và lợi ích đó cho những “nhóm lợi ích”…

So được không, hàng ngàn chuyến bay, hàng triệu hành khách, triệu tấn hàng hóa.

So được không, ngoài kia: quá tải, tắc đường, rồi lạ kỳ “giải cứu sân bay”.

Hơn 4.500 ý kiến gửi về Tuổi Trẻ. Đọc mà thấy lòng còn nhói hơn đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc.
Vậy thì, cái gì nặng hơn lòng dân đây?

Xin đừng nói đó là tiền!
Bùi Thanh

2 nhận xét:

Võ Xuân Sơn nói...


GIẢI CỨU TÂN SƠN NHẤT

Một cuộc giải cứu Tân Sơn Nhất đang được triển khai. Báo Tuổi Trẻ là cơ quan truyền thông đồng hành trong cuộc giải cứu này. Một số “nguyên” cán bộ, và Đại biểu Quốc hội đương chức tham gia. Không biết ai là người chủ xướng, nhưng việc này được cộng đồng mạng ủng hộ nhiệt thành.

Bắt đầu bằng một câu thơ, sửa lại từ bài thơ của Lê Anh Xuân: “Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất, đồng đội anh lấy đất làm sân gôn”. Thoạt nghe câu này thấy têu tếu, hài hài. Nhưng ngẫm nghĩ lại thấy thâm thúy thật. Máu của hàng triệu người đổ xuống, để bây giờ, một nhóm người chiếm hữu và hưởng lợi.

Sự thất vọng của những con người từ cái thời “nóp với giáo, mang ngang vai”, sự thất vọng của những con người “hát cho dân tôi nghe” cứ ngày càng lớn, dẫn đến sự tham gia của họ vào những hành động phản kháng, xuống đường. Sự thất vọng đó bắt nguồn từ những cuộc cưỡng chiếm tài sản Quốc gia của những nhóm lợi ích. Sự thất vọng ấy đã mở đường cho một nhận thức mới, rằng với thể chế chính trị không dân chủ như hiện nay, không có cơ hội nào để chống lại lợi ích nhóm.

Một câu hỏi nữa của cộng đồng mạng được đặt ra: “Cái sân gôn này mà không lấy lại được, thì làm sao lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa?”. Không còn têu tếu, hài hài nữa. Điều này chạm vào nỗi đau, nỗi đau của cả dân tộc. Thật không sai khi khái quát việc lấy lại sân gôn cho sân bay Tân Sơn Nhất lên tầm Quốc gia.
Nếu chính quyền này, đảng này không thể lấy lại cái sân gôn cho sân bay Tân Sơn Nhất, thì năng lực đâu để mà lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa. Không biết liệu có ai sẽ tuyên bố “Đời tôi, đời các bạn chưa đòi lại được, thì đời con cháu chúng ta phải tiếp tục đòi…”, hoặc theo kiểu: “Trách nhiệm của tôi là sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp”…

Một ông Bộ trưởng đã đăng đàn, cho rằng không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc, với ý là không cần phải lấy lại cái sân gôn. Dư luận thì cho rằng ông ta ngụy biện. Tôi lại nghĩ, ông ta đang cố chứng minh, rằng cái thể chế chính trị này không thể chống lại lợi ích nhóm, vì nó đang bao che cho những nhóm lợi ích, bất chấp quyền lợi của dân tộc, quyền lợi của Quốc gia.

Hi vọng rằng, cuộc Giải cứu Tân Sơn Nhất lần này sẽ không ủng hộ cho những gì mà ông Bộ trưởng kia đang cố chứng minh.

Nguyễn Tấn Thành nói...

Vụ sân gôn Tân Sơn Nhất đảng CS đang làm thuê cho ai ?
Sẽ có nhiều người sốc với câu hỏi này:
- Người yêu đảng sẽ bảo đảng CS đang làm thuê cho dân.
- Người ghét đảng sẽ bảo đảng CS không làm thuê cho ai cả mà đang vơ vét cho chính nó.
Vụ sân gôn TSN cho thấy cả hai đều sai:
- Nếu làm thuê cho Dân thì đảng đã trả sân gôn về cho sân bay từ lâu để phục vụ nhân dân.
- Nếu làm thuê cho chính nó thì đảng đã thu hồi sân gôn trả lại sân bay để các hãng máy bay, dịch vụ và nền kinh tế phát triển đảng có nhiều tiền hơn.
Bài báo trong hình cho ta biết:
- Đại gia Him Lam từ sân gôn TSN tới ngân hàng Sacombank. Có nghĩa sân gôn TSN là của Him Lam.
- 99% cổ phần Him Lam là của Dương Công Minh.
- Giá trị cốt lõi Him Lam là DCM, câu nói đó nó cho thấy văn hoá và năng lực của Minh.
Từ đó ta có thể nói đảng CS đang làm thuê cho Dương Công Minh và vài năm nữa là con của Dương Công Minh. Thật nhục nhã !!!
Nghe rất không tưởng tượng được với những người yêu hay ghét đảng, nhưng đó là sự thật!