Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Án văn (kỳ 4)

Nhà thơ Hoàng Cát. Ảnh: Thanh Thuận

Năm 1974, đám sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi nghe xôn xao chuyện ông Tố Hữu đang giận lắm, có tay thương binh Hoàng Cát nào đó, được ông Xuân Diệu nhận làm em nuôi, viết truyện ngắn Cây táo ông Lành đăng trên báo Văn nghệ. Đã Lành lại còn táo, rõ là bóng gió xỏ xiên (chả bởi ông Tố Hữu tên Lành, vườn nhà ông có cây táo “cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt”, “xuân về táo rụng nhớ đàn em”, ông bạn tôi bảo táo rụng mới nhớ chứ táo trên cành thì còn khướt mới tới lượt các cháu). Anh Bùi Trọng Cường học cùng lớp với tôi có quan hệ rộng trong đám bạn văn nghệ, mò sang trường sư phạm bên Cầu Giấy hỏi mấy tay "bợm" thi sĩ Bùi Quang Thanh, Trần Hòa Bình, lần kiếm ra được số báo ấy, cho tôi mượn xem.
Tôi còn nhớ như in đó là một truyện ngắn, in trên trang thiếu nhi nhân ngày 1.6, cũng ngắn thôi, dàn chữ lấn từ trang trái sang trang phải, ở phía trên. Đọc thấy cũng bình thường, nhẹ nhàng, nhân văn, mang cái nhìn của một người yêu trẻ thơ. Đùng một cái, chả biết lệnh miệng từ ông nào (thời ấy nhiều ông có quyền ra lệnh lắm, họ là tướng quân trong bóng tối, như Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Hoàng Tùng, Đào Duy Tùng…), anh thương binh cụt chân Hoàng Cát bị đánh tơi tả. Ghê nhất là tạp chí Học Tập (sau này đổi thành tạp chí Cộng Sản, nơi ông Nguyễn Phú Trọng có thời là Tổng biên tập) nã đại bác vào thành trì thứ văn nghệ mà họ gọi là rác rưởi. Ông bạn tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Vy (nay đã ra người thiên cổ), một “fan” của Hoàng Cát, hồi còn dạy ở Trường dự bị đại học TP.HCM có lần bảo “văn chương xứ mình nhiều chuyện kỳ cục nhố nhăng, có những vụ án văn nghệ, chẳng hạn vụ Cây táo ông Lành không ai biết xuất phát từ đâu, không nguyên cáo, không xét xử, không chủ mưu, không thủ phạm, mọi thứ rất mơ hồ, chỉ có bị cáo là thật bỗng dưng lăn ra chết như giặc”. Thời ấy người ta truyền cho nhau câu đối “Hoàng Cát không làm gì hung/Anh Lành chớ gây điều dữ”, cũng có câu “Hoàng Cát, cát mà chẳng lành/Anh Lành, lành nhưng rất độc”. Chả là trong từ Hán Việt, cát có nghĩa là tốt, lành; đối lập với cát là hung, hung nghĩa là dữ, ác, tợn.
Trong bài phê phán Hoàng Cát và truyện "Cây táo ông Lành", tạp chí Học Tập dõng dạc: “truyện ngắn về thiếu nhi đăng trên tuần báo Văn nghệ trong thời gian qua thuộc loại nấm độc nguy hiểm. Với lối viết kiểu "biểu tượng hai mặt" truyện này gieo rắc hoài nghi trong quần chúng đối với sự lãnh đạo của đảng ta, gieo rắc tư tưởng chống lại đường lối cách mạng chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa và nền chuyên chính vô sản của chúng ta. Miêu tả cuộc sống heo hút tâm trạng u buồn của một ông già có người vợ chết vì bom, người con trai độc nhất "vào bộ đội đợt đầu tiên kể từ sau khi có lệnh hòa bình", truyện này không những bộc lộ quan điểm sai lầm của chủ nghĩa nhân đạo tư sản trong vấn đề chiến tranh mà còn có tác dụng như một lời kêu gọi phản đối chiến tranh cách mạng có hại cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước của nhân dân ta. Trong điều kiện chuyên chính vô sản, cuộc đấu tranh giữa hai con đường ở miền Bắc tiếp tục diễn ra gay go phức tạp, tác giả truyện ngắn đưa ra hình ảnh cái đầu lâu khủng khiếp và nói về việc "từ bỏ con đường này đi theo con đường khác" có dụng ý gì? Phải chăng đây là sự phản ứng giai cấp trước một số biện pháp như kiểm tra hành chính thu lại ruộng đất bị lấn chiếm, chống bọn ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và bọn làm ăn trái phép bọn đầu cơ móc ngoặc, v.v.. mà nhà nước dân chủ nhân dân đã áp dụng để bảo đảm thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong việc giải quyết vấn đề "ai thắng ai" ở miền Bắc? Cùng với lối viết bóng gió xuyên tạc "nhà mới mà đã dột vì chuột bọ" tác giả đe dọa "bỏ" con đường mà tác giả cho là "con đường tắt" để đi con đường khác! Đó là một sự thách thức chế độ ta. Chuyện đã không chân thật chủ đề lại lấp lửng chi tiết, lại đáng ngờ gieo rắc những quan điểm tư tưởng sai trái, đây rõ ràng là một truyện xấu và có hại” (tạp chí Học Tập số tháng 11.1974, trích theo Nguyễn Trọng Tạo).
Tòa đại hình của đảng đã kết án như thế, có mà chạy đằng trời. Hoàng Cát đành ngậm cười với chế độ mà anh từng hiến dâng tuổi xuân và một chân cho nó. Vô cùng ác độc, họ ném thi sĩ thương binh cụt chân Hoàng Cát ra ngoài biên chế, cắt hết mọi tiêu chuẩn, xóa chế độ thương binh, kể cả phụ cấp thương tật, đằng đẵng hơn cả chục năm viết văn làm thơ chẳng ai dám đăng (vì sợ liên lụy), chính anh phải ngậm ngùi “là thi sĩ ta chẳng lừa ai được/chỉ buồn thương cho cuộc thế trò chơi”.
Và điều cũng rất đáng nói, rất nhiều ông từng leo lên chiếu văn đàn khua khoắng lên giọng văn nghệ sĩ cần được tự do sáng tác, cần phải tôn trọng tác phẩm của những người vào sinh ra tử, thì nay lại im bặt, không ông bà nào dám mở mồm. Khi Hoàng Cát chiến đấu và mất một chân ở chiến trường Trị Thiên - Quảng Đà, thì các ông bà ấy “chiến đấu” ở thủ đô, ngay cả ông Tố Hữu mãi năm 1972 mới dám vào vùng giải phóng và viết “Nước ngon ngàn dặm”, còn các ông Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Vũ Cao…, cùng ông anh nuôi thân thiết “sống chết có nhau” Xuân Diệu nữa, chỉ loanh quanh thực tế sáng tác ở những vùng dễ kiếm gà kiếm gạo. Sợ uy anh Lành, không ai dám bảo vệ Hoàng Cát, suốt mấy chục năm ròng. (còn tiếp)
Nguyễn Thông


Không có nhận xét nào: