Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

NGUYÊN NGỌC



Nhà văn "đồng niên" Xuân Sách "vịnh" Nguyên Ngọc:
 "Mấy lần Đất Nước Đứng Lên
 Đứng lâu cũng mỏi cho nên lại nằm
 Hại thay một Mạch Nước Ngầm
 Cuốn trôi Đất Quảng lẫn Rừng Xà Nu".

 Đất Nước Đứng Lên hay Đất Quảng & Rừng Xà Nu đều là tên những tác phẩm của ông, những tráng ca. Nếu như năm 1960, Nguyên Ngọc không viết Mạch Nước Ngầm thì ông đã cứ thế hanh thông trên quan lộ.
Mạch Nước Ngầm được viết sau chuyến đi thực tế ở Khu Gang Thép Thái Nguyên. Gang Thép Thái Nguyên là một mô hình tiêu biểu của miền Bắc thời đi lên XHCN vậy mà Nguyên Ngọc lại sử dụng từ "ngu dốt" để chỉ "nhân vật chính diện". Nguyên Ngọc cũng đã nhìn thấy sự "u ẩn" trong những cán bộ miền Nam tập kết. Ông cho rằng, "Chúng ta vẫn chưa đủ sức dò cho hết những mạch nước ngầm trong lòng đất và cả trong lòng người"[Xuân Cang]. Cùng với Con Nai Đen của Nguyễn Đình Thi, Mùa Đông của Vũ Tú Nam... Mạch Nước Ngầm là một "án treo" cho Nguyên Ngọc.

Theo cụ Xuân Sách thì sau khi đọc bài thơ, một lần xuống Vũng Tàu, cụ Nguyên Ngọc nói, "Sách ơi, lần này mình đứng lên rồi, không nằm nữa đâu".
Hôm qua, 4-9, sinh nhật lần thứ 86 của nhà văn Nguyên Ngọc. Theo nhà báo Võ Mai Nhung, thì tuy chân cụ Nguyên Ngọc không còn cứng nữa nhưng cụ vẫn "đứng" rất vững.
Năm 1978, đại tá Nguyên Ngọc được Tố Hữu chọn về làm Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà Văn. Nếu ông cứ theo nghị quyết thì việc trở thành uỷ viên Trung ương ở Đại hội V là gần như chắc chắn. Nhưng, sau chuyến đi đến Campuchia tháng Giêng năm 1978, Nguyên Ngọc nhìn thấy ở đó điều còn sâu xa hơn cả những "cánh đồng chết" đó là cái chế độ do Pol Pot lập nên đã tạo ra một xã hội mà "nhân dân đã bị đảng cầm quyền biến thành vô danh tính".
Ngày 10-3-1979, tại hội nghị đảng viên của Hội, Nguyên Ngọc đã trình bày bản đề dẫn chỉ ra căn nguyên của nền văn học chỉ ngọ nguậy dưới trần "thượng tầng kiến trúc" của CNCS. Văn học vì thế đã không nhận thấy số phận con người, "dung tục hoá mối quan hệ giữa hiện thực và văn học; khiếp nhược hiện thực... hạ thấp văn học xuống thành sao chép hiện thực".
"Đề Dẫn" này đã làm tiêu tan sự nghiệp chính trị (theo hướng quan quyền) của Nguyên Ngọc. Nhưng, Xuân Sách cho rằng: Nếu Nguyên Ngọc thành ông Trung ương, thì không có Nguyên Ngọc làm tổng biên tập báo Văn nghệ thời kỳ đổi mới... không có “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc, không có Tướng Về Hưu và những truyện ngắn mới mẻ xuất sắc của Nguyễn Huy Thiệp, của Phạm Thị Hoài... không có những tiểu luận như “Đọc lời ai điếu cho một thời kỳ văn nghệ minh họa” của Nguyễn Minh Châu…
Nhưng, cũng vì tin tưởng vào "Cởi Trói" và tiếp tục "đứng lên", Nguyên Ngọc mất chức TBT Văn Nghệ. Cũng theo Xuân Sách, "Nguyên Ngọc chuyển hoạt động của mình sang một hướng khác. Anh lại đem tài năng của mình để làm được điều gì đó có lợi ích cho dân cho nước, và lại phải vượt qua những thử thách gian nan mới".
Yêu Tây Nguyên đến cực đoan, quá quyết liệt với "chân lý", cùng với tính cách rất tiêu biểu Quảng Nam, Nguyên Ngọc không phải là một người thành công trong vai trò quản lý cũng như trên các thang bậc của quyền lực chính trị.
Nhưng, chính nhờ thế ta có một Nguyên Ngọc nổi bật hơn với vai trò của một học giả, một nhà văn hoá. Với những khát vọng (tuy vẫn còn dang dở ở) Đại học Phan Chu Trinh, với những công trình cá nhân và những đóng góp ở Quỹ Văn hoá Phan Chu Trinh, Nguyên Ngọc có một di sản ít ai trong thời đại của ông có được.
[Cám ơn anh Ngô Nhật Đăng đã giúp cung cấp các tư liệu về hai cụ]

Không có nhận xét nào: