Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Ngư dân Việt Nam không sợ giặc cướp Trung Quốc ở Hoàng Sa


Các thuyền viên tàu QNg-90078-TS kể chuyện tàu bị bão đánh và bị cướp khi trú bão
   Không phải đến bây giờ ngư dân Việt Nam, nhất là ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi mới bị Trung Quốc bắt tàu, bắt người, tịch thu hải sản mà liên tiếp trong những năm qua, sự việc này xảy ra thường xuyên. Điều đáng lên án là những vụ bắt bớ nói trên đều xảy ra khi các ngư dân Việt Nam đang hoạt động đánh bắt hải sản hợp pháp trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
 
Liên tục cướp của, bắt người tống tiền

   Những vụ cướp của, bắt người diễn ra liên tục, khiến cho nhiều ngư dân rơi vào hoàn cảnh khốn khó.
   Theo thông kê từ năm 2005 đến 2011, Quảng Ngãi đã có 144 tàu với 1.116 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, khiến nhiều người bị thiệt hại số tiền lên đến hàng tỉ đồng.
   Chỉ tính năm ngoái, Quảng Ngãi có 17 tàu thuyền với khoảng 200 ngư dân bị nước ngoài bắt và giam giữ, xua đuổi, phạt tiền, tông hỏng tàu, cướp tài sản, phạt tù..., trong đó có đến 10 trường hợp do phía Trung Quốc gây ra.

   Gần đây nhất là vụ 21 ngư dân bị bắt cả tàu và người, bị cướp hết hải sản đánh bắt được, còn bị tống tiền.
      Chị Nguyễn Thị Mai Trang (vợ ngư dân Phan Văn Tân  là thuyền viên tàu QNg-66074-TS   bị Trung Quốc bắt giữ)  bên đứa con nhỏ mới sinh hơn 1 tháng.

   Hoặc trước đó, ngày 22-2, phía Trung Quốc cũng đã bắt giữ tàu cá QNg-90281-TS của ngư dân Đặng Tằm (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) sau đó tịch thu, phá hỏng toàn bộ phương tiện hành nghề trước khi thả tàu cá ông Tằm về lại địa phương. Còn theo ông Lê Văn Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Từ đầu năm đến nay, tỉnh có 5 tàu cá với 61 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giam, tịch thu ngư cụ, đòi tiền nộp phạt.

   Hay như trước đó, ngày 6-5-2011, tại đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu QNg-50615-TS do ngư dân Trần Văn Thoa (31 tuổi) làm thuyền trưởng cùng 14 ngư dân thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã bị một tàu kiểm ngư của Trung Quốc rượt đuổi và tịch thu tài sản trị giá hơn 200 triệu đồng. Tiếp đến trưa ngày 11-5-2011, tàu của thuyền trưởng Phạm Hà (37 tuổi) cũng bị tàu kiểm ngư của Trung Quốc vơ vét sạch tài sản như dây hơi, máy định vị, đồ nghề sửa máy, dây điện và toàn bộ 200 kg tôm hùm, 3 tấn cá... 

   Anh Võ Đào (35 tuổi) ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu là thuyền trưởng tàu cá QNg-90019-TS cũng cho biết: "Ngày 9-5-2011, sau 10 ngày đổ mồ hôi giữa biển khơi 8 anh em đánh bắt được khoảng 5 tấn hải sản các loại đã bị tàu kiểm ngư Trung Quốc mang biển hiệu 309 áp sát trấn lột toàn bộ...". Có những trường hợp chạy trốn bão cùng bị bắt, như tàu QNg-95031-TS, tàu QNg-90078-TS, tàu QNg-5012-TS... bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tài sản và đánh đập trong quá trình trú bão. Khó mà kể hết những vụ bắt, cướp, tống tiền như trên.

Khốn đốn vì bị cướp, bắt, tống tiền
 
   Nếu có ai về miền Trung thì chắc chắn không xa lạ gì với những câu chuyện ngư dân bị bắt, cướp, tống tiền. Trong số những người khánh kiệt do Trung Quốc bắt tàu, đáng kể là ông Mai Phụng Lưu, 30 năm qua ông đã kiên tâm bám biển thế nhưng 4 lần bị Trung Quốc bắt tàu, khiến ông phải khánh kiệt, nợ ngân hàng và các đầu nậu cá hơn 700 triệu đồng. Hay như thuyền trưởng Tiêu Viết Là (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu), chỉ trong vòng 5 năm, tàu cá ông đã 4 lần bị Trung Quốc tấn công, bắt giữ, tịch thu tàu.

   Bà Nguyễn Thị Bưởi (vợ ông Là) nói: "Gia đình còn nợ ngân hàng 120 triệu đồng nhưng biết lấy gì trả đây!" Vì thế, từ một gia đình giàu có nhất, nhì thôn Châu Thuận Biển, bây giờ ông Là trở nên khánh kiệt, nợ nần và đau ốm. Rất nhiều ngư dân ở xã Bình Châu và ở huyện đảo Lý Sơn rơi vào tình cảnh tương tự. Hay như tâm sự của ông Đặng Tằm: "Năm 2010, tui và 10 ngư dân bị tàu ngư chính của Trung Quốc bắt về đảo Phú Lâm giam 10 ngày, sau khi nộp phạt 210 triệu đồng mới được họ thả về.

   Sau lần đó tui nợ nần gần 600 triệu đồng. Năm rồi tui đi bốn chuyến, trả được gần 300 triệu đồng, tính năm nay đi biển sẽ gom lại trả hết. Nhưng mới chuyến đầu đã bị cướp, nợ lại chồng nợ lên 600 triệu đồng. Vậy có khổ không chứ!" Có rất nhiều gia đình như ông Lưu, ông Là, ông Đặng Tằm, họ là những ngư dân hiền lãnh làm ăn ngay chính trên vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, thế nhưng phía Trung Quốc vẫn cướp, bắt, tống tiền khiến họ lâm vào cuộc sống nợ nần khó khăn.

    Nhiều ngư dân cho rằng, thật sự nếu không có sự giúp đỡ từ cộng đồng, từ những chính sách thiết thực của Nhà nước thì họ khó có cơ may trở lại biển khơi. Như hoàn cảnh của "Sói biển" Mai Phụng Lưu, ông Lưu tâm sự rằng: "Tui bị phía Trung Quốc bắt 4 lần, tổn thất hàng tỉ đồng, tưởng chừng như sẽ không còn cách gì để ra khơi. Thế nhưng nhờ được hỗ trợ vay vốn, tui lại có tàu để ra khơi. Lòng tui lúc nào cũng luôn hướng về ngư trường Hoàng Sa". Tâm sự của "sói biển" Lưu cũng là tâm sự của những người kiên tâm bám biển. Thật đáng trân trọng và khâm phục lòng quả cảm của những ngư dân này.

Theo Tấn Thành/ Đại Đoàn Kết



Không có nhận xét nào: