Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

QUAN HỆ VIỆT-TRUNG VÀ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC MỚI CỦA VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo đặc biệt

 TTXVN (Oasinhtơn 16/4)

 Giáo sư  Marvin Ott, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson, Mỹ, có bài viết đăng trên trang mạng của Trung tâm với nhan đề “Thế khó của Việt Nam trước Trung Quốc: hướng đi trong môi trường chiến lược mới”. Sau đây là nội dung bài viết:

 

Mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc là một phép thử về thách thức chiến lược mà Việt Nam phải đối mặt trên nền tảng lịch sử lâu dài. Việc nối lại quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN là những biểu hiện của sự khéo léo về ngoại giao của Việt Nam.

 

Sự đi xuống của Mỹ trong vai trò “siêu cường duy nhất” của thế giới và sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc với vai trò là cường quốc nổi trội ở khu vực Đông Á đã tạo ra một thế khó cho Việt Nam. Sự nổi lên của Trung Quốc tạo ra một mối đe dọa tiềm tàng, trong khi sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ tới châu Á có thể đem lại cho Việt Nam một giải pháp.

 

Trong khi mối thách thức của Trung Quốc đã thử thách sự nhạy bén chiến lược của các quan chức ở Hà Nội, thì đối sách của Việt Nam thể hiện ở nhiều mặt và có vẻ như tuân theo 9 định hướng lớn.

 

Thứ nhất là thông qua các kênh giữa hai Đảng để cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Thành tựu nổi bật của nỗ lực này là việc giải quyết tranh chấp biên giới trên bộ và gần như toàn bộ Vịnh Bắc Bộ – nhưng không phải là Biển Đông. Thứ hai là xây dựng sức mạnh của Việt Nam bằng việc cải cách và mở cửa nền kinh tế – còn gọi là Đổi Mới – và nâng cấp các lực lượng vũ trang vơi trọng tâm là khả năng chống tiếp cận trên biển. Thứ ba là gia nhập và liên kết với ASEAN để làm cho bất cứ mối đe dọa nào đối với Việt Nam ngày càng được coi là một mối đe dọa với tất cả. Thứ tư là sử dụng mọi cơ hội thông qua sự hiện diện chính thức, các tuyên bố công khai, các cuộc tập trận quân sự, và “sự thật trên thực địa” để khẳng định “quyền chủ quyền” của Việt Nam trên Biển Đông. Thứ năm là tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán nhằm giảm bớt các tranh chấp lãnh thổ giữa các nước ASEAN trên Biển Đông để tạo ra một mặt trận thống nhất trước Trung Quốc. Thứ sáu là lôi kéo các công ty dầu lửa quốc tế (trong đó có Ấn Độ) vào Biển Đông bằng việc đưa ra các điều khoản hấp dẫn trong các hợp đồng. Thứ bảy là phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản và nâng cấp quan hệ quân sự với Nga và Ấn Độ – trong đó có khả năng cho hải quân tiếp cận với Cảng Cam Ranh. Thứ tám là thông báo cho Bắc Kinh thường xuyên và công khai rằng Việt Nam “không bao giờ có thể chấp nhận” các tuyên bố về biển của Trung Quốc. Cuối cùng là phát triển một mối quan hệ ngày càng gần hơn với Mỹ, cả về kinh tế, ngoại giao và quân sự.

 

Sự phát triển của quan hệ quân sự với Mỹ là đặc biệt đáng chú ý. Bắt đầu bằng sự hợp tác thận trọng trong việc giải quyết vấn đề MIA/POW (người Mỹ mất tích trong chiến tranh và tù binh chiến tranh) trong những năm 1980, các mối liên lạc quân sự với quân sự bắt đầu từ giữa những năm 1990. Quan hệ này mở rộng nhanh chóng với các chuyến thăm cảng của tàu hải quân Mỹ, một diễn đàn “đối thoại chiến lược” giữa giới quân sự hai nước, và việc các quan chức cao cấp Việt Nam thường xuyên nhắc tới một “quan hệ đối tác chiến lược”. Động cơ không nói ra nhưng không thể nhầm lẫn được cho là mấu chốt của mối quan hệ này là sự quan ngại chung về Trung Quốc.

 

Môi trường chiến lược của Việt Nam

Sức mạnh đang tăng của Trung Quốc tạo ra một môi trường chiến lược rất bất cân xứng cho Việt Nam. Ngày nay không có sự lặp lại thành công về quân sự giống như Việt Nam đã thực hiện vào năm 1979 trước Trung Quốc, Nếu Trung Quốc quyết tâm – chẳng hạn như không cho ngư dân Việt Nam vào các vùng biển ở Biển Đông – có lẽ Việt Nam không thể làm gì được. Tuy nhiên, các xu hướng rõ rệt trong khu vực lại đang có lợi cho Việt Nam.

 

Thứ nhất là sự điều chỉnh trọng tâm chiến lược của Mỹ tới Đông Nam Á và Biển Đông. Hà Nội biết rõ rằng sức mạnh quân sự của Mỹ cuối cùng sẽ là đối trọng hiệu quả duy nhất cho sự mạnh bạo ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Thứ hai là sự bất an rõ rệt và ngày càng tăng tại Đông Nam Á trước các ý đồ của Trung Quốc. Kết quả là chính phủ các nước ASEAN ngày càng sẵn sàng thể hiện mối quan ngại của họ với Bắc Kinh. Trung Quốc từ lâu đã cố gắng giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông với Đông Nam Á trong phạm vi song phương và tránh gây chú ý. Việt Nam thì cố gắng theo hướng ngược lại – quốc tể hóa và công khai hóa. Trong vấn đề cụ thể này, lợi thế thuộc về Việt Nam chứ không phải Trung Quốc.

 

Về mặt lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc là một bản hùng ca đấu tranh để giành lấy và gìn giữ độc lập dân tộc khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc, So với điều này, các cuộc chiến tranh gần đây chống lại sự can thiệp của Pháp và Mỹ sẽ là thứ yếu. Gần một nghìn năm trước, nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập với Trung Quốc và duy trì nó (với cái giá không hề rẻ) kể từ đó. Từ khía cạnh này, thời kì cai trị thuộc địa của Pháp, Chiến tranh thế giới thứ Hai và Chiến tranh Lạnh chỉ là những sai số của lịch sử.

 

Trong thời kỳ này, mối oán thù Trung – Việt được hóa giải nhờ vào các mối đe dọa và nhu cầu nổi trội. Trong “Chiến tranh chống Mỹ”, Bắc Kinh và Hà Nội trở thành đồng minh của nhau. Nhưng mối quan hệ đó nhanh chóng đố vỡ sau năm 1975 khi một Việt Nam chiến thắng và thống nhất đã đứng về phía Matxcơva và chống lại Bắc Kinh trong cuộc đối đầu Xô-Trung. Câu chuyện lên đến đỉnh điểm vào năm 1979 khi Trung Quốc phản ứng trước việc

 

Việt Nam đưa quân vào Campuchia (do các cuộc tấn công của Khơme Đỏ vào các làng mạc của Việt Nam) bằng việc cử 30 sư đoàn vượt qua biên giới Việt Nam để thực hiện cái gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học”.

 

Cuộc chơi mới của Việt Nam

 

Bài học lớn nhất rút ra là việc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã không tác chiến tốt theo các tiêu chuẩn quân sự hiện đại. Sự độc lập của Việt Nam được giữ nguyên vẹn. Trong hai thập kỷ kế tiếp, mối quan hệ Trung – Việt bước vào giai đoạn lắng dịu về chiến lược. Cả hai nước đều tập trung vào nhiệm vụ lớn là tái thiết kinh tế và phát triển. Sự sụp đổ của Liên Xô vào đầu những năm 1990 là điều gây bất an cho cả hai nước.

 

Đối với Hà Nội, điều này đồng nghĩa với việc mất đi một nguồn bảo trợ quan trọng về an ninh và kinh tế. Nó cũng đánh dấu sự khởi đầu của một bối cảnh chiến lược hoàn toàn mới, với hai đặc điểm nổi bật là vị trí số một của Mỹ trong vai trò “siêu cường duy nhất” và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực mà Việt Nam có lợi ích. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN và vị thế ngày càng tăng trong tổ chức này là bằng chứng về khả năng của Hà Nội trong việc tạo một lối đi giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự gần gũi ngày càng tăng của Hà Nội với Oasinhtơn, là biểu hiện quan trọng nhất cho sự khéo léo của Hà Nội trong việc giải quyết thế kẹt về chiến lược./.

Không có nhận xét nào: