Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Myanmar bỏ phiếu để thoát khỏi “trục ma quỷ”

Sự  tham gia của phe đối lập trong cuộc tranh cử Quốc hội không đe dọa chính quyền quân sự, mà cho phép đưa đất nước thoát khỏi cơ chế trừng phạt quốc tế.


Ngày Chủ nhật, thủ lĩnh đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Myanmar,  nhân vật từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991 là  bà Aung San Suu Kyi đã được bầu vào Nghị viện. Sự kiện nhân vật đối lập cấp tiến, suốt thời gian  1989-2010 bị quản thúc tại gia, nay giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Nghị viện, không thể được đánh giá cách gì khác hơn là cử chỉ hòa giải với phương Tây của phái quân sự nước này, trên thực tế vẫn nắm quyền lực ở đất nước Nam Á  từ năm 1989 được biết đến với tên gọi Birma.
Quan sát viên ASEAN kiểm tra một phòng phiếu tại Yangon - Ảnh: AFP

Để phái đối lập tham gia tranh cử nghị viện phần nhiều là động thái tượng trưng từ phía nhà cầm quyền Birma. Nói chính xác thì chuyện ở đây không phải là về cuộc bầu cử, mà là bầu cử bổ sung – trong Hạ viện 435 chỗ đã giải phóng 48 chỗ. Các Bộ trưởng của nội các đương nhiệm, tranh cử năm 2010 từ đảng cầm quyền, nay gác quyền hạn nghị sĩ và trở lại Chính phủ.

Theo dữ liệu sơ bộ, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã giành được 47 ghế Quốc hội trong số 48 ghế vừa giải phóng. Dù sao chăng nữa, phe đối lập trong Quốc hội vẫn sẽ là thiểu số không đáng kể so với lực lượng của đảng cầm quyền "Liên minh Đoàn kết và Phát triển", chiếm 259 ghế, và các đại biểu quân sự, được chỉ tiêu đặc biệt là  110 ghế Quốc hội.

Hiện thời chưa rõ, liệu bà Aung San Suu Kyi, nhân vật nổi tiếng có lập trường kiên quyết chống chính quyền quân sự, nay có đồng ý hay chăng đóng một vai trong cuộc "trình diễn dân chủ" tạo điều kiện để các nước phương Tây, mà chủ yếu là Hoa Kỳ, tháo bỏ  biện pháp trừng phạt kinh tế vốn áp đặt với Myanmar. Nhưng cũng không nên quên rằng bản thân nhà lãnh đạo của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ và các tướng lĩnh  từ  Hội đồng  Hòa bình và Phát triển cũ, bất kể sự khác biệt chính kiến, trên hết đều là những người trung thành với chủ thuyết dân tộc Birma.  Khi đối mặt với mối đe dọa chung là thiệt hại kinh tế của đất nước Myanmar, và hậu quả tiếp theo là lệ thuộc chính trị, những đối thủ không khoan nhượng có thể tạm thời từ bỏ tham vọng riêng.

"Điều chính yếu cho Myanmar ngày hôm nay là loại bỏ những biện pháp trừng phạt quốc tế, - chuyên viên Nga Dmitry Mosyakov nhận xét. – Suốt những năm nằm trong vòng phong tỏa, Myanmar  trên thực tế  đã trở thành nước chịu bảo hộ kinh tế của Trung Quốc". Chỉ từ Bắc Kinh có viện trợ kinh tế và quân sự đến Rangoon. Người Trung Quốc từng bước nhưng chắc chắn biến Myanmar thành một tiền đồn của mình trên biển Andaman và rộng hơn là trên toàn bộ tuyến vận chuyển quá cảnh năng lượng từ vùng Vịnh Persid qua Ấn Độ Dương sang Trung Quốc.

Năm 2009, trên đảo Madej ở bang Rakhine đã khởi công xây dựng cảng dầu của Trung Quốc, cần mở  đầu đường ống 771 km với công suất 12 triệu tấn mỗi năm dẫn trực tiếp đến biên giới Trung Quốc. Ngoài ra, trong Bộ tham mưu Hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc người ta coi cảng Madej như một căn cứ “Hạm đội Biển Nam", có khả năng kiểm soát toàn bộ vùng biển Ấn Độ Dương.

Liệu Hoa Kỳ có động tác gì chăng để ngăn chặn quá trình “Trung Hoa hóa” Myanmar nếu đất nước này thoát khỏi vòng trừng phạt quốc tế, rồi chúng ta sẽ biết trong thời gian tới. Nếu không có tín hiệu rõ ràng từ Washington, hoàn toàn có khả năng là chính phủ và phe đối lập Myanmar sẽ một lần nữa trở lại cuộc đối đầu khắc nghiệt.

Theo Tiếng nói nước Nga. 

Không có nhận xét nào: