"Nhìn bề ngoài Việt Nam có vẻ giống một câu chuyện thành công, nhưng với sự tan băng gần đây của Myanmar, giờ đây Việt Nam đã thành quốc gia hà khắc nhất Đông Nam Á". Dustin Roasa
Tác giả: Dustin Roasa
Người dịch: Đan Thanh
Gần bốn thập niên sau khi chiến tranh
Việt Nam kết thúc, kẻ thù cũ của nước Mỹ hiện được cả thế giới xem là
một tấm gương về sự thành công (nguyên văn: success story, câu chuyện
thành công – ND). Việt Nam có một nền kinh tế bùng nổ, giai cấp trung
lưu lớn mạnh dần, du lịch và các ngành công nghiệp đang khởi sắc. Nhưng
trong khi cải cách chính trị làm đổi thay Myanmar, thì Việt Nam đang có
nguy cơ biến thành một cái khác: đất nước hà khắc nhất Đông Nam Á. Tuần
này, các công tố viên một tòa án ở TP.HCM truy tố ba blogger Việt Nam
tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” – vụ mới nhất trong một loạt những
vụ bắt bớ nhằm làm cho phong trào chống đối đang dâng lên phải ngậm
miệng.
Trong
khi Myanmar tự do hóa thì Việt Nam tiếp tục đàn áp người bất đồng chính
kiến. Kể từ ngày 13-1, khi các junta (nhà cầm quyền quân phiệt) ở Miến
Điện phóng thích hàng trăm tù chính trị trong một đợt ân xá lớn, thì an
ninh Việt Nam bắt giữ ít nhất 15 người bất đồng chính kiến và kết án tù
11 người khác. Trong khi bà Aung San Suu Kyi tươi tắn giành thắng lợi
bầu cử và sẵn sàng cho cương vị của mình trong quốc hội, thì những nhân
vật chống đối nổi bật nhất của Việt Nam đang tàn lụi trong nhà tù, trong
chế độ quản thúc tại gia, hoặc trong trại cải tạo (vâng, những trại cải
tạo đó giờ vẫn được sử dụng).
Và trong khi Myanmar cấp thị thực cho các
phóng viên nước ngoài cũng như nới lỏng vòng tay xiết cổ báo chí quốc
nội, thì Việt Nam tiếp tục kiểm soát chặt chẽ báo chí trong nước và nước
ngoài, chặn Facebook và các website “nhạy cảm” khác, khiến Phóng viên
Không Biên giới phải xếp họ ở vị trí thấp nhất trong các quốc gia Đông
Nam Á trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí 2011-2012 của tổ chức này. Đem so
sánh, Việt Nam chỉ hơn Trung Quốc có hai bậc, xếp thứ 172 trên tổng số
179 nước.
“Việt
Nam bắt đầu nhận ra rằng bằng việc tiếp tục đàn áp nhân quyền, họ đang
mời dư luận tiến hành những so sánh không dễ chịu gì giữa họ với Miến
Điện, về mức độ lạm quyền ở ASEAN [Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á]” –
ông Phil Robertson, Phó Giám đốc của Human Right Watch khu vực châu Á,
cho biết.
Đàn
áp chính trị không phải chuyện mới mẻ gì ở Việt Nam. Kể từ khi Sài Gòn
sụp đổ năm 1975, Đảng Cộng sản đã cai trị đất nước bằng quả đấm thép.
Nhưng nhiều năm bị cô lập trong Chiến tranh Lạnh, thiếu vắng một lực
lượng đối kháng có tổ chức trong nước – chưa nói tới mặc cảm tội lỗi vì
chiến tranh của phương Tây và thiện cảm ý thức hệ vẫn còn lay lắt mà một
số nước cánh tả dành cho Hà Nội – đã khiến rất ít người quan tâm chú ý
tới thực trạng nhân quyền tồi tệ của đất nước này.
Khi chính phủ mở cửa
nền kinh tế vào những năm 1990, giới đầu tư nước ngoài và kiều hối bắt
đầu đổ vào, và kể từ đó, thế giới chủ yếu đã chỉ chú ý tới sự thần kỳ
kinh tế của Việt Nam. Đất nước tiếp tục tiến lên, từ vị trí một trong
những quốc gia nghèo nhất thế giới vào giữa thập niên 1980 với thu nhập
đầu người dưới 100 USD, trở thành một con Hổ châu Á tăng trưởng nhanh
chóng, thu nhập đầu người đạt 1.130 USD vào cuối năm 2010.
Đối với cộng
đồng quốc tế – những người chứng kiến sự mở đầu cuộc cải cách kinh tế
của chính phủ – thì đất nước dường như đang tiến bước vững chắc trên con
đường tự do hóa hậu Chiến tranh Lạnh, con đường mà nhiều nước trong
khối Xô Viết cũ đã chọn lựa. Đa số trong hàng triệu người nước ngoài đến
hoặc sinh sống ở Việt Nam đã bị làm phiền bởi sự hạn chế về quyền ngôn
luận và quyền tụ tập – vốn không phải là một thực tế trong đời sống hàng
ngày của người Việt Nam. Nhưng điều đó không làm ảnh hưởng gì tới hình
ảnh của chính phủ.
Mặc
dù mang cái mẽ bề ngoài là tự do hóa, nhưng ban lãnh đạo nòng cốt hiện
nay của Đảng Cộng sản bảo thủ về chính trị hệt như bất cứ ban lãnh đạo
nào khác từ thời thống nhất tới giờ. Đứng đầu là một nhóm quan chức
trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Trương Tấn Sang, cái
khối này đàn áp không thương xót Khối 8406, một phong trào dân chủ quốc
nội kiểu như Hiến chương 77 của Tiệp Khắc ngày trước. Được thành lập vào
năm 2006, nhóm 8406 thu hút hàng nghìn người ủng hộ công khai – và chắc
chắn là còn đông nữa những người ủng hộ bí mật – trước khi chính quyền
tiêu diệt họ bằng cách tống hàng chục người vào tù. Thêm vào đó, chính
quyền còn nhằm cả vào các nhà lãnh đạo tôn giáo, gồm cả tăng ni Phật
giáo lẫn linh mục Thiên Chúa giáo, vì giới này cổ súy cho tinh thần
khoan dung tôn giáo. Trong vài năm gần đây, chính quyền cũng gây phiền
nhiễu và bỏ tù nhiều người Việt Nam yêu nước, kêu gọi đất nước đứng dậy
trước Trung Quốc. Mặc dù vậy, bất chấp nguy hiểm, các nhà hoạt động Việt
Nam vẫn tiếp tục phát biểu về đa nguyên chính trị, về tham nhũng, và tự
do ngôn luận – và kết cục là họ lại phải đi tù hoặc đi tị nạn chính
trị.
Quá
trình tan băng ở Myanmar có lẽ là món quà tuyệt vời nhất cho họ. Sự đổi
thay ở Myanmar chống lại cái tư duy thiển cận về Việt Nam của cộng đồng
quốc tế, và đặt vấn đề nhân quyền lên hàng đầu. Quan trọng nhất là,
theo một số nhà quan sát lâu năm về Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam rất sợ
điều này xảy ra. “Giới lãnh đạo Việt Nam đang theo dõi sát sao những
diễn biến hiện nay ở Myanmar, và họ sợ” – ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên
gia về chính sách đối ngoại Việt Nam ở Đại học George Mason, cho biết.
“Trong quá khứ, Việt Nam từng sử dụng vai trò của họ ở ASEAN để thúc
đẩyMyanmar phải thay đổi. Nhưng bây giờ, Myanmar lại đi nhanh hơn Việt
Nam”. Lãnh đạo Hà Nội có vẻ đã tính nhầm: Trước kia, những lo ngại về
tình hình nhân quyền ở Myanmar là một gánh nặng ngăn trở tính chính danh
của ASEAN trên trường quốc tế, thế nên Việt Nam và các nước khác đã
khôn ngoan yêu cầu các junta Miến Điện cải cách. Dù vậy, cái mà họ không
hề đòi hỏi, là một cú chuyển đổi 180 độ để đem đến một cuộc cải cách
sâu sắc. Và khi Myanmar ngày càng không còn giống một nhà nước của công
an, cảnh sát nữa, thì Hà Nội sợ sẽ bị thế giới chú ý sát sao theo cách
họ không mong muốn. “Nếu Myanmar đạt tiến bộ về vấn đề nhân quyền và
được tưởng thưởng, thì Việt Nam cũng sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn
đó” – ông Carl Thayer, một chuyên gia Việt Nam học ở Học viện Quốc phòng
Australia, cho biết. Giới lãnh đạo Việt Nam còn sợ mất vai trò nhà
trung gian quan trọng ở ASEAN, tức là làm trung gian giữa Mỹ và Trung
Quốc. “Việt Nam sợ là Myanmar sẽ trở thành nước được ASEAN yêu mến” –
ông Thayer nói.
Những
nỗi sợ này đem đến cho những người lo ngại về tình hình nhân quyền ở
Việt Nam một thứ vốn dĩ bị thiếu trong vài năm gần đây: động lực. Cách
đây đã lâu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được hưởng món lợi thường vẫn dành
cho các chế độ toàn trị biệt lập như là phần thưởng để kích thích họ
thay đổi: trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, quan
hệ ngoại giao được cải thiện, và những hợp đồng làm ăn nhiều ưu đãi –
tất cả những món lợi đó, Việt Nam được hưởng mà chẳng phải nhượng bộ gì
đáng kể về chuyện nhân quyền như các nước khác thường vẫn bị đòi hỏi.
Song, khi Việt Nam lo ngại về khả năng bị tụt lại trong khu vực Đông Nam
Á, các chính phủ Mỹ và châu Âu – vốn hay tuyên bố là họ quan tâm đến
cải cách chính trị ở Việt Nam – nên tận dụng và gây áp lực nhất quán,
mạnh mẽ lên Việt Nam, cái áp lực mà họ đã không có trong quá khứ.
Cùng
với việc lãnh đạo Việt Nam ngày càng lo lắng hơn về các dự định của
Trung Quốc trong khu vực, nhất là về những yêu sách chủ quyền tranh chấp
các hòn đảo giàu tài nguyên trên Biển Đông, Việt Nam đã bắt đầu thảo
luận với chính quyền Obama về khả năng hợp tác quân sự. Đây là một cơ
hội rất tự nhiên để thúc ép Việt Nam trong vấn đề nhân quyền, và tới giờ
thì các quan chức Mỹ đã nói được điều đúng đắn. “Có một số hệ thống vũ
khí Việt Nam muốn mua hoặc muốn được chúng tôi chuyển giao, và chúng tôi
có thể chuyển giao những hệ thống này cho họ. Nhưng điều đó sẽ không
xảy ra trừ phi họ cải thiện thành tích về nhân quyền” – Thượng nghị sĩ
Joe Lieberman cho biết sau chuyến thăm Hà Nội cùng Thượng nghị sĩ John
McCain hồi tháng 1. Ban lãnh đạo Việt Nam đang chịu áp lực từ chính nhân
dân của mình, đòi họ phải đứng dậy trước kẻ thù lịch sử là Trung Quốc,
và sự hậu thuẫn về quân sự từ phía Mỹ sẽ giúp hải quân Việt Nam trở
thành một đối thủ đáng gờm hơn nhiều trên Biển Đông.
Nhưng
nếu Myanmar có cho thấy điều gì, thì đó là sự chú ý trên phạm vi quốc
tế của các nhà hoạt động, nhà báo, và các nhóm nhân quyền, là yếu tố
quan trọng nhất để khiến các chính phủ phương Tây phải xem xét đến những
lời hứa hẹn về nhân quyền. Myanmar hẳn đã không nhận được phần thưởng
sớm nếu như họ không có cải cách đi kèm; phản ứng của cộng đồng quốc tế
quả là đã quá mạnh. Thêm vào đó, bà Aung San Suu Kyi đã nói vô số lần –
cũng như vô số các nhà bất đồng khác trên thế giới đã nói – về sức mạnh
đạo đức mà sự nghiệp cách mạng của họ có được, nhờ được sự ủng hộ từ
công luận quốc tế.
Vấn
đề lớn đối với phong trào dân chủ Việt Nam, là nó đã không thu hút được
sự chú ý của cộng đồng quốc tế như các trường hợp Myanmar, Tây Tạng,
hay Trung Quốc – mặc dù các thành viên của phong trào này cũng cổ súy
những lập trường tương tự và cũng đã có những hy sinh cá nhân tương tự.
“Chúng tôi không có nhà lãnh đạo nào được giải Nobel như Đạt Lai Lạt Ma
hay Aung San Suu Kyi. Đó là những tiếng nói có ảnh hưởng quốc tế” –
Nguyễn Quân, bác sĩ người Mỹ gốc Việt, nói. Em trai ông Quân là ông
Nguyễn Đan Quế, là một nhà hoạt động nổi tiếng, từng bị tù hơn 30 năm và
hiện vẫn bị quản thúc tại gia. Ở nước ngoài, Nguyễn Quân đại diện cho
phong trào, gặp gỡ chính phủ các nước, một nhiệm vụ thường là mệt mỏi và
kéo dài. “Chúng tôi phải rất chật vật để có thể khiến mọi người chú ý.
Người ta vẫn không muốn nói tới Việt Nam, vì bóng ma chiến tranh. Nhưng
chúng tôi càng nói, chúng tôi càng tố cáo được những hành động lạm quyền
của chính phủ Việt Nam” – ông Quân cho biết. Năm nay, có hai nghị sĩ Mỹ
đã đề cử ông Nguyễn Đan Quế nhận giải Nobel Hòa bình.
Myanmarcũng
cho thấy dự đoán một chính quyền sẽ thay đổi bao giờ và như thế nào là
trò ngốc. Nhưng nếu lịch sử hiện đại có thể là một chỉ dấu, thì nhân dân
Việt Nam đã cho thấy rằng họ hoàn toàn có khả năng đứng dậy đương đầu
với áp bức. Chính quyền hiện tại đã được nhắc nhở về điều này, sau những
sự kiện chưa từng có tiền lệ hồi tháng 1 vừa qua: Ở ngoại ô Hải Phòng,
thành phố cảng phía bắc, một nông dân nuôi cá đã lãnh đạo một vụ nổi dậy
có vũ trang nhằm vào chính quyền địa phương, do quan chức ở đây âm mưu
tịch thu đất của ông sau khi hết hạn thuê đất (Việt Nam không cho phép
sở hữu tư nhân về đất đai). Ông trở thành anh hùng dân tộc, và trong một
loạt biến cố đảo chiều ngoạn mục, chính quyền trung ương cũng như báo
chí quốc doanh, ban đầu lên án người nông dân nọ, sau đó chuyển sang bảo
vệ ông. Năm tới, trên toàn quốc, những hợp đồng cho thuê đất tương tự
cũng sẽ hết hạn, có nguy cơ ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân nghèo. “Đây
là một quả bom nổ chậm” – ông Thayer nói.
Cho
đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vốn rất thành thạo trong việc định
hướng những quả bom hẹn giờ ấy – và trong việc nhào nặn nên lối kể
chuyện về một nước Việt Nam đương đại như một trường hợp thành công về
kinh tế và ổn định chính trị. Nhưng với những thay đổi mà bước ngoặt của
Myanmar đã mang lại, và cùng với đó là sự đàn áp của Đảng Cộng sản Việt
Nam đối với những ai chỉ trích họ, cuối cùng đã đến lúc vấn đề nhân
quyền phải giữ vị trí trung tâm trong những trao đổi giữa phương Tây với
Việt Nam. Phong trào dân chủ của đất nước này – dàn trải nhưng đã trở
nên táo bạo hơn sau bao năm bị khủng bố – cho thấy họ đang sẵn sàng đem
chuyện của mình kể ra thế giới. Nguyễn Quân – vẫn giữ liên lạc thường
xuyên với người em trai của mình là nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Đan
Quế – nhớ lại một cuộc trò chuyện gần đây giữa hai anh em. “Quế nói với
tôi rằng mọi chuyện bây giờ khác rồi. Người ta không còn sợ hãi như cách
đây 10 năm nữa. Ngày càng có nhiều thanh niên tham gia hơn” – ông kể.
“Họ càng bắt bớ nhiều người, thì phong trào càng lớn mạnh hơn”.
Nguồn: Foreign Policy
(*) - Đầu đề của NSGV.
- Nguyên gốc là: Con hổ hung dữ (Việt Nam cũng có những lúc được coi là một “con hổ châu Á”, ở đây có lẽ tác giả nhái cách gọi đó với hàm ý giễu cợt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét