Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Báo chí Việt Nam: Ngày càng xiết chặt

Ngày 21/6 hằng năm được chính thức công nhận là ngày “Nhà Báo Việt Nam”. Nền báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt 87 năm qua có những diễn biến ra sao?
000_Hkg01
AFP photo
Một chủ quán cà phê vỉa hè đang đọc báo buổi sáng.

Ngày càng xiết chặt

Kể từ số báo Thanh Niên đầu tiên xuất bản ngày 21/6/1925 mở màn cho nền báo chí cách mạng Việt Nam đến nay đã được 87 năm. Trong khoảng thời gian xấp xỉ một thế kỷ, lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 1925 đến 1945 ở chiến khu và vùng giải phóng. Giai đoạn 2 từ 1945 đến 1975 ở miền Bắc dưới nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Giai đoạn thứ 3 từ 1975 trở về sau, báo chí Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Thống kê đến nay cho thấy có khoảng 700 tờ báo cùng 60 đài phát thanh và truyền hình đóng vai trò công cụ truyền thông ở Việt Nam hiện nay. Song song với số lượng lớn các cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước mà người dân trong nước hiện nay gọi là “báo lề phải”, một kênh thông tin khác được mệnh danh ‘lề trái’ xuất hiện trên mạng internet giúp người dân có thể cập nhật tin tức một cách hữu hiệu và nhanh chóng.

Đến thời điểm này của năm 2012, có hơn 30 triệu người Việt Nam trong nước sử dụng internet và có khoảng 6 triệu người có blog cá nhân.

Blogger Uyên Vũ trước khi viết blog từng làm việc nhiều năm với các cơ quan báo chí “lề phải” cho biết Ban Tuyên Giáo chỉ đạo trực tiếp nên khai thác những vấn đề nào và những đề tài nào không được đề cập tới dù đang xảy ra trong xã hội được công chúng quan tâm đặc biệt. Tùy theo tình hình mà Ban Tuyên Giáo chỉ đạo cho các cơ quan báo chí phải chuyển tải thông tin đến công chúng như thế nào. Nếu các vụ việc xảy ra được cho là khá nguy hiểm hay nhạy cảm liên quan đến chính trị thì bị xiết lại. Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian nào đó mà ban Tuyên Giáo cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn thì sẽ nới rộng biên độ cho thông tin và bình luận. Báo chí chính thống sẽ bị chi phối theo ý kiến quyết định chủ quan của cơ quan lãnh đạo.

Trả lời câu hỏi của Hòa Ái về tình hình báo chí chính thống trong nước hiện nay có đổi mới, thông thoáng hơn khi Việt Nam hội nhập với cộng đồng quốc tế trong nhiều lãnh vực, kể cả lãnh vực truyền thông, một nhà báo “lề phải” chỉ có thể nói một câu ngắn gọn:
“Không, không. Hình như là càng ngày càng khó khăn hơn chứ không thoáng. Tức là phải đi bên phải, đúng phải.”

Một nhà báo “lề phải” khác chia sẻ như sau:
“Mình thấy môi trường làm báo hiện nay có khó khăn hơn so với 5,6 năm trước. 5, 6 năm trước, mình có thể nói góp ý các chính sách một cách thoải mái hơn bây giờ. Còn hiện tại, hầu như các báo ngại những vấn đề lớn. Cho nên người ta không thể nói do chính sách xiết chặt về quản lý báo chí.”

Tình hình cưỡng chế đất đai ở khắp các tỉnh thành có thể nói đang ở mức báo động đỏ ở Việt Nam. Ngày càng có nhiều dân oan mất đất, mất nhà phải ăn bờ ngủ bụi, chầu chực nhiều năm tháng ở các cơ quan công quyền để khiếu kiện. Họ kêu cứu, họ biểu tình trong ôn hòa, họ phản kháng, họ bị bắt bớ, họ bị giam cầm…nhưng hầu như tất cả các cơ quan báo đài “lề phải” đều im hơi lặng tiếng.

Nhà báo hy vọng gì

Việc nhập cuộc của truyền thồng ‘lề phải’ trong vụ “tiếng súng hoa cải” của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn vang lên hồi đầu năm 2012, đã bị chính những quan chức trong ngành truyền thông phê phán đi quá đà.

Hàng triệu dân oan trong nước cũng như dư luận thầm phấn khởi với hy vọng những oan ức nhiều năm trường của nhiều người sẽ được báo đài chính thống lên tiếng chuyển tải đến các nhà lãnh đạo cấp cao và giải quyết thỏa đáng cho họ. Tuy nhiên, sự kiện cưỡng chế đất ở Văn Giang và hình ảnh lõa thể của hai me con giữ đất ở Cần Thơ dường như dập tắt hết mọi hy vọng mong manh của dân oan khi báo chí “lề phải” chỉ đưa tin một cách qua loa. Blogger Uyên Vũ cho biết lý do vì sao như vậy với riêng nhận xét theo chủ ý cá nhân. Ông nói:
“Đằng sau tất cả những vụ việc cưỡng chế đất đai là các tập đoàn kinh tế lớn thì tập đoàn kinh tế lớn nào đủ để chi phối thời cuộc hoặc là chi phối cả truyền thông thì đó là tiếng nói quyết định của truyền thông.”

Trong cuộc đối thoại trực tuyến hôm 12/6 vừa qua, ông Nguyễn Bắc Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông, phát biểu rằng Việt Nam chưa có kế hoạch tư nhân hóa báo chí hay đề nghị thành lập các tập đoàn truyền thông tại Việt Nam.

Khi được hỏi, có hy vọng nào cho ngành truyền thông nhân ngày “Nhà Báo Việt Nam” - 21/6? Thì những nhà báo cả “lề phải” cùng “lề trái” đều mong mỏi quyền tự do báo chí ở Việt Nam được chú trọng hơn để tâm huyết trong công việc của họ được công chúng nhiệt tình đón nhận như những giá trị tinh thần hằng ngày không thể thiếu; chứ không phải là những món ăn được chế biến theo cùng một công thức mà công chúng phải ép lòng nuốt vào dù ngán đến tận cổ.

“Làm báo thì lúc nào cũng hy vọng môi trường làm báo sẽ tốt lên. Tự do báo chí càng ngày càng được mở rộng. Anh em làm báo lúc nào cũng muốn môi trường làm báo thuận lợi. Hy vọng các chính sách của nhà nước sẽ có những quy định nới lỏng hơn đối với báo chí để quyền tự do báo chí được thoải mái hơn trước.”

Ngành truyền thông báo đài ở Việt Nam dù có trường tồn theo thời gian mà không không thực hiện đúng chức năng chuyển tải thông tin gắn chặt với đời sống xã hội của người dân, không để cho người dân tự do bày tỏ những nguyện vọng chính kiến của mình, không cải tổ đổi mới thông thoáng trong tự do báo chí thì sẽ mãi lỗi nhịp trong giàn giao hưởng chung của cộng đồng truyền thông quốc tế.
Hòa Ái
Theo rfa

Không có nhận xét nào: