Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

CON ĐƯỜNG NÀO CHO VIỆT NAM


Bài 1: Đừng có ảo tưởng

Việt Nam đất nước tôi - Thuở 4000 năm....

Có nhiều người nói đến việc trông mong ở Việt Nam có một Elsin như của nước nga. Đó chỉ là  ảo tưởng!

Có người lại nghĩ rằng với sự giúp sức của nước ngoài sẽ trở về để lật đổ Chính quyền Việt Nam hiện hữu. Đó chỉ là ảo tường!

Lại có người tin rằng người dân việt Nam sẽ nổi dậy thay thế chế độ độc Đảng, tham nhũng và bất công để giành Chính Quyền. Đó chỉ là ảo tưởng!

Cũng có những người nhìn thấy Libia thì nghĩ rằng Việt Nam cũng sẽ có ngày như vậy. Đó chỉ là ảo tưởng!

 Lý do vì sao tôi nói vậy?


Thứ nhất, các lãnh đạo Việt Nam hiện nay và trong khoảng 10 năm tới chưa thấy một gương mặt nào có đủ tầm và đủ tâm để có thể làm Elsin của Việt Nam. Chính quyền Hà Nội luôn bị giằng xé, chia cắt nhau bởi quyền lực và lợi ích, nhưng bản chất họ vẫn phải dựa vào con bài Đảng cộng sản để củng cố quyền lực và lợi ích của chính họ. Quyền lực và Lợi ích, cả hai thứ đó, có thể khẳng định chưa có một nhân vật nào trong giới chóp bu Hà Nội không bị vướng vào, không lúc này thì lúc khác. Trong từng thời điểm, vì mục tiêu của cá nhân họ, có thể họ tạm hy sinh quyền lợi trong ngắn hạn, lấy chiêu bài 'chống tham nhũng' để lôi kéo sự ủng hộ của người dân và làm lá bài để tiêu diệt đối thủ. Song nếu mục tiêu quyền lực cá nhân đã đạt được thì họ hoặc vợ con họ cũng sẽ lại lao vào mục tiêu quyền lợi như những con thiêu thân. Đó là vòng tròn khép kín của giới chóp bu Hà Nội hiện nay và đó cũng là sản phẩm tất yếu của chế độ độc Đảng khi không bị đối thủ, đảng phái khác kiềm toả.

Việt Nam qua bao nhiêu kỳ Đại hội Đảng, song một điều đáng suy nghĩ là càng thế hệ sau càng kém hơn thế hệ già đi trước về nhiều mặt. Chỉ nói những thế hệ gần đây nhất như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Đỗ Mười, dù họ là những cộng sản nòi và cuồng tín. Song một điều có thể thấy: Họ yêu đất nước của họ, tất nhiên yêu theo kiểu của họ, nhưng ít nhất họ cũng thật lòng yêu đất nước, thật lòng muốn làm được cái gì đó cho dân tộc. Tuy nhiên vì thể chế do chính họ đề ra đã trói buộc họ và cũng do chính sự hạn chế trong tư duy và nhận thức nên họ chỉ vùng vẫy trong cái ốc đảo dị thường của mình. 

Đến thế hệ sau này, từ Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Nguyễn Tấn Dũng , Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng - Qua tất cả những việc quá khứ họ đã làm và đang làm cho phép chúng ta có thể nói rằng 'HẬU SANH KHÔNG KHẢ UÝ'. Ở những người này đều thiếu vắng một cái 'Uy' để có thể tập hợp, quy tụ sự đoàn kết đứng dưới ngọn cờ của mình. Tại sao vậy? Điều đơn giản mà dễ hiểu: Chưa có một ai thật sự có trái tim và khối óc thật sự vì nhân dân, vì Tổ Quốc như họ vẫn thường hô hào, chưa có ai có đủ sự trong sạch thật sự để có thể làm run sợ kẻ tham nhũng mà không sợ điểm yếu của mình bị phơi bày. Bậc hiền tài ắt sẽ quy tụ được thánh nhân phò trợ, còn 'ngưu sẽ tầm ngưu' là điều tất yếu.

Nhưng một nguyên nhân quan trọng nữa chính là sự vô cảm và chỉ biết lo thân. Không phải trong giới chóp bu Hà Nội không có người đã nhận rõ con đường đi của một chế độ độc đảng sẽ chỉ đưa đất nước vào ngõ cụt. Trong một  vài khoảng khắc, ở chỗ này, chỗ kia họ đã bộc lộ một cách vô thức điều dấu kín sâu thẳm trong tiền thức của họ. Song họ có dám đứng lên phất cờ không thì câu trả lời là KHÔNG. Việc Hội nghị Trung Ương 5 bác bỏ việc Việt Nam có thể chuyển đổi sang hướng tam quyền phân lập cho thấy những người manh nha tạo dấu mốc lịch sử cho Việt Nam giảm bớt sự chi phối của Độc Đảng còn quá phân tán bởi toan tính cá nhân. Có số mong muốn tam quyền phân lập chỉ đơn giản nhằm làm giảm bớt tầm ảnh hưởng của Đảng để phục vụ cho mưu toan thu vén, vơ vét cá nhân.  Có người không đủ dũng khí trước cuộc đấu tranh trong chính tự bản thân họ, 'Phất ngọn cờ mới hay thả theo dòng nước trôi'? Chưa ai có đủ tự tin để dám đứng ra phất ngọn cờ cải tổ lại thể chế chính trị ở Việt Nam vì họ sẽ phải đối mặt với 'Được ăn cả, ngã về không'! Cuối cùng thì cái tôi vẫn chiến thắng! Nương mình theo dòng nước, dù là dòng nước bẩn cũng còn cơ hội sống sót đến cuối đời ra về với triết lý 'hạ cánh an toàn' bằng các thoả hiệp với thế hệ nối tiếp "Tôi sẽ cho anh lên với cam kết để cho con cái tôi được yên, mọi tội lỗi không bị khơi dậy..", mấy kỳ Đại hội Đảng đã qua việc nhân sự chóp bu từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở đều quay cuồng bởi  triết lý như vậy. Không có 'Hổ phụ' làm sao sanh 'Hổ tử' để ai đó có thể trông mong 10-20 năm nữa sẽ có một Elsin của Việt Nam?; Nếu lội ngược dòng chưa biết đến được bến bờ vinh quanh hay lại vụt tắt sớm. Vậy thì con đường nhắm mắt nương theo dòng nước có nhãn mác Đảng cộng sản là an toàn nhất, là chiếc vé đi tàu suốt đến ga cuối!... Đó là lý do nhân dân đừng ảo tưởng trông chờ vào sự đột biến từ giới chóp bu Hà Nội.

Thứ hai, ai đó nghĩ rằng dựa vào nước ngoài để thay đổi toàn diện bộ mặt mới của Chính Phủ Hà Nội thì càng là ảo tưởng vô vọng. Người Việt Nam có một truyền thống vô cùng quý giá: Trong nhà có thể đang chém giết nhau, nhưng nếu thấy hàng xóm xông vào nhà can thiệp thì họ lập tức đoàn kết lại để tống khứ cái ông hàng xóm ra, nhất là ông hàng xóm ngoại bang thì chỉ càng làm cho nhân dân căm phẫn. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều đó quá rõ. 

Từ nhiều năm qua, Các tổ chức chống cộng mọc như nấm sau cơn mưa tại nước ngoài, ngay tại Mỹ cũng có hàng vài trăm tổ chức như vậy, mỗi năm CIA đều rót tiền cho những tổ chức này và ngay chính những nhà chiến lược chuyên về Việt Nam của CIA cũng hiểu rất rõ rằng những phong trào chống cộng, những Đảng phái với ông Thủ Tướng này, Tổng thống nọ tự phong ở nước ngoài sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì, chẳng qua chỉ có thể như những con muỗi vo ve, may lắm có thể làm Chính quyền Hà nội khó chịu chứ chẳng thể làm cho họ bị hề hấn gì. Vì vậy mà ngân sách của CIA rót cho mỗi Đảng phái, tổ chức này cũng chỉ như hạt muối đủ để phát tiếng vo ve...

Thứ ba, Nếu nghĩ đến người dân sẽ bạo động giành chính quyền ở Việt Nam thì nên quên điều đó đi. Người dân Việt Nam sau hàng ngàn năm chịu thống khổ, hết ách giặc Tàu, lại đến giặc Pháp rồi cuộc chiến tranh với Mỹ và Chính quyền sài gòn... những cuộc chiến tranh này đã để lại biết bao hậu quả mà đến nay người dân Việt Nam vẫn còn phải gánh chịu. Thật sự chiến tranh là đau thương, tang tóc, bất cứ sự bất ổn định nào như Thái Lan sẽ kéo lùi đất nước lại cả trăm năm vì nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi, kinh tế đất nước không thể phát triển được khi đất nước bất ổn định về chính trị. Chính vì vậy, đông đảo người dân sẽ không chấp nhận bất cứ ai đẩy đất nước đến cảnh lầm than, bạo động, bất ổn và chắc chắn sự thất bại có thể thấy trước cho những ai có ý tưởng bạo động như vậy.

Vậy làm thế nào để có thể đưa đất nước đến sự dân chủ, đa Đảng?

(còn tiếp)
Người Hà Nội (theo Quanlambaoblog)

Không có nhận xét nào: