Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Trao đổi: “Tự ra khỏi Đảng” lặng lẽ


"Không biết cái từ “Đảng” thiêng liêng như thế nào với bà con miền Bắc, với đội ngũ đảng viên thời chiến tranh ?
Còn từ năm 1975 đến nay, danh xưng “đảng viên Đảng CSVN” ở miền Nam ngày càng xuống cấp trầm trọng. Ngày ấy, trong lòng nhiều người dân, những đảng viên chỉ là biểu tượng cụ thể bằng xương bằng thịt của một chế độ bất công và ngu dốt. Không thiếu giai thoại tiếu lâm về những “ông” đảng viên là chủ tịch, bí thư cấp xã phường, quận huyện, đã ngu còn tỏ ra mình nguy hiểm. Còn hiện tại, những “đảng viên” lại trở thành biểu tượng được đánh đồng về nạn tham lam, hối lộ, mua chức bán quyền, tham nhũng của công... Nói nôm na theo ngôn ngữ Bác ba Phi ở miền Tây, thì đảng viên cũng đồng nghĩa với hai từ : Ăn Cắp. Đây không phải là sự nói ngoa. Vì được vào đảng cũng có nghĩa là được tin tưởng, được cất nhắc, có chức > có quyền> có tiền. Và 10 đảng viên mà có chức vụ trong bộ máy, có được mấy anh không ham tiền hay quyền lực ? Một số ít đảng viên nếu có lòng tự trọng của NGƯỜI, còn tin vào lý tưởng của lảnh tụ, khát vọng CNXH… nếu không bỏ tổ chức, thì cũng liều “nhắm mắt đưa chân”, rồi đang là ĐỎ bị nhuộm ĐEN lúc nào cũng không hay.


Tôi có quen biết một ông bạn ở quận 4 – Sài Gòn. Lý lịch của ông chẳng "đẹp" gì, vì có dính líu đến chế độ cũ. Nhưng một hôm ông khoe :- Con út của tôi được kết nạp đảng. Hỏi tại sao vào được. Ông trả lời :- Tuy vất vả đi xác minh ( là đi điều tra 03 đời), ba, bốn lần. Nhưng cuối cùng cũng vào được, phải tốn 02 lượng cho tổ chức và chi bộ! Ông nói thêm, là thực lòng nó đâu có muốn vào, nhưng do công ty của nó thiếu chỉ tiêu phát triển đảng nên cuối cùng nó lại được. Dù có tốn !

Đảng viên còn quyền lợi như Đinh La Thăng, thì dù có trải thảm họ cũng chưa muốn bước ra. Đảng viên bỏ trốn như Dương Chí Dũng, thì có làm lễ linh đình, cũng chẳng tác dụng gì. Thôi thì mấy đảng viên có lương tâm, nếu đã “ngộ”, cứ âm thầm như cô Hoàng Yến thì lại hay. Hoặc như cách làm của đảng viên Ba Sàm ở trang này cũng thú vị. Ai muốn hiểu sao thì hiểu .

Việc phát triển đảng viên tràn lan như hiện nay chính là một nguyên nhân làm cho đội ngũ đảng viên CS ngày càng biến CHẤT, dù LƯỢNG thì đông đảo. Chính quyền đã lầm tưởng khi có một đội quân hậu bị đông đảo 3,4 triệu đảng viên làm cánh tay đắc lực, thì họ sẽ vững ngôi “vương” đến muôn năm. Nhưng bài học của Hitler với 1,8 triệu đảng viên Nazi, của Nga xô với gần 20 triệu đảng viên (vào năm 1990) vẫn còn nóng hổi tính thời sự đấy thôi!"
Trực Ngôn


“Tự ra khỏi Đảng” lặng lẽ


Đinh Văn Quế *
Nguồn: Pháp luật TPHCM

Bà Hoàng Yến bị Quốc hội khóa XIII bãi nhiệm tư cách đại biểu vì đã không trung thực khi khai lý lịch ứng cứ đại biểu Quốc hội.

 Bà từng là đảng viên nhưng không khai điều này. Bà ra khỏi Đảng với hình thức khi chuyển sinh hoạt Đảng bà đã không nộp hồ sơ về địa phương, vì bà “tự thấy mình không còn là đảng viên”. Hình thức ra khỏi Đảng này tạm gọi là “tự ra khỏi Đảng”.

Tình trạng “tự ra khỏi Đảng” theo cách này không phải cá biệt. Tuy chưa có thống kê số lượng trên cả nước là bao nhiêu nhưng nếu thống kê đầy đủ, tôi tin không phải là hai con số. Trước đây, đảng viên bị khai trừ hoặc bị xóa tên mới không còn là đảng viên nữa. Không ai muốn ra khỏi Đảng, vì hai chữ “đảng viên” đối với công dân Việt Nam rất thiêng liêng, họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ. Còn bây giờ, một bộ phận đảng viên không còn thiết tha với Đảng nữa, khi hai chữ “đảng viên” không còn có tác dụng đối với họ thì họ tự ra khỏi Đảng. Phải chăng đây cũng là một biểu hiện của sự “suy thoái” đối với một bộ phận đảng viên?

Tự ra khỏi Đảng bằng cách không nộp giấy sinh hoạt Đảng và hồ sơ đảng viên cho tổ chức Đảng nơi mà đảng viên được giới thiệu đến sinh hoạt, gồm nhiều đối tượng như công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước; cán bộ, nhân viên trong các tổ chức xã hội, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng công an và quân đội…

Trước đây, đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng từ nơi này đến nơi khác chỉ được mang theo “Giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt Đảng”. Thậm chí giấy giới thiệu cũng không được mang theo người vì lý do bí mật hoặc đề phòng đảng viên bị hy sinh, bị bắt…, còn hồ sơ đảng viên thì được chuyển qua đường công văn. Khi nhận được hồ sơ đảng viên, tổ chức đảng ở cơ quan, đơn vị mới sẽ tiến hành các thủ tục tiếp nhận đảng viên về sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị mình. Có trường hợp đảng viên chưa kịp về cơ quan, đơn vị mới đã hy sinh…

Hiện, không biết theo quy định nào mà đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng từ nơi này đến nơi khác được mang cả giấy giới thiệu cùng với hồ sơ “gốc” của đảng viên. Vậy là đến cơ quan, đơn vị mới hoặc về địa phương nơi nghỉ hưu, nếu không muốn là đảng viên nữa hoặc “tự thấy không còn là đảng viên nữa”, họ không nộp giấy sinh hoạt và hồ sơ đảng viên là xong! Về nguyên tắc, tổ chức Đảng ở đơn vị, cơ quan mới không nhận được giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng thì dù biết chắc người này là đảng viên cũng không được công nhận là đảng viên. Còn tổ chức Đảng ở đơn vị, cơ quan cũ đã chuyển sinh hoạt Đảng cho đảng viên do mình quản lý thì hết trách nhiệm. Quản lý đảng viên như thế thì tình trạng “tự ra khỏi Đảng” sẽ ngày càng nhiều, bởi lẽ: Đảng viên đã nhiều năm công tác, nay được nghỉ hưu có tâm lý không muốn tham gia sinh hoạt Đảng; đảng viên chuyển từ cơ quan, tổ chức nhà nước ra ngoài kinh doanh cũng không muốn là đảng viên nữa, nhất là đối với những người làm việc cho các công ty, tổ chức nước ngoài! Việc “tự ra khỏi Đảng” bằng hình thức này không gây ồn ào, bởi họ không “mang tiếng” bị xóa tên hay khai trừ.

Không nộp giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng là hình thức tự ra khỏi Đảng “trong sạch” và dễ dàng nhất mà nhiều đảng viên đang áp dụng.

Đành rằng việc vào Đảng hay ra khỏi Đảng là quyền của mỗi người nhưng khi ra khỏi Đảng cũng nên đàng hoàng, minh bạch. Nếu khi vào Đảng, chi bộ làm lễ kết nạp với đầy đủ thủ tục thì thiết nghĩ, khi một đảng viên muốn ra khỏi Đảng vì lý do sức khỏe hay vì hoàn cảnh cũng nên tổ chức đàng hoàng để ghi nhận những năm cống hiến của đảng viên đó. Cạnh đó, công tác quản lý đảng viên trong trường hợp chuyển sinh hoạt Đảng cũng cần xem lại để tổ chức Đảng nắm được đảng viên khi chuyển sinh hoạt từ nơi này đến nơi khác, không nên để tình trạng đảng viên “tự ra khỏi Đảng” bằng cách không chuyển sinh hoạt Đảng như hiện nay.
Đ.V.Q.

Ghi chú của người đọc:

nguyenhong đã nói

24/06/2012 
Tôi là nhà giáo. Năm 1983 vào đảng CSVN. Khi ấy vào đảng rất khó, phải cố gắng làm việc, gương mẫu, ai vào được rất vinh dự. Tôi tự thấy luôn làm việc đúng lương tâm nhà giáo, hết lòng vì công việc, vì học sinh. Năm 1998 đi tự túc ra nước ngoài kiếm sống, xin nghỉ việc ở trường luôn. Năm 2004 về nước. Trưởng Khoa, cũng là chỗ bạn bè, khi tôi đến thăm, nói : anh đi nước ngoài, bỏ sinh hoạt đảng nên đảng ủy cắt sinh hoạt rồi. Thế thôi, tổ chức đảng không có một thông báo, hay giấy tờ gì khác gửi cho tôi. Thế là tôi ra đảng một cách nhẹ nhàng, im lặng, hầu như không ai hay biết. Tôi mừng vì điều đó. 
Không còn ở trong đảng nên tôi được chính là tôi. Là nhà giáo nên tôi vẫn "mô phạm" dù không còn giảng dạy. Tôi nói những gì tôi nghĩ, làm những gì mình cho là đúng. Tôi tham gia kí kiến nghị nào tôi đồng tình, đi biểu tình chống Trung Quốc gây hấn VN ngày 5/6/2011. Tôi viết blog nói những gì mình nghĩ...
Tôi vẫn được bạn bè tin yêu, láng giềng quý mến, con cháu yêu thương…Thiết nghĩ, thế là... hạnh phúc.

Lương tâm đã nói

24/06/2012 
Nói cho công bằng, trước đây vào đảng là có lý tưởng thật. Đó là dấn thân vì tổ quốc, cách mạng để được tự do, no ấm. Nay đảng không còn là tổ chức đại diện cho dân để giành tự do, no ấm nữa mà đảng chỉ là một nhóm lợi ích đang tranh thủ cướp bóc, hành dân. Vậy nên người ta bỏ đảng. Đơn giản vậy thôi. Bây giờ đảng chỉ tự huyễn hoặc mình thôi chứ người về hưu, doanh nghiệp bỏ đảng, nông thôn không phát triển thêm được đv, số còn lại già sắp chết, cuồng tín đảng vì bị bưng bít thông tin, ngu dân. Chi bộ cơ quan làm gì còn sinh hoạt đảng đúng nghĩa. Âu cũng là quy luật.

ngô nhi đã nói

24/06/2012 
Chuyện này quá bình thường.Ông Quế tin số đảng viên tự ra khỏi đảng bằng cách không nộp hồ sơ và giấy giới thiệu cho cơ sở mới không dưới hai con số, nhưng tôi thì tin không dưới 5 con số.Tôi biết chỉ riêng một chi bộ có hơn mười đảng viên mà đã có đến 3 người thực hiện cách này.Hiện nay chẳng cơ quan đảng nào tiến hành thống kê ,mà có thống kê cũng không thể nắm được con số chính xác số đảng viên tự ra khỏi đảng nhưng chắc chắn rằng số lượng đảng viên mới kết nạp ít hơn con số này rất nhiều. Lý do ư? Không còn tin ở đảng nữa. Mọi người đừng nghĩ xấu về số người tự ra khỏi đảng mà oan cho họ.

Hai Lúa đã nói

24/06/2012 
Sao chúng ta không thành lập một hội “CỰU ĐẢNG VIÊN” giống như cựu chiến binh vậy….tương lai là số thành viên sẽ đông lắm đó.
Lý tưởng thì đẹp lắm, nói thì hay lắm nhưng làm như cái…cục...phân. Toàn dân chụp mũ/nịnh bợ/dốt nát nhưng mưu mô qủy kế lên làm lãnh đạo. Nhiều lúc nhìn mặt họ, Lúa tui nghĩ chắc họ không còn biết nhục, biết liêm sỉ là gì. Nhiều người làm đơn ra khỏi Đảng mà không có xét đâu nghe. Mách nhỏ các bác là muốn ra khỏi Đảng cứ việc 3 tháng liên tục không sinh hoạt/không đóng đảng phí 3 tháng…..thế là xong.

Cha mẹ sinh ra mình, chỉ mong mình sống hạnh phúc. Tại sao mình phải gò mình trong một cái tổ chức mà nó làm mình đau khổ, bứt rứt, mâu thuẫn rồi thù ghét bản thân mình? Cuộc đời thật ngắn ngủi, hãy sống theo nguyện vọng và sống thật với chính mình, đó là hạnh phúc.

 ( theo ABS)

4 nhận xét:

Hoàng Lan Mộc Châu nói...

Tại Mỹ, có hai đảng lớn Dân Chủ và Cộng Hòa, ngoài hàng chục đảng nhỏ, trong đó có vài đảng Cộng Sản Mỹ.
http://www.politics1.com/parties.htm
Tôi không rõ lắm về thủ tục nhập đảng, thoái đảng của các đảng Cộng Sản Mỹ như thế nào, nhưng với hai đảng Cộng Hòa (CH) và Dân Chủ (DC) và một số đảng khác, thí dụ đảng Xanh, đảng Hiến Pháp.. thì việc vô đảng, ra đảng có lẽ còn dễ hơn khi bạn ra, vào một khu giải trí.
Vào một rạp hát chẳng hạn bạn phải trả tiền. Để thành đảng viên CH, thí dụ vậy, bạn chỉ cần xác nhận với chính bạn là bạn ủng hộ cương lãnh của CH, và nếu có thể được bạn tham gia với những người tự nguyện hoạt động cho đảng.
Thí dụ: Cứ 4 năm một lần có một cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Các đảng đều có những caucuses, nơi đó, những người có cùng một lập trường đến họp và bầu ra người đại biểu cho mình để tham dư chọn lựa ứng viên TT.
Chính quyền bang có trách nhiêm giúp đỡ tổ chức các buổi caucuses cho các đảng đã đăng ký ứng cử. Luật định các đảng phái đều bình đẳng. Các caucuses đều diễn ra cùng ngày, cùng giờ vào buổi tối sau giờ làm việc và trong các trường học
Nếu bạn thích lập trường của đảng CH hơn DC chẳng hạn, bạn đến điạ điểm của CH. Bạn đã trở thành người Cộng Hòa. Ngay trong cuộc họp hôm đó bạn có quyền tự ứng cử làm đại biều cho đảng và tham gia sửa đồi cương lãnh của đảng. Nếu trong các cuộc họp khác, bạn vẫn được tín nhiệm, bạn sẻ dần đi vào vòng bầu cử cao hơn của đảng đề trực tiếp bầu ra ứng viên TT của đảng mình.( Biết đâu bạn sẽ được chọn làm ứng viên TT nếu bạn được 35 tuổi và sinh ra ở Mỹ -với vài điều kiện nhỏ khác..)
Nếu sau đó, bạn thấy đường lối của DC phù hợp với bạn hơn, bạn có thể đến với DC. Chẳng ai dám chụp mũ bạn là phản đảng.
Trong quốc hội Mỹ, không thiếu trường hợp dân biểu thuộc đảng này bỏ phiếu ủng hộ luật được đưa ra QH của đảng kia và họ vẫn là người trung thành với đảng họ.
Bạn chẳng cần ai giới thiệu để thành đảng viên, chẳng cần một lời thề, chẳng có thẻ đảng, do đó bạn cũng chẳng có cơ hội vào đảng để kiếm chác, trừ phi bạn chọn chính trị là nghề của bạn.
Tham gia một đảng chính trị ở Mỹ là đồng ý với cương lãnh đảng và tự mình đảm nhận đầu tranh cho cương lĩnh, lập trường của đảng, cũng là của mình.
Thích thì dô, hổng thích thì ngồi ghế khác trở thành đối lập. Các bạn ở VN và nhất là các bạn đảng viên đảng CS có lẽ khá lạ tai với điều này.
Nhưng đó là tự do.

Nặc danh nói...

Lý do chính của các vấn đề hiện nay: tham nhũng, phát triển chậm ,không dùng người đúng tài sức....gây ra do 'độc đảng cai trị'.Như kẻ xưng hùng xưng bá trong một làng không ai dám nói gì được, nói thì bị đánh cho chết vì'' phản động , phá hoại, nói xấu đảng.'' Trong thể chế đa đảng, các đảng dối lập là đại diện cho số người dân không ung hộ dường lối dảng cầm quyên-vì thế mọi người dân vẫng dược dại diện- đó là một trong những giá trị của dân chủ. Các đảng đối lập nhau nên trông chừng nhau , thằng nào làm bậy, tham nhũng , vây cánh phe dảng ( hay phe cánh gia đình ) thì bị các đảng khác tố cho mà chết. Nước nào cung có kẻ xấu, kẻ tham nhưng hệ thống chính trị của các nước ấy giúp ngăn chận những diều xấu mà ta thấy đang hoành hành ở VN

Nặc danh nói...

Làm người tự do quá sướng, vào đảng giống như chui vào bẩy rập ngợp thở.

Nặc danh nói...

Làm người tự do quá sướng, vào đảng giống như chui vào bẩy rập ngợp thở.