Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

NƯỚC NGA CỦA PUTIN.

 


Nguyễn Đình Đăng:
Tôi đã từng học và nghiên cứu ở Nga (Liên Xô cũ) tổng cộng 11 năm, từ năm 18 tuổi tới năm 31 tuổi (1976-1989) (Hai năm 1985-1987 làm việc ở Việt Nam).
Tiếng Nga đối với tôi cũng trôi chảy gần như tiếng mẹ đẻ.
Khi còn ở Nga, các bạn Nga từng nói với tôi:
"Nếu chỉ nghe tiếng mày nói ngoài hành lang, không nhìn thấy mặt, thì bọn tao tưởng đó là người Nga nói”.
Nước Nga không chỉ mở cho tôi cánh cửa bước vào khoa học mà còn cả nghệ thuật.
Chính tại đây lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nghệ thuật lớn: nghệ thuật của các bậc thày cổ điển châu Âu, như Leonardo da Vinci, Botticelli, Titian, Rembrandt, trong nguyên bản, với âm nhạc của các nhà soạn nhạc vĩ đại, qua tiếng đàn của các bậc thày trứ danh biểu diễn sống, như Leonid Kogan, Danill Shafran, Shura Cherkasky, v.v...,
Với văn học và thi ca của Tolstoy, Turgheniev, Chekhov, Leskov, Dostoevsky, Pushkin, Lermontov, Esenin, Pasternak, Blok, Svetaeva, v.v... qua bản gốc tiếng Nga.
Tôi có nhiều bạn bè và đồng nghiệp là người Nga cũng như người Ukraine. Thày của tôi, cố GS Vadim Soloviev là người Nga. Phản biện luận án tiến sỹ năm 1985 của tôi, GS Anatoly Ignatyuk, là người Ukraine. Hai phản biện luận án tiến sỹ khoa học của tôi năm 1989, là GS A. Ignatyuk và GS. Grigory Yakovlevich Korenman, người Nga gốc Do Thái.

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

MẸ CHỒNG TÔI.

Ảnh minh họa
 

Bu ốm đã ba năm, hơn một năm tôi chưa về. Tôi mong trời sáng quá! Mong chuyến xe về với làng quê yên ả ven bờ sông Luộc hiền hòa. Nơi trong tiềm thức tôi, những bà, những chị mặc quần láng đen và môi đỏ vết trầu. Nơi có Bu tôi, người Mẹ quê thuần hậu.
Sáu tiếng trên xe, giấc ngủ nặng nề không đến.
Quê tôi bây giờ đẹp lắm. Nhà cao tầng và những con đường phẳng lì, tít tắp.
Trời nôn nao chuyển mùa bằng trận mưa nhỏ. Tôi nôn nao trở về với ăm ắp nhớ thương.
Tôi rón rén vào gần Bu, tôi cứ đăm đăm nhìn vào hình hài nhỏ thó trong chiếc chăn mỏng khe khẽ phập phồng lên xuống:
- Con cái May đấy như? Về mấy Bu rồi con cái Hến ai nom?
Nụ cười của Bu nhẹ như mây, ngọt như quả chín.
Đến lúc này thì tôi mặc kệ những giọt nước mắt bò ra bên má lạnh ngắt. Tôi muốn xin lỗi Bu, nhưng miệng như bị ai khâu chặt.
Dường như trong kí ức của Bu chỉ còn nguyên vẹn ngày tôi ra đi, ngày con Hến là cả thế giới của Bu, tôi thấy mình mắc tội lớn quá, tôi bỏ lại sau lưng những con đường rộng dài đông đúc, tấp nập người xe đua nhau lao vun vút.
Tôi đứng giữa nhà, thấy Bu đang lom khom lựa những hạt đỗ tương vàng ruộm, căng nhức, như cần mẫn xe những sợi gió mát rượi để vá đêm với ngày.
- May ơi! Ơi May!
Tiếng Bu gọi lấp đầy khoảng sân chang chang nắng. Bu gánh yêu thương từ chợ về, đổ đầy gian bếp nhỏ, bữa cơm có Thầy tôi, chồng tôi, có con Hến dính vào lòng Bu như con mèo nhỏ, thấy Bu nắm tay tôi đi dọc cánh đồng thông thốc gió, bàn chân có ngón cái xòe ra cong cong giẫm rạc những gốc rạ mùa vàng ươm trên nền ruộng li ti cỏ dại.
- Đây là cây cỏ đĩ.
Tôi bụm miệng cười, Bu tôi nghiêm sắc mặt:
Hẵng nguyên để Bu bẩu:
- Nó đứng im thì không sao, ấy vậy mà quệt qua nó là mùi cứ nhộn lên, in như giống đĩ vậy.

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

VÌ SAO CHỈ CÓ NGƯỜI UKRAINA MỚI DÁM ĐÁNH BẠI NGƯỜI NGA

 


Cả thế giới đều sợ Nga, nhiều cường quốc bị Nga khuất phục, nhưng Ukraine không sợ Nga, và chỉ có người Ukraine mới dám đánh bại người Nga.
Đó là luận điểm mà mình đã nung nấu từ 2014, sau khi Nga chiếm Crimea, trước sự bất lực của chính quyền Obama và sự hèn mạt khiếp nhược của Đức và Pháp. Nhưng bây giờ mình mới quyết định tuyên bố.
Thật vậy.
1) Cả thế giới đều sợ Nga.
Đối với thế giới, Nga là một cường quốc hạt nhân trong hiện tại và là 1 Đế Quốc hùng mạnh, gần như bất khả chiến bại trong lịch sử .
Nhờ truyền thống cướp đất, sáp nhập lãnh thổ không hồi kết trong lịch sử mà Nga có lãnh thổ rộng lớn 17 triệu Km² trải dài từ Âu sang Á như ngày nay.
Người Nga không chỉ cướp đất của những tộc người thưa thớt yếu ớt ở Sibiri mà còn cướp đất của mọi cường quốc hùng mạnh như Nguyên Mông, Ottoman, Trung Hoa trong quá khứ mà còn cướp đất của Đức, và Nhật bản trong hiện đại...sau khi Liên Xô sụp đổ Nga tiếp tục cướp đất của Moldova, Grugia và Crimea của Ukraina trước sự bất lực của LHQ.
Cho đến nay tất cả những cường quốc bị Nga cướp đất kể trên, hầu như không một quốc gia nào dám đòi lại lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng, sáp nhập; điển hình là TQ với khoảng 1 triệu Km² ở lưu vực sông Amur bị Nga chiếm trong thế kỷ 18 mà đến nay vẫn không dám đòi lại.
Tất cả chỉ vì sợ Nga, sợ chiến tranh với Nga.
2) Rất nhiều nước trên thế giới đã đầu hàng Nga; nhưng Ukraine là một trong những nước trên thế giới không sợ Nga, và Ukraine với truyền thống đánh bại phát xít Đức trong đại chiến thế giới lần thứ hai, mới đánh bại được người Nga.
Ngoài kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, Putin nắm trong tay hơn 1 triệu quân tinh nhuệ với kho vũ khí gần như vô tận do Liên Xô để lại gồm 1.600 máy bay chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và ném bom chiến lược; hàng chục ngàn xe tăng, xe bọc thép, hàng vạn lựu pháo và pháo phản lực hạng nặng, kho tên lửa đủ loại...với ý tưởng bay bổng của Putin sẽ làm cỏ quân đội UKRAINE và nuốt chửng Ukraine trong vòng 72 tiếng đồng hồ.

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

GIA TỘC TRƯƠNG MỸ LAN

 


- VẠN THỊNH PHÁT CHỈ LÀ MỘT MẮT XÍCH NHỎ TRONG “BAMBOO NETWORK” CỦA CÁC GIA TỘC GỐC HOA Ở ĐÔNG NAM Á (Phần I)
Dương Anh Vũ
Khu vực Đông Nam Á (ĐNA) có chưa đến 10% dân số là người gốc Hoa (Hoa kiều) – rơi vào khoảng 67,6 triệu người. Ngoại trừ Singapore có người gốc Hoa chiếm đa số (74,3% dân số), thì ở 10 quốc gia Đông Nam Á còn lại, người gốc Hoa đều chỉ là dân tộc thiểu số. Nhưng tôi tin rằng, bạn sẽ vô cùng bất ngờ nếu biết về tiềm lực và sức mạnh kinh tế của nhóm thiểu số Hoa kiều này…
Người gốc Hoa ở Đông Nam Á ước tính kiểm soát 2.000 tỷ USD tài sản lưu động, để biết được con số này lớn đến mức nào thì chúng ta hãy nhìn vào Tổng GDP của khu vực, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2023, tổng GDP của cả 11 quốc gia Đông Nam Á cộng lại chỉ có 3.317 tỷ USD. Chưa dừng lại ở đó, tuy người gốc Hoa chiếm chưa đến 10% dân số, nhưng họ lại kiểm soát 70% tài sản doanh nghiệp của ĐNA, và cứ 100 tỷ phú thì có 86 người có gốc gác là Hoa kiều. Họ còn kiểm soát 500 tập đoàn lớn nhất ở Đông Nam Á với tài sản lên tới 500 tỷ USD. 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ĐNA cũng thuộc sở hữu của Hoa kiều, kiểm soát 2/3 giao dịch bán lẻ và sở hữu 80% tổng số công ty niêm yết công khai theo vốn hoá trị thường chứng khoán trên toàn khu vực Đông Nam Á. Nói thẳng ra thì chưa đến 10% dân số, nhưng lại kiểm soát đến 70% tài sản, trong khi đó 90% dân số bản địa Đông Nam Á tranh nhau 30% còn lại. Vì thế nhiều người đã dùng câu nói “Thiểu số giàu có, đa số nghèo khó” để mô tả vấn đề này.

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

VÌ SAO CÓ ĐÔNG NGƯỜI VIỆT ỦNG HỘ PUTIN ?!



Tác giả: Thiếu tướng Công an Đặng Văn Dũng.
Trong số các nước có hoàn cảnh địa chính trị giống Ukraina thì VN là giống nhất: chỉ cần nghĩ đơn giản Trường Sa giống bán đảo Crum (Crimea), Lạng Sơn, Quảng Ninh giống Donetsk và Lugansk là thấy rõ. Trong hoàn cảnh địa chính trị tương tự, các nước như Finland(phần lan - tôi không muốn gọi bằng cách dịch của Tàu), ba nước Baltic, Azecbaizan, Hankok, Taiwan đều lên tiếng ủng hộ Ukraina kiên quyết nhất. Một nước theo đuôi TQ là Cambodia cũng lên án Russia (Nga) với lý do đơn giản là “có cùng một vị thế địa chính trị”. Nhà nước VN với những tính toán thực dụng của riêng mình (đúng sai còn cần bàn thêm) đã bỏ phiếu trắng. Ok, đây là cân nhắc của lãnh đạo hiện nay. Điều đáng bàn ở đây là báo chí, khá nhiều người việt có học và ít học lại ủng hộ điên cuồng Putin. Sao vậy ta ?!
Nhiều người giải thích:
- là do có nhiều người học ở LX về, coi LX là siêu tổ quốc, coi Putin là người kế thừa LX nên ủng hộ bất chấp đúng sai.
- Nhiều người nhớ ơn LX đã giúp vũ khí, mì hột trong thời chiến tranh VN nên vẫn ủng hộ Putin.

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2024

PHẠM QUỲNH (1892-1945)


 

PHẠM QUỲNH (1892-1945)

MTH- Năm 1992 ở Paris, tôi được đến dự buổi báo cáo luận án Tiến sĩ của bà Phạm Thị Viên, con gái học giả Phạm Quỳnh, về những đóng góp của ông với chữ quốc ngữ và trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Phạm Quỳnh rất giỏi sử dụng tiếng mẹ đẻ, giỏi chữ Hán và tiếng Pháp, là người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử diễn thuyết bằng tiếng Pháp trước Viện Hàn lâm Pháp Quốc khi ông mới 30 tuổi. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu.  Ông là tác giả câu nói nổi tiếng  "Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn". Ông cho rằng tiếng nói gắn liền với vận mệnh dân tộc, tổ quốc. Nhờ giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ trong suốt hơn nghìn năm Bắc thuộc mà dân tộc ta không bị Hán hoá và do đó không trở thành một dân tộc ít người của Trung Quốc. Ông viết: "Người Tàu cai trị ta hơn ngàn năm; văn hoá Tàu, ta đổi theo; phong tục Tàu, ta bắt chước; duy tiếng ta, ta nói; ta không nói tiếng Tàu."

...

Phạm Quỳnh sinh tại số 17 phố Hàng Trống, Hà Nội; quê quán ở làng Lương Ngọc, tỉnh Hải Dương, một làng khoa bảng, có truyền thống hiếu học. Mồ côi mẹ từ 9 tháng tuổi, mồ côi cha từ khi lên 9 tuổi, Phạm Quỳnh côi cút được bà nội nuôi ăn học.

Phạm Quỳnh học giỏi, có học bổng, đỗ đầu bằng Thành chung, Trường trung học Bảo hộ (tức Trường Bưởi, nay là Chu Văn An ). Năm 1908, Phạm Quỳnh làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội lúc vừa tuổi 16.

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2024

THÁNG TƯ

 


Một bài thơ cũ viết về tháng tư
THÁNG TƯ
Ta đi về lại con đường cũ
Dưới cầu con nước vẫn trôi xuôi
Bốn lăm năm vụt qua như mộng
Nhớ ngón tay ai bỗng ngậm ngùi
Tháng tư mặt đất như lò lửa
Tóc chẳng còn xanh mắt chớm mờ
Ký ức bềnh bồng đầy hơi thở
Cờ dựng hai hàng giết giấc mơ
Tháng tư còn đó vết dao đâm
Cha mẹ người thân lạnh chỗ nằm
Đã bốn lăm năm ngồi ngó lại
Cúi mặt buồn hiu lệ chảy thầm
Bốn lăm năm cây đời héo rũ
Suốt đường đi nhớ hoài chuyện cũ
Ngực miệt mài ủ mãi vết thương
Giữa chợ chiều thân không áo mũ

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024

SỰ TRÙNG HỢP LẠ LÙNG MÀ “CHUYỆN TÌNH BUỒN” MANG LẠI

 


✍️Lê Hồng Minh
Trước tiên xin được nói ngay: người thiếu nữ trong tấm hình đăng kèm bài này, đó chính là chị Nguyễn Thị Túy thời trẻ, nguyên mẫu của nhân vật “em” trong ca khúc “Chuyện tình buồn” (nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Phạm Văn Bình). Hình này do chị Túy gởi cho mình!
Mọi người đã quá biết “Chuyện tình buồn” là một trong những bản nhạc tình rất hay và cực kỳ lãng mạn của nền âm nhạc miền Nam Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh. Câu chuyện trong bài thơ hay bài hát đều kể về một thanh niên có gia đình theo đạo Phật, đem lòng yêu một cô gái rất đẹp theo đạo Công giáo. Hồi đó, những câu chuyện như thế này là không hề thiếu, và chắc chắn là luôn gặp phải trắc trở vì bị cả hai gia đình, thậm chí cả dòng họ ngăn cấm tới cùng!
Tôi được nghe ca khúc này lần đầu quãng những năm 1984 - 1985, khi vừa mới lớn. Từ đó đến cách đây 1 năm (năm 2023), vì nhiều lý do, có lúc tôi quên khuấy khúc ca mà mình đã từng thích ấy, hoặc cũng “5 thì 10 họa” mới có dịp nghe lai bản nhạc này. Nhưng thật kỳ lạ, chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây thôi, đã có quá nhiều điều, nếu nói là tình cờ ngẫu nhiên cũng được, mà nói là nhân duyên cũng đúng, đã đến với tôi, xoay quanh “Chuyện tình buồn”.

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

SỨC MẠNH CỦA QUÂN ĐỘI PHẦN LAN VÀ HỆ LỤY TỪ CUỘC CHIẾN NGA-UKRAINE DO PUTIN PHÁT ĐỘNG TẠI UKRAINE

 


Phần Lan một nước nhỏ, dân số ít lại là láng giềng của nước lớn nhất thế giới là Nga nên họ duy trì một nền quốc phòng luôn sẵn sàng để bảo vệ đất nước. Tuy quy mô của Lực lượng Phòng vệ Phần Lan khá khiêm tốn với 12.000 quân tại ngũ trong tổng số 5,5 triệu dân. Nhưng nước này lại có khoảng 280.000 quân dự bị có khả năng chiến đấu trong thời chiến.
Mặc dù con số này không đáng kể so với đội quân Nga được huy động đầy đủ có thể lên tới 2 triệu người, nhưng nó lại lớn hơn nhiều so với một quốc gia tương đương. Ví dụ, Na Uy, một thành viên của NATO, có dân số tương đương với Phần Lan nhưng chỉ có tổng cộng khoảng 63.000 quân, đã bao gồm cả quân dự bị. Thay vì tập trung vào các cuộc xung đột ở nước ngoài, quân đội Phần Lan trong nhiều thập kỷ đã được huấn luyện kỹ lưỡng để làm chủ lãnh thổ của mình, bao gồm cả ở Bắc Cực, với mục đích cụ thể là đẩy lùi một cuộc tấn công lớn tiềm tàng của Nga.
Quân nhân dự bị thuộc các đơn vị khu vực và địa phương ở Phần Lan vẫn tham gia với quân đội, năng lực của họ thậm chí còn được nhận xét là vượt so với xa quá trình huấn luyện ban đầu. Trong đó, nhiều người thuộc đơn vị quân dự bị cũng luôn có sự cảnh giác quân sự cao. Phần Lan được đánh giá là một trong những quốc gia có trang bị quân sự mạnh nhất châu Âu, với khoảng 1.500 hệ thống, phần lớn là trang thiết bị hiện đại.
Quốc gia Bắc Âu này còn có một lực lượng không quân hùng mạnh với tổng số gần 160 máy bay và có thể giám sát chi tiết trên không do gần không phận Nga.

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2024

THỜI CỦA TÔI THẾ ĐẤY

 


Nhạc sĩ Trần Tiến.
"Gái mê người có chữ bởi họ đi đâu cũng được trọng vọng".
Tự nhiên, nhớ anh Sơn ! (Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) ...
Cuối đời ảnh cô đơn lắm, chỉ có nhận quyết định về hưu thôi mà buồn cả năm trời. Bảnh mắt ra đã gọi mình uống rượu, buồn như gã thủy thủ cuối chân trời.
Kẻ hay chữ, một ngày không đọc sách. Cái mặt trông đần đần, ngu ngu. Kẻ hay làm, một ngày không có việc. Cái người trông bần thần, muốn bệnh. Chả thế vớ được người hay chữ như anh Hoàng Thiệu Khang, mới ở Bắc vào, anh Sơn vui lắm. Uống rượu, luận triết, nói cười rổn rảng suốt ngày trên cái vườn treo ở nhà ...
Nhớ một buổi chiều, ba anh em đang khề khà, bỗng có một em Nhật gõ cửa, xin được hỏi Anh về triết phương Đông. Em lại can tội xinh nữa. Thế là chàng bỏ hai anh em tôi, líu ríu với người đẹp cả tiếng. Chờ lâu quá, thông cảm với ông anh chưa vợ, tôi ra chào, xin phép về. Đi qua nàng, tự nhiên tôi hát :
"Âm dương nằm ngang, ngũ hành nằm dọc
Em chưa biết đọc, em nằm nghiêng ..."
- Hay, hay !. “Toa” mới bịa à, tiếp đi, tiếp đi !

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

THẾ HỆ TÔI, MỘT THẾ HỆ CÚI ĐẦU

 


Thơ: Gia Hiền
Thế hệ tôi, một thế hệ cúi đầu
Cúi đầu trước tiền tài, cúi đầu sau mông người khác
Cúi đầu trước chính mình, cúi đầu bạc nhược
Chỉ ngầng đầu ...
... vì ...
... đôi lúc ...
... phải cạo râu !
Thế hệ tôi, cơm áo gạo tiền níu thân sát đất
Cuộc sống bon chen
Tay trần níu chặt
Bàn chân trần không dám bước hiên ngang.
Thế hệ tôi, nhận quá nhiều những di sản hoang mang
Đâu là tự do, đâu là lý tưởng ?
Đâu là vì mình, và đâu là vì nước
Những câu hỏi vĩ mô cứ luẩn quẩn loanh quanh ...
Thế hệ tôi, ngày và đêm đảo lộn tanh bành
Đốt ngày vào đêm, và đốt đêm không ánh sáng
Nếu cho chúng tôi một nghìn ngày khác
Cũng chẳng để làm gì, có khác nhau đâu ?
Thế hệ tôi, tự ái đâu đâu

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

PHẠM DUY - NGHÌN TRÙNG XA CÁCH NGƯỜI CUỐI CHÂN TRỜI

 


Thuở còn đi học, không biết các bạn thì sao, riêng tôi, khi nào trong vở chép bài của tôi cũng có vài chiếc lá thuộc bài, vài chiếc lá bồ đề chỉ còn xương và những cánh phượng đỏ được tỉ mỉ xếp thành hình con bướm.
Lớn hơn, biết đàn biết hát, tôi đặc biệt thích ca khúc Nghìn Trùng Xa Cách của Phạm Duy, được viết năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám, chỉ vì trong đó có câu, vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ.
khiến tôi nhớ đến những kỷ niệm thời thơ bé. Cái thời được xem là đẹp nhất của một đời người.
**
Người ta kể nhiều về mối tình của Phạm Duy, hay nói một cách khác, người ta nói nhiều về nguyên nhân, lý do để Phạm Duy viết nên ca khúc này. Nhiều đến mức, vào google, đánh bốn từ Nghìn Trùng Xa Cách, là hàng loạt các bài viết giống hệt nhau, như copy từ một bản gốc rồi thêm thắt đôi dòng và hóa thành một bài viết được ký bởi những cái tên khác nhau.
Tôi thì không thích soi vào những riêng tư này. Phạm Duy viết hồi ký kể lại cuộc đời ổng, kể lại những chuyện tình của ổng, đó là chuyện khác, hồi ký thuộc về văn chương. Còn đây, tôi đang nghe những ca khúc để đời của ông ấy. Những ca khúc mà, khi ca sĩ cất lời lên, người nghe có cảm tưởng như, đó là chuyện tình của chính mình, đó là niềm vui nỗi buồn của chính mình, chớ không phải của nhạc sĩ hay ca sĩ nào.
Ca khúc cũng giống như hết thảy các loại hình nghệ thuật khác, thi ca, văn chương, hội họa, phim ảnh, sân khấu; tác phẩm chỉ hay, chỉ thành công khi làm cho người nghe, người đọc, người xem, người thưởng thức, có cảm giác như, họ mới là nhân vật chính trong tác phẩm ấy.
******
NGHÌN TRÙNG XA CÁCH
1.
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

ỦNG HỘ ‘‘TẤN CÔNG KHỦNG BỐ DÂN NGA’’ : CHIẾC BẪY của PUTIN ?

 


‘‘Vụ nhà hát Crocus’’ và ‘‘Thời kỳ Hậu 22/03/2024’’ -  


Ngày 22/03/2024, cuộc xâm lăng Ukraina của Nga bước sang một khúc quanh mới với hai biến cố diễn ra cùng lúc : Ít giờ sau khi điện Kremlin lần đầu tiên thừa nhận Nga đang trong tình trạng ‘‘chiến tranh’’ (‘‘chiến tranh’’ vốn là cụm từ huý kỵ từ hơn hai năm nay, mà những ai nhắc đến thường bị chế độ Putin trừng phạt), tại một nhà hát gần thủ đô nước Nga, đã diễn ra cuộc thảm sát khiến hơn 130 người chết.


Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã ngay lập tức đứng ra nhận trách nhiệm. 4 nghi phạm bị bắt được an ninh Nga cho biết là người gốc Trung Á. Nhiều nước phương Tây đã ngay lập tức chia buồn với người dân Nga. Hoa Kỳ đã báo động với Nga từ nhiều tuần nay về nguy cơ khủng bố tại nước này. Nước Pháp hôm nay nâng cấp ‘‘báo động cao nhất’’. Tổng thống Pháp cho biết sẵn sàng hợp tác với an ninh Nga để đối phó với đe doạ khủng bố Daech, vốn cũng rình rập nước Pháp từ nhiều tháng nay.

Tuy nhiên, tại Nga có một không khí rất khác. Điện Kremlin đã không hề nhắc đến tổ chức thánh chiến Hồi giáo Daech, mà cố tình hướng mối nghi ngờ về liên hệ giữa các nghi phạm vụ khủng bố bị bắt với Ukraina. Điều lo ngại của nhiều chuyên gia, nhà chính trị châu Âu là chế độ Putin có thể sử dụng vụ khủng bố đẫm máu nhất từ 20 năm nay tại Nga để biện minh cho các biện pháp tàn khốc hơn nữa trong cuộc chiến tranh chống Ukraina, vẫn đang diễn ra từ hơn hai năm nay, bất chấp các lên án của cộng đồng quốc tế.

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

CHUYỆN TÌNH CỦA CHÚ NĂM

 


✍️Ý Ngôn
Chú Năm bước đến hàng bán cá mua hai con cá rô phi, nhờ người bán làm sạch và chiên dòn.
một người đàn bà cũng đang đứng chờ chiên cá như chú, chị nói:
– Bữa nay thứ Tư họ thay dầu mới, cá chiên nóng về ăn với nước mắm tỏi ớt ngon lắm.
Chú Năm mỉm cười không nói gì, chú đâu biết pha nước mắm tỏi ớt, hồi trước lúc vợ chú còn sống chuyện bếp núc một tay bà lo.
Vợ chú chết hai năm nay, chú không biết nấu ăn lại không thích vô bếp, cứ ra tiệm mua thức ăn người ta làm sẵn mang về, ở thành phố này thì có rất nhiều tiệm bán thức ăn Việt, rất tiện.
Chú có hai đứa con, một trai một gái. Đứa con gái lớn vừa lấy chồng, theo chồng sống ở tiểu bang khác. Thằng con trai mới học xong mùa hè vừa rồi, xin được chỗ làm lương cũng khá, nhưng hơi cực, ngày làm mười tiếng lâu lâu phải đi công tác xa cả tuần mới về. Hai cha con chú ăn uống cũng dễ, nhà có gì ăn đó, nếu không thì luộc mì gói cũng xong.
Thằng con chú đi làm bận bịu cả ngày, nó thường ăn ở ngoài, thỉnh thoảng mua đồ ăn đem về cho chú.
Từ ngày bà xã thình lình bỏ chú ra đi, chú cảm thấy căn nhà sao mà trống vắng buồn tênh. Chú tìm việc gì làm cho khuây khỏa, chú ra sau vườn nhổ cỏ trồng rau, nếu không thì thả bộ lang thang mấy khu mua bán của người Việt, nghe người ta nói tiếng Việt lao xao cũng thấy đỡ buồn.

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2024

VŨ THƯ HIÊN viết về H Ữ U L O A N

 


Hình tại Nga Sơn . Thanh Hóa.
Nhà văn Vũ Thư Hiên thăm nhà văn thơ Nguyễn Hữu Loan

H Ữ U L O A N
Vũ Thư Hiên
Tôi coi mình là người may mắn. Trong đời, tôi đã gặp được, tuy không nhiều, những người mà tôi ngưỡng mộ. Người nào cũng để lại trong tôi kỷ niệm. Gặp Hữu Loan là một may mắn bất ngờ.
Bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan gắn chết trong trí nhớ của tôi. Và của rất nhiều người cùng thế hệ. Chắc chắn thế.
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

PHẠM DUY - NGƯỜI ĐI CHƯA HẾT HƯƠNG SẦU LỮ THỨ

 


Theo hồi ký của Phạm Duy, vào năm một ngàn chín trăm bốn mươi bảy, ông là nhạc sĩ và ca sĩ trong đoàn văn nghệ của Việt Minh, đi biểu diễn khắp các tỉnh miền Bắc.
Đến Lào Cai, ông gặp Văn Cao. Khi ấy, Văn Cao đang mở một phòng trà có tên là Quán Biên Thùy. Văn Cao thuyết phục Phạm Duy hát cho phòng trà của mình. Phạm Duy nhận lời và ở lại. Tại đây, ông sáng tác bài Bên Cầu Biên Giới, một trong những nhạc phẩm được xem là xuất sắc nhứt của Phạm Duy trong thời kỳ kháng chiến.
Năm một ngàn chín trăm năm mươi, Phạm Duy chia tay với Văn Cao và quay trở lại đoàn văn nghệ của Việt Minh, thì Bên Cầu Biên Giới bị đem ra phân tích, mổ xẻ, chỉ trích: nhạc phẩm chứa tính chủ quan, tính lãng mạn, tính tiểu tư sản, không thể chấp nhận được. Nguyễn Xuân Khoát cũng đến khuyên nhủ ông, hãy từ bỏ đầu óc lãng mạn thành thị và xóa sổ ca khúc này đi, nếu ông còn muốn ở lại để sáng tác nhưng Phạm Duy không chấp nhận.
Với lý do, ca khúc Bên Cầu Biên Giới đầy chất ủy mị, sầu não, chán chường, sẽ làm nản lòng kháng chiến quân, một lệnh cấm sau đó được ban hành. Khi ấy, Phạm Duy vừa mới cưới Thái Hằng và vợ ông sắp sinh con đầu lòng. Ông quyết định rời chiến khu và vào Nam.
Phạm Duy tâm sự: Một bài hát, theo tôi, nếu nó có may mắn được hát lên trong một thời kỳ nào đó, thì đời của nó, cũng chẳng khác chi một đời hoa, sớm nở tối tàn, có gì đâu mà quan trọng hóa đến độ phải treo cổ nó lên?

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2024

CHIẾN TRANH


 

Ngày này, 15-3, của 45 năm trước, tôi nhập ngũ. Hôm 5-3-2024, ngồi uống rượu ở nhà bác sĩ Nguyễn Thái Long [tác giả cuốn sách nói về cuộc chiến của các anh, E 567, trong ngày 17-2-1979, Tiếng Vọng Đèo Khau Chỉa], giật mình nhớ, 5-3-1979 là ngày Chủ tịch Nước phát lệnh Tổng động viên; giật mình nhận ra, trong 7 người đàn ông có mặt hôm ấy có đến 6 người từng là lính.

Người còn lại, PGS Văn Giá Ngô, khi ấy đang có 4 người anh ở trong quân ngũ nên xã cho ở nhà học lên đại học.

Tôi không biết con số thương vong của người Việt trên Biên giới phía Bắc trong cuộc chiến giằng co 10 năm, 1979-1989, là bao nhiêu. Ở chiến trường Campuchia, có không ít hơn 60 nghìn liệt sĩ và hơn 200 nghìn thương binh. Phạm Xuân Minh, em trai của một người ngồi chung bàn hôm ấy, Nguyen Pham Xuan, cũng hy sinh ở Campuchia khi vừa tròn 20 tuổi.

MÙA HOA GẠO

 


(Tháng Ba nhớ mùa hoa gạo)
Sau mùa bão năm ấy, tôi trở về quê. Tháng ba, lúa đương thì con gái, xanh mướt một màu, trải dài đến tận chân đê. Chưa đến mùa mưa mà nước sông Đáy đã dềnh lên, cuộn chảy như rút ruột phù sa từ nơi thượng nguồn. Mặt trời thấp dần về phía tây, những tia nắng cuối ngày hắt ngược dãy núi Hình cánh diều lên cao in vào nền trời. Lúc này, cửa cống chính Qũy Nhất bắt đầu mở. Từ trên cao nhìn xuống, nước đổ vào những nhánh sông nhỏ, như nét chì vẽ ôm lấy xóm làng, với những cánh đồng mờ xa.

Chiến tranh, dường như làng cũng vắng người. Tôi liêu xiêu đi trong gió, cùng cái rét cuối mùa trên con đường tĩnh lặng. Tới nhà, cổng vẫn mở, nhưng chị Hậu đã đi đâu đó. Để balo, sách vở vào chiếc ổ rơm ở góc nhà, tôi chạy ra đình làng. Nơi hoa gạo chín rụng đỏ sân. Thấy tôi, chị Hậu dừng tay, ngẩng lên cười rất vui hỏi, không biết em về lúc nào, nên chị đã để cửa, không khóa. Mà sao biết chị ở đây? Không trả lời ngay, song tôi hỏi lại chị, nhặt hoa gạo để làm gì. Vuốt nhẹ cánh hoa gạo trên tay, chị bảo, làm thuốc. Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn cúi xuống nhặt cùng chị… Và lúc sau, hoa đã đầy chiếc nón lá chị mang theo.

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2024

RFI - Điểm tin 13/03


 

Ukraina : Cuộc chiến trên không với Nga bắt đầu ngang sức
( Thụy My )
Le Monde ngày 12/03/2024 nhận định « Tại Ukraina, cuộc chiến trên không bắt đầu ngang ngửa ». Tuy chỉ bằng 1/10 so với Nga, nhưng lực lượng không quân Ukraina đã giáng được vào Matxcơva những đòn nặng nề dù chưa có được chiến đấu cơ F-16. Phi cơ Nga bị bắn rơi như sung trong những tuần lễ gần đây, tổng cộng từ đầu cuộc chiến không quân Nga đã mất đến 105 chiếc.
▪️Phá vỡ sự thống trị của Nga trên không phận
Trong khi bộ binh đang gặp khó khăn ở Donbass, hải quân Ukraina hầu như không có gì nhưng đã gây ngạc nhiên khi tiêu diệt được 20 % hạm đội Nga ở Hắc Hải. Còn không quân Ukraina vốn ít được chuẩn bị và lực lượng vô cùng chênh lệch vào đầu cuộc xâm lăng, nay lại làm cho không quân Nga thiệt hại nặng, ngay cả trước khi các chiến đấu cơ F-16 của Mỹ được chuyển đến.
Từ đầu năm nay, hai phi cơ giám sát A-50, tai mắt của không quân Nga, và một phi cơ chỉ huy Il-22 đã bị phòng không Ukraina bắn hạ. Các hệ thống này được âm thầm đưa đến gần tiền tuyến, gây bất ngờ cho Nga. Tiếp đến, khoảng mười mấy phi cơ tiêm kích Su-34 và ít nhất một chiếc Su-35 cũng bị diệt gọn. Tổng cộng không quân Nga đã mất đến 105 phi cơ, theo trang web chuyên ngành Oryx lấy từ các nguồn mở, và chỉ tính đến các thiệt hại được chứng minh bằng video, hình ảnh.

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

TỪ "KẺ ÁM SÁT CÁNH ĐỒNG" ĐẾN "CHUYỆN LÀNG NHÔ", MỘT SỰ LƯU MANH TỘT CÙNG CỦA NHỮNG KẺ BỒI BÚT VĂN NÔ

 



Hôm lễ Phục Sinh vừa rồi, tôi may mắn được ngồi cùng mâm với một gã đến từ Balan. Rượu vào lời ra, đang bá vai bá cổ, thân mật, đến lúc hỏi thăm quê quán, đột nhiên hắn ôm mặt khóc hu hu, làm mọi người phải dừng đũa. Lúc sau, có lẽ hết cơn xúc động, hắn hỏi lại tôi: Ông đã xem phim Chuyện Làng Nhô chưa? Tôi lắc đầu: Nhưng phim đó thì liên quan gì đến quê hương, bản quán của ông. Hắn nhếch mép, với tiếng cười méo mó: Có đấy, cái làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam quê tôi chính là Làng Nhô. Nhưng bản chất sự việc, con người hoàn toàn khác trong phim. Cái khốn nạn là ở chỗ đó. Làng ông được lên phim là tốt chứ sao lại khốn nạn, tôi ngoặc lại hắn như vậy. Hắn cao giọng: Tốt, tốt cái con khỉ ấy. Ông chuồn ra khỏi nước đã từ lâu, không xem, không chứng kiến, làm sao biết được, bao nhiêu người dân lương thiện phải chết, và ngồi tù oan, còn đám cường hào ác bá vẫn sống phè phỡn ở đó. Tôi ngớ cả người, và tính tò mò trỗi dậy, nên xuống giọng ngay: Nghĩa là như thế nào, ông có thể nói rõ hơn được không? Hắn thủ thỉ: Tuy đỉnh điểm sự việc xảy ra năm 1992, nhưng nguyên nhân từ nhiều năm trước đó…

Ông Trịnh Văn Khải xuất thân từ gia đình được đảng, chế độ tin yêu, và là người thông minh, học giỏi, nên được du học ở Nga Xô. Về nước, ông làm giảng viên chính của trường Đại học Hàng hải Hải Phòng. Khi hưu trí, ông trở về quê và tham gia làm công việc địa chính của xã Đồng Hóa. Từ đó, ông phát hiện ra chính quyền xã, huyện giấu dân, giấu cấp trên đấu thầu, chiếm đoạt đất đai chia nhau đã nhiều năm. Ông cùng người dân đấu tranh, yêu cầu chính quyền là rõ sự trộm cắp, tham nhũng đó. Vì vậy, ông cũng như dân làng bị trả thù một cách dã man, đê tiện của đám quan tham. Để có kinh phí lên trung ương kiện cáo, ông cùng dân làng lập ra đội tự quản 447, bán vé, thu tiền chợ. Tuy nhiên, những lời kêu cứu, sự chờ đợi ấy của dân làng vẫn không có lời hồi đáp. Trước sự trả thù ngày càng điên cuồng không chỉ bằng lực lượng công an, mà còn cả bọn côn đồ của chính quyền, buộc ông Khải và người dân làng Lạc Nhuế lập lũy chống trả, một cách sinh tử. Sự trả thù một cách đê hèn lên đến đỉnh điểm, khi bọn quan tham thuê hai tên côn đồ lẻn vào làng định giết ông Trịnh Văn Khải bằng thuốc độc. Nhưng chưa kịp hành động cả hai đã bị bắt. Dân làng căm phẫn và hành quyết hai tên côn đồ tại chỗ, trước sự can ngăn của ông Khải. Và đó cũng chính là cái cớ để chính quyền quan tham huy động hàng trăm cảnh sát cơ động tinh nhuệ nhất tấn công vào làng. Ông Trịnh Văn Khải và hàng chục người dân bị bắt đi. Sau đó, ông Khải bị tử hình, và hai người dân bị đánh chết trong tù. Rồi đến con trai ông Khải cũng bị bọn quan tham thuê côn đồ giết, bằng cách gây tai nạn giao thông.