Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

CÓ MỘT HÀ NỘI LẶNG LẼ NGÀY THÁNG CŨ

 


Bài: Thùy Dương Trần

Ảnh: st


Mấy hôm nay phải di chuyển nhiều, đường xa, đi xe máy thấy nhọc, nên đặt Grabbike cho tiết kiệm mà đỡ mệt.

Đón mình là một phụ nữ trạc ngoài 40, khẩu trang che kín mặt, chỉ có đôi mắt đẹp dễ thấy.

Mình ngồi sau xe vừa ái ngại vừa không yên tâm vì đường tắc, chị xe ôm người bé nhỏ. Mình bảo:

- Để chị chỉ đường tắt cho em, với cả đi cẩn thận em nhé !

Chả lẽ chị đèo em, vì em bé nhỏ mà chị thì to, chị ngồi sau để em lái cứ thấy không phải thế nào ấy !

- Chị yên tâm, Hà Nội ngõ ngách nào em cũng thuộc hết, gia đình em ở Hà Nội phố cổ mấy đời rồi. Em gầy bé, mà lái xe ôm 10 đến 12 tiếng một ngày. Nên chị khỏi lo.

Em là lái xe ôm hạng Bạch Kim rồi. Đàn ông thua em đấy chị.

Mình yên lòng ôm eo em. Xe máy tay lái lụa, mát ga đi qua những con ngõ lam lũ ngoằn ngoèo tối tăm để tránh tắc đường. Vòng eo bé, lưng áo xanh đẫm mồ hôi, mình tò mò nên hỏi chuyện, thì được nghe tâm sự suốt đường đi:

- Chồng em mất vì ung thư 5 năm rồi. Của cải dồn chữa bệnh cho nhà em, mà anh ấy không qua khỏi. Người mất mà tiền hết, chị ơi !

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

BỒ ĐOÀN ĐỎ (Truyện ngắn)

 


Mươi hôm trước, thầy Hanh Tran, giảng viên Việt ngữ của đại học Berkeley gửi cho tôi link một truyện ngắn in trên tạp chí Văn nghệ quân đội, và hỏi: có em gái song sinh à? Tôi tò mò đọc, rồi nhắn lại cho thầy Hạnh biểu tượng cái mặt vừa cười vừa khóc.
Sau khi vài ba người lên tiếng trên FB truyện ngắn này giống Bóng Đè, chôm ý tưởng của Bóng Đè, tác giả An Thư đã thanh minh rằng chưa đọc hết Bóng Đè, và nếu có bắt chước ai, thì tuyệt nhiên người đó không phải là ĐHD.
Tôi đưa truyện ngắn ấy lên đây, để mọi người cùng đọc và đánh giá.
Xin các anh chị khách quan, công tâm. Trong chuyện này, dù thế nào hay không phải thế nào, Bóng Đè vẫn ở đấy, tôi chả bị làm sao. Tôi in tút này, vì bạn đọc. - Đỗ Hoàng Diệu.
*
BỒ ĐOÀN ĐỎ
An Thư
Truyện ngắn
*
Lần đầu tiên Lam về nhà Thành, đã thấy ngôi mộ cổ nằm đó, giữa khu vườn vắng lặng, xung quanh toàn cây ngọc lan xanh um tùm...
Ngôi mộ lớn, được xây bằng đá, trông bề thế như một cái lăng, bên trên có ngọn tháp nhỏ khắc nổi hình rồng ngậm châu.

Khi dẫn Lam ra mộ, Thành khẽ bảo: “Ai mà thắp hương trên ngôi mộ này, thì người đó đã thành người nhà họ Hoàng rồi đấy nhé”. Lam khẽ giật mình. Quả vậy, cô yêu Thành đã ba năm, trò chuyện với bố mẹ Thành rất nhiều lần qua điện thoại, nhưng phải đến bây giờ, Thành mới chịu dẫn cô về chính thức ra mắt. Lời Thành nói phả trong khói nhang u tịch, phảng phất cùng mùi lá ngọc lan thơm dịu bất chợt khiến Lam thấy lành lạnh trong người.

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Thấy gì qua chuyến thăm Việt Nam của tân thủ tướng Nhật Suga Yoshihide?

 


Thấy gì qua chuyến thăm Việt Nam của tân thủ tướng Nhật Suga Yoshihide?
Ông Suga vừa kết thúc chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên trên cương vị Thủ tướng ở Việt Nam để bay tiếp đến Indonesia. Có thể nói đây là một chuyến thăm được tổ chức khá im lìm, không bún chả phố cổ, không trà đá vỉa hè, không chạy bộ công viên và không trú mưa mái hiên. Chị em phụ nữ chả có cớ gì mà rụng trứng cả. Là nói các bạn gái trẻ thôi.
Chứ trung niên như tớ thì cũng có ối suy tư.
Này nhá: tại sao ông ấy không chọn Washington, Bắc Kinh, hay chí ít là thằng hàng xóm nhiều vấn đề trong lịch sử nhưng giằng giéo nhiều lợi ích là Seoul để chào hỏi, mà lại là hai quốc gia Đông Nam Á rừng thiêng nước độc (một đằng Đông Lào, một đằng Nam Lào nhể, hic)? Việt Nam và Indonesia thực sự thu hút ông ấy vì lý do gì? Chuyến thăm này có ảnh hưởng tới cảm xúc của anh Trump hay anh Tập không? Nếu có, nó ảnh hưởng thế nào?

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

HUYỀN THOẠI "TTKh " và BÀI THƠ "HAI SẮC HOA TI GÔN"



Trong những bài thơ tác giả ẩn danh hoặc ký tên nhưng không biết rõ người ấy là ai, Hai sắc hoa ty gôn và TTKh là một huyền thoại lãng mạn đã gây mối trắc ẩn cho nhiều thế hệ yêu thơ.

 

Câu chuyện bắt đầu cách đây 70 năm, ngày 27/9/1937 trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, số 174 xuất bản tại Hà Nội, có đăng truyện ngắn Hoa ty gôn của Thanh Châu, nội dung kể lại mối tình tan vỡ của đôi trai gái ngày trước đã hò hẹn dưới giàn hoa ty gôn. Ít lâu sau, có người đàn bà trẻ, dáng dấp bé nhỏ, nét mắt u buồn, mang đến tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bẩy một phong bì dán kín, gửi cho ông chủ bút, trong có bài thơ Hai sắc hoa ty gôn, ký tên TTKh. Bài thơ Hai sắc hoa ty gôn được đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bẩy số 179, ra ngày 30/10/1937, và sau đó còn ba bài nữa cũng ký tên TTKh được gửi bằng đường bưu điện đến tòa soạn :  

 

- Bài thơ thứ nhất, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy số 182 (20/11/1937),

 

- Đan áo cho chồng, đăng trên Phụ Nữ Thời Đàm,

 

- Bài thơ cuối cùng, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, số 217 (23/7/1938).

  

Bài thơ thứ nhất xuất hiện sau Hai sắc hoa ty gôn gần một tháng, và Bài thơ cuối cùng đăng tám tháng sau.

 

Ngay khi Hai sắc hoa ty gôn ra đời, giới văn nghệ sĩ đã xôn xao, thi sĩ J. Leiba, người cùng tâm sự với TTKh và là tác giả hai câu thơ nổi tiếng "Người đẹp vẫn thường hay chết yểu. Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai", chép lại nguyên văn bài Hai sắc hoa ty gôn trên Ngọ Báo với lời mở đầu:

 

Anh chép bài thơ tự trái tim

 

Của người thiếu phụ lỡ làng duyên

 

Lời thơ tuyệt vọng ca đau khổ

 

Yên ủi anh và để tặng em.

 

Nguyễn Bính sau khi đọc Bài thơ thứ nhất đã viết bài Dòng dư lệ để tặng TTKh, in lại trong tập Lỡ bước sang ngang và Thâm Tâm có ba bài Màu máu ti gôn, Dang dởGửi TTKh, và nhiều thế hệ sau còn có những bài thơ khác sụt sùi thương cảm cho số phận TTKh. Vậy TTKh là ai ?

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

TẬP TỄNH LÀM NGƯỜI


 

Vợ gã bỏ gã theo người khác, để lại cho gã một gia tài rách bươm xơ mướp. Gã buộc phải làm anh gà trống vụng về chăn dắt đàn con dại !
Nỗi sầu tình, sầu đời gọt gã héo cả người. Cảnh khốn cùng phủ chụp xuống đời gã ngắc ngứ, thừa sức công phá gã hóa rồ. Ngày lại ngày - gã đạp xe thồ khi cuối chợ, đầu ga; khi lang thang chở gió rã rượi cả hai chân. Ít ai dám lên xe một gã mặt mày khổ não, râu tóc hoang dại.
Đêm nay, như mọi đêm - gã dựng xe dưới mái hiên ga chờ chuyến tàu khuya. Dáng người gã cùng bộ áo công nhân cũ mèm, hòa trong vũng nhờ nhờ của ngọn đèn điện sân ga, nom như khối giẻ cũ biết nhúc nhích.
Tiếng còi tàu ré lên tha thiết như mũi âm thanh xuyên bóng đêm yên tĩnh rồi oà ra the thé âm u.
Gã lật đật đứng dậy, phóc lên xe, đạp vội ra ghi Nam, chực khách. Ở đó, có năm sáu đồng nghiệp gã đứng chờ.
Theo quy ước dân xe “ai đến trước có quyền giành trước”, gã chỉ dám chú ý đến thiếu phụ bồng con lủi thủi đi ra. Chị ăn mặc nhếch nhác nghèo khổ. Đám xe thồ không ai muốn giành chị vì vẻ cơ hàn hiện rõ trong dáng luộm thuộm kia.
Chị lách qua đám người lộn xộn rồi lầm lũi đi…
Chị đi đâu với đứa con nhỏ trong đêm khuya?
Lòng gã dấy lên mối thương cảm, định bụng chở giúp chị một cuốc xe:
- Chị ơi chị, đi xe thồ không, tôi không lấy…
Thiếu phụ sùm sụp chiếc nón lá vẻ không nghe.

ĐỐN HẠ 200HA RỪNG KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN PHONG ĐIỀN ĐỂ LÀM 3 THỦY ĐIỆN RÀO TRĂNG 3, RÀO TRĂNG 4 VÀ ALIN

 


Ba nhà máy thủy điện nằm trong vùng lõi, 1 nhà máy ở khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn Phong Điền. Việc làm thủy điện đã khiến 200 ha rừng đặc dụng bị mất, ảnh hưởng không chỉ đến bảo tồn, đa dạng sinh học và còn tác động tiêu cực đến địa mạo, địa chất nơi đây.
-----
Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Điền ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế được thành lập năm 2002, rộng trên 41.500 ha với 43 tiểu khu. Việc thành lập nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, quần thể của các loài động thực vật quý hiếm, các loài đang bị đe dọa, các loài đặc hữu của vùng núi thấp miền Trung; duy trì giá trị sinh thái và chức năng phòng hộ đầu nguồn của khu vực đối với các con sông lớn Mỹ Chánh, Ô Lâu, sông Bồ.
Khu BTTN Phong Điền được công nhận là một trong những nơi cư trú cuối cùng của gà lôi lam màu trắng, là vùng bên trong của Vùng chim đặc hữu (EBA) vùng địa hình núi thấp Trung Bộ. Tại đây còn có 6 trong số 9 loài có vùng phân bố hạn chế trong EBA này, đáng chú ý là gà so Trung Bộ (Arborophila merlini), khướu đuôi ngắn (Jabouilleia danjoui).

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

32 năm ngày mất của nhà thơ Quang Dũng (13/10/1988).

 


32 năm ngày mất của nhà thơ Quang Dũng (13/10/1988).
Ông là tác giả của một số bài thơ nổi tiếng như Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ... Quang Dũng còn là một họa sĩ, nhạc sĩ. Ông thuộc thế hệ nhà thơ miền Bắc trưởng thành và nổi danh sau Cách mạng tháng Tám.
Tên thật Bùi Đình Diệm, sinh 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội).
Trước CMT8, ông học trường Thăng Long. Sau tốt nghiệp, ông dạy học tư ở Sơn Tây.
Ông gia nhập Quân đội Việt Nam sau ngày cách mạng thành công, làm phóng viên tiền phương báo Chiến đấu.
Năm 1947, ông học Trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau khoá học, ông làm Đại đội trưởng tiểu đoàn 212, Trung đoàn 52 Tây Tiến. Ông tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai, mở đường qua Tây Bắc.
Ông làm bài thơ Tây Tiến năm 1948 khi dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III tại làng Phù Lưu Chanh (Hà Đông).
Bài thơ "Tây Tiến" của ông được nhiều người yêu thích, được xuất bản và phổ biến rộng rãi và được nhiều người yêu thích ngay cả ở miền nam thời đó.

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

CÁ NHÂN HAY THỂ CHẾ?

 

thành viên của chính phủ Phần Lan

Tại sao chúng ta cứ loay hoay, hì hục nhổ từng cái đinh có tên “cơ chế” do chính chúng ta đóng vào thể chế, và mỗi lần đau đớn, khó khăn để nhổ được, chúng ta lại tự huyễn mình là sáng tạo, đổi mới, năng động ... . Đã đến lúc nhắc nhau “Đổi mới hay là chết” bởi đất nước chỉ cỏ thể phát triển bền vững khi được vận hành bẳng một thể chế tiến bộ theo đúng những giá trị phổ quát mà thế giới đúc kết hàng trăm năm nay.

Mời mọi người đọc bài viết của nhà văn Tạ Duy Anh có nói về chủ đề này.

***
CÁ NHÂN HAY THỂ CHẾ?
Không ai phủ nhận vai trò của cá nhân trong việc tạo ra những thay đổi, trong mọi lĩnh vực. Ngay cả với một nền pháp trị được thiết kế ưu việt như Hoa Kỳ, mỗi tổng thống vẫn có thể “đi vào lịch sử” không chỉ với tư cách lãnh đạo của một siêu cường, mà còn với tư cách kiến tạo hoặc hủy hoại. Nhưng ngoại lệ luôn chỉ là ngoại lệ. Về cơ bản thì ở những quốc gia hạng nhất hành tinh, thể chế luôn là cái nền tảng vững chắc cho sự phát triển, đảm bảo tự do cá nhân nhưng vẫn đạt được ổn định xã hội. Thể chế là mảnh đất để mọi tài năng đều có thể, có cơ hội thể hiện hết biên độ và thành tựu của bất cứ cá nhân nào cũng mặc nhiên là thành tựu của đất nước.

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Sự nhầm lẫn đáng tiếc


Trên địa chỉ phây búc của một người tử tế, kiến thức sâu rộng, vừa có cái tút (status) về thực chất của nền kinh tế Việt Nam cộng hòa, kinh tế miền Nam trước ngày 30.4.1975. Phải công nhận tác giả đã chịu khó mày mò, lục tìm, trích dẫn những tư liệu để khẳng định rằng sự phát triển, giàu có, no đủ của miền Nam trong những năm chiến tranh chỉ là thứ phồn vinh giả tạo, dựa hơi Mỹ, được Mỹ viện trợ, bơm hơi cho. Nó (Mỹ) mà cắt một cái, chết ngay tức tưởi. Nó nuôi chiến tranh chứ nuôi gì dân chúng… Nói tóm lại, quan điểm của tác giả không khác gì quan điểm của bên thắng cuộc, tức là miền Nam rên xiết trong bộ máy kìm kẹp của Mỹ “ngụy”, nếu đời sống có được thế này thế kia chẳng qua cũng chỉ là phồn vinh giả tạo, kiếp đời bơ thừa sữa cặn. Cắt viện trợ là chết. Cả quan lẫn dân chả làm được thứ gì ra trò, chỉ ăn chơi thì giỏi. Đại loại vậy.
Tôi không dám vào đó ý kiến ý cò bởi thấy những người đồng tình hăng lắm, chả khác chi đám đông sau khi nhà lãnh đạo hô “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã rùng rùng giương rừng cánh tay “Quyết tâm, quyết tâm, quyết tâm”, mình mà xớ rớ, tan xác chẳng chơi. Nhất là đang kỷ niệm tháng 4 rực lửa.

MỢ TÔI

 

ảnh minh họa

Mãn tang vợ được vài năm. Nhìn đàn con thơ dại. Đứa lớn đút đứa nhỏ. Nước mắt nước mũi chảy tèm lem. 6 đứa suốt ngày loi nhoi lúc nhúc như bầy "heo con". Cậu chịu không nổi !
Một sáng đầu hè. Cậu dắt về một người phụ nữ gốc Bắc. Nghe nói lúc đi buôn ở cửa khẩu Lạng Sơn, kết mô-đen bà này, Cậu ỡm ờ dò ý. Ai dè sáng hôm sau Cậu dắt về Bến Tre thiệt. Quá trời người cản, nói nhẹ nhẹ có, chửi thẳng vào mặt Cậu cũng có :
- bộ xứ dừa này hết đàn bà cho thằng tư mày chọn rồi à ?
- rồi biết, người ta có uống "nước phèn" chung với mình đặng hôn ??
- đàn bà gì mà gò má nhô cao đụng nóc, số sát phu ...
- ... 536jhvbxd@,"/*6=
Bỏ ngoài tai tất cả. Cậu chỉ nói :
- tui thương con gái người ta, tui mới lấy ...
Rồi cũng chính vì 1 tiếng THƯƠNG đó mà bà ta gắn bó với Cậu đến chết cũng không chia lìa ...
Bánh đúc có xương.
Không hiểu sao, Cậu Mợ quyết định không đẻ thêm đứa con chung nào nữa. Cả thảy tình thương ... 2 vợ chồng dành hết cho 6 đứa này. Mà kể cũng lạ, Mợ, bả thương tụi nhỏ càng lúc càng nhiều hơn ổng. Vậy mới ghê !

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

KHI MỘT TÀI NĂNG LỚN, MỘT TUỔI TRẺ ANH HÙNG BỊ THA HÓA - HAY LÀ BI KỊCH NGUYỄN ĐÌNH THI

 


Trần Mạnh Hảo
Mùa thu năm 1988, chúng tôi đang học tại học viện Goocky, khóa tại chức 4 tháng tại Matxcơva thì hay tin ông Nguyễn Đình Thi, tổng thư ký hội nhà văn Việt Nam từ năm 1958 đến thăm và nói chuyện.
Anh chị em rất hồi hộp chờ đợi thần tượng văn học này từ lâu, nay được mãn nhãn. Tin một nhà văn, một nhà thơ, một nhà nghiên cứu triết học, một nhà viết kịch xuất sắc, một nhạc sĩ thiên tài chỉ với hai bản nhạc là ông Nguyễn Đình Thi đến nói chuyện được sứ quán thông báo cho mấy chục anh chị em đang làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ văn học tại Liên Xô cùng đến khoa viết văn trường Goocky tham dự.

Phải nói ông Nguyễn Đình Thi với vẻ đẹp trai hiếm có, với tài hùng biện sắc sảo, với giọng nói ấm áp, dịu dàng, mê hoặc chúng tôi ngay từ phút đầu. Nhưng khônghiểu sao hôm nay ông lại giở giọng tuyên huấn khuyên bảo chúng tôi rằng, các bạn trẻ thân mến, các bạn sang đây học nhưng phải biết chắc lọc, chọn lọc, đừng nghe những giáo sư giảng thiên về đổi mới triệt để kiểu Gocbachốp mà làm phương hại đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mà đảng ta đang dựng xây.

Nghe chối tai, Trần Mạnh Hảo tôi bèn xin phát biểu ý kiến rằng : thưa nhà văn hóa lớn, các cụ cho chúng tôi sang học tập Liên Xô, sao lại còn sang tận nơi dặn chúng tôi không được nghe lời họ, vậy thì học làm gì ạ…
Ông Nguyễn Đình Thi nổi cáu, đe dọa tôi rằng, anh Hảo và các anh đây đều là đảng viên của đảng, không được nói vô tổ chức như vậy !

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

THỜI ĐẠI CHÚNG TÔI



Một bài thơ nói hộ cho một thế hệ người Việt Nam đã sống không nề gian khổ hy sinh, tâm huyết và trong sáng, tất cả vì cái chung, vì sự nghiệp độc lập, hoà bình, thống nhất đất nước.
Cảm động sao những vần thơ
Đọc xong bỗng thấy bất ngờ ướt mi!

Xin phép tác giả được đăng bài thơ này lên để mọi người có thể tham khảo, cùng suy ngẫm.

***

THỜI ĐẠI CHÚNG TÔI
Tác giả:  Phạm Minh Tâm

Có một thời như riêng của chúng tôi
Tổ quốc lâm nguy nước nhà vận hạn
Một thế hệ trai hùng gái đảm
Lớn lên bằng lòng dũng cảm đức hi sinh

Ấy là thời giặc giã chiến chinh
Những cuộc ra đi như đi vào huyền thoại
Những cuộc ra đi nhiều người không trở lại
Những cuộc chia li không hẹn ngày về.

Không có bùa hộ mệnh chở che
Triệu vọng phu thêm mỏi mòn chờ đợi
Con nhận mặt cha sau bàn thờ hương khói
Những tượng đài cao vòi vọi giữa trời.