"Lịch sử là quan toà công minh chính trực, lịch sử thật vô tư, không bao che, không thiên vị, lịch sử đã, đang và sẽ xét đúng công, luận đúng tội của những ai đã ít nhiều góp phần làm nên nó."
Tác giả: Lê công Sự.
Có một số nhân vật lịch sử người
đương thời không thể nhận diện đúng, mà cần có một độ lùi thời gian; nghĩa là
phải chờ đến sự phán xét của các thế hệ sau. Phạm Quỳnh là một trong những người
có số phận như vậy. Bài viết của chúng tôi nêu lên một số sự kiện quan trọng
trong cuộc đời và những đóng góp của ông cho nền văn hoá Việt Nam, qua đó cung
cấp một số tư liệu để chúng ta nhìn nhận một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện
hơn về nhân vật lịch sử vốn gây nhiều tranh luận, nhiều cách đánh giá trái
chiều nhau trong hơn nửa thế kỷ qua.
1. Phạm Quỳnh với những bước
thăng trầm của lịch sử Việt Nam
nửa đầu thế kỷ XX.
Phạm Quỳnh sinh ngày 17 tháng 12
năm 1892 tại nhà số 1, phố Hàng Trống, Hà Nội, quê gốc ở làng Hoa Đường (1), xã
Lương Ngọc, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương - một làng có truyền thống hiếu học,
khoa bảng. Thân phụ là Phạm Hữu Điền, theo nghiệp thi cử và đỗ tú tài, kết
duyên cùng bà Vũ Thị Đoan. Sinh được Phạm Quỳnh chín tháng thì bà Đoan mất. Khi
Quỳnh lên chín tuổi, ông Điền cũng qua đời nốt, bé Quỳnh phải sống nhờ vào bà
nội.
Thuở nhỏ, cậu bé Quỳnh thân hình
yếu ớt, sài đẹn, lên đậu mùa, mặt rỗ hoa (xem 11). Lớn lên, cậu theo học ở
trường Tiểu học Pháp - Việt ở phố Hàng Đào, sau được nhận vào trường Thông Ngôn
(Ecole des Interpretes)2. Tại đây cậu bé Quỳnh có cơ hội tiếp nhận nền văn hoá
Pháp. Năm 1908, Phạm Quỳnh tốt nghiệp trường này với danh hiệu thủ khoa. Sau
đó, được nhận vào làm thủ thư và thông ngôn ở trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole
Francaise d’Extrême Orient) - tại đây, chàng thanh niên ham học có điều kiện
đọc nhiều sách và học thêm chữ Hán. Đi làm được một năm sau (1909) thì Phạm
Quỳnh lấy một thôn nữ tên là Lê Thị Vân (1892- 1953) - người thôn Nhân Thục,
làng Thọ Vực tổng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh. Cô Vân không biết
chữ, thay vào đó có trí nhớ tuyệt vời, thuộc khá nhiều câu ca, bài hát dân
gian, truyện nôm - chính điều này đã tạo nguồn cảm hứng sáng tạo và cung cấp
nguồn tư liệu đồi dào, phong phú cho Phạm Quỳnh viết các bài khảo luận về văn
hoá dân gian Việt Nam mà điển hình là Tục ngữ ca dao và Truỵên Kiều (1, 124 -
216) được công chúng thời đó nhiệt liệt hoan nghênh.