Trường ĐHNN (ĐHHN, HANU) được thành lập năm 1959, lúc ấy là Trường Chuyên tu. Tôi về trường năm 1965, và đến 1966 thì thành lập ĐHNN.
Để cung cấp hành trang cho hoạt động đại học, ông Hiệu trưởng Phạm Đức Hóa và BGH quyết định mở một đợt học chuyên đề ngôn ngữ học và giáo dục học cho anh em trẻ chúng tôi. Bây giờ tôi không nhớ được chính xác thời gian của đợt học này.
Sáu mươi năm qua, cái đợt học này không thấy ai nhắc tới, nhưng với tôi nó là một chân trời. Tôi biết đến Charles Bally, nhà phong cách học trứ danh người Pháp, biết Noam Chomsky người Mỹ, người đề cập đến cấu trúc sâu, người đã từng, ngay trong chiến tranh chống Mỹ, sang thăm Việt Nam, biết đến Roman Jakobson người Nga, đi đầu trong ngôn ngữ học cấu trúc, biết đến Lê Văn Lý Phranxicô Xaviê, người đi tiên phong trong ngôn ngữ cấu trúc-chức năng tiếng Việt hiện đại...
Tôi vẫn nhớ các thày đến dạy. Có thày Đái Xuân Ninh mà chúng tôi hay đọc chệch đi là Đới Xuân Ninh, có các thày Hoàng Tuệ, Hoàng Phê, Nguyễn Kim Thản… Thày Nguyễn Tài Cẩn hay đi đường cổng sau từ Đại học Tổng hợp sang trường ta và hay ngồi hút thuốc lào ở đầu cổng.
Tôi nhớ, chuyện ngôn ngữ của thày Cẩn cứ như chuyện vui. Thày kể, thày dạy tiểu từ “ơi” ở Ba Lan. Thày giảng: “ơi” là tiểu từ dùng để gọi người từ xa tới. Thí dụ “Cô lái đò ơi!”. Mấy hôm sau một cô sinh viên bảo: “Thày sai rồi.” Trong tiểu thuyết có hai anh chị ngồi sát nhau trong công viên, mà anh bảo “Em ơi!”. Lại mấy hôm sau một cô bảo là thày sai rồi. Một chú bé bảo một ông già: “Ông ơi, nhặt cho cháu cái bút!” Ông gắt: “Cháu phải gọi là “Thưa ông!” Ông có bằng vai phải lứa với cháu đâu”. Vậy là “ơi” phải đảm bảo cả tính “khinh trọng” nữa.
Đã sáu mươi năm qua, bây giờ các thày ở những chân trời nào, và chữ nghĩa của các thày đã tan hòa vào những tâm hồn nào rồi?
Đó là kỷ niệm về trường, bây giờ là kỷ niệm về thơ của tôi.