N.H.A: “Có một con đường mòn trên Biển Đông” thì thế nào thưa ông? Tôi thấy đây vẫn là tác phẩm anh hùng ca, nhưng câu chuyện phần nào đã khác, đi vào số phận đời thường hơn.
Nguyên Ngọc: Khi viết “Có một con đường mòn trên Biển Đông” tôi cũng đã nhận biết những điều khác, nhưng biết và viết là rất khác nhau. Ví dụ khi tôi nghe về chuyện vợ ông Ba Thắng cắn răng chịu oan suốt 10 năm chờ chồng, hay chuyện chị Sáu Thùy bất chấp tất cả tính chuyện băng băng đi bộ từ Cà Mau ra tít miền Bắc mịt mù giữa chiến tranh để tìm người yêu, tôi đã biết phải tập trung viết về những chuyện như thế của con người, chứ không phải những chiến công lừng lẫy nữa, chuyện đã khác, nhưng giọng thì chưa. Đã biết chọn những chi tiết khác, nói chuyện khác, nhưng còn chưa vượt được ra ngoài giọng sử thi.
Sử thi thì độc thoại, độc đoán, bởi nó là tuyên bố của cộng đồng, ở sử thi nhà văn thay mặt cộng đồng tuyên bố chân lý của cộng đồng. Sử thi không chấp nhận đối thoại, không cho ai nói khác. “Đường chúng ta đi” là văn học sử thi, nó dõng dạc và độc đoán, tác giả thay mặt dân tộc mà nói, nghiêm trang tuyên bố chân lý độc tôn của dân tộc. Bakhtin gọi đây là khoảng cách sử thi, trong sử thi có một khoảng cách xa lạ không thể vượt qua giữa người viết với đối tượng mà mình ca ngợi và với cả người đọc.
Chỉ đến tiểu thuyết, theo nghĩa hiện đại của khái niệm tiểu thuyết, mới có đối thoại. Chính vì vậy so với sử thi, tiểu thuyết dân chủ hơn nhiều. Trong tiểu thuyết người viết bỗ bã với nhân vật của mình, và bỗ bã với người đọc. Bỗ bã cả với chính mình nữa. Hãy xem nguyễn Huy Thiệp đấy. Các truyện ngắn của Thiệp rất đậm chất tiểu thuyết. Nói cho đúng, trong văn học ta, cho đến “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh mới thật sự có tiểu thuyết. Nếu ở sử thi là tư duy “hoặc là, hoặc là”, thì sang tiểu thuyết sẽ là tư duy “vừa là, vừa là”. Đọc kỹ “Nỗi buồn chiến tranh” mà xem, hầu như câu nào ở đó cũng là tự đối thoại, tự cãi nhau. “Nỗi buồn được sống sót”, “tương lai tôi đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi, trong những cánh rừng nguyên thủy của chiến tranh”, v.v. Trong tiểu thuyết, không có chân lý tuyệt đối, mọi sự ở đó đều là tương đối. Milan Kundera nói: từ đây, “thế giới là một mớ chân lý tương đối mà những con người chia lấy cho nhau”.