Xếp hàng một cách kiên nhẫn và trật tự để hy vọng mua được chút ít thực phẩm
là một đức tính đáng quý. ( Bản quyền của Alamy Stock)
(Tiếp theo)
Một số người đọc bài trước của tôi tỏ ý khâm phục một mô hình “XHCN Cuba”.
CNXH nào cũng phải chấp nhận nguyên tắc cơ bản mà Marx và Engels, những người sáng lập ra nó đã đề ra. Đó là xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất (nhà máy, hầm mỏ, ruộng đất v.v.), từ đó sinh ra sự điều tiết sản xuất tập trung và cuối cùng là sự phân phối công bằng của cải làm ra cho mọi thành viên trong xã hội (xã hội =society, tính từ = social và học thuyết là Socialism).
Theo khái niệm này thì việc gắn mác XHCN cho các nhà nước phúc lợi Bắc Âu là sai. Ở đó kinh tế tư nhân là chính. Nhà nước tư bản chỉ thu thuế và làm tốt việc chia lợi tức cho dân (vế sau của CNXH).
Ngược lại, Bắc Triều Tiên cũng không phải là nước XHCN. Ở đó tuy không một sợi lông nào của kinh tế tư nhân mọc được (vế đầu của CNXH) nhưng của cải chỉ chia cho triều đình dòng họ Kim, dân chết đói.
Về sau ông “Lenin ở nước Nga” đưa thêm vế “Nhà nước chuyên chính vô sản” vào học thuyết đó để xây dựng thành CNXH hiện thực (Real Socialism), nhằm phân biệt với CHXH không tưởng (Utopian Socialism) của các ông Saint-Simon và Fourrier [1], vốn không công nhận vai trò nhà nước.